Xuất bản thông tin

null Năm 2021: Nông nghiệp Đồng Tháp quyết tâm tăng trưởng 3,7%, chuyển đổi số

Trang chủ Nông nghiệp

Năm 2021: Nông nghiệp Đồng Tháp quyết tâm tăng trưởng 3,7%, chuyển đổi số

Năm 2020, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả nổi bật; đồng thời kiên trì với định hướng không chia tách sản xuất nông nghiệp thành khu vực riêng lẻ, độc lập mà xem nông nghiệp là ngành cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, động lực cho phát triển du lịch và dần hình thành chuỗi liên kết ngành hàng nông sản.

Năm qua, giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp tỉnh ta hơn 19.150 tỷ đồng (tăng gần 460 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,45% so năm 2019), tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế của địa phương. Để thông tin cụ thể về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành kinh tế chủ lực này, Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phóng viên: Đầu năm mới 2021, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã đề ra những giải pháp gì để thực hiện đạt chỉ tiêu tăng trưởng 3,7%?

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Nguyễn Phước Thiện: Với mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng thế mạnh gắn phát triển bền vững, góp phần đưa giá trị tăng thêm toàn ngành năm 2021 đạt 19.860 tỷ đồng (tăng 3,7% so với ước thực hiện năm 2020), ngành nông nghiệp Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp: Phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, công nghệ thông minh, truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị; chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang đối tượng cho giá trị kinh tế cao.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo hướng an toàn, theo tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường: Tập trung triển khai nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, GlocalGAP), sản xuất hữu cơ; từng bước nâng cao nhận thức người sản xuất.

Thúc đẩy hoạt động phối hợp Viện, Trường trong nghiên cứu và chuyển giao cộng nghệ mới: Nâng cao công tác cải tạo giống, nghiên cứu chọn lọc cây đầu dòng; lai tạo, chọn giống mới, hướng tới nguồn giống chất lượng cao, đồng thời bảo tồn các giống truyền thống.

Thực hiện tốt công tác thông tin thị trường, dự tính, dự báo: Nâng cao năng lực Tổ Thông tin và phân tích thị trường nông sản, kịp thời cập nhật thông tin đến người sản xuất.

Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo cho nông dân về quy trình, công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao; đào tạo kinh tế nông nghiệp cho công chức, viên chức ngành nông nghiệp.

Nhân rộng mô hình hội quán, phát triển chương trình khởi nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, thông qua khai thác du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử.

Ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến xây dựng dữ liệu ngành nông nghiệp.

Cuối cùng, quan trọng hơn hết là xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ và đồng hành mô hình hội quán.

Phóng viên: Trong xây dựng nông thôn mới, làm thế nào nâng chất các xã đã đạt chuẩn cũng như tạo cho người dân động lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu? Những xã, huyện nào tiếp theo sẽ về đích nông thôn mới năm 2021?

Ông Nguyễn Phước Thiện: Ước cả năm 2020 có 98/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đó chính là thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm duy trì và không ngừng nâng chất các tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, một trong những trở ngại khi tiến lên xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu là tiêu chí thu nhập của người dân nông thôn (60 triệu đồng/người/năm) và duy trì tốt các chỉ tiêu mềm như: Y tế, nước sạch, giáo dục và đào tạo, môi trường, an ninh trật tự xã hội. Do vậy, để tiếp tục nâng chất các xã đã đạt chuẩn cũng như tạo động lực mới cho người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thì cần phải:

Tập trung phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn trên nền tảng thế mạnh, tiềm lực sẵn có của địa phương thông qua tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình khởi nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm và giải quyết việc làm;

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới theo phương châm “đúng nội dung, đúng đối tượng” và phương thức “người dân vận động người dân”; phát huy hoạt động các tổ chức cộng đồng hiện có như: Hội quán, Tổ nhân dân tự quản;

Phát huy tinh thần tích cực tham gia của người dân vào công tác bảo quản, duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng theo phương châm “tự quản, cùng sử dụng”;

Tham mưu ban hành kế hoạch đánh giá mức độ duy trì các tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn và nghiên cứu đề xuất bổ sung tiêu chí phụ trong thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như: Tiêu chí “dòng sông không rác”, “có thành lập Hội quán” v.v..

Theo kế hoạch đăng ký của các địa phương, hiện có 04 xã (Tân Phước - huyện Tân Hồng, An Phong và Tân Thạnh - huyệnThanh Bình, Phú Ninh - huyện Tam Nông) và 02 huyện (Châu Thành, Cao Lãnh) sẽ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021.

Phóng viên: Chuyển đổi số trong nông nghiệp là vấn đề mới của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Việc tiếp cận chuyển đổi số đối với ngành nông nghiệp hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Phước Thiện: Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tiếp cận kinh tế số đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn thay đổi và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp cũng như nhiều mô hình kinh tế giá trị cao có thể kể đến như:

Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: Bước đầu sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (Drone); mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 và cơ giới hóa toàn diện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười); ứng dụng công nghệ GIS phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng chống.

Lĩnh vực chăn nuôi: Ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi; ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ.

Lĩnh vực thủy sản: Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra cải thiện di truyền có gắn (chip) theo dõi, đến nay đã chuyển giao 21.610 con cá bố mẹ cho 13 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực thủy lợi và lâm nghiệp: Hạ tầng thủy lợi đã được số hóa để quản lý và giám sát, xây dựng và lắp đặt 16 trạm cảnh báo sớm giông sét trên địa bàn các huyện, thành phố; ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc: Các mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”, tạo gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng sở hữu được sản phẩm mình yêu thích, giúp gia tăng giá trị; Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) đã thực hiện mô hình ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc xoài; ứng dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử trong quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Những kết quả bước đầu của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp là đáng trân trọng, song chưa nhiều, việc thích ứng với kinh tế số để vận dụng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay vẫn còn là thách thức. Do vậy, để tăng cường việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các giải pháp:

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế;

Ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số;

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm;

Tiếp tục nhân rộng trên toàn tỉnh mô hình “Cánh đồng thông minh” ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 và cơ giới hóa toàn diện do Công ty Rynan Smart Fertilizers (tỉnh Trà Vinh) thực hiện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười);

Nghiên cứu thực hiện ý tưởng “mỗi nông dân là một thương nhân”, thiết lập “nhật ký điện tử” trong chuỗi liên kết nông sản để phục vụ truy xuất nguồn gốc, bước đầu cần áp dụng tại các hợp tác xã kiểu mới của tỉnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh
nguyetcttdongthap@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>