Xuất bản thông tin

null [e-Magazine] Bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm 2023

tri thuc hoa nong dan

Đồng Tháp bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, năm bản lề của kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, với mục tiêu cơ bản là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5%/năm trong điều kiện kinh tế của tỉnh nói riêng, cả nước và thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, trong các tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng có một số điểm thuận lợi như: Một số nông sản chính của tỉnh tiêu thụ tốt (lúa, trái cây); hạ tầng giao thông được nâng cấp và mở rộng; thủ tục hành chính ngày càng được thông thoáng; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh được duy trì trong nhóm thứ hạng cao của cả nước.

Với những nỗ lực, quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự vượt khó của nhân dân trong tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh nên kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc, phục hồi và phát triển trên hầu hết các lĩnh vực.

Khu vực Thương mại - Dịch vụ (kể cả thuế sản phẩm) đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, cụ thể tăng 790.633 triệu đồng, đóng góp 2,81 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung (tương đương 47,8%). Nếu chỉ tính riêng Thương mại - Dịch vụ thì đóng góp vào tăng trưởng GRDP của khu vực này là 2,73 điểm phần trăm.

Kế đến là khu vực Nông - Lâm - Thủy sản, tăng 489.845 triệu đồng, đóng góp 1,75 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung (tương đương 29,7%).

Khu vực Công nghiệp - Xây dựng, tăng 372.130 triệu đồng, đóng góp 1,33 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung (tương đương 22,5%).

Cộng chung 03 khu vực là 5,89%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,63%.

Đồng Tháp tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh như: Lúa, gạo, hoa kiểng, cá tra, xoài, sen và Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trọng tâm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Diện tích ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng ngày càng tăng. Nhiều mô hình khuyến nông gắn kinh tế xanh đang được triển khai. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển sang các loại cho giá trị cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 109 xã đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 94,78% Kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025), 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 52,9% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025).

Lũy kế đến nay có 03 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (thành phố: Sa Đéc, Cao Lãnh và Hồng Ngự), 02 huyện (Tháp Mười, Cao Lãnh) đạt chuẩn nông thôn mới.

tri thuc hoa nong dan

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi và phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2023 tăng 11,5% so với tháng trước và tăng 23,1% so cùng kỳ năm 2022, lũy kế đến hết tháng 6/2023 tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động các chuỗi sự kiện thu hút khách du lịch đến với tỉnh như: Lễ hội Hoà Bình, Ngày hội Bánh xèo năm 2023 tại thành phố Sa Đéc và Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023 tại thành phố Cao Lãnh, Ngày hội Sầu riêng tại huyện Châu Thành; triển khai chương trình tour kích cầu du lịch tại Đồng Tháp.

Đồng Tháp còn tăng cường giới thiệu các sản phẩm, món ăn được chế biến từ sen, xoài và cá tra. Triển khai cho các khu, điểm du lịch đăng ký tham gia Ngày hội Văn hóa ẩm thực Đông Nam Á - Việt Nam lần thứ I năm 2023, khai trương 02 điểm tham quan, du lịch tại huyện Hồng Ngự và Lai Vung.

Tổng lượt khách du lịch do các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ước tháng 6/2023 là 200.000 lượt khách, tăng 12% so cùng kỳ năm 2022. Tổng thu du lịch ước thực hiện tháng 6/2023 là 150 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2022.

Ước tính 6 tháng đầu năm có 325 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đầu tư là 1.929 tỷ đồng (so cùng kỳ năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 20,54%); số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 200 doanh nghiệp; doanh nghiệp giải thể tự nguyện là 60 doanh nghiệp và tái hoạt động 80 doanh nghiệp.

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước khoảng hơn 5.028 doanh nghiệp. Thu hút được 10 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký là 6.319 tỷ đồng, trong đó có 03 dự án FDI, tổng vốn đăng ký là 437 tỷ đồng.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Đồng Tháp đứng thứ 5 cả nước và có 15 năm liên tục nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu.

Tổng số vốn đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh là hơn 6.091 tỷ đồng. Đến ngày 26/6 giải ngân vốn đầu tư công đạt 47,3%.

Để đạt được tiến độ khả quan trên, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công; không để tình trạng đầu tư công chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế, dư luận bức xúc, quan tâm.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 6.243/15.000 học viên trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, đạt 41,6% kế hoạch năm.

Từ đầu năm đến ngày 15/6/2023, đã tổ chức được 18/28 phiên giao dịch việc làm, đạt 64,3% kế hoạch, có 197 đơn vị doanh nghiệp tham dự với 4.901 lao động, học sinh tham dự. Lũy kế, toàn tỉnh có 15.450 lao động được giải quyết việc làm đạt 51,5% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó 820 lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 54,7%.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tỉnh Đồng Tháp năm 2023 diễn ra an toàn, nghiên túc, đúng quy chế. Toàn tỉnh có trên 15.600 thí sinh đăng ký dự thi, với 35 điểm thi, 685 phòng thi.

Công tác cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí được tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Phát huy hiệu quả hoạt động Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022, tỉnh tiếp nhận và xử lý hỏi đáp thông tin kịp thời, đạt tỷ lệ trên 99% trong tháng 6. Hoạt động Trung tâm Hành chính công tiếp tục duy trì hiệu quả, số hồ sơ được xem xét, giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%.

Mặc dù tăng trưởng 06 tháng đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch đặt ra cho cả năm 2023 (tăng 7,5%) của tỉnh. Vì vậy, nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm là rất cao.

Để đạt được tăng trưởng cả năm 2023 là 7,5%, 6 tháng cuối năm Đồng Tháp phải nỗ lực đạt được mức tăng 8,88%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,21%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 12,46%.

Yêu cầu các ngành, các cấp rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa đạt để đánh giá, phân tích nguyên nhân cụ thể. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, tình hình thiên tai, cung ứng lao động v.v. để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh.

Tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp phải được triển khai đồng bộ theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới, phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP v.v..