dai hoi dang dong thap dai hoi dang dong thap

Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới thành công

Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới thành công

Giai đoạn 2016 - 2020, Đồng Tháp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Giai đoạn 2016 - 2020, Đồng Tháp vượt chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới. Xin ông cho biết cụ thể về kết quả này?

Ông Nguyễn Thanh Hùng: Với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân đã mang đến kết quả đáng phấn khởi trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, thànb phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm 01 huyện đạt 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới. Như vậy, Đồng Tháp đã vượt 03 đơn vị so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (bìa trái)
trao quà chúc mừng huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới
đầu tiên của tỉnh

Toàn tỉnh hiện có 78/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt và vượt so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 là 61 xã; có 29 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 10 xã đạt 14 tiêu chí, không còn xã đạt 13 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2020 có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong tổng số 14 xã đăng ký thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, có 05 xã đạt từ 17 - 18 tiêu chí, 06 xã đạt từ 15 - 16 tiêu chí và 03 xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2020, có 03 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia, đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới?

Ông Nguyễn Thanh Hùng: Từ chỗ còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, người dân Đồng Tháp đã nhận thức rõ, việc xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình, cùng với sự đồng hành của các ngành, các cấp. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn, ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao.

Cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội đã đóng góp nhiều vật chất, công sức vào chương trình nông thôn mới. Cụ thể đã nâng cấp, sửa chữa hơn 450 km đường giao thông nông thôn, gần 600 cây cầu; sửa chữa, xây mới hơn 3.300 căn nhà, thắp sáng hơn 200 km đường quê, tham gia hơn 500.000 ngày công, hiến hơn 650.000m2 đất v.v.. Tổng giá trị đóng góp xây dựng nông thôn mới đạt hơn 840 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Hùng ghi nhận những đóng góp quý báu
của Đội thi công cầu, đường thiện nguyện huyện Lai Vung,
do ông Võ Văn Lộc (86 tuổi) làm đội trưởng. Tính đến nay, Đội thi công cầu, đường này
đã xây khoảng 200 cây cầu cho người dân, góp phần rất lớn
trong thực hiện tiêu chí về giao thông

Phóng viên: Bài học kinh nghiệm rút ra từ xây dựng nông thôn mới của tỉnh là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hùng: Xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư đồng lòng xây dựng nông thôn khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất một cách toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Qua thực hiện chương trình này, tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Một là, ở đâu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cùng sự quyết tâm, sâu sát và tính gương mẫu của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện thì nơi đó sẽ đạt kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới gắn tái cơ cấu nông nghiệp.

Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn về nội dung, mục đích, ý nghĩa, giải pháp thực hiện Chương trình, Đề án, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, đặc biệt là sự đồng thuận, chia sẻ về lợi ích, trách nhiệm của người dân để người dân tự nguyện, hăng hái tham gia thực hiện. Khơi dậy sức mạnh cộng đồng (doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân) là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới cần khởi đầu từ từng con người đến gia đình, xóm ấp, tạo nền tảng vững chắc để tiến lên xây dựng xã, huyện nông thôn mới.

Ba là, sự giúp đỡ của Nhà nước chỉ là yếu tố đầu vào, tạo nền tảng, tạo động lực cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, từ đó khơi dậy tinh thần cộng đồng, sự chung tay góp sức của người dân. Nơi nào có sự đồng thuận, nhiệt tình, tự giác của người dân trong xây dựng nông thôn mới thì kết quả thực hiện Chương trình mới bền vững, hiệu quả. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ nhân dân tự quản, Hội quán trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp.

Bốn là, nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại sâu rộng với nhau, cùng phát triển. Trong đó, giải quyết 03 vấn đề mấu chốt ở nông thôn là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Phóng viên: Làm thế nào để giữ vững tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới cũng như xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thanh Hùng: Có thể nói, xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đạt được tiêu chí nông thôn mới đã khó, duy trì và nâng cao các tiêu chí này lại càng khó hơn, nhất là các tiêu chí tuy đã đạt nhưng chưa bền vững.

Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát huy hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vận động, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gắn với định hướng phát triển của địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển đời sống văn hóa nông thôn, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, thể thao cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân; bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của các hoạt động văn hóa truyền thống gắn với bản sắc văn hóa tại địa phương.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản, liên kết bảo vệ an ninh trật tự; kiềm chế đến mức thấp nhất về tệ nạn xã hội v.v..

Phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội quán và Tổ nhân dân tự quản, tạo sự gắn kết giữa các hộ gia đình với nhau, giữa người dân với chính quyền địa phương nhằm chủ động phát huy, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển sản xuất giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò người dân trong thực hiện mô hình cộng đồng dân cư tham gia quản lý xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh
nguyetcttdongthap@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow