dai hoi dang dong thap dai hoi dang dong thap

Xuất bản thông tin

null Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Tổ nhân dân tự quản

Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Tổ nhân dân tự quản

Hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khơi dậy và thúc đẩy các phong trào thi đua, nâng cao ý thức tự chủ, tự quản nơi cộng đồng khu dân cư. Đây là một trong những dấu ấn nổi bật của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Để hiểu rõ hơn về mô hình và những định hướng trong thời gian tới, Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Hoàng Cương - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp.

Đồng chí Võ Hoàng Cương - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mô hình Tổ nhân dân tự quản ra đời như thế nào và đến nay đã phát huy hiệu quả ra sao?

Đồng chí Võ Hoàng Cương: Mô hình Tổ nhân dân tự quản được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện thí điểm năm 2014 trên cơ sở kế thừa và phát huy các mô hình tự quản trước đó như: Tổ dân phòng - khuyến học, Tổ an ninh nhân dân.

Đến năm 2017, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc nhân rộng mô hình Tổ nhân dân tự quản, Ban Thường vụ cấp uỷ các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thống nhất kế hoạch, hướng dẫn cấp xã khảo sát thực trạng phân bố dân cư để có định hướng xây dựng kế hoạch chia Tổ nhân dân tự quản cho phù hợp, bảo đảm tiêu chí: Trong không gian liền kề thuận tiện giao thông đi lại, có điều kiện sinh hoạt trao đổi các vấn đề chung tại khu dân cư.

Thực hiện chỉ đạo của cấp uỷ, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân, Công an và Hội Khuyến học cấp huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn khảo sát địa bàn, quy trình vận động thành lập Tổ nhân dân tự quản đến Chi uỷ, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận ấp, khóm. Nhiều địa phương chủ động phân công cấp uỷ viên phụ trách địa bàn để kịp thời theo dõi, cho ý kiến, đôn đốc hỗ trợ cơ sở nên đã sớm hoàn thành việc triển khai nhân rộng Tổ nhân dân tự quản.

Đến nay, Đồng Tháp có gần 12.600 Tổ nhân dân tự quản phủ kín địa bàn tỉnh, bình quân mỗi tổ có từ 30 - 45 hộ sống liền kề trong cùng xóm, thuận tiện cho việc gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi và phối hợp tổ chức các hoạt động chung.

Phóng viên: Nét nổi bật của Đồng Tháp khi thực hiện mô hình này là chia nhỏ địa bàn, để người dân tự quyết, tự quản các vấn đề gắn với đời sống, cộng đồng dân cư; chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đóng vai trò định hướng, giám sát, hỗ trợ hoạt động. Theo đồng chí, điều này mang lại lợi ích như thế nào?

Đồng chí Võ Hoàng Cương: Ban đầu, Tổ nhân dân tự quản ra đời nhằm phát huy vai trò tự chủ, tự quản của từng hộ gia đình. Trong đó, tập trung vào hai nhiệm vụ chính: Tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự; tự quản về phòng, chống học sinh, sinh viên bỏ học, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài.

Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, nếu ở cộng đồng mà chỉ thực hiện hai nội dung như vậy thì chưa thể đáp ứng yêu cầu trong khi xã hội đang đặt ra nhiều yêu cầu thực tiễn gắn với quyền làm chủ của nhân dân và khi người dân đã thật sự làm chủ thì phải có cả quyền và trách nhiệm, khi có trách nhiệm thì có quyền tham gia, quản lý. Quản lý ở đây trước hết là quản lý ở gia đình mình sau đó là tham gia quản lý ra cộng đồng, quản lý những phần việc mà cộng đồng có thể quản lý được tuỳ theo tình hình địa phương, địa bàn dân cư mà vận dụng triển khai thực hiện các nội dung khác để người dân trong Tổ nhân dân tự quản cùng bàn bạc, thống nhất.

Cũng thông qua các buổi sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản, cán bộ, đảng viên, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương cùng tham dự thông tin một số nội dung cần tham khảo ý kiến người dân và lắng nghe các tâm tư, kiến nghị, đề xuất của nhân dân liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự v.v. để kịp thời phản ánh với Đảng, với cấp có thẩm quyền xem xét.

Với phương châm hoạt động “lấy sức dân, lo cho dân”, Tổ nhân dân tự quản là nơi tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt; phát huy vai trò làm chủ và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài; cùng bàn bạc liên kết, hợp tác trong sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống; tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hoá tại địa bàn dân cư.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết một số cách làm hiệu quả của các Tổ nhân dân tự quản trong tỉnh, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, các Tổ nhân dân tự quản đã phát huy hiệu quả như thế nào?

Đồng chí Võ Hoàng Cương: Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, vai trò Tổ nhân dân tự quản được phát huy hiệu quả tốt, trong đó rõ nét nhất là Ban quản lý Tổ đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bởi lẽ địa bàn mỗi Tổ rất gọn về quy mô và thuận tiện trong đi lại, gặp gỡ hướng dẫn, trao đổi.

Bên cạnh đó, các Tổ nhân dân tự quản quản lý địa bàn rất chặt chẽ và sâu sát tình hình nhân khẩu, hộ khẩu trong việc đi lại, tạm trú, tạm vắng v.v. nên giúp cho chính quyền quản lý đi lại của người dân kịp thời, không xảy ra sơ sót trong kiểm tra việc người dân đi lại có liên quan đến các vùng dịch bệnh.

Ngoài ra, Ban quản lý Tổ đều có đại diện tham gia ứng dụng Zalo nhóm nội bộ theo từng xã, phường, thị trấn,  từ đó thường xuyên cập nhật thông tin giữa Tổ với hệ thống Mặt trận cấp xã và cấp huyện đảm bảo vừa tiếp nhận các thông tin, hướng dẫn nhanh chóng, vừa phản ánh tình hình cơ sở kịp thời xuyên suốt thời gian; qua đó góp phần rất lớn vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Phóng viên: Từ hiệu quả của mô hình Tổ nhân dân tự quản thời gian qua, trong nhiệm kỳ tới, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhân rộng và phát triển bền vững mô hình này như thế nào địa bàn tỉnh Đồng Tháp?

Đồng chí Võ Hoàng Cương: Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tiếp tục quán triệt đến cấp uỷ và hệ thống chính trị cơ sở về tính chất, vai trò của Tổ nhân dân tự quản; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp, trực tiếp là cấp cơ sở đối với tổ chức và hoạt động Tổ nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh, kịp thời định hướng nội dung và phương thức hoạt động đúng tính chất là tổ chức của nhân dân; rà soát quy mô, điều kiện sinh hoạt của các Tổ nhân dân tự quản để kịp thời cho chủ trương định hướng sáp nhập, chia tách theo quy mô thuận lợi, tránh rập khuôn, máy móc, chưa phù hợp điều kiện từng địa bàn dân cư.

Theo đó, tổ chức và hoạt động của Tổ nhân dân tự quản phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp uỷ các cấp, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Hội Khuyến học thực hiện nhiệm vụ do cấp uỷ phân công, phối hợp với các ngành có liên quan trong việc hướng dẫn và theo dõi hỗ trợ hoạt động của Tổ nhân dân tự quản; không hành chính hóa trong quá trình hoạt động của Tổ nhân dân tự quản; cần linh hoạt từ định hướng nội dung, phương pháp theo dõi, duy trì các hoạt động của Tổ đến chế độ gặp gỡ, tiếp xúc giữa cấp uỷ, các ngành với Ban quản lý Tổ nhân dân tự quản, giữa Ban quản lý Tổ nhân dân tự quản với nhân dân theo hướng đơn giản, thiết thực, hiệu quả.

Nội dung trọng tâm là sẽ định hướng điều chỉnh, sửa đổi quy chế hoạt động của Tổ cần tập trung hoạt động trên hai lĩnh vực chính, đó là công tác khuyến học, đảm bảo an ninh trật tự và hướng tới xây dựng cộng đồng dân cư tự quản theo phương châm “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác, cùng nhau phát triển” làm cơ sở mang tính nền tảng để phát triển các nội dung khác xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đời sống của nhân dân. Trong triển khai thực hiện định hướng hoạt động của Tổ nhân dân tự quản cần nhất quán quan điểm “Việc gì của dân và dân làm được hãy trao quyền để dân quyết định, dân thực hiện” và phương châm “Kiên trì, sáng tạo, tập trung dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ”.

Cùng với đó là duy trì công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng nâng cao chất lượng hoạt động Tổ nhân dân tự quản; đơn giản hóa các mẫu biểu, quy chế hoạt động và nội dung cam kết của cộng đồng theo định kỳ để có hướng dẫn thống nhất chung; triển khai có hiệu quả Sổ tay tự quản trong việc ghi chép theo dõi, quản lý, điều hành của Tổ.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, định kỳ hằng năm tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của Tổ nhân dân tự quản; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong tổ chức, xây dựng và hoạt động của Tổ nhân dân tự quản; báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Xin cảm ơn đồng chí!

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

dcs du thao van kien van ban huong dan nghi quyet ket luan tinh uy