Asset Publisher

null Cao Lãnh quyết tâm, nỗ lực hướng đến đạt chuẩn Huyện Nông thôn mới

Post details Báo chí với Đồng Tháp

Cao Lãnh quyết tâm, nỗ lực hướng đến đạt chuẩn Huyện Nông thôn mới

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Huyện Nông thôn mới (NTM), huyện Cao Lãnh đã tập trung cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đến nay, Chương trình đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Nỗ lực để hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch của Tỉnh

Huyện Cao Lãnh đã quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng Xã Nông thôn mới và Huyện Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đến nay, có 17/17 xã (đạt 100%) của Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã tuy điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỏ rõ quyết tâm phấn đấu để rút ngắn thời gian về đích NTM trước lộ trình. Kết quả thực hiện tiêu chí Huyện Nông thôn mới, đến nay đã đạt đủ 9/9 tiêu chí gồm: Quy hoạch; Giao thông; Thủy lợi; Điện; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Sản xuất; Môi trường; An ninh - trật tự - xã hội; Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Kết quả lấy ý kiến sự hài lòng người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Cao Lãnh đạt trên 95%.

 Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt những kết quả tốt; đời sống Nhân dân được cải thiện. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được chú trọng, phong trào trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường, nơi công cộng được nhân rộng... Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa nông thôn ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Đến với huyện Cao Lãnh hôm nay để cảm nhận những đổi thay từ không gian nhộn nhịp của đô thị, những con đường nhựa, bê tông thông thoáng, những cánh đồng lúa, đồng sen, vườn cây trái bạt ngàn. Ở nông thôn, nhiều căn nhà tường khang trang, những chiếc cầu nối liền những con kênh nơi xóm nhỏ. Đáng ghi nhận là Huyện đã huy động trên 17.253 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp trên 1.072 tỷ đồng bằng tiền mặt, đóng góp ngày công, hiến đất, hoa màu, cây trái, vật kiến trúc... để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ sản xuất và dân sinh. 

Ông Nguyễn Văn Tám, ở xã Mỹ Hội cho biết: “Trước đây đường sá đi lại của người dân rất khó khăn, đa số là đường đất, cầu ván, nếu trời mưa hầu như thì chỉ có “bộ hành”, nhưng giờ đã được đal, nhựa hóa, đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Bản thân gia đình tôi khi nghe địa phương làm đường cũng tự nguyện hiến đất để mở rộng tuyến đường cùng với địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới, để mình ngày càng thuận lợi nữa”.

Với hiệu quả từ các mô hình sản xuất, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đã cải thiện thu nhập của người dân từ 18,72 triệu đồng/người/năm năm 2011 lên 51,717 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 (không tính thị trấn Mỹ Thọ), tăng 2,76 lần so với năm 2011.

Với việc xác định cơ cấu kinh tế hợp lý, đến nay, Huyện đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện và thoát nghèo. Đến năm 2020 Huyện còn 1,58% hộ nghèo, giảm 11,29% so với năm 2011.

Gia đình thuộc diện hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ được hỗ trợ vốn, chị Võ Kim Thanh, hội viên phụ nữ xã Bình Thạnh đã chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Thanh chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau, nhờ Hội phụ nữ xã quan tâm hỗ trợ vốn, giúp đỡ việc làm, giờ gia đình tôi có thu nhập ổn định và tích lũy được số vốn”. Với số tiền vốn hơn 25 triệu đồng, gia đình chị đã cải tạo lại nửa công vườn tạp, mua vật liệu đan thảm. Ngoài ra, tranh thủ thời gian rảnh, chị còn đi phụ bán quán, chở thuê, thu nhập của chị mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Nhờ chí thú làm ăn và tiết kiệm trong sinh hoạt, qua nhiều vòng vay, gia đình chị Thanh đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới ra đời

Từ năm 2011 đến nay, toàn Huyện đã thành lập nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới có hiệu quả cao được người dân thực hiện và duy trì, nhân rộng các mô hình: cánh đồng lúa lý tưởng; ruộng nhà mình; sản xuất xoài rải vụ và bao trái; Cây xoài nhà tôi; nuôi vịt rọ chuyên trứng; nuôi gà thảo dược; sản xuất rau an toàn; rau thuỷ canh; sản xuất tiểu thủ công nghiệp đan lục bình đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động không có điều kiện tham gia hoạt động các ngành nghề, lĩnh vực cao, giúp tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Đến nay, kinh tế của huyện Cao Lãnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, thu hút các doanh nghiệp lớn đến Huyện đầu tư hoạt động hiệu quả. Nông nghiệp phát triển theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ 4.0, thông minh, hữu cơ…  

Ông Nguyễn Chánh Tài, ở xã Gáo Giồng đã áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay cho cánh đồng gần 11ha lúa. Đây cũng là diện tích lúa được thực hiện quy trình xây dựng thương hiệu gạo “Ruộng nhà mình”, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Tài chỉa sẻ: “Nhân công làm ruộng bây giờ khó thuê mướn, nhất là vào cao điểm phun thuốc hay thu hoạch. Vì vậy, thấy được hiệu quả của phun thuốc bằng máy bay là tôi áp dụng liền. Tôi đã so sánh, chi phí phun thuốc bằng máy bay và thuê người phun thủ công thì không chênh lệch nhiều, tầm khoảng 200 nghìn đồng/ha. Nhưng phun bằng máy bay thì lợi nhiều lắm. Tiết kiệm 15% lượng thuốc bảo vệ thực vật, lúa không bị đổ ngã, thời gian phun rất nhanh, tác động hiệu quả lên cây lúa. Đáng nói hơn, đó là người phun thuốc không bị ảnh hưởng sức khỏe do không phải mang vác nặng và tiếp xúc trực tiếp với thuốc khi phun”.

Mô hình “Cây xoài nhà tôi” ở huyện Cao Lãnh ra đời từ tháng 9/2016 đến nay, đã bán được 425 cây/158 hộ tham gia, giá bán từ 5 - 7 triệu đồng/cây, đây là mô hình canh tác, bán hàng, quảng bá sản phẩm nông sản từ việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại giá trị cao cho Hợp tác xã và lợi ích cho người dân tại xã Mỹ Xương. 

Chỉ với hơn 12.000m2 đất vườn, ông Nguyễn Văn Mách ở xã Mỹ Xương trồng duy nhất giống xoài Cát Chu nổi tiếng. Điểm đặc biệt ở vườn xoài của ông Mách là có nhiều cây xoài đã được gắn bảng đánh dấu tên tuổi những khách hàng đặt mua "Cây xoài nhà tôi". Ông Mách cho hay: “Từ khi tham gia mô hình "Cây xoài nhà tôi", giá bán ổn định, khách hàng trả tiền trước nên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân giảm một phần chi phí đầu tư sản xuất ban đầu. Điều quan trọng hơn là người nông dân cảm nhận được sự chia sẻ của khách hàng. Sau hơn 4 năm canh tác, tôi bán được gần 30 cây xoài, với giá bán từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm”.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng rau, màu và cũng đã thử nghiệm sử dụng để so sánh nhiều lần giữa sản phẩm hóa học và hữu cơ ông Nguyễn Văn Được, ở xã Mỹ Thọ cho rằng: “Sử dụng  hữu cơ nó hiệu quả hơn hóa học mấy vấn đề như: Rau trồng hữu cơ có màu xanh đậm hơn, lá to dày hơn, phân thuốc hóa học mình sử dụng hằng ngày thì không thu hoạch rau, màu được, mà phải đợi cách ly, còn hữu cơ không độc hại bởi đây sản xuất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên nên an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, vả lại chi phí hóa học là cao hơn hữu cơ, cho nên làm hữu cơ giúp nông dân lợi nhuận hơn và bảo vệ được môi trường”.

Nhiều cách làm phù hợp với thực tiễn của địa phương

 Bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn của địa phương đã tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt là phát huy vai trò của chi bộ Đảng các ấp; vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; vai trò chủ thể của người dân nông thôn và sức mạnh của cộng đồng; sự hưởng ứng, đồng thuận, đoàn kết chung sức, chung lòng, tích cực tham gia thực hiện chương trình.

Qua đó, đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới được hình thành và phát huy hiệu quả, nhất là mô hình “Cộng đồng dân cư tham gia quản lý, xây dựng nông thôn mới” tại xã Mỹ Hội; mô hình “Làng mới” do Tổ chức SGF và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hỗ trợ tại xã Tân Hội Trung; sổ đăng ký hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Qua nhiều năm thực hiện mô hình sổ đăng ký hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” ở địa phương. Ông Võ Văn Bên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Mỹ Hội cho biết: “Phát sổ tay để các hộ gia đình tự nguyện đăng ký thực hiện các nội dung, công việc như: treo, thờ ảnh Bác, làm cột cờ, xây dựng hàng rào, cổng ngõ, trồng hoa, kiểng trong khuôn viên nhà ở và các tuyến đường giao thông tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp, xây nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, an sinh xã hội, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.

Qua đó, đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp Nhân dân, nhiều hộ gia đình hiến tặng hàng ngàn mét đất, hàng trăm mét tường rào, hàng nghìn cây xanh và tài sản có giá trị khác để thực hiện các công trình phục vụ dân sinh. Người dân đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp, bắt đầu quan tâm, chú trọng liên kết sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, Hội quán, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là tư duy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch từng bước được ứng dụng, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập của người dân địa phương.

Minh Long Hội quán được thành lập vào tháng 11/2017, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Bình Hàng Tây được thành lập từ tháng 8/2018 trên nền Hội quán, đây là điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại lợi ích cho xã viên.

Ông Huỳnh Xuân Tòng, Chủ nhiệm Minh Long Hội quán cho biết: “Hội quán như một bước chuyển mình tất yếu, để có cơ sở pháp nhân liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp một cách hiệu quả, từ Hội quán này đã nâng lên thành lập Hợp tác xã, các thành viên hoạt động song song với Hội quán. Việc hai mô hình này tồn tại song song có thể hỗ trợ, bổ khuyết cho nhau, từ đó dễ dàng trong việc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp với sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng an toàn”.

Với truyền thống của một huyện 2 lần Anh hùng trong kháng chiến và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Và hôm nay, Cao Lãnh một lần nữa lại thành công với cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thành quả đặc biệt này kết tinh bao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà, là công sức, trí tuệ, sự mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Để có một huyện Cao Lãnh phát triển mạnh mẽ như hôm nay, chính là nhờ bà con nơi đây đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật và tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất. Thanh niên Cao Lãnh luôn luôn phát huy sức trẻ đi đầu trong khởi nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân Cao Lãnh tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng Huyện Nông thôn mới nâng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch; đô thị theo hướng văn minh, bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Thành Sơn