Xuất bản thông tin

null Lão nông 15 năm vượt sông Tiền vận chuyển người bệnh miễn phí

Trang chủ Báo chí với Đồng Tháp

Lão nông 15 năm vượt sông Tiền vận chuyển người bệnh miễn phí

Ông Nguyễn Văn Thuận, 80 tuổi, ở cồn Lân, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, đưa cả nghìn người bệnh đi cấp cứu miễn phí bằng xuồng máy.

Đêm 6/2 (mùng 6 Tết), một người chạy xe máy chở hai người khác dừng trước nhà ông Tám Thuận gọi gấp: "Ông Tám ơi dậy mau, chở người bị té xe đi cấp cứu". Đèn trong nhà bật sáng, ông chạy ra đầu tiên, người con trai út tên Nguyễn Quốc Việt (33 tuổi) nối bước theo.

Từ cồn Lân sang đất liền, người dân phải di chuyển hai lần đò. Lão nông mở điện thoại gọi xe cấp cứu hẹn chờ sẵn bên thành phố, trong khi anh Việt cõng người bị nạn xuống xuồng cách đó 200 m. Chiếc xuồng công suất 40 mã lực quay đầu ra sông được anh khởi động rồi lướt giữa màn nước mênh mông. Ông Tám nhìn theo đến khi đèn pin trên xuồng khuất sau cồn mới vào nhà.

Ông Tám kiểm tra máy móc, nhiên liệu để xuồng luôn sẵn sàng chuyển bệnh từ cồn
vào đất liền. Ảnh: Nguyễn Khánh

Gần 22h, anh Việt trở về, người thấm mệt, kể mất 7 phút chở người bệnh vào đất liền. Khi đó, xe cấp cứu chưa đến, anh chở luôn đến bệnh viện nhưng cầu bến hư phải đi nhờ bến nhà dân. Đang lúc dịch bệnh, chủ nhà e ngại, anh phải thuyết phục một lúc mới được đi nhờ. "Mình không ngại cực hay nề hà đêm hôm, chỉ nóng ruột bệnh nhân chờ lâu đau đớn", anh Việt nói.

Một lần khác, người đàn ông xóm trên trở bệnh kinh phong lúc ở nhà một mình. Hàng xóm phát hiện, đưa người bệnh ra vựa xoài gần đó, rồi gọi ông Tám. Vừa tấp xuồng vào bến, ông Tám bị chủ vựa xoài chửi "tối tăm mặt mũi". Họ thấy người bệnh nặng, lỡ chết mang điềm xui nên trút giận vô ông. "Tui càng giải thích càng bị chửi nên cứ cõng người bệnh xuống xuồng chở đi, chuyện phải trái tính sau", ông Tám nhớ lại tình huống tréo ngoe cách đây vài năm.

Đó chỉ là hai trong số gần 1.000 lượt đưa người bệnh đi cấp cứu trong 15 năm qua mà ông Tám và người chung chí hướng thực hiện. Nghĩ lại hành trình nhiều gian khó, ông Tám chỉ cười: "Có người nói tui rảnh rỗi làm chuyện bao đồng, nhưng tui thấy vui vì giúp được nhiều người lúc hoạn nạn".

Hành trình "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của ông Tám bắt đầu năm 2007. Khi đó ông cùng những lão nông đồng trang lứa bàn chuyện làm từ thiện khi vườn tược có các con quán xuyến. Sống ở cồn, ông hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực "qua sông phải luỵ đò" nên đề xuất mô hình chuyển bệnh bằng xuồng máy.

Cả nhóm đồng ý rồi bắt tay ngay vào việc mua xuồng, dán số điện thoại của ông Tám nhiều nơi, khi cần người dân gọi. Ban đầu, tổ từ thiện vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm và những thành viên đóng góp, chỉ sắm được chiếc xuồng nhỏ, máy xăng 10 mã lực, chở tối đa 3 người. Lắm lúc ban đêm, mưa to gió lớn, cuộc chuyển viện chẳng khác chuyến đi sinh tử.

Tính chất cứu người như cứu hoả, xuồng toàn chạy hết ga nên mau xuống cấp. Chưa đầy 2 năm, máy "mất phong độ", thường hỏng hóc, ông Tám bứt rứt: "Tui kéo hết ga mà máy vẫn chậm, người nhà nóng ruột nhìn mình hoài, đâu biết lòng người tài công cũng như lửa đốt".

Sau đó, ông bàn với tổ từ thiện rồi sang UBND xã nhờ giúp. Chính quyền ủng hộ ngay chiếc xuồng to tải trọng 3,5 tấn và máy công suất lớn chuyên "săn" xà lan khai thác cát trái phép. Ông Tám vui mừng về báo cho anh em trong tổ.

Ông Tám căn dặn anh Việt bảo trì xuồng máy cũng như trữ sẵn nhiên liệu, lúc cần có xài. Ảnh: Ngọc Tài

Lần thứ tư thay phương tiện cấp cứu là vào 4 năm trước, gia đình ông tài trợ xuồng cùng máy 40 mã lực, tổng kinh phí gần 20 triệu đồng. Máy nâng cấp, chạy nhanh song cồng kềnh, mất nhiều sức vận hành, còn người tài công ngày một già đi. Gần đây lão nông chuyển giao công việc đưa bệnh nhân cho ba người con trai.

Dù "về hưu", ông Tám thường nhắc nhở các con việc bảo trì máy móc. Trước sân nhà, ông đào hai hố sâu cạnh gốc xoài lớn để trữ các can dầu, nhớt. Mỗi tháng, ông kiểm tra thấy ít sẽ góp thêm tiền mua dầu mang xuống xuồng. "Bệnh cấp cứu đâu hẹn trước nên phải chuẩn bị sẵn sàng", ông giải thích.

Ngoài ra, ông cùng những người trong tổ còn trích một phần tiền để hỗ trợ những bệnh nhân nghèo, không mang theo tiền viện phí. Lúc trao tiền ông nắm tay căn dặn: "Khó khăn cứ nhận mà xài, khi nào khá giả có thể trả lại để tổ từ thiện giúp những người khó hơn". Nói để người nhà đỡ ngại chứ ông không bao giờ đòi lại.

Về sau, khi những người nòng cốt trong tổ đều tuổi cao sức yếu, xin "từ chức" chỉ còn ông Tám đảm đương. Ông không còn vận động hỗ trợ mà trích khoảng 5 triệu đồng tiền lời từ vườn xoài gia đình làm kinh phí hoạt động. Ông nguyện duy trì xuồng cấp cứu đến khi đường xá thông thương, không còn ai cần nữa.

Cồn Lân có gần 800 hộ dân, nằm giữa sông Tiền, đi lại khó khăn. Người xứ cồn sợ nhất mỗi lần bệnh đau, đi cấp cứu mất hơn một tiếng. Bà Võ Thuỳ Dương, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, cho biết 15 năm qua, việc chuyển viện miễn phí của ông Tám và cộng sự đã giúp nhiều người vượt qua nguy kịch.

Với tấm lòng giúp đỡ người bệnh, năm 2020, ông Tám được Thủ tướng tặng bằng khen, cùng hàng chục giấy khen, bằng khen của địa phương.

Theo Ngọc Tài - VnExpress

Nguyệt Ánh
nguyetcttdongthap@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>