Xuất bản thông tin

null E-MAGAZINE: "Cuộc chiến" chống Covid-19 tại Đồng Tháp: Ký ức khó quên của "người trong cuộc"

tri thuc hoa nong dan

Ngày 24/6/2021, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Đồng Tháp với chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, sau đó lan ra toàn tỉnh. Hơn 1.500 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã lên đường làm nhiệm vụ, bất chấp hiểm nguy, đi vào những “vùng đỏ” theo “mệnh lệnh trái tim” và lương tâm người thầy thuốc với quyết tâm “hết dịch mới về”.

tri thuc hoa nong dan

Gác lại niềm riêng và những lo lắng cho gia đình, Bác sĩ trẻ Phạm Thị Tuyết Nga (sinh năm 1994) cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Là người trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu Hồi sức tích cực (ICU), nơi mà hằng ngày phải đối mặt với nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, Bác sĩ Nga chia sẻ, tham gia chống dịch từ những ngày đầu tháng 6/2021 - thời điểm mà bản thân và các bác sĩ tại Bệnh viện chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân Covid-19 và đây còn là khu vực tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 có rất nhiều thủ thuật tạo khí dung, nguy cơ lây nhiễm cao nên cũng có chút lo lắng.

Công việc hằng ngày của chúng tôi trong khu ICU là điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Do đây là khu điều trị đặc biệt nên tất cả công tác chăm sóc đều do nhân viên y tế thực hiện, không phân biệt bác sĩ, điều dưỡng; từ thay tã, cho ăn, tắm gội, điều trị tâm lý, tâm sự với bệnh nhân v.v.. Với lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn, môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các y, bác sĩ chưa bao giờ nản chí.

Bác sĩ Nga xúc động nhớ lại, vì ở khoa tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch nên đội ngũ y tế ở đây luôn phải cẩn thận theo dõi từng thông số trên máy thở, chỉnh từng bình truyền, bơm từng lọ thuốc cho bệnh nhân. Trong “trận chiến” này, mọi nỗ lực đều được tính bằng phút, bằng giây, bởi lằn ranh giữa sự sống và cái chết của người bệnh rất mong manh, có những bệnh nhân Covid-19 trở nặng rất nhanh.

Và điều khiến bác sĩ trẻ như Nga ám ảnh nhất chính là việc bất lực nhìn bệnh nhân mình điều trị phải ra đi... Chính bản thân Bác sĩ Nga đã không ít lần phải kiềm nén cảm xúc, giữ cho mình cái đầu thật lạnh, để tiếp tục công việc và tiếp tục tiến về phía trước, vì ở đó, có rất nhiều bệnh nhân đang chờ… để tiếp thêm động lực, thêm hy vọng cho những người còn có cơ hội sống.

Gạt qua những ký ức không vui ấy, Bác sĩ Nga chia sẻ, khoảnh khắc hạnh phúc nhất là lúc tiễn bệnh nhân ra xe để chuyển tầng, ra viện, nhìn niềm vui của bệnh nhân được trở về với gia đình với nụ cười trên môi, lời cảm ơn, cái vẫy tay tạm biệt thì tâm trạng lại phấn chấn trở lại, tiếp tục cố gắng vì những bệnh nhân tiếp theo”.

tri thuc hoa nong dan

“Lương y như từ mẫu” được xem là cốt lõi của đạo đức của nghề y, bởi vì nghề y là nghề rất đặc biệt. Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Sáu, viên chức Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự là một trong số những người thầy thuốc như thế.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trước hoàn cảnh đáng thương của bé K., mới 3 tuổi, mắc Covid-19 và không có người thân bên cạnh chăm sóc, chị Nguyễn Thị Sáu đã tự nguyện đăng ký làm người chăm sóc và theo dõi, điều trị cho bệnh nhi 3 tuổi này.

Thấu hiểu tâm trạng người mẹ, là người yêu trẻ, tôi xót xa khi thấy hoàn cảnh cháu bé thật đáng thương và quyết định chăm sóc bé đến khi khỏi bệnh – chị Sáu kể. Nhờ chủ động tiếp cận để bé quen dần, nên khi không có người thân bên cạnh, bé không quấy khóc, vô tư vui đùa và còn thân thương gọi chị Sáu là mẹ.

Anh H.V.T. - cha ruột của bé K chia sẻ, vợ chồng tôi rất cảm kích và biết ơn các y, bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Hồng Ngự và đặc biệt là tấm lòng, sự gan dạ bất chấp hiểm nguy vì người bệnh của chị Nguyễn Thị Sáu.

Ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho điều dưỡng Nguyễn Thị Sáu bởi tinh thần gan dạ bất chấp rủi ro có thể bị lây nhiễm mầm bệnh, sự hy sinh hết lòng vì người bệnh; qua đó lan toả tinh thần “lương y như từ mẫu”, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về người thầy thuốc vì nhân dân.

tri thuc hoa nong dan

Ròng rã suốt 180 ngày (từ cuối tháng 6 đến 12/2021) chăm sóc, hỗ trợ hơn 3.000 F0 tại Bệnh viện dã chiến Trường Quân sự tỉnh đối với Y sĩ Ngô Văn Quí, sinh năm 1993 - viên chức Trạm Y tế Phường 3, thuộc Trung tâm Y tế thành phố Sa Đéc là khoảng thời gian khó quên trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Khi đến bệnh viện dã chiến, Quí trực tiếp nhận bệnh, chăm sóc sức khỏe hằng ngày cho các F0 triệu chứng nhẹ; tham gia phun hóa chất khử khuẩn khi tiếp nhận F0; tham gia lấy mẫu định kỳ theo quy định. Quí còn trực tiếp quản lý, thu gom rác thải và phát cơm cho bệnh nhân F0; vận động tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 an toàn và hiệu quả, hạn chế tối đa lây chéo từ bệnh nhân F0 và F1 theo nuôi.

Quí kể, thời điểm dịch bùng phát dữ dội, hằng ngày, những chiếc xe cứu thương nối dài chờ tới lượt giao bệnh. Trong đêm, chỉ có một mình làm tất cả các khâu đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Lúc được ngả lưng nghỉ ngơi thì trời cũng đã hừng sáng.

Các ca bệnh vào nơi đây già có, trẻ em có, trẻ mới sinh vài ngày cũng có. Trăn trở với những hoàn cảnh khó khăn, Quí kêu gọi các nhu yếu phẩm cho bà con, đồ bảo hộ cấp 3, khẩu trang N95, găng tay, cồn sát khuẩn và đặc biệt là hơn 50 máy SPO2 để phát cho các bệnh nhân và lực lượng làm nhiệm vụ tại đây. Ngoài ra, Quí còn tham mưu và kêu gọi tổ chức Chương trình Vui Tết Trung thu cho 60 trẻ tại Bệnh viện dã chiến. Đến nay, tổng trị giá tiền, hiện vật do Quí vận động được gần 400 triệu đồng.

Trong thời gian đó, tuy người nhà không may bị nhiễm Covid-19, nhưng với tâm thế là một nhân viên y tế tôi luôn vững tâm chăm lo cho gia đình từ xa và hoàn thành tốt công việc được giao. Đến nay, tôi đã về Trạm y tế Phường 3 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 tại địa phương với quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân tỉnh Đồng Tháp nói chung và thành phố Sa Đéc nói riêng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 - Y sĩ Quí chia sẻ.

tri thuc hoa nong dan

Trực tiếp tham gia khoanh vùng, điều tra, truy vết ca bệnh, phân tích đánh giá tình hình dịch tễ, ca bệnh và hỗ trợ các huyện/thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như: tập huấn chuyên môn, phân tích kết quả xét nghiệm từ đó đưa ra chiến lược can thiệp và kế hoạch xét nghiệm cho những ngày tiếp theo v.v. là nhiệm vụ mà Bác sĩ Võ Văn Đông Nhật – Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đảm nhận.

Bác sĩ Nhật chia sẻ, trong giai đoạn đầu, khi phát hiện các ca mắc Covid-19, chúng tôi làm việc xuyên đêm để điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2. Công việc tuy vất vả có khi phải làm đến khuya mới ngủ, nhưng đến sáng hôm sau vẫn tươi cười và tiếp tục công việc.

Sa Đéc, Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung, Tháp Mười, Cao Lãnh v.v., không nơi nào, các đội truy vết dịch tễ không đi qua. Không quản ngày, đêm, mưa gió, bác sĩ Nhật luôn thường trực, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, để khoanh vùng tối đa, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Bác sĩ Nhật kể, tôi nhớ có lần tôi gọi cho một bạn đồng nghiệp nhưng không bắt máy, một lúc sau bạn ấy gọi lại và nói “nay em liều luôn anh, ngủ được nữa tiếng rồi, chứ mọi khi em không dám ngủ giờ này” - lúc đó cũng đã 21 giờ rồi. Những đoạn hồi ức thanh xuân ấy, đối với tôi có lẽ sẽ không bao giờ có thể xoá nhoà.

“Trận chiến” với dịch Covid-19 có lẽ vẫn chưa thể xác định được hồi kết. Tuy nhiên, “sau cơn mưa, trời lại sáng”, trong trạng thái “bình thường mới” thích ứng an toàn sống chung với dịch bệnh như hiện nay thì ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng là cực kỳ quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định đầu tiên. Do đó, bên cạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì tuân thủ nghiêm thông điệp 5K vẫn là gốc rễ trong phòng tránh lây nhiễm Covid-19 trong bối cảnh hiện nay – Bác sĩ Nhật khuyến cáo.

tri thuc hoa nong dan