Xuất bản thông tin

null [Megastory] Nghề làm bột gạo Sa Đéc – Hành trình 100 năm để trở thành di sản

nem lai vung

Không chỉ được biết đến là thủ phủ hoa của miền Tây, thành phố Sa Đéc còn nức tiếng gần xa với nghề làm bột gạo truyền thống hơn 100 năm tuổi. Nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, với nguồn nước ngọt quanh năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp đã tạo nên sản phẩm bột gạo Sa Đéc mang chất lượng vượt trội, hương vị đặc trưng riêng biệt khó có nơi nào sánh kịp. Mới đây, nghề làm bột gạo Sa Đéc đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là sự ghi nhận xứng đáng cho một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.

nem lai vung

Ngược dòng thời gian, vào thế kỷ XVIII nhiều lưu dân từ miền Bắc, miền Trung vào Nam lập nghiệp, những lề lối sinh hoạt, cái ăn, nếp ở cũng theo hành trình đó vào đến vùng đất này. Tất cả những gì là đặc tính của người Việt, của “Văn minh lúa nước” đều đến và hòa nhập với vùng đất được khai hoang mở cõi phương Nam của đất nước, hội tụ và tiếp biến để trở thành “Văn minh miệt vườn” mà Sa Đéc được xem là cái nôi của “Văn minh miệt vườn” ấy.

nem lai vung

Với ý thức “tích cốc phòng cơ” nên người người, nhà nhà đã tìm mọi cách để giữ lương thực được lâu dài, từ hạt lúa làm ra hạt gạo, rồi từ hạt gạo đó làm ra bột gạo. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xóm bột Tân Phú Đông trở thành một trong những nơi làm bột và sản phẩm từ bột danh tiếng nhất vùng. Những người thuộc thế hệ đầu tiên khai mở cho làng nghề chính là dân của 150 năm trước.

Nối bước tiền nhân, một trong điển hình đó có ông Nguyễn Văn Tao (1861) với sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ trong công việc, trong nghề mà ông trở thành tấm gương cho con cháu và nhiều thế hệ trong gia tộc noi theo để giữ gìn, phát huy nghề làm bột. Từ đời của ông mà truyền nghề cho con là Nguyễn Văn Phước (1891) đến đời kế tiếp theo là ông Nguyễn Văn Nương (1943) và hiện nay người được coi là truyền nhân của gia tộc làm bột này là chị Nguyễn Thị Ánh (1982), là cháu đời thứ 5 duy trì nghề bột của cụ Nguyễn Văn Tao.

nem lai vung

Trong một buổi sáng của tháng 4, dọc theo con rạch Ngã Bát, tôi tìm đến để gặp một trong những người có thâm niên với nghề làm bột là ông Nguyễn Văn Nương - Chủ Cơ sở sản xuất bột Tư Nương, Chủ nhiệm Hội quán Làng bột Sa Đéc để nghe ông chia sẻ về câu chuyện làm bột - cái nghề đã gắn bó với suốt cuộc đời ông.

nem lai vung

Bột gạo Sa Đéc nức tiếng gần xa bởi độ trắng, mịn, dẻo, thơm mà khó có nơi nào sánh kịp. Để có được điều này, theo chia sẻ của các cụ thâm niên trong nghề, Sa Đéc là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với vị trí địa lý nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, đặc biệt đoạn sông Tiền khi chảy vào Sa Đéc đã tạo thành dòng Sa Giang mang độ pH trung tính, không bị chua do phèn, không bị lợ do nhiễm mặn. Chính nhờ dòng nước sông ngọt lành này, khi kết hợp với hạt gạo của Đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu đã tạo nên thương hiệu cho bột Sa Đéc.

nem lai vung

Trước đây, người dân làm bột chủ yếu làm bằng thủ công, để có sản phẩm bột gạo người làm bột phải trải qua nhiều công đoạn, tốn rất nhiều thời gian và công sức, khó khăn, vất vả. Sản phẩm bột được làm ra luôn đạt chất lượng ngon, dẻo dai, trắng mịn thì phải trải qua 10 công đoạn: Lựa chọn tấm (gạo), làm sạch tấm (gạo), xay tấm (gạo), dằn bột, đánh tơi bột, lắng gạn, hớt bột, chia bột và bẻ bột, phơi bột, đóng gói thành phẩm.

Trước những tác động của tình hình dịch bệnh như: Dịch tả heo châu Phi, dịch bệnh Covid-19 và tác động của nền kinh tế thị trường nghề làm bột cũng gặp không ít khó khăn. Để tồn tại đòi hỏi người làm bột Sa Đéc phải biết thay đổi để thích ứng. Ngày nay, làm bột đã tân tiến rất nhiều, các cơ sở sản xuất bột được cơ giới hóa trong nhiều khâu sản xuất, đã có máy vo, máy nghiền, thiết kế giàn ép bột tươi, bồn lắng, hệ thống bơm, hút phụ phẩm v.v..

nem lai vung

Sự phát triển của khoa học công nghệ tạo nên một bước ngoặc mới cho nghề làm bột. Các cơ sở, các hộ sản xuất bột đã áp dụng những thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã cơ giới hóa, điện khí hóa trong nhiều khâu của qui trình sản xuất bột v.v. nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo được chất lượng sạch, tuyệt trùng, không chất cấm, sản phẩm bột luôn được trắng, trong, dai, dẻo và mịn; nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột.

Nghề làm bột Sa Đéc trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực cho việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập của người dân. Đây là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giúp ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn, giải quyết được nhu cầu lao động của địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế và làm giàu thêm giá trị văn hóa độc đáo cho vùng đất Sa Đéc.

Hiện nay, nghề làm bột Sa Đéc có trên 160 hộ, cơ sở sản xuất, với hơn 1.000 lao động, sản lượng bình quân trên 30.000 tấn bột/năm. Thị trường tiêu thụ đa số trong nước và xuất khẩu ngoài nước thông qua các đơn vị như: Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Hòa Hưng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Cổ phần tinh bột xanh v.v. góp phần cho thành phố Sa Đéc thu về trên 400 tỷ đồng.

nem lai vung

Thị trường tiêu thụ bột ngày nay đã phát triển, từ bột, người ta có thể chế biến ra nhiều sản phẩm sau bột rất hấp dẫn, trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội như: Hủ tiếu, bánh phở, bún, miến, ống hút gạo v.v..

nem lai vung

Trong đó, có thể nói đến sản phẩm ống hút gạo của anh Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh Bột Xanh (Phường 2). Anh Hải chia sẻ, từ nguồn nguyên liệu bột gạo, công ty đã sản xuất thành công ống hút gạo và một số sản phẩm khác. Sản phẩm ống hút gạo đã tạo nên dấu ấn cho công ty trên thương trường. Hiện sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021. Đến nay, sản phẩm đã có mặt ở nhiều thị trường từ trong nước và ngoài nước có thể kể đến như: Ba Lan, Hà Lan, Pháp, Đức, Úc v.v..

nem lai vung

Bột gạo còn là nguồn nguyên liệu chủ yếu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Từ bột gạo, có thể chế biến ra nhiều loại bánh dân gian như: Bánh chuối, bánh đúc, bánh canh, bánh xèo, bánh bò v.v. Năm 2023, Kỷ lục Guinness Việt Nam đã xác lập kỷ lục “102 món ăn và các loại bánh Dân gian từ bột gạo”.

Nghề làm bột đã tạo nên sự đa dạng văn hóa ẩm thực người Việt, “gạo nấu cơm nhưng bột thì làm được trăm món ăn trên đời”, bột gạo Sa Đéc từ lâu nổi tiếng là “bà đỡ” cho hủ tiếu Sa Đéc trứ danh. Nếu ai đã một lần ăn qua hủ tiếu ở đây đều có chung một nhận xét: hủ tiếu Sa Đéc thơm ngon, dai, trong, đặc biệt không có mùi và vị chua, hấp dẫn đến nỗi không hủ tiếu ở đâu có thể so sánh kịp.

nem lai vung

Cùng với đó, từ nguồn nguyên liệu bột gạo đã tạo nên nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao như: Bột gạo lứt lúa mạch hạt sen, bánh hỏi khô, bột bánh xèo cốt dừa, nui gạo, bún gạo lứt, hủ tiếu gạo lứt, phở gạo lứt, hủ tiếu khô, phở khô v.v.. Những sản phẩm OCOP này đã từng bước thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để tiếp cận với người tiêu dùng, tham gia kết nối, triển lãm, trưng bày các sản phẩm OCOP tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng phân phối lớn nhỏ, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

nem lai vung

Để giữ gìn và phát huy nghề làm bột gạo Sa Đéc, bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc chia sẻ, thành phố có nhiều chính sách để vực dậy làng nghề, định hướng theo Đề án phát triển Làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, địa phương sẽ tiếp tục hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ; xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm dựa trên điểm nhấn chính là kết hợp Làng nghề truyền thống sản xuất bột và Làng hoa Sa Đéc.

Cùng với đó, địa phương cũng sẽ vận động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tổ chức, bố trí lại khu sản xuất bột đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp và làng nghề bột Sa Đéc có sản phẩm bột và chế biến sau bột tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường quan tâm công tác truyền dạy nghề v.v..

nem lai vung

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, nghề làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến về nhiều mặt, Đảng bộ và chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển nghề truyền thống này, đưa nghề làm bột lên ngang tầm trong thời kỳ mới của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Người làm nghề vẫn gìn giữ các bí quyết gia truyền, các kỹ thuật truyền thống của gia đình, đồng thời cũng ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Nghề làm bột ở Sa Đéc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân thành phố Sa Đéc, mà còn tạo động lực để thế hệ hôm nay truyền thừa nghề cho thế hệ mai sau. Qua đó, góp phần phát huy tinh hoa làng nghề truyền thống bột gạo Sa Đéc, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương và sự phát triển của vùng đất trù phú Sa Đéc.

nem lai vung