Asset Publisher

null Thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Post details Báo chí với Đồng Tháp

Thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, huyện Cao Lãnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Việc thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng cường tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Chanh xã Bình Thạnh được công nhận nhãn hiệu hàng hoá

Xã Bình Thạnh khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới xác định lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, Bình Thạnh đã tận dụng được các tiềm năng thế mạnh phát triển cây ăn trái và nuôi thủy sản. Xã có trên 1.800ha cây ăn trái, trong đó xoài 1.200 ha (trên 2.000 hộ trồng) cung cấp ra thị trường 12.000 tấn/năm. Trong đó, phần lớn là xoài VietGap. Về cây chanh, xã có trên 400ha với hơn 1.000 hộ trồng, cung cấp thị trường khoảng 12.000 tấn/năm. Đến nay, chanh được công nhận nhãn hiệu hàng hoá. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã có 11 doanh nghiệp và 10 hộ dân nuôi cá tra trên tổng diện tích mặt nước là 165ha. Ngoài ra, xã cũng có 280 hộ dân nuôi cá trên lồng bè, mỗi năm cung cấp thị trường trên 20.000 tấn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng uỷ xã Bình Thạnh cho biết: “Thời gian qua, xã luôn xác định tầm quan trọng của việc thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, xã phát triển các ngành hàng chủ lực là xoài, chanh, cá tra và cá điêu hồng. Để người dân phát triển sản xuất có hiệu quả, ngành chức năng vận động sản xuất theo hướng sạch, an toàn nhằm giảm chi phí, giảm rủi ro dịch bệnh. Thành lập tổ, nhóm, hội quán để dễ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, định kỳ rà soát về kinh tế hộ gia đình, nếu có hộ nghèo, khó khăn thì sẽ nhờ 02 hộ khá giỏi ở lân cận hỗ trợ”.

Ngoài ra, xã Bình Thạnh cũng tập trung vận động nhân đóng góp kinh phí làm sạch môi trường, hỗ trợ đất để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, hoàn thiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa

Bên cạnh việc củng cố sản xuất, Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Gáo Giồng còn có thêm nhiều cải tiến mới trong sản xuất. Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất qua mô hình “Ruộng nhà mình” bởi ngoài lợi nhuận tăng lên thì nhận thức của bà con về cách làm ăn mới được thay đổi rất rõ. Hợp tác xã hiện có 127 thành viên, với vốn điều lệ 2,6 tỷ đồng, vốn hoạt động là 4,3 tỷ đồng.01 trong những hợp tác xã đi đầu trong thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT.

Hợp tác xã còn phối hợp với Công ty Lương thực Đồng Tháp thực hiện mô hình cánh đồng lý tưởng. Đây là mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn theo quy trình từ gieo cấy đến thu hoạch, có kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của mô hình sẽ được Công ty Lương thực Đồng Tháp bao tiêu, đóng gói với thương hiệu “Ruộng nhà mình” cung cấp cho thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến cho biết: “Chúng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng những mô hình sản xuất giảm giá thành này để tạo ra giá trị mới cho hạt gạo. Chúng tôi tâm huyết, mình cứ làm hiệu quả trước, tạo ra sản phẩm tốt thì chắc chắn sẽ nhận lại kết quả xứng đáng. Riêng mô hình “Ruộng nhà mình” chúng tôi mong muốn nông dân từng bước tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới, để từ đó họ tự chuyển hướng sang sản xuất theo hướng này cũng là cách vận động thay đổi nhận thức, bởi người nông dân chỉ khi thấy hiệu quả thì họ mới làm theo”.

Thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Cao Lãnh đã triển khai nhiều mô hình, liên kết sản xuất, dự án khuyến nông giúp người nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nhằm nâng cao thu nhập. Thông qua các mô hình, huyện đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho người dân để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều tiến bộ mới được nông dân ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện đã áp dụng thâm canh tăng vụ, chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá, trồng cây tập trung, hỗ trợ các hộ liên kết trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ để nâng cao sản lượng, thực hiện quy trình giám sát an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, vận động khuyến khích người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. 

Điển hình như trong năm 2019, lợi nhuận bình quân 1 ha sản xuất lúa trên 14 triệu đồng/vụ (tăng 6,0 triệu đồng so với năm 2015) và trên cây lúa đã có hơn 95 ha được chứng nhận VietGAP, 24 ha sản xuất sản xuất ứng dụng công thông minh, mô hình ruộng nhà mình; 21 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; sản xuất lúa Nhật theo hướng hữu cơ (đạt 1 giải nhất, 2 giải ba gạo ngon năm 2019 tỉnh Đồng Tháp). Tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững trên ngành hàng lúa gạo (VnSAT), đã tổ chức tập huấn 46 lớp theo quy trình kỹ thuật 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm, xây dựng 9 mô hình (điểm) trình diễn

So với trồng lúa, mô hình trồng mè lợi nhuận cao hơn 10 triệu đồng/ha; mô hình trồng ớt 150 triệu đồng/ha; có trên 3ha hoa màu được chứng nhận VietGAP, quan tâm phát triển các loại cây có thế mạnh của Huyện như xoài Cát Hòa Lộc, Cát Chu, Nhãn, cam soàn, chanh, ổi, mít, sầu riêng, măng cụt, riêng sản lượng xoài Cao Lãnh và xoài Cát chu Cao Lãnh đạt trên 41.100 tấn. Từ năm 2015 đến nay đã thực hiện liên kết được 52.000 ha lúa, 9.000 tấn xoài, 1.500 tấn chanh, 2.000 tấn ổi, 200 tấn cam xoàn giá trị tăng thêm từ việc liên kết khoảng 132 tỷ đồng (bình quân giá trị tăng thêm từ 01 ha là: 1.400.000 đồng/ha).

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2018, xã Mỹ Xương đã không ngừng nỗ lực để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Nguyễn Khắc Mỹ, Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch UBND xã Mỹ Xương cho biết: “Ngoài huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Mỹ Xương tiếp tục triển khai các mô hình trồng xoài hữu cơ, theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP, liên kết sản xuất tiêu thụ xoài các loại, phát huy hiệu quả mô hình cây xoài nhà tôi, sinh hoạt hội quán nông dân chia sẽ về kỹ thuật trồng xoài; tăng cường áp dụng thực hiện nhiều mô hình sản xuất xoài mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân. Đồng thời xã cũng tiếp tục tập trung nâng chất bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp; kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục được đầu tư xây dựng”.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, để nâng cao tiêu chí thu nhập, huyện Cao Lãnh tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, tạo chuyển biến về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Qua việc thực hiện đồng bộ tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng cho huyện Cao Lãnh đến nay có 12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đó là Bình Thạnh, Tân Nghĩa, Gáo Giồng, Mỹ Thọ, An Bình, Mỹ Xương, Mỹ Hiệp, Mỹ Hội, Phong Mỹ, Tân Hội Trung, Bình Hàng Trung và Mỹ Long. Riêng xã Bình Thạnh được Tỉnh chọn thực hiện mô hình xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến kiểu mẫu và Huyện chọn thêm xã Mỹ Xương để cùng thực hiện. Hiện các xã đã đạt 19/19 tiêu chí đang chờ UBND tỉnh công nhận Bình Hàng Tây, Nhị Mỹ; 03 xã Phương Trà, Phương Thịnh, Ba Sao đang hoàn thành thủ tục hồ sơ đề nghị và huyện cũng đã đăng ký phấn đấu hoàn thành “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” năm trong 2020.

Thành Sơn