Xuất bản thông tin

null [e-Magazine] Ông, bà Đỗ Công Tường và tấm lòng đối với người dân Cao Lãnh

tri thuc hoa nong dan

Đến thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nhắc đến ông, bà chủ chợ Cao Lãnh ai ai cũng sẽ nhớ ngay đến ông, bà Đỗ Công Tường với lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc. Đền thờ Ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thể hiện tín ngưỡng của nhân dân đối với vị tiền bối đã có công khai phá, tạo dựng làng mạc và hình thành nên địa danh Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp ngày nay.

Ông Đỗ Công Tường là người gốc miền Trung, theo gia đình di cư vào Nam thời các chúa Nguyễn. Cha ông tên Đỗ Văn Văn, vốn dòng dõi Nho gia, vào Nam ở tại vàm Rạch Chanh.

tri thuc hoa nong dan

Ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, cùng vợ đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà dưới thời vua Gia Long. Không rõ ông sanh năm nào, chỉ biết theo lời truyền tụng trong dân gian thì ông sanh ngày 16 tháng 3 âm lịch. Nhờ chăm chỉ, cần cù khai khẩn đất hoang, ươm trồng vườn tược, không bao lâu sau, ông bà đã trở nên dư ăn từ huê lợi của khu vườn quít. Vườn quít của ông bà là nơi rộng rãi, mát mẻ, lại thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên dân trong thôn thường nhóm họp ở đây để mua bán, lần hồi thành chợ.

Vốn sẵn tánh tốt, hay giúp đỡ bà con chòm xóm, ông bà bàn nhau che cất lều quán bằng tre lá nơi vườn quít cho bà con có chỗ mua bán không lo mưa nắng. Lần hồi các tiệm bên chợ Hòa Thành (tức Hòa An bây giờ) cũng dời qua, làm cho nơi đây ngày càng thêm tấp nập, hình thành nên khu chợ Vườn Quít. Dân chúng quanh vùng ai cũng mến mộ ông bà.

Thấy ông có tánh cương trực, lại thông thuộc kinh sách nên thôn dân cử ông giữ chức Câu đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Từ đó, người người quen gọi chức vụ và tên tục của ông là Câu Lãnh. Còn khu chợ Vườn Quít cũng được người dân gọi tên là chợ Ông Câu hay chợ Câu Lãnh.

tri thuc hoa nong dan

Năm Canh Thìn (1820), một trận dịch tả rất lớn khởi phát từ Xiêm La, qua Chân Lạp rồi truyền vào nước ta ở Hà Tiên lan dần ra Bắc. Trận dịch bắt đầu từ mùa Thu, qua mùa Đông. Đây là lúc ở Nam Kỳ đang vào mùa mưa nên dịch bệnh lây lan nhanh chóng, làm chết rất nhiều người. Theo thống kê của triều đình, cả nước có 206.835 người chết. Tại thôn Mỹ Trà, đồng bào bị mắc bệnh dịch tả chết rất nhiều. Số người trong thôn mười phần còn độ bốn đến năm phần.

Ngày xưa, quan niệm dân gian cho rằng bệnh dịch tả là bệnh do quan Ôn (quan của Âm phủ, chuyên gây ra ôn dịch) đi bắt lính. Hễ người nào bị dịch coi như tới số, không phương gì cứu được. Thuốc men thiếu thốn đủ thứ nên hễ mắc bệnh là người ta chỉ lo cầu cúng chớ không trông mong gì uống thuốc mà qua khỏi.

tri thuc hoa nong dan

Vốn là người nhơn đức, ông bà Đỗ Công Tường đâu nỡ ngồi yên nhìn cảnh nhơn dân chết chóc quá nhanh chóng. Một mặt, ông bà lo tìm thầy thuốc cứu chữa cho bá tánh, một mặt cầu khẩn trời phật cho ông bà chết thế cho dân.

Ngày mùng 06 tháng 6 năm Canh Thìn (1820), ông bà tắm gội sạch sẽ, lập bàn hương án giữa trời cầu khẩn, nguyện ăn chay nằm đất ba ngày để tỏ tấc lòng thành. Trong lúc cúng bái, để người dân phần nào quên đi cảnh tượng chết chóc đang diễn ra, ông rước về một gánh hát bội. Giữa lúc ông đang cùng bà con coi hát thì người nhà báo tin rằng bà vợ của ông mắc bệnh dịch, vừa tắt thở vào 10 giờ đêm ngày mùng 09. Hay tin, ông vội về lo tấn liệm cho bà thì lối quá 02 giờ khuya ngày mùng 10 đến lượt ông bị nhiễm dịch quy tiên. Người dân cảm cái nghĩa cử cao đẹp của ông bà nên lo chôn cất cẩn thận.

Sau khi ông bà mất ít lâu, cơn bệnh ngặt cũng dần dần dứt hẳn. Mọi người tin rằng nhờ ông bà nguyện đứng ra chết thế cho dân nên phật trời thương tình mà cho dân khỏi chết nên hằng tưởng nhớ công ơn và không ngớt kính ngưỡng ông bà.

tri thuc hoa nong dan

Ông bà Đỗ Công Tường chỉ có một người con gái (hiện chưa tầm được tên). Kể từ khi ông bà mất, giỗ chạp hằng năm do người con gái cùng với gia đình người em trai ông là ông Đỗ Văn Thoại cúng kiếng. Một năm sau, ông Thoại cũng qua đời (ông mất ngày 18 tháng 5 năm 1821).

Đến năm 1907, nhân dân trong vùng hiệp nhau lập miễu thờ ông bà nơi chợ Vườn Quít xưa và đặt tên chợ là chợ Câu Lãnh. Lâu dần, người dân gọi trại là chợ Cao Lãnh đến ngày nay. Miễu được người dân quen gọi là Miễu ông bà Chủ Chợ.

tri thuc hoa nong dan

Năm 1920, ông Hương cả Huỳnh Kim Sanh trình tiểu sử ông bà nhờ ông Đốc phủ sứ Lê Văn Giáp, chủ quận Cao Lãnh chuyển về triều đình Huế xin sắc phong thần cho ông bà.

Đến năm Bảo Đại thứ 10 (tức năm 1935), dân vùng Cao Lãnh vui mừng đón sắc thần do vua phong ông bà là “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi Thần”. Nội dung sắc như sau:

Dịch nghĩa: Sắc cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, thờ phụng vị thần có công khai lập chợ Câu Lãnh là Đỗ Công Tường, từ trước đã tỏ ra linh ứng rõ rệt. Nay ta kế nối cơ đồ, nghĩ nhớ đến công lao của thần, mới phong là Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần, chuẩn cho được thờ tự, ngõ hầu thần hãy che chở cho dân lành của ta. Kính thay!

Ngày 19 tháng 4 năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Đóng ấn: Sắc Mạng Chi Bửu.

tri thuc hoa nong dan

Theo lời truyền miệng trong dân gian thì ngay sau khi ông bà qua đời (1820), người dân đã lập một ngôi miễu nhỏ bằng tre lá để thờ cúng ngay tại phần mộ. Hằng năm, đến kỳ giỗ con cháu và bà con cúng kiếng rất chu đáo.

Khoảng chừng 03 năm sau thì người dân bàn nhau dời miễu về địa điểm cách mộ chừng 50 m để xây dựng ngôi miễu rộng thêm (tức vị trí đền thờ hiện tại) cho tiện việc cúng tế.

Năm Đinh Mùi (1907), ông Hội đồng địa hạt Huỳnh Kim Ngưu, người làng Mỹ Trà cùng với ông Hương chủ thôn Mỹ Trà Bùi Hiền Giảng và nhiều ông bà hằng tâm, hằng sản đứng ra xây cất miễu thờ thêm rộng lớn và kiên cố để mong ông bà phò hộ cho dân chúng trong vùng được bình yên mạnh giỏi. Miễu nằm tại kinh Quản Khanh trong thôn Mỹ Trà, gần chợ Câu Lãnh.

tri thuc hoa nong dan

Năm Kỷ Dậu (1909), chính quyền cho phép thiết lập Hội lo việc cúng tế ông bà hằng năm. Ông Huỳnh Kim Ngưu là người khởi xướng việc lập Hội được đề cử làm Hội trưởng. Ông Hương chủ Bùi Hiền Giảng làm Phó hội trưởng và nhiều vị khác, trong đó có những cháu chắt ngoại của ông bà cùng nằm trong ban Hội lo việc sửa sang miễu võ và lệ cúng thường niên.

Trải qua các thời kỳ chiến tranh loạn lạc, hầu hết nhà cửa ở Cao Lãnh đều bị cháy rụi, chỉ có miễu ông bà còn nguyên vẹn. Đến năm 1963, đồng bào góp tiền tu bổ lại mặt tiền và cổng tam quan, sơn vẽ rất đẹp.

Năm 1964, xây dựng nhà khách ở cạnh đền thờ để có nơi tiếp khách và thiết đãi cơm nước cho bà con tới cúng lễ. Cũng trong thời gian này, miễu Thổ thần được dựng lên cạnh đền thờ ông bà để bá tánh chiêm bái. Ban tế tự miễu do ông Huỳnh Kim Du làm Chánh hội trưởng chăm lo việc thờ phụng.

tri thuc hoa nong dan

Năm 1972, chánh điện được xây lại thêm rộng rãi. Cũng từ đó, các hạng mục của miễu xem như hoàn tất. Về kiến trúc cũng như cách bày trí trong giai đoạn này, xin mô tả sơ lược như sau:

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường xây dựng theo lối chữ Công. Cổng Tam quan gồm một cổng chính và hai cổng phụ hai bên, xây bằng xi măng, gạch. Phía trên cổng chính có đắp hàng chữ “Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường” cổng phụ bên trái có chữ “Quí Mão", cổng phụ bên phải đắp năm xây dựng “1963”. Cột của cổng chính và phụ có đắp bốn câu đối bằng chữ Hán.

Trước sân đền có bàn thờ trời đất với cột cờ, lư hương và cặp lân hai bên, nơi đây được xem như bàn thông thiên để nhân dân tưởng niệm khấn vái đất trời. Cạnh bên đền thờ bên phía tả là nhà khách, bên hữu là miễu Thổ thần. Đền thờ chính có ba gian thờ lớn theo thứ tự như sau:

Hành lang gian trước trưng bày 02 cụm tượng tạc bằng đá non nước theo hai tích: “Kết nghĩa đào viên” với 03 tượng Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi và “Tam Đa" với 03 tượng Phước - Lộc - Thọ.

tri thuc hoa nong dan Gian trước:

Ngay cửa giữa gian trước là bia tiểu sử ông bà Đỗ Công Tường. Phía sau là bàn thờ Trăm quan Cựu thần.

Kế đến là bàn thờ Tứ vị linh thần và Thành hoàng thôn Mỹ Trà, hai gian hai bên thờ Tả ban và Hữu ban Tứ vị Linh thần tức Đại càn Quốc gia Nam Hải (vị thủy thần bảo trợ nghề khai thác cá vùng sông nước). Trước đây là vị thần được thờ ở đình Mỹ Trà (Đình Trung), năm 1947, hưởng ứng tiêu thổ kháng chiến, đình bị đốt cháy, các sắc thần gởi vào miễu ông bà tới ngày nay.

Hai bên vách là bàn thờ “Tiền tấn” và “Hậu tấn": Thờ những vị có công lao với Đền thờ xưa nay.

tri thuc hoa nong dan

tri thuc hoa nong dan Gian giữa:

Gian giữa thờ Cửu huyền thất tổ của ông bà. Hai gian tả hữu là bàn thờ Đức Khổng tử và Quan thánh Đế quân.

tri thuc hoa nong dan

tri thuc hoa nong dan Gian thứ ba:

Là phần Chánh điện thờ ông bà.

tri thuc hoa nong dan

Trước bàn thờ ông bà, có tứ trụ (04 cột cái) được đắp hình rồng quấn quanh bằng xi măng. Phía trước bàn thờ chính có cặp hạc đứng lên lưng rùa.

Trên khánh thờ ông bà có 02 lỗ bộ bằng cây sơn son thếp vàng. Ở giữa bàn thờ chánh là bài vị thờ ông bà cùng với gươm lịnh, áo mão, trước thần vị là hòm đựng sắc thần của ông bà. Hai bên tả hữu là bàn thờ Tả ban và Hữu ban.

tri thuc hoa nong dan

Do đền thờ ông bà được khách hành hương biết đến ngày càng nhiều, bà con bá tánh tựu hội về dự lễ giỗ ngày càng đông nên đền thờ cũ không đủ sức chứa. Hơn nữa đền thờ cũng quá thấp so với mặt đường và sau mấy chục năm xây dựng đã dần xuống cấp nên đòi hỏi phải được tôn tạo, mở rộng quy mô. Với tấm lòng của người dân, Ban tế tự, cộng với sự ủng hộ về nhiều mặt của chính quyền địa phương, ngày 05 tháng 01 năm 2012, dự án trùng tu, tôn tạo đền thờ đã được khởi công, do ông Phạm Văn Thuận (Trưởng ban) đứng ra xin trùng tu. Ngày 12 tháng 01 năm 2014 công trình hoàn thành.

Công trình mới vẫn giữ nguyên phần cổng cũ, chỉ đôn cổng cao thêm. Phần đền thờ được xây dựng theo kiểu chồng mái, lợp ngói lưu ly. Nội thất vẫn theo dạng ba ngôi với 09 hàng cột. Vị trí và đối tượng thờ vẫn giữ y như xưa, chỉ khác là không gian cao, rộng, trang nghiêm hơn. Phần nhà khách cũng được xây mới, có thêm phòng làm việc cho Ban tế tự đền thờ và nhà ăn, nhà bếp ở phía sau.

Năm 2014, Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được Trung tâm UNESCO Văn hóa Thông tin truyền thông trao tặng Bảng vàng “Top 100 điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu - năm 2014".

Tháng 7 năm 2015, hai bức tượng đồng ông bà được điêu khắc gia Lâm Quang Nới thực hiện đưa vào phụng tự. Tượng trong tư thế ngồi, tượng ông cao 1m8, tượng bà cao 1m7, với tổng trọng lượng gần 800kg.

tri thuc hoa nong dan

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường ngày nay tọa lạc tại số 64, đường Lê Lợi thuộc Phường 2, thành phố Cao Lãnh.

Ngay sau khi qua đời, ông bà Đỗ Công Tường được con cháu cùng dân trong thôn chôn cất tử tế. Mộ nằm sau miễu thờ chừng 50 m, qua hơn trăm năm mà vẫn được người dân sửa sang, tu tạo không ngừng. Mặc cho chiến tranh loạn lạc, con cháu giờ không biết còn mất hay xiêu tán nơi đâu, nhưng khói hương không khi nào gián đoạn. Chừng đó đủ thấy tình cảm của bá tánh dành cho ông bà đến bực nào.

tri thuc hoa nong dan

Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường được tổ chức hằng năm vào 03 ngày: Mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng 6 âm lịch. Trong 03 ngày, các hoạt động diễn ra liên tục từ sáng đến tối, thu hút đông đảo người dân xa gần đến thắp hương chiêm bái và dự hội rất náo nhiệt.

Năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh ra quyết định công nhận lễ giỗ thường niên của ông bà Đỗ Công Tường là Lễ hội văn hóa - lịch sử cấp thành phố, với nhiều hoạt động văn hóa như: Hát bộ tuồng cổ, đờn ca tài tử, múa lân, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, hội thi làm bánh dân gian, các trò chơi dân gian v.v. nhằm thể hiện lòng tôn kính, ghi nhớ công đức của ông bà Đỗ Công Tường.

tri thuc hoa nong dan

Nguồn: Ông bà Đỗ Công Tường và thành phố Cao Lãnh, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp – 2020.