Xuất bản thông tin

null Câu chuyện chủ thể

Câu chuyện chủ thể

Trong các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từ Trung ương đến cấp tỉnh, từ cấp huyện đến cấp xã, thường nhắc đến vai trò chủ thể của người dân, cùng quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển”.

Nghị quyết của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” xác định rõ “nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”. Vậy, thế nào là “chủ thể”? Để trở thành “chủ thể”, người nông dân cần đến những điều gì?

Từ “chủ thể” gợi lên bao điều đáng suy ngẫm. Đóng góp vào sự vận hành của một guồng máy, chủ thể tham gia với tư thế, tâm thế của người trong cuộc, ở vị trí trung tâm, giữ vai trò chủ đạo, quyết định. Chủ thể hiểu rõ về tình hình, thực trạng, nhu cầu thiết yếu, đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu cần điều chỉnh, khắc phục, đâu là điều còn thiếu phải học hỏi. Mọi việc đều là của mình, từ mình, do mình và vì mình. Bên cạnh chủ thể là những người đồng hành, hỗ trợ, tiếp sức, tạo lực đẩy. Từ góc độ quan sát bên ngoài, những người đồng hành, hỗ trợ có thể gợi mở, định hướng với tầm nhìn bao quát hơn, khả năng kết nối nguồn lực đa dạng, phong phú hơn.

Không thể tự dưng mà người nông dân “tay lắm chân bùn” bỗng chốc “rũ bùn đứng dậy sáng loà” để đảm nhận ngay vai trò chủ thể, vị trí trung tâm. Để có thể trở thành chủ thể, người nông dân phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực của “người làm chủ” - làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư. Muốn vậy, người nông dân cần nhận thức rằng: cuộc đời của mình là do chính mình quyết định, như tựa đề một cuốn sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”. Muốn vậy, người nông phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình lại trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Muốn vậy, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Việc đánh giá sự thay đổi của người nông dân, của bộ mặt dân cư nông thôn thường dựa trên thước đo thu nhập, thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo. Trong khi đó, yêu cầu và giải pháp về “nâng cao dân trí” đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng thì ít được đề cập đến. Ngành Nông nghiệp nước nhà đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy thì, nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, tri thức mới, công nghệ mới. Không thể bằng lòng, tự hào mãi với kinh nghiệm sản xuất truyền thống; mặc dù kinh nghiệm đã giúp người nông dân vững chãi vượt qua cái nghèo, cái khó trong quá khứ. Ngày xưa, làm nông theo quy luật thiên nhiên thuận hoà, nên chỉ cần “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, “Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm”, “Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”. Nghiệp nông gia ngày nay đối mặt với nào là biến đổi khí hậu, nào là thời tiết cực đoan, nào là hiệu ứng nhà kính, nào là suy giảm tài nguyên nước. Ngày xưa, làm nông với kỹ thuật canh tác đơn giản: “Lúa chiêm đào sâu chôn chặt/ Lúa mùa vừa đặt vừa đi”, “Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc ăn”, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nghiệp nông gia ngày nay phải ứng dụng nhiều biện pháp khoa học công nghệ, nào là thiết bị điều khiển từ xa, nào là điện toán đám mây, nào là chế phẩm sinh học, hữu cơ...

Vậy để có thể trở thành chủ thể, người nông dân phải có ý thức tự trang bị và được trang bị, hỗ trợ tiếp cận tư duy mới, tri thức mới, công nghệ mới. Để tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc thay cho gia tăng tiệm tiến về năng suất, sản lượng, người nông dân phải có tri thức tương ứng với nền kinh tế tri thức. Để tối ưu hoá cuộc sống của mình, người nông dân phải được trang bị kỹ năng thương mại, kỹ năng về công nghệ, kỹ thuật sinh học, chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Để có thể nâng cao vị thế của mình trong xã hội, người nông dân phải thoát ra cách nghĩ chỉ biết “lấy cần cù bù thông minh”, mà phải tự tin phát triển, khẳng định bản thân, chủ động hoà nhập vào cộng đồng.

Cách tiếp cận “chủ thể” không chỉ là mong muốn, quyết tâm chính trị, mà chính là sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức về sức mạnh, nguồn lực, động lực của người nông dân, xã hội, trên con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn nước nhà. Khi và chỉ khi nhất quán với nhận thức như vậy, cả hệ thống phải có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nông dân giai đoạn mới. Đó là hỗ trợ cần câu, hướng dẫn phương pháp câu cá, và hơn hết là khuyến khích, khơi gợi tinh thần câu cá, chứ không phải chỉ trao đi con cá. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi thói quen, tập quán đều khó khăn với bất kỳ ai, người nông dân cũng không ngoại lệ. Con đường đi đến thành công là cả một hành trình chông gai, nhiều thử thách. Người nông dân phải thay đổi lối nếp nghĩ quen thuộc, phải có tính kiên trì, nhẫn nại, phải tự tin rằng mình có thể làm được, nhất định làm được, và chắc chắn làm được.

Vai trò “chủ thể của người nông dân”, từ câu từ trong các văn bản, cần đi vào thực tế cuộc sống chứ không thể nói suông, nói theo. Tư duy đó phải được thấm đẫm và trở thành chương trình hành động quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể, ngành chuyên môn. Đây là vấn đề có tính quyết định sự thành bại trên con đường đưa đất nước tiệm tiến đến nền “nông nghiệp sinh thái”, khu vực “nông thôn hiện đại”.

Xích Lô
banbientap@dongthap.gov.vn
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>