Asset Publisher

null Thông tin liên quan đến bệnh “Viêm da nổi cục” trên gia súc

Post details Báo chí với Đồng Tháp

Thông tin liên quan đến bệnh “Viêm da nổi cục” trên gia súc

Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò có nêu từ giữa tháng 10/2020 đến nay, dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên gia súc lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam và đã xảy ra tại 09 tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Hà Nam), làm tổng số hơn 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 140 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Hình ảnh minh họa

Đến thời điểm hiện tại, ở Đồng Tháp nói chung và huyện Cao Lãnh nói riêng chưa ghi nhận phát hiện trường hợp gây hại nào của dịch bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc. Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã ban hành công văn số 613/CNTYTS-QLDB ngày 8/4/2021 về việc đăng ký số lượng vắc xin Viêm da nổi cục trên trâu bò; Thực hiện Công văn số 340/UBND-NNPTNN ngày 23/03/2021 của Uỷ ban nhân dân Huyện về việc tiêm phòng vắc xin phòng Viêm da nổi cục ở trâu bò.

Nhằm để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hiện hành. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Huyện đề nghị UBND xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi biết để đăng ký mua vắc xin Viêm da nổi cục trên trâu, bò tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Đặc điểm, triệu chứng bệnh VDNC trên trâu, bò

Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người.

Đường truyền lây qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh cũng có thể lây truyền qua vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%.

Triệu chứng chính của bệnh bao gồm: sốt cao (có thể trên 41 độ C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5cm, đặc biệt là vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao, các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử, vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Huyện