Asset Publisher

null Triều Âm Tự - Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh

Post details Du lịch Cao Lãnh

Triều Âm Tự - Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh

Triều Âm Tự (Chùa ông Chín) tọa lạc tại ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Là ngôi chùa theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên. Chùa được ông Đặng Văn Ngoạn (tục gọi là ông Đạo Ngoạn) sáng lập lần đầu tiên vào năm Giáp Dần (1854) dưới triều vua Tự Đức năm thứ 7 tại vàm rạch Trà Bông, thôn Nhị Mỹ, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Ông Đạo Ngoạn là vị đại đệ tử trong “thập nhị hiền thủ” của Phật Thầy Tây An. Ông sanh năm Canh Thìn (năm Minh Mạng nguyên niên 1820) trong một gia đình nhơn đức tại thôn Nhị Mỹ, gần rạch Trà Bông. Năm Ông ngoài 20 tuổi, sau khi đã cần mẫn khẩn đất lập được một khoảnh ruộng vườn để gia đình có sanh kế, Ông xin mẹ cho mình được thong thả tìm chốn thanh vắng để tu tâm dưỡng tánh. Được thân mẫu thuận lòng, Ông chọn một khoảnh đất ở rạch Ông Bường cất am tranh để tịnh tu.

Mặt trước của Triều Âm Tự

Vào khoảng năm 1849, miền Lục Tỉnh bị nạn dịch tả hoành hành làm dân chết vô số kể. Trong lúc dân chúng khắp nơi sống trong lo sợ thì chợt xuất hiện một kỳ nhơn có tài chữa khỏi căn bệnh thiên thời đó là ông Đoàn Minh Huyên, người gốc ở thôn Tòng Sơn, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành (nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ngoài việc chữa bệnh, ông Huyên còn rao giảng phép tu tập, làm lành lánh dữ, giữ trọn “Tứ Ân” (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại). Người đến qui y rất đông. Những người qui y được phát cho một “lòng phái” bằng giấy vàng hoặc giấy bạch, trên có 4 chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Từ đó, ông Đoàn Minh Huyên được coi là người sáng lập ra phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Năm Canh Tuất (1850), khi biết tin Đức Phật Thầy Tây An được nhà cầm quyền tỉnh An Giang cho phép vào núi Sam truyền đạo, ông Ngoạn liền từ giã mẹ, tìm đến tận nơi xin quy y. Với phẩm chất từ lương điềm đạm, ông được Phật Thầy thâu nhận. Hơn một năm sau, ông Ngoạn được Đức Phật Thầy gọi về núi Sam hiệp cùng ông Đạo Thạch để giúp Ngài trong việc trị bệnh cho dân và coi sóc các việc trong chùa Tây An.

Ông Đạo Ngoạn theo học đạo với Phật Thầy được gần 4 năm thì được Thầy dạy phải trở về bổn quán để báo hiếu mẹ già và tìm nơi lập gia thất sanh con nối dõi. Hành trang ông Ngoạn mang theo về Trà Bông là những giáo lý mà Thầy truyền dạy cùng với một lọn tóc mà Đức Phật Thầy trao tặng lúc Ngài bị buộc phải thế phát xuất gia theo phái Lâm Tế để giữ làm kỉ niệm. Lọn tóc ấy được ông xem như báu vật suốt chặn đường hành đạo và được nhà chùa gìn giữ bảo vệ cho đến ngày nay.

Ngày rằm tháng bảy năm Giáp Dần (1854) ông Ngoạn về Trà Bông gặp lại mẹ. Sau đó ông xin phép mẹ cưới vợ và lập một ngôi chùa tại vàm Trà Bông. Từ ấy chuyên lo chữa bệnh và truyền đạo. Gọi là chùa nhưng thực chất đây là nơi ông Đạo Ngoạn truyền bá đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An, hướng dẫn dân chúng lập trại ruộng, khai hoang phục hóa vùng ven Đồng Tháp Mười và chữa bệnh cho dân chúng. Ông hướng tín đồ niệm Phật tu nhơn, khai phá được hơn 500 công đất. Sau đó không lâu, chùa bị phát hỏa cháy sạch, kế đến là việc mấy tỉnh Nam Kỳ bị giặc Pháp đánh chiếm. Trong cơn binh biến, Ông Đạo Ngoạn cùng với tín đồ phải bỏ chùa tìm phương lánh nạn.

 

Khu mộ Ông Chín, Bà Chín

Năm 1867, ông Ngoạn trở về lại Trà Bông quy tập bổn đạo dựng lại chùa xưa, tiếp tục bốc thuốc chữa bệnh cho dân và quy tụ được rất đông tín đồ rao giảng giáo lý Tứ Ân, trong đó ân nước được đặt ra trước tình cảnh đất nước đang bị nạn ngoại xâm. Chùa Trà Bông trở thành nơi các thân hào yêu nước quy tập để bàn chuyện chống giặc.

Năm Giáp Tuất (1874), bệnh thời khí lại hoành hành nhiều nơi làm cho dân chúng lo lắng bất an, hương chức làng Nhị Mỹ thấy vậy bèn hội nhau đến chùa Trà Bông thỉnh ông ra tay chữa bệnh cứu dân. Tài chữa bệnh của ông đã cứu sống rất nhiều người. Bên cạnh chữa trị cho dân, ông Ngoạn còn ra sức khuyên răng dân chúng làm lành lánh dữ, không hợp tác với giặc Pháp và báo đáp Tứ Ân. Giặc Pháp ở Định Tường thấy chùa quy tụ đông người lấy làm lo lắng, sợ rằng nơi đây lại trở thành địa điểm quy tụ nghĩa quân chống lại chánh quyền mới của chúng nên ra lịnh cho nhà chức trách ở Sa Đéc theo dõi, nếu thấy có dấu hiệu hội dân làm loạn thì lập tức bắt ngay. Tuy nhiên, giới cầm quyền ở đây do cảm phục uy đức của ông Đạo Ngoạn nên họ họp nhau hiến kế, đem Sắc thần của đình Nhị Mỹ thỉnh về thờ tại hậu tổ của chùa Trà Bông rồi báo với quan tỉnh Định Tường rằng dân chúng tụ họp ở chùa Trà Bông chỉ để cúng thần cầu an chớ không phải hội kín. Thấy không có chứng cớ gì để ngăn cấm, Thực dân Pháp mới để yên nhưng vẫn cho mật thám thường xuyên quan sát. Từ đó đến nay, Sắc thần đình Nhị Mỹ vẫn để tại chùa Trà Bông.

Ngày 19 tháng 02 âm lịch năm Canh Dần (1890) ông Đạo Ngoạn qua đời, thọ 70 tuổi, tín đồ thương tiếc tựu nhau chôn cất ông theo đúng giáo lý của Đức Phật Thầy. Sau khi ông Đạo Ngoạn qua đời, chùa tiếp tục được Nguyễn Thị Huê (Là người vợ thứ 3 của ông) và bổn đạo coi sóc. Ông Đặng Công Hứa (Chín Hứa con trai của Ông) cũng được ông Ngoạn và bà Huê truyền dạy giáo pháp và phương cách chữa bệnh nên chùa Trà Bông vẫn quy tụ được đông đảo tín đồ.

Đến khi ông Chín Hứa thay thế trụ trì ngôi chùa ông đặt tên mới cho chùa là Triều Âm Tự. Căn cứ vào bức hoành phi chữ Nho bằng gỗ sơn son do chính tay ông Chín Hứa viết, có đề phần lạc khoản “ất mão niên, bát ngoạt, thập nhị nhựt” (ngày 12 tháng 8 năm Ất Mão – 1915) có thể ước tính ngôi chùa đã được tu sửa lần gần đây nhất cũng đã trên 100 năm. Ngoài tên gọi Triều Âm tự ít người biết, dân gian vẫn quen gọi đây là “Chùa Ông Chín” bởi đức độ và tài năng của ông Chín cũng không kém ông Đạo Ngoạn.

Tháng 8 năm 1945, bà Trần Thị Nhượng (Sáu Ngài) cùng với bà Trần Thị Thanh (bí danh Hiếu) và hai nữ bảo vệ đến chùa nhờ ông Chín tổ chức địa điểm và nhơn lực gói bánh tét tiếp tế cho bộ đội đánh Tây ở tỉnh Sa Đéc được ông Chín nhiệt tình vận động bổn đạo hưởng ứng.

Hầm bí mật nuôi chứa cán bộ cách mạng

Năm 1949, ông Chín Hứa cho Ban Đờ-sạc (đơn vị sản xuất bột nổ và đầu đạn của chánh quyền cách mạng) đóng tại chùa. Ông vận động bổn đạo cất xưởng chế tạo và kêu gọi phật tử đi các nơi thu mua đồng các loại như mâm đồng, nồi đồng, đồng điếu,…để Ban Đờ-sạc có nguyên liệu chế tạo vũ khí đánh giặc. Chùa Ông Chín cũng gom góp tất cả vật dụng bằng đồng kể cả lư đồng trong chùa để đóng góp. Chùa ông Chín còn hiến luôn 40 cây sao của chùa để hưởng ứng lịnh của Ủy ban kháng chiến Hành chánh Huyện Cao Lãnh  tạo dựng rào xã chiến đấu, đắp cản ngăn sông nhằm cản trở việc đi lại khủng bố của giặc Pháp. Số sao này được dùng để xóc trụ làm cản ngoài vàm Trà Bông, vàm rạch Cái Chai ngăn tàu giặc, số còn lại cưa ván bắt cầu Cái Chai để giao liên tiện đi lại.

Giữa năm 1958, do tuổi cao sức yếu, ông Chín Hứa lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 13 tháng 6 âm lịch trong sự tiếc thương của bổn đạo và chánh quyền cách mạng. Từ năm 1962, chùa là nơi nuôi chứa những cán bộ của Ban Quân báo tỉnh đội Kiến Phong. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Cõi (bí danh Tư Cõi), Nguyễn Thiện Tùng (Chín Tùng, Trần Văn Bé,…)

Tín đồ hành lễ ở chánh điện Triều Âm Tự trong lễ giỗ ông Đạo Ngoạn

Năm 1965 – 1966, tại chùa một căn hầm bí mật được xây dựng để nuôi chứa những cán bộ của tỉnh và huyện. Mỗi khi có đợt càn quét của địch, khi chúng rút khỏi, chùa đánh 3 tiếng mỏ lớn để làm ám hiệu cho cán bộ trú ẩn trong hầm. Hầm bí mật này được sử dụng rất hiệu quả cho đến ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975. Trong khoảng thời gian này nhiều cán bộ của tỉnh và huyện đã sống, chiến đấu và công tác tại hầm bí mật của chùa như : ông Nguyễn Văn Nỉ (bí danh Khuyên) – Phó phòng Tham mưu tỉnh đội Kiến Phong, ông Bùi Công Luận (Bảy Hải) – cán bộ tình báo,ông Vũ Hoàng Mập (Ba Ngãi) – cán bộ An ninh tỉnh, ông Đào Văn Thăng (Năm Dân) – Chủ nhiệm Hậu cần tỉnh đội, ông Trần Thanh Hữu (Hiền Hữu) – Chủ tịch huyện Cao Lãnh,…

Từ năm 1973 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thị xã Ủy Cao Lãnh về ở rạch Trà Bông gần chùa, những người tu hành trong chùa vừa làm giao liên xã Nhị Mỹ và bảo vệ cán bộ xã. Các đồng chí lãnh đạo thị xã Ủy như Võ Hồng Nhân (bí thư Thị xã Ủy), Nguyễn Đắc Hiền (Phó trưởng ban Tuyên huấn tỉnh)… cũng thường xuyên qua lại và ở tại chùa.

Là một nhánh lớn của phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Triều Âm Tự cũng áp dụng hệ thống giáo lý của Phật Thầy. Tuy nhiên cũng có đôi nét khác biệt, theo thuyết vô vi nên không thờ tượng cốt mà chỉ thờ tượng trưng bức trần điều, các bàn thờ Tam Bảo, Phật Đạo, Cửu Huyền Trăm Họ và bàn thờ ông Chín Hứa có rèm bằng vải màu nâu che lại (theo Ban Hộ tự đây là lệ đã có từ trước đến nay).

Hằng năm tại chùa có các lệ cúng:

Ngày mùng 3 – mùng 4 tháng Giêng: Vía Bà Cố.

Ngày 14 – 15 tháng Giêng: cúng rằm Thượng Ngươn.

Ngày 19 – 20 tháng Hai: Vía ông Đạo Ngoạn.

Ngày 30 – mùng 1 tháng Ba: Vía Ông Sơ.

Ngày 20 – 21 tháng Tư: Vía Bà Sơ.

Ngày mùng 4 – mùng 5 tháng Năm: Tết Đoan Ngọ

Ngày 21 – 22 tháng Năm: Vía Bà Chín.

Ngày 12 – 13 tháng Sáu: Vía Ông Chín.

Ngày 14 – 15 tháng Bảy: Rằm Trung Ngươn.

Ngày 11 – 12 tháng Tám: Vía Phật Thầy.

Ngày 14 -15 tháng Mười: Rằm Hạ Ngươn.

Ngày 21 - 22 tháng Mười Một: Vía Bà Đạo.

Trong các lệ cúng tại Triều Âm Tự thì lệ vía ông Đạo Ngoạn là lệ cúng chính, quy tựu đông đảo tín đồ trong bổn đạo từ khắp nơi như: Cả Vừng (Nhị Mỹ), Mương Điều (Lấp Vò), Cao Lãnh, Tân Thuận Tây, Mỹ Long, Mỹ Quý, Ba Sao,… đến vía và cúng dường.

Triều Âm Tự (Chùa Ông Chín) là nơi ghi lại dấu tích các sự kiện cách mạng, nơi phụng cúng Sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh và Đại Càn Quốc gia Nam Hải cùng với hộp đựng 06 lá sắc của đình Nhị Mỹ được hậu duệ của ông Chín gìn giữ và duy trì hương khói dù đã trải qua bao biến cố lịch sử. Chùa còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đức tánh từ bi, rao giảng và khuyến khích nhân dân cùng bổn đạo thực hiện theo giáo lý “Tứ Ân”. Nhận thấy được những giá trị văn hóa lịch sử và những mặt tích cực của di tích, chính quyền và nhân dân xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh cùng Ban Hộ tự Triều Âm Tự đã đề nghị ngành Văn hóa xem xét, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di tích. Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Đồng Tháp giao Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp tiến hành khảo sát và lập hồ sơ khoa học cho di tích Triều Âm Tự theo qui định, ngày 23/12/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ra quyết định số 1625/QĐ-UBND-HC xếp hạng Triều Âm Tự là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng./.

Ái Xuân