Xuất bản thông tin

null Nông dân Thanh Bình hướng đến nền nông nghiệp an toàn

Tin tức - sự kiện Tin tức

Nông dân Thanh Bình hướng đến nền nông nghiệp an toàn

Thưa quý vị và các bạn, để giúp nông dân thay đổi dần thói quen sản xuất truyền thống như lạm dụng thuốc BVTV trong việc phòng trừ dịch hại, không bổ sung phân hữu cơ cho đất điều này đã gây ra tình trạng đất bị thoái hoá, dịch hại phát triển, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt gạo. Thời gian qua, huyện Thanh Bình đã chú trọng và đẩy mạnh việc hướng đến cho người nông dân việc sản xuất sạch, sản xuất an toàn, như dùng các chế phẩm sinh học vào sản xuất, sản xuất theo hướng hữu cơ,….

Tham quan diện tích lúa thực hiện Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học

Mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học sử dụng trên cây lúa” tại huyện Thanh Bình được thực hiện vào đầu vụ Đông xuân 2022-2023 với diện tích 1,7ha trên diện tích đất của hộ ông Nguyễn Văn Kiệp với giống trồng là Nếp Long An. Đây là mô hình canh tác thử nghiệm chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng phân hoá học. Đánh giá hiệu quả cuối vụ, mô hình đã giúp giảm chi phí sản xuất, cây phát triển tốt, hạt trổ đều và đạt năng suất.

Anh NGUYỄN VĂN KIỆP, Xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết: “Sử dụng thuốc sinh học rất tốt, khoảng 10 ngày phun 1 lít/công, khoảng 18, 20 ngày mình phun lần thứ 2, còn lần thứ 3 là ba mươi ngày mình phun y vậy, đó về sau mình phun 3 lần nữa mỗi lần nữa lít/công. Dùng sản phẩm này hoàn toàn không xịt sâu, không rải phân bón hoá học, chỉ sử dụng phân vi sinh này. Chi phí giá thành này rẻ hơn phân hoá học, năng suất vụ này mặc dù chưa thu hoạch nhưng theo nhận định mình đoán là vụ này đạt hơn mấy vụ trước ”.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Thanh Bình, khi sử dụng chế phẩm sinh học giúp cây lúa cứng cáp, hạn chế các bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng cử cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thăm đồng, hướng dẫn nông dân kỹ năng canh tác, từ đó đưa ra biện pháp quản lý thích hợp nên đã hạn chế phun sâu rầy để bảo tồn thiên địch, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm chi phí sản xuất.

ÔNG NGUYỄN VĂN KẸM – Giám Đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình cho biết: “Qua đánh giá, hiện lúa được tám mươi mấy ngày rồi, chuẩn bị thu hoạch, thấy lúa đạt yêu cầu đề ra. Tiếp tục Trung tâm sẽ đưa ra thử tiếp những hợp tác xã, những vùng đất khác nhau nữa. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp phải theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, cho nên những chế phẩm sinh học này nó góp phần vào sản xuất của mình, cho nên Trung tâm phối hợp thực hiện để đưa ra giải pháp cho bà con sản xuất để tăng hiệu quả lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư ”.

Qua việc áp dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa cho thấy, bước đầu đã thực hiện thành công giúp nông dân thấy được hiệu quả của việc áp dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa, giảm được giá thành và tăng lợi nhuận, cụ thể: chi phí sản xuất của mô hình là 20,9 triệu đồng/ha, thấp hơn so với ngoài mô hình 3 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất mô hình đạt 3.489 đồng/kg thấp hơn ngoài mô hình 516 đồng, Bên cạnh đó, còn góp phần bảo vệ sức khoẻ người sản xuất, người tiêu dùng và giảm ô nhiễm môi trường vì hạn chế lượng thuốc BVTV ra môi trường.

Trong bối cảnh sản xuất phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, con người lại càng quan tâm tới vấn đề an toàn, chất lượng môi trường sống mà nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tạo ra sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Sản xuất sạch ngày nay đã trở thành xu thế của ngành nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn./.

Kiều Trang – Ra Đa