Xuất bản thông tin

null Từng bước thích ứng, khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới

Từng bước thích ứng, khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới

Sau thời gian dài áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Đồng Tháp đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, để thích ứng và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung này.


Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa thăm hỏi công nhân
 Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Phương Vũ (huyện Tam Nông)

Phóng viên: Thưa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh! Mặc dù đã tập trung quyết liệt các biện pháp kiểm soát, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và đến nay Đồng Tháp đã qua nhiều đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Điều này đã tác động như thế nào đến kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh: Trước tình hình diễn biến nhanh và rất phức tạp của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này, tỉnh đã triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 14/7/2021, với quyết tâm nhanh chóng xác lập trạng thái bình thường mới trên toàn tỉnh, ưu tiên bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân.

Có thể nói, ảnh hưởng của Covid-19 đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 06 tháng đầu năm 2021, tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, một số ngành kinh tế khôi phục nhờ thực hiện “mục tiêu kép”, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 4,44%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 đạt 2,27%). Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch từ tháng 6/2021 đến nay, hầu như các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều ngưng trệ.

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp - “bệ đỡ” của ngành kinh tế cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt nhất là lĩnh vực công nghiệp, chỉ còn có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động trong tổng số hơn 4.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh; lĩnh vực thương mại chỉ hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu; lĩnh vực xây dựng cơ bản bị đình trệ. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng dẫn đến tăng trưởng kinh tế trong 09 tháng đầu năm 2021 của tỉnh có dấu hiệu không tốt hơn so với cùng kỳ 2020.

Phóng viên: Được biết, trong bối cảnh đó, song song với thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, tỉnh đã chủ động khẩn trương thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp. Xin ông cho biết ý nghĩa và mục tiêu của việc thành lập Ban này?

Chủ tịch UBND tỉnh: Ngoài thực hiện song song mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, chúng tôi đã chủ động thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp, xây dựng kịch bản ngắn hạn và dài hạn ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như trong 5 năm tới (2021 - 2025).

Đồng Tháp xác định từng bước thích nghi và sống chung với dịch. Theo đó, tỉnh đưa ra 02 kịch bản. Trong đó, kịch bản 1 (hiện nay) trong điều kiện tình hình dịch vẫn chưa kiểm soát được tại một số khu vực, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, áp dụng linh hoạt Chỉ thị 15/CT-TTg tại một số địa phương. Với tình hình này, dự kiến tăng trưởng kinh tế 2021 đạt khoảng 2,5% - 3,5%.

Theo kịch bản này, tỉnh tập trung vào các lĩnh vực: Thứ nhất, phải đảm bảo sản xuất nông nghiệp thắng lợi, nhất là triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2021 và xuống giống vụ Đông Xuân sớm, thích ứng với điều kiện thời tiết, phù hợp với thị trường và điều kiện thực tế của từng khu vực; mở rộng diện tích sản xuất rau màu, hoa kiểng, đảm bảo diện tích cây ăn trái.

Thứ hai, tạo điều kiện kết nối tiêu thụ, thu hoạch nông sản cho người dân trong điều kiện dịch bệnh; khẩn trương hỗ trợ thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái đến kỳ thu hoạch.

Thứ ba, khôi phục lại ngành chăn nuôi.

Thứ tư, giải quyết lượng thủy sản còn tồn (khoảng 26 nghìn tấn) của các doanh nghiệp chế biến cá tra. Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp lĩnh vực này hoạt động trở lại.

Đối với 150 doanh nghiệp thực hiện “04 tại chỗ” (thời gian qua hoạt động khoảng 50% công suất), tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng công suất hoạt động; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã ngưng trệ trong 03 tháng qua dần khôi phục lại. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để 14 dự án mới đưa vào hoạt động nhanh chóng ổn định sản xuất, gia tăng công suất.

Ngành xây dựng triển khai linh hoạt phương án về hoạt động xây dựng trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhanh chóng khôi phục hoạt động cung ứng nguyên vật liệu; đẩy nhanh giải ngân vốn.

Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối hệ thống, ứng dụng thương mại điện tử, phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; phát huy các chuỗi cung ứng, khôi phục các chợ khi có điều kiện; tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, tỉnh tập trung đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn v.v..

Phóng viên: Ngay lúc này, ông muốn nhắn nhủ gì đến doanh nghiệp và bà con nhân dân Đất Sen hồng?

Chủ tịch UBND tỉnh: Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động, giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục, tuy nhiên cũng cần phải có lộ trình, không thể làm ngay, nóng vội.  Quan điểm của tỉnh là lấy sức khỏe người dân làm mục tiêu cao nhất, do đó phải an toàn thì mới tái sản xuất, từng bước khôi phục dần tất cả lĩnh vực như kịch bản đã nêu trên.

Có thể nói, dịch bệnh đã ảnh hưởng tất cả lĩnh vực, không chỉ riêng về kinh tế, mà đời sống người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Đây là điều không ai muốn. Cá nhân tôi và lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, trăn trở và nóng ruột. Đồng Tháp thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong đó, phòng chống dịch là trên hết để bảo vệ sức khỏe người dân, do đó phải chấp nhận hy sinh về kinh tế trong thời gian ngắn.

Là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp và bà con trong thời gian qua. Tỉnh quyết tâm thực hiện các giải pháp để đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất.

Tôi cũng mong tất cả doanh nghiệp, bà con nhân dân thông cảm và thấu hiểu cho những khó khăn của địa phương. Hiện nay, khó khăn nhất là vắc xin phòng Covid-19, tỉnh đang tranh thủ nhiều nguồn để có vắc xin, ưu tiên tiêm cho các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng sản xuất và người dân.

Khôi phục và phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, tôi kêu gọi bà con nhân dân Đất Sen hồng trong thời gian này chấp hành các quy định phòng, chống dịch, đồng thời xây dựng phương án tái cấu trúc cho từng hoạt động sản xuất, phù hợp với điều kiện bình thường mới; tiếp tục đồng hành, đồng thuận với tỉnh để phục hồi từng hộ sản xuất, từng doanh nghiệp; tạo điều kiện cho tỉnh có sự phát triển nhanh hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát và trở về trạng thái bình thường mới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>