Xuất bản thông tin

null [Megastory] Nguyễn Sinh Sắc – Một cuộc đời thanh bạch

nguyen sinh sac
nguyen sinh sac
nguyen sinh sac

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm Nhâm Tuất (1862) tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha là Nguyễn Sinh Nhậm, mẹ là Hà Thị Hy. Lên ba tuổi mồ côi cha, bốn tuổi mẹ qua đời, phải về ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (làng Chùa) nhận về nuôi dạy, với bản tính hiếu học, thông minh nên trở thành học trò giỏi có tiếng trong vùng. Đến năm 22 tuổi (1883), Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường gả cô con gái lớn là Hoàng Thị Loan và lần lượt hạ sinh bốn người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (mất lúc nhỏ).

nguyen sinh sac

Năm 1894, cụ thi đỗ cử nhân. Năm 1895, cụ dự thi Hội nhưng không thành, sau đó cụ đưa cả gia đình đi bộ vào Huế để tiếp tục việc học hành. Khi cụ Sắc dự thi Hội và đỗ Phó bảng, được bà con làng Sen đón rước long trọng, nhưng với tính cách giản dị, gần gũi cụ đi bộ với bà con vừa đi vừa trò chuyện thân mật. Tại căn nhà năm gian do bà con cất tặng, cụ sống cùng hai con trai.

Tháng 6/1906, cụ nhận chức Thừa biện bộ lễ, năm 1909 nhận chức Tri Huyện Bình Khê ở Bình Định. Vì trừng trị những tên cường hào ác bá, cụ bị cách chức và giải về Huế. Sau đó được đổi thành cải bổ kinh chức, tức là làm quan ở Kinh đô nhưng cụ không màng danh lợi và đi vào Nam.

Cụ Sắc về Cao Lãnh hai lần, lần đầu từ 1917 - 1919, lần 2 từ 1927 – 1929. Khi về đây, cụ ở nhà ông Lê Văn Giáo, là một người đàn ông nghèo góa vợ làm nghề chèo ghe mướn bên rạch Cái Tôm. Cụ thường đi bộ ra chợ Cao Lãnh kê toa bốc thuốc trị bệnh cho bà con nhưng thực chất là tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước.

nguyen sinh sac
nguyen sinh sac
nguyen sinh sac

Mộ cụ ban đầu chỉ là ngôi mộ bằng đất. Ngày 22/8/1975, Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đã về dự và cắt băng khánh thành. Đến năm 1992, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tháng 12/2010, nhân lễ giỗ lần thứ 81 của cụ Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Lễ khánh thành công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích mộ cụ. Ngoài khu mộ, công trình còn có nhà trưng bày về thân thế sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc; phục dựng lại một góc của làng Hòa An xưa - nơi lần đầu tiên cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt chân tới hoạt động cách mạng, bốc thuốc trị bệnh phục vụ nhân dân; phục dựng một góc hình ảnh làng Nam bộ nhằm bảo tồn giá trị vật thể và phi vật thể về nếp ăn, ở, cách thức sống và thờ cúng ông, bà tổ tiên và trưng bày các làng nghề truyền thống của địa phương.

nguyen sinh sac
nguyen sinh sac
nguyen sinh sac

Tinh thần hiếu học của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã được những người con Đồng Tháp nhắc nhớ và tiếp nối thông qua Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc được thành lập từ cuối năm 2010. Với sự chung sức chung lòng của những người luôn đau đáu về con đường đến trường của những học trò nghèo, Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc không chỉ cưu mang mà còn góp phần giáo dục cho học sinh, sinh viên tinh thần yêu nước, thương dân, rèn luyện bản lĩnh và ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, để trở thành những “chủ nhân tương lai” của vùng đất Sen hồng.

nguyen sinh sac
nguyen sinh sac

Vào ngày 26, 27/10 âm lịch hằng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc, là sự tri ân đối với công lao to lớn của một nhà nho luôn hết lòng vì nước vì dân. Bên cạnh phần lễ được tổ chức trang trọng và thành kính, còn có nhiều hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia như: Tái hiện làng Hòa An xưa, hình ảnh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân, cuộc thi Trạng Nguyên cùng các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian v.v..