Asset Publisher

null Phân bón hữu cơ giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất

Post details Báo chí với Đồng Tháp

Phân bón hữu cơ giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất

Thời gian qua, tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trong sản xuất các loại hàng hóa nông sản đã ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Những hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã lộ rõ nhiều bất cập như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Vì vậy việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ đang là một trong những giải pháp quan trọng giúp vừa giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường vừa an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.  Cùng với việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỷ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp của ngành chuyên môn, nhiều nông dân ở huyện Cao Lãnh cũng đã ý thức hơn trong việc áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng sản xuất sạch an toàn nhất là lượng sử dụng phân bón hữu cơ có xu hướng ngày càng tăng.

Ông Tùng bên ruộng lúa đen sử dụng phân hữu cơ

Minh chứng cho vấn đề này là mô hình sản xuất lúa Nhật Akita Komachi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến ngụ ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, mô hình này không chỉ đặc biệt ở giống lúa có màu đen mà còn đáng chú ý ở qui trình canh tác theo hướng hữu cơ an toàn.

Tăng Thị Kim Xuyến, cho biết: “Phân hữu cơ sử dụng tốt nhất là mình làm đất lần cuối rồi bón lót, nó làm cho hệ vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh lên, phân vô cơ không làm được việc đó, nếu mình sử dụng hữu cơ rồi mà bổ sung vô cơ nữa thì cũng giảm rất nhiều, tại vi sinh vật hoạt động rồi rễ cây sẽ dễ hấp thụ toàn bộ phân vô cơ mình đưa vào, đất mình xốp lên vừa bụng lắm đặc biệt là cây lúa nó phát triển tốt, đâm chồi, đẻ nhánh mạnh lắm”.

Với mong muốn làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng ngay trên chính mãnh đất quê hương, bà Tăng Thị Kim Xuyến  cùng chồng  đã lập ra một quy trình cho lúa Akita Komachi  theo hướng hữu cơ, sử dụng hoàn toàn 100% phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nhằm đáp ứng tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa. Quy trình chăm sóc giống lúa đen theo hướng hữu cơ có sự khác biệt so với lúa canh tác truyền thống.

Đầu vụ thì áp dụng phương pháp bón vùi phân hữu cơ trước khi cấy nhằm khử lẫn giống. Vì là giống lúa đặc biệt nên trên 1.000m2 chỉ sạ khoảng 4kg giống. Trong suốt quá trình canh tác cần chú trọng điều chỉnh mực nước để hạn chế cỏ dại và bảo tồn lượng thiên địch như: khâu diệt cỏ phải nhổ bằng tay; áp dụng phương pháp giăng lưới để ngăn ngừa côn trùng và chim chóc gây hại... Cùng với đó, phải có nhật ký ghi chép rõ ràng nhằm có sự theo dõi chặt chẽ suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa. Đặc biệt là sử dụng hoàn toàn 100% phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nhằm đáp ứng tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa.

Bà Tăng Thị Kim Xuyến, cho biết thêm: Nó nâng sức đề kháng của cây lúa lên, lá lúa mình không bị trải rộng ra, không bị dư phân, lá lúa thẳng đứng, màu đẹp lắm, mức độ sâu, dịch hại, bệnh cũng giảm lại, thành ra mình giảm chi phí. Ít phun xịt thì không bị độc hại khi canh tác, nó được nhiều việc, nếu như nông dân mình hiện tại nắm bắt kịp thời thì mình nên chuyển đổi qua sử dụng phân hữu cơ, để mình có những lợi nhuận, lợi ích về lâu về dài nữa”.

Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp hữu cơ, Tăng Thị Kim Xuyến đã giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Vụ lúa nào vợ chồng cũng sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường, dù giá bán cao hơn so với lúa trồng đại trà.

Trong xu thế hội nhập, đòi hỏi nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, nhằm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và bảo vệ sức khỏe bản thân, người tiêu dùng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp sạch, sử dụng các loại phân bón hữu cơ hữu cơ là một trong những giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay thì đây là một trong những xu hướng tất yếu.

Thành Sơn