Asset Publisher

null Nuôi ruồi lính đen góp phần xử lý rác thải và sản xuất chế phẩm vi sinh

Post details Báo chí với Đồng Tháp

Nuôi ruồi lính đen góp phần xử lý rác thải và sản xuất chế phẩm vi sinh

Ruồi lính đen là loại sinh vật đặc biệt dễ nuôi, sinh sản nhanh. Chi phí dành cho nuôi ruồi rất thấp, trại nuôi không cần tốn nhiều diện tích và cũng không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ruồi lính đen giúp xử lý rác thải nông nghiệp một cách triệt để đồng thời thải ra lượng hữu cơ và phân bón giàu dinh dưỡng. Ngoài ra ấu trùng ruồi lính đen cũng là nguyên liệu rất quan trọng để sử dụng trong việc sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Hơn 1 năm qua, trang trại sinh thái Ecodota ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh đã từng bước hoàn thiện quy trình nuôi sinh sản ruồi lính đen, thu ấu trùng và sản xuất một số sản phẩm phụ khác. Trong đó, ấu trùng ruồi lính đen chiếm đa số và đã góp mặt trong rất nhiều nguyên liệu đầu vào của các quá trình khác.

Tiêu biểu có thể kể đến như: làm thức ăn cho đàn gà bán công nghiệp gần 2.000 con, chiết xuất dịch thủy phân dùng làm thức ăn cho cá, nguyên liệu chính trong sản xuất chế phẩm vi sinh, … Ngoài các công dụng trên, với đặc tính sinh sản nhanh, dễ nuôi, ấu trùng của ruồi lính đen có thể giải quyết nhanh, gọn bài toán về rác thải trong nông nghiệp mà không gây ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi.

Anh Lê Phước Sang, Chủ trang trại sinh thái Ecodota cho biết: “Tôi thấy nguồn phụ phẩm xoài ở địa phương nhiều mà không có chổ để xử lý hết, chúng tôi nghiên cứu làm thế nào để tận dụng phụ phẩm này thành cái có lợi cho nông dân, sau đó phát hiện ruồi lính đen có khả năng xử lý xoài thừa rất nhanh. Chúng tôi bắt tay làm dự án này, lúc đầu khó khăn nhất là khâu nuôi được con ấu trùng, chúng tôi nghiên cứu cũng hơn 1 năm, cũng bị thất bại nhiều đợt rồi mới rút ra được kinh nghiệm, đến nay dự án cơ bản thành công”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho rằng: “Qua đánh gía bước đầu, trang trại thực hiện cơ bản mang lại hiệu quả trong việc xử lý môi trường, nhất là phụ phẩm từ xoài, rau, củ quả khác, trong quá trình xử lý phân hủy nó không gây ra mùi hôi hoặc là các tác dụng phụ như hiệu ứng nhà kính, nước thải, đặc biệt tiết kiệm chi phí trong xử lý rác thải so với cách xử lý rác thải khác”.

Thông qua quy trình thu gom các phụ phế phẩm từ cơ sở chế biến xoài, trang trại đã tự định hình thành các quy trình khép kín khác nhau và lấy ấu trùng ruồi lính đen làm trung tâm. Các mô hình như: Nuôi gà khép kín theo hướng hữu cơ, nuôi vịt, sản xuất thức ăn viên chậm tan hay dung dịch thủy phân từ ấu trùng dùng trong nông nghiệp và chăn nuôi cá, … Hiện tại, Trang trại cũng đã sản xuất thành công các dòng sản phẩm phân hữu cơ từ phân thải của ấu trùng trong quá trình sinh trưởng và dịch thủy phân từ chính ấu trùng ruồi lính đen và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ đăng kí nhãn hiệu hàng hóa.

Anh Lê Phước Sang, Chủ trang trại sinh thái Ecodota cho biết thêm: “Chúng tôi đã thiết kế Logo, nhãn hiệu và đang làm hồ sơ để đăng ký với các ngành chức năng, sắp tới cũng nhờ chính quyền địa phương, Hội nông dân hỗ trợ giới thiệu nhà vườn để thử nghiệm trên cây ăn trái, trước đây cũng đã thử nghiệm trên rau màu rồi, một số nông dân cũng đã có sử dụng và biết được hiệu quả của nó rồi, cho nên thời gian tới trang trại đang có hướng bán ra thị trường nhiều sản phẩm hơn”.

Tuy chỉ với những kinh nghiệm thực tế ít ỏi, nguồn vốn có hạn nhưng với niềm đam mê của các bạn trẻ 9x đã biến điều chưa thể trở thành hiện thực. Từ mục đích giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, trang trại đã hướng đến ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị cao cho nhà vườn huyện Cao Lãnh nói riêng và Đồng Tháp nói chung.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cao Lãnh cho biết thêm: “Để nhân rộng thì Huyện sẽ tiếp tục đánh giá lại hiệu quả kinh tế của mô hình này, trong thời gian tới Huyện sẽ triển khai một vài mô hình tương tự như vậy để tiếp tục đánh giá hiệu quả kinh tế lần nữa, nếu có hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng ra tiếp theo, bởi đây cũng là xu hướng chung của thời đại cũng như của Huyện”.

Vấn đề đang được quan tâm và cũng là rào cản lớn nhất đối với các sản phẩm xuất phát từ trang trại sinh thái này nằm ở đầu ra sản phẩm. Mặc dù được đánh giá cao về tính ứng dụng và chất lượng thế nhưng vẫn chưa có được sự vững chắc trong thị trường tiêu thụ các sản phẩm thương mại làm ra. Đó sẽ là rào cản lớn mà các nhà sáng lập sẽ phải còn tiếp tục để sớm đưa trang trại phát triển trong thời gian tới.

Thành Sơn