Xuất bản thông tin

null Hành trình xây dựng thương hiệu “Đất Sen hồng”

Hành trình xây dựng thương hiệu “Đất Sen hồng”

Chỉ trong vài năm, sen đã hiện diện khắp các nơi trong tỉnh. Đó là thành quả khi Đồng Tháp thực hiện Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn hoa sen làm hình ảnh nhận diện thương hiệu “Đất Sen hồng”.

Sen không chỉ trên những cánh đồng mà sen đã lên phố, từ khuôn viên trường học, doanh nghiệp, công sở, nhà ở của người dân, các biển hiệu v.v. đều có hoa sen. Hàng chục sản phẩm đặc trưng từ sen cũng ra đời và còn có cả “biệt danh” của vị nguyên Bí thư Tỉnh uỷ là Sáu Sen.

Hoa sen được trồng trên khắp các tuyến đường của tỉnh Đồng Tháp.
Đây là tuyến đường 30/4, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh

“Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”

Năm 2017, Đồng Tháp bắt đầu thực hiện Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương, với thương hiệu “Đất Sen hồng”. Vì sao chọn hoa sen làm biểu tượng? Mấu chốt đầu tiên là từ lâu địa phương này đã nổi tiếng với câu thơ đi vào lòng người của nhà thơ Bảo Định Giang: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ” (nguyên gốc). Đồng Tháp cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng sen rất lớn, với hơn 1.000 ha.

Sâu xa hơn nữa của việc chọn hoa sen làm biểu tượng địa phương chính là sự ẩn chứa về phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp không khuất phục trước gian khó. “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng/Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ những nét đẹp đó nên Đất Sen hồng chọn cho mình khẩu hiệu (slogan) “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”. Đây còn là slogan trong phát triển du lịch tỉnh nhà. Tại trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh dòng chữ “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” vươn cao đầy kiêu hãnh.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên thiết lập được bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu “Đất Sen hồng” ngày càng được các phương tiện truyền thông cả nước nhắc đến. Hệ thống nhận diện dễ dàng bắt gặp ở các biển chỉ dẫn trên các tuyến đường, cổng chào, trong trang trí, khánh tiết các sự kiện, lễ hội; thiết kế các loại danh thiếp, bìa hồ sơ v.v. đều có hình logo thương hiệu. Đặc biệt, hình ảnh mang tính biểu tượng về “Bé Sen” khoẻ khoắn, thân thiện, năng động hiện diện ở công sở, trường học, không gian công cộng và đi vào từng cuộc hội thoại hằng ngày của người dùng ứng dụng trò chuyện Zalo.

Bé sen đã trở thành biểu tượng đẹp, vui tươi của Đất Sen hồng

Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thành công của Đồng Tháp trong xây dựng thương hiệu địa phương đó là người dân luôn tự hào vì mình là công dân “Đất Sen hồng” - “Tôi người Đồng Tháp”. Nếu ai đó may mắn vì được đặt chân đến Đồng Tháp, được làm việc với lãnh đạo và bà con nơi đây sẽ dễ dàng cảm nhận hồn sen qua từng nếp nghĩ, hành động của từng con người nơi đây; tất cả điều đó đã tạo nên thương hiệu đất sen hồng mà không nơi nào có được - Tiến sĩ Trang chia sẻ.

Là người con của quê hương Đất Sen hồng, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp  cho rằng, “Giờ đây mỗi người dân Đồng Tháp đã dẹp bỏ tự ti của vùng đất “khuất nẻo” để vươn lên tự tin và tự hào: “Tôi, người Đồng Tháp - Đất Sen hồng”, đồng thời mong muốn ngọn lửa sẽ tiếp tục được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) nuôi dưỡng, dẫn dắt để thắp lên khát vọng: Ngàn năm sau, hoa sen vẫn nở”.

Niềm tự hào ấy còn lan tỏa trong phát triển du lịch của tỉnh nhà, với triết lý “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi lích kinh tế mà còn là tránh nhiệm và niềm tự hào quê hương, xứ sở” ngày càng được khẳng định, lan tỏa, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng du khách và người quan tâm.

Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những năm gần đây tiềm năng du lịch hoa sen bắt đầu được quan tâm khai thác. Trên địa bàn tỉnh đã có 09 điểm du lịch nông nghiệp “hoa sen”. Vùng trồng sen của nông dân được mở rộng, không còn chỉ ở Tháp Mười mà đã lan tỏa ra các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, từ Tân Hồng về đến Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò.

Du lịch văn hóa sen ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bước đầu đã thu hút khoảng 200.000 lượt khách/năm đến tham quan trực tiếp trên những cánh đồng sen và thưởng thức những món ăn nguyên liệu chế biến từ sen.

Sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp làm từ sen đã phát huy giá trị tài nguyên bản địa,
 trở thành sản vật địa phương

Sản phẩm đặc sản, hàng quà tặng nguyên liệu từ sen phát triển phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế hứa hẹn trở thành những ngành hàng phát triển mạnh như: Tranh lá sen, thư pháp lá sen, hoa sen ướp tươi, lụa tơ sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà sen thượng hạng v.v..

Đến nay, Đồng Tháp có 20 sản phẩm, hàng quà tặng từ sen đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây cũng là những sản phẩm góp mặt trong trong giỏ quà Tết của tỉnh hằng năm, góp phần mang hương xuân Đất Sen hồng vươn xa.

Đồng Tháp đã chọn hoa sen để làm thương hiệu nhận diện thì cần phải có chiến lược lâu dài để phát triển cây sen - Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang nhấn mạnh và gợi ý với địa phương thử nghiệm một số quy trình trồng sen để chọn ra quy tình tối ưu. Giống như sự thuần khiết từ hồn sen, việc tiến đến nguồn nguyên liệu sạch, phương thức trồng “hữu cơ” ngày càng quan trọng cho một tương lai bền vững của cây sen.

Song song đó, có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển mô hình lúa - sen, tạo vùng nguyên liệu chuyên canh về sen lấy củ, sen lấy lá, sen lấy thân hay sen lấy hoa v.v., sự chuyên canh vùng nguyên liệu sẽ tạo năng suất cao trong sản xuất.

Đồng Tháp cần tổ chức lại các hoạt động du lịch từ sen, phát huy thêm sự phong phú, đa dạng các sản phẩm ẩm thực, trải ngiệm từ sen, phát triển chuỗi giá trị du lịch sen và kết hợp với du lịch tâm linh như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Thiền viện trúc lâm Tháp Mười v.v.. Xây dựng Đồng Tháp trở thành nơi tham quan học tập về sen với những chủ đề khác nhau, lễ hội định kỳ về sen v.v..

“Xây dựng làng nghề sen phát triển bền vững gắn với du lịch Việt Nam” là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và Đồng Tháp là 01 trong 03 địa phương được chọn để làm mô hình làng nghề sen.

Nguyệt Ánh
nguyetcttdongthap@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>