Xuất bản thông tin

null Cần khai báo kịp thời khi phát hiện mắc Covid-19

Cần khai báo kịp thời khi phát hiện mắc Covid-19

Đồng Tháp đang điều trị hơn 8.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 7.000 ca điều trị tại nhà, nơi cư trú. Trong khi đó, số ca tử vong liên quan Covid-19 ngày càng tăng. Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà cần lưu ý gì? Giải pháp nào để hạn chế tối đa ca bệnh chuyển biến nặng, ca tử vong? Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp xoay quanh những vấn đề trên.

Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

Phóng viên: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, đặc biệt số ca mắc Covid-19 đã giảm rất nhiều so với trước đây. Ông nhận định như thế nào về tình hình này?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Trong vài tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận đã giảm rất mạnh so với trước, hiện bình quân mỗi ngày có khoảng 140 ca (trước đây khoảng 500 ca/ngày), hiện đang điều trị hơn 8.000 ca mắc Covid-19; mỗi ngày tỉnh ghi nhận vài chục ca trong cộng đồng. Những chuyển biến tích cực này là kết quả của thời gian dài chúng ta tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Người dân đã có những hiểu biết nhất định về Covid-19, về cách thức lây lan của nó và áp dụng đúng các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Tôi cho rằng, sự động thuận, chung tay của người dân đã góp phần chuyển biến tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh với tốc độ tiêm nhanh và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, tạo được miễn dịch cộng đồng. Hơn nữa, tỉnh đã triển khai tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ cao nhằm giảm nguy cơ mắc, chuyển nặng, tử vong khi mắc Covid-19. Đây là chiến lược đúng đắn.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, số ca mắc giảm là do người dân tự test nhanh dương tính SARS-CoV-2 nhưng không khai báo tế, từ đó ngành y tế không thống kê được số ca thực tế? Xin ông cho biết ý kiến về thực trạng này. Việc tự theo dõi, điều trị mà không khai báo y tế sẽ có hậu quả như thế nào thưa ông?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Tỉnh đã thực hiện chủ trương sử dụng kết quả test nhanh SARS-CoV-2 để xác định người nhiễm và F0 không triệu chứng được theo dõi, điều trị tại nhà. Việc này đã mang nhiều lợi ích tích cực, góp phần huy động sự tham gia và phát huy sức mạnh cộng đồng trong công tác phòng chống dịch cũng như giảm quá tải cho ngành y tế. Người dân đồng thuận cao với chủ trương cách ly điều trị tại nhà nơi cư trú.

Mặc dù vậy, một bộ phận người dân tự test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 mà không khai báo y tế, tự theo dõi, điều trị tại nhà. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy. Khi không khai báo ngay từ đầu, F0 không được y tế hỗ trợ kịp thời, đặc biệt người lớn tuổi, có bệnh nền khi trở nặng, thì bệnh chuyển biến nhanh, đặc biệt giảm Ô-xy máu.

Việc tham gia tích cực phòng chống dịch, ủng hộ chủ trương F0 không triệu chứng, điều trị tại nhà là rất tốt, tuy nhiên người bệnh cần cung cấp thông tin kịp thời cho ngành y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn, theo dõi để tránh chuyển nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Phóng viên: Hiện nay, số ca tử vong liên quan Covid-19 tại Đồng Tháp cao. Giải pháp nào để giảm tỷ lệ tử vong liên quan Covid-19, thưa ông?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Bình quân mỗi ngày, tỉnh có khoảng 12 ca tử vong liên quan Covid-19, chủ yếu là người lớn tuổi, có bệnh nền đang trong giai đoạn điều trị nên khả năng đáp ứng điều trị Covid-19 kém, làm tăng mức độ bệnh và nguy cơ tử vong.

Như đã phân tích ở trên, trong quá trình điều trị, nhân viên y tế phải theo dõi sát để phân loại, chuyển tầng điều trị kịp thời. Tuy nhiên, do một vài trường hợp người bệnh tự điều trị, không khai báo, đến khi chuyển nặng nhưng không được theo dõi, xử lý kịp, gây khó khăn cho y tế. Do đó, đề nghị bà con khi phát hiện nhiễm bệnh dù ở mức độ nào cũng phải khai báo để ngành y tế hỗ trợ kịp thời.

Trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân di chuyển nhiều, tạo điều kiện cho mầm bệnh lưu thông, lây lan. Vắc xin phòng Covid-19 vẫn là biện pháp hàng đầu, do đó đề nghị người dân chưa tiêm vắc xin, nhất là người lớn tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ sớm tiêm đầy đủ vắc xin, tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung để giảm chuyển nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Tôi cũng đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ người trên 50 tuổi, dù là người đã mắc hay không mắc Covid-19 cũng phải nắm tình hình sức khỏe và theo dõi kỹ vì đây là đối tượng nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; đồng thời tăng cường các đội y tế lưu động, tình nguyện, đảm bảo tất cả trường hợp nhiễm bệnh đều được theo dõi, hỗ trợ kịp thời, trong đó tư vấn, cung cấp thuốc và chuyển bệnh khi cần thiết v.v.

Về công tác điều trị Covid-19, Đồng Tháp duy trì áp dụng 03 tầng điều trị. Tầng 1: 90% ca Covid-19 không triệu chứng/thể nhẹ điều trị tại nhà. Tầng 2: người bệnh nền, triệu chứng nhẹ cần theo dõi sát; ngoài 03 bệnh viện: Y học cổ truyền, Quân dân y, Phục hồi chức năng, tỉnh đang mở rộng tầng 2 ở một số bệnh viện: Đa khoa khu vực Tháp Mười, Trung tâm Y tế tuyến huyện để thu dung, điều trị. Riêng tầng 3 đang có dấu hiệu quá tải, tỉnh đang tăng thêm giường bệnh tại khu ICU Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện Phổi và mở rộng tầng 3 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp v.v..

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>