dai hoi dang dong thap dai hoi dang dong thap

Xuất bản thông tin

null Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những định hướng quan trọng của phát triển nguồn nhân lực  tỉnh Đồng Tháp. Trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những bước phát triển mới. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu dành cho Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp cuộc trao đổi xoay quanh kết quả nổi bật này.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu

Phóng viên: Thưa ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh! Ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong nhiệm kỳ qua?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Xác định con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp thực hiện Kết luận số 30-KL/TU ngày 20/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp, tạo động lực cho sự phát triển, đồng thời “đắp nền” cho giai đoạn mới.

Một số kết quả đáng phấn khởi là: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67% (tăng 8,9% so với trước khi có Kết luận), trong đó, lao động được đào tạo nghề đạt 48% (tăng 6%).

Giai đoạn 2016 - 2019, bình quân hằng năm, tỷ lệ cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật và bồi dưỡng về đạo đức công vụ đạt 35,2% (tăng 21,5%); tỷ lệ cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ bình quân đạt 95,8% (tăng 30,9%). Tỷ lệ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 100% (tăng 2%); tỷ lệ công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm đạt 100% (tăng 4,4%).

Phóng viên: Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Đồng Tháp trong nhiệm kỳ qua đã có bước phát triển như thế nào để đáp ứng yêu cầu trên?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Đúng vậy! Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo chính là chăm lo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho địa phương, đất nước.

Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm và tập trung nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục. Theo đó, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Số địa phương đạt chuẩn phổ cập mức độ 2 và 3 tăng, các cơ sở đào tạo nghề được sắp xếp lại phù hợp với thực tế địa phương. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu tiệm cận với chỉ tiêu đến năm 2020.

Đáng chú ý, lần đầu tiên Đồng Tháp có học sinh đạt thành tích cao ở đấu trường quốc tế. Đó là em Đỗ Hoàng Việt, học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Quang Diêu đạt Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế lần thứ 59 - năm 2018 là vinh dự cho tỉnh Đồng Tháp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên; chủ động liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín trong và ngoài nước, mời chuyên gia tập huấn, báo cáo chuyên đề nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành y tế có chuyển biến, tỷ lệ viên chức có trình độ đại học, sau đại học tăng.

Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh được đổi mới; chất lượng đào tạo nghề được nâng lên đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, nhất là lao động tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chương trình khởi nghiệp được thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi sự lập nghiệp rộng khắp trong nhân dân.

Mặc dù vậy, giáo dục vẫn còn một số hạn chế: Công tác tuyển sinh các lớp trung cấp nghề chưa đạt chỉ tiêu so với kế hoạch giao; việc khai thác, sử dụng một số lao động làm việc ở nước ngoài về nước theo nhóm, ngành nghề chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng sinh viên một số ngành học sau tốt nghiệp chưa có việc làm v.v..

Phóng viên: Một trong những điểm sáng của tỉnh là giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh đã giải quyết việc làm cho 166.000 lao động, số lao động tham gia Chương trình Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tăng hơn 7,8 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, dẫn đầu các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Xin ông cho biết, kết quả này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Cùng với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chương trình Đưa lao động đi nước ngoài làm việc có thời hạn theo hợp đồng thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đưa Đồng Tháp trở thành một điểm sáng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về công tác này.

Với những chính sách hỗ trợ từ Uỷ ban nhân dân tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội, các địa phương trong tỉnh đã cụ thể thành các giải pháp tạo động lực để người lao động, thực tập sinh chọn đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình, thoát nghèo và vươn lên khá giả. Mặt khác, lao động sau khi đi nước ngoài làm việc trở về địa phương không chỉ có nguồn vốn tiền bạc mà còn tích lũy vốn tri thức, khoa học kỹ thuật hiện đại từ các nước để áp dụng vào thực tiễn công việc và khởi nghiệp tại quê nhà.

Phát huy Chương trình này, thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cung ứng lao động có kế hoạch đào tạo nguồn lao động chất lượng cao với kỹ năng, ngoại ngữ tốt, am hiểu văn hóa trước khi sang nước ngoài làm việc. Cùng với đó là thực hiện, vận dụng các chính sách hỗ trợ người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước được tham gia các chương trình khởi nghiệp, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, nguồn vốn phát triển bản thân, đóng góp cho quê hương.

Phóng viên: Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã bổ sung thành tố “Xây dựng nền văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” vào chủ đề Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây vừa là động lực vừa là mục tiêu và là nhiệm vụ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ tới. Theo ông, tỉnh cần có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Phát triển nguồn nhân lực phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương từng giai đoạn. Để phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phát triển nguồn nhân lực, chuyển dần nhận thức của xã hội từ việc học để nhận bằng cấp sang học để làm việc theo nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; khai thác, sử dụng có hiệu quả lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trở về theo nhóm, ngành nghề; tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động qua đào tạo nghề.

Ba là, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục - đào tạo; mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bốn là, xây dựng, phát triển cơ sở hệ thống dữ liệu về thị trường cung - cầu lao động; tăng cường mối liên kết giữa cơ quan quản lý với các cơ sở đào tạo, dạy nghề và người, đơn vị sử dụng lao động; tạo cơ chế thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu, tiêu chí của doanh nghiệp; đào tạo nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước.

Phóng viên: Ông có gửi gắm niềm tin và kỳ vọng gì với nhân dân tỉnh nhà trong nhiệm kỳ mới (2020 - 2025)?

Ông Đoàn Tấn Bửu: Chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng, tác động đến hầu hết quốc gia, ở các lĩnh vực một cách sâu sắc và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sẽ góp phần tạo dựng các thế hệ con người có chất lượng cao theo tiêu chí, yêu cầu của phát triển nói chung và cũng như trước tác động của cách mạng 4.0 nói riêng.

Mục tiêu mà tỉnh hướng tới đó là xây dựng con người Đồng Tháp ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ; xây dựng tư tưởng, kỹ năng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, đặc biệt là tiếp cận tri thức và làm chủ công nghệ.

Xin cảm ơn ông!

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

dcs du thao van kien van ban huong dan nghi quyet ket luan tinh uy