Xuất bản thông tin

null Tìm giải pháp phát triển chuỗi ngành hàng cá tra sau giãn cách xã hội

Tìm giải pháp phát triển chuỗi ngành hàng cá tra sau giãn cách xã hội

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu cá tra. Chiều 25/9, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”.

Khó khăn bủa vây

Theo Tổng Cục Thủy sản, ngành hàng cá tra có dấu hiệu hồi phục trong 06 tháng đầu năm 2021 nhưng từ tháng 7 đến nay, ngành hàng này đã đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Diện tích thả nuôi cá tra mới tính đến ngày 15/9 đạt 3.516 ha (bằng 74,3 % so với cùng kỳ 2020). Diện tích thả nuôi cá tra trong 02 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) đã giảm khoảng 50 - 55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn (bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020). Đặc biệt nửa tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.

Do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy chế biến giảm công suất chế biến, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện vẫn duy trì ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn 500 đồng /kg so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, đến cuối tháng 7/2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) và đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “03 tại chỗ”. Trong số đó, có 52/106 nhà máy chế biến thủy sản cá tra tại 05 địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%).

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Tại Đồng Tháp – tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất khu vực, hiện còn khoảng 104.189 tấn đến kỳ thu hoạch, trong đó sản lượng cá quá size (cỡ cá >1,1kg/con) khoảng 63.789 tấn. Một số cơ sở sản xuất giống, ương dưỡng cá tra trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động trên 02 tháng, có khả năng dẫn đến thiếu con giống cá tra cục bộ, một khi thả giống đồng loạt sau thời gian giãn cách xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho biết, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo phương án “03 tại chỗ”, nay là “04 tại chỗ”, trong đó, các doanh nghiệp ngành hàng chế biến thủy sản (cá tra) được ưu tiên vắc xin, đạt tỷ lệ cao.

Hiện nay, tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các phương án hỗ trợ, khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh bám sát với bối cảnh kiểm soát dịch bệnh trên nguyên tắc mở dần từng bước lộ trình bình thường mới đối với các vùng và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đồng thời đề nghị ngành y tế có hướng dẫn xử lý khi có tình huống, thống nhất quy định, quy trình, cách làm hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp; cũng như có cơ chế thực hiện liên tỉnh.

Đề nghị ưu tiên nguồn vắc xin cho doanh nghiệp

Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn
đề nghị cấp thẻ xanh cho công đoàn thu hoạch cá và thẻ xanh cho công nhân liên tỉnh,
đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận di chuyển; có đầu mối giải quyết, hướng dẫn doanh nghiệp.

Khó khăn hiện này là nhà máy chế biến giảm công suất, dư thừa cá nguyên liệu, cả chuỗi cá tra bị ảnh hưởng; cước vận tải biển liên tục tăng từ 2 - 3 lần, thậm chí tăng đến 10 lần; phát sinh chi phí “3 tại chỗ”, tăng chi phí 50 - 100%; khó khăn khâu nuôi trồng do giá thức ăn thủy sản tăng; thiếu công nhân thu hoạch; khâu vận chuyển con giống, thức ăn, sản phẩm cá tra giữa các địa phương bị đứt gãy; phát sinh chi phí xét nghiệm Covid-19; nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm v.v..

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, giãn cách xã hội và các qui định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy, do không có công đoàn thu hoạch vì lao động không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác; sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.

Để hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản của cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được ổn định, không bị đứt gãy, Tổng Cục Thủy sản đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như tài xế vận chuyển, thương lái thu mua, công nhân thu hoạch thủy sản và công nhân của các nhà máy chế biến thủy sản; phối hợp Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện “04 tại chỗ” hiện nay tại các doanh nghiệp nhằm sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Ghi nhận các kiến nghị tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngành y tế sẽ phối hợp với các ngành liên quan có hướng dẫn chung về việc giảm thiểu và phòng ngừa lây lan Covid-19 tại doanh nghiệp trong chiến lược chống dịch mới: sống chung với dịch bệnh. Về vắc xin phòng Covid-19, ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn vắc xin cho lực lượng sản xuất trong ngành hàng cá tra để phục hồi sản xuất v.v..

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định, “an toàn” và “linh hoạt” là 02 yếu tố mang tính sống còn hiện nay; bên cạnh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, cần linh hoạt các phương thức, quy trình thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Về lâu dài, ông Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thể hiện vai trò điều phối, kết nối 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long làm thành một thực thể kinh tế vùng, trong đó 08 địa phương có ngành hàng cá tra. Bên cạnh đó, các địa phương cần đồng thuận với tư duy liên kết vùng trong điều kiện đặc biệt, tạo không gian kinh tế, thúc đẩy phát triển chuỗi ngành hàng; phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng cùng nhau kiến tạo giá trị bền vững.

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>