Asset Publisher

null Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Post details Báo chí với Đồng Tháp

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Đạt xã nông thôn mới năm 2020, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh quyết tâm thực hiện nâng chất các tiêu chí đã được, để tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Qua phấn đấu, đến nay xã Mỹ Long đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập người dân tăng đáng kể, mức thu nhập 50 triệu đồng/người/năm 2019, đến nay đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, từ nhiều mô hình mới, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Mô hình rau má thủy canh của anh Võ Thanh Beo

Đơn cử như mô hình trồng rau má thủy canh của anh Võ Thanh Beo, ở ấp 4, xã Mỹ Long thiết kế trồng trên khung chữ A, nhiều tầng, chỉ với diện tích 700 m2 anh trồng trên 3.000 chậu rau má, tương đương với diện tích trồng trên đất là 7.000 m2. Mô hình rau má thủy canh do anh tự nghiên cứu khung nhà kính, ống nhựa làm giá thể dẫn đủ chất, nước tưới cho cây.

Vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, mô hình này vừa ít tốn diện tích canh tác, vừa quản lý sâu bệnh, cho ra sản phẩm rau sạch, ngoài ra dưỡng chất cho cây anh Beo cũng tự pha chế cũng giảm đáng kể chi phí. Rau trồng được phân chia cách khoảng thời gian, nên mỗi ngày đều có nguồn rau thu hoạch, sản lượng ổn định khoảng 1.200kg/tháng rau má tươi, bán ra thị trường thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng. Hiện nay anh Beo đang nghiên cứu sấy thành bột rau má, cung cấp ra thị trường và xuất khẩu, để nâng cao giá trị từ sản phẩm rau má.

Anh Võ Thanh Beo, ở ấp 4, xã Mỹ Long cho biết: Trồng rau thủy canh vốn đầu tư ban đầu rất nặng, nhưng về lâu dài hiệu quả hơn nhiều. Chất lượng rau đạt cao hơn so với trồng trên đất, ăn mùi vị thơm, ngon, giòn. Bản thân muốn sau này mở rộng lớn hơn, để tạo thu nhập cho gia đình và cũng để tạo công ăn, việc làm cho người dân xung quanh địa phương”.

Ngoài mô hình rau má thủy canh đang được xã Mỹ Long khuyến cáo nhân rộng, xã tiếp tục quan tâm các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long sản xuất chanh không hạt cũng đang được đẩy mạnh phát triển, hiện tại Hợp tác xã có tổng diện tích khoảng 30 ha, với 25 hộ tham gia sản xuất chanh không hạt, mỗi tháng cung cấp khoảng 30 tấn chanh, toàn bộ sản lượng đã được ký liên kết tiêu thụ xuất khẩu sang châu âu, nên giá cả đầu ra ổn định.

Ông Phạm Văn Niềm, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long chia sẻ: “Hiệu quả đem lại cho bà con rất là cao, trước đây chưa vô hợp tác xã thì bà con bán trôi nổi rẽ hơn bây giờ là khoảng 3.000đồng/kg, còn bây giờ một tấn bà con lợi nhuận thêm khoảng 3 triệu nữa, thành ra bà con rất tâm đắc, mô hình này đang nhân rộng, bà con đang trồng thêm chanh cũng nhiều lắm”.

Hưởng ứng thực hiện và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và vận dụng phù hợp với tình hình địa phương, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán. Qua đó, có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, đây là nhiệm vụ trọng tâm của xã trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Huỳnh Tuấn Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Long cho biết thêm: “Hiện tại mô hình chanh không hạt, rau má thủy canh ở Mỹ Long có hiệu quả đang nhân rộng ra, sắp tới chọn một số nhà vườn để tạo điều kiện tiếp cận học tập, tiếp tục nhờ s hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn. Đối với những mãnh đất diện tích nhỏ, nhà vườn không thể trồng loại cây gì khác, thì sử dụng trồng thủy canh như thế này sẻ có thu nhập cao hơn, góp phần cải thiện đời sống và giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn”.

Địa phương đang định hướng, tạo điều kiện hỗ trợ người dân tập trung liên kết sản xuất, khuyến khích mỗi người thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm theo mô hình phù hợp thì chắc chắn đem lại hiệu quả trong sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao một cách bền vững hơn.

Thành Sơn