Asset Publisher

null Bình Thạnh đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Báo chí với Đồng Tháp

Bình Thạnh đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Đến nay, 17/17 xã của huyện Cao Lãnh đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và huyện Cao Lãnh cũng vừa được Chính phủ công nhận đạt chuẩn Huyện Nông thôn mới năm 2020, Lễ Công bố sẽ được Huyện tổ chức vào dịp Mừng Đảng- Mừng Xuân Nhâm Dần 2022. Riêng 2 xã Bình Thạnh, Mỹ Xương vừa được Ban Chỉ đạo Huyện thẩm định hồ sơ đủ điều kiện đề nghị xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.

Ghi nhận tại xã cù lao Bình Thạnh cho thấy, nơi đây đã và đang nỗ lực xây dựng xã NTM nâng cao, nhằm tiếp tục tạo diện mạo mới trên quê hương, nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hàng năm, xã nỗ lực duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt và tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, để để được công nhận NTM nâng cao đúng tiến độ và hướng đến Nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian không xa.

Được chọn xây dựng xã NTM nâng cao vừa là động lực, nhưng cũng là thách thức lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Bình Thạnh. Từ đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã NTM nâng cao, thành lập Ban Chỉ đạo, phân công từng cán bộ phụ trách và hướng dẫn các ấp tổ chức thực hiện. Căn cứ vào điều kiện thực tế, xã xây dựng kế hoạch cụ thể từng tháng, quý và năm để triển khai thực hiện. Từng đoàn thể trong xã đều phát động các phong trào thi đua để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao.

Một tuyến đường nông thôn mới ở xã Bình Thạnh

Khi bước vào xây dựng NTM nâng cao, xã Bình Thạnh gặp không ít khó khăn. Đó là số đoạn đường giao thông chưa đảm bảo tiêu chí NTM nâng cao, cần nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng. Do đó, Đảng bộ xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, vừa tranh thủ vận động các tổ chức, nhà hảo tâm, góp sức để xây dựng các tuyến đường, cây cầu khang trang, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc thực tiêu chí số 2 về xây dựng cầu, đường ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân, góp phần tạo động lực để kinh tế địa phương phát triển.

Ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Bình Thạnh chia sẻ: “Đến nay, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì hệ thống cầu, đường giao thông trên địa bàn xã bây giờ được xây dựng kiên cố, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi cả trong 2 mùa mưa nắng. Người dân tùy vào điều kiện của mình mà tự nguyện đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền thực hiện cơ sở hạ tầng nông thôn”.

Xác định thế mạnh kinh tế của địa phương là vườn cây ăn trái và nuôi thủy sản, Đảng ủy xã lãnh đạo công tác vận động Nhân dân sản xuất theo hướng an toàn VietGAP; tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ cho nông dân. Qua việc tuyên truyền, vận động các đoàn thể và Hội quán nông dân, người dân Bình Thạnh dần xóa bỏ thói quen sản xuất riêng lẻ mà tham gia làm ăn tập thể. Nông nghiệp từng bước sản xuất theo hướng mới - nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản.

Phát huy lợi thế đất bãi bồi, vị trí nằm giữa sông Tiền và sông Cái Nhỏ, Bình Thạnh phát triển nghề nuôi thủy sản. Xã có 120 ha nuôi cá tra, sản lượng hàng năm trên dưới 38.400 tấn; khoảng 1.600 bè, vèo nuôi cá điêu hồng, sản lượng trung bình 22.800 tấn/năm. Hợp tác xã cá điêu hồng Bình Thạnh được thành lập và hoạt động khá hiệu quả với các dịch vụ như nuôi cá thương phẩm, sản xuất cá giống, làm khô và cải tạo, gia cố ao nuôi cá.

Ông Trần Thanh Hùng, xã Bình Thạnh chia sẻ thêm: “Ba, bốn năm trở lại đây, hộ dân nuôi cá lời, thành ra nông dân ở ấp Bình Tân này cũng ổn định khá. Mình chỉ sử dụng thuốc nội địa đơn giản thôi để cho ra bè người ta chăm sóc. Hướng sắp tới tôi có  bàn với anh em cùng nhau học hỏi, cải tiến kỹ thuật chăn nuôi cho nó đạt hiệu quả, không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoại, để an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Xác định phát triển kinh tế là đòn bẩy để xây dựng các tiêu chí còn lại, nên các mô hình sản xuất được xã triển khai hiệu quả, nhất là lĩnh vực nông nghiệp có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn cũng phát huy tốt vai trò hình thành các mô hình liên kết sản xuất, tổ chức các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, giúp nâng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Phát Thạnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa kiểng Bình Thạnh cho biết: “Những tổ viên tham gia làm hoa kiểng này thì phải nói là coi như thoát nghèo 90%, lúc trước ta nghèo bây giờ ta xây dựng nhà bê tông cao lớn, ta phát triển thêm hoa kiểng, rồi ta có thêm lợi nhuận mua thêm xe. Bình Thạnh mở ra hoa kiểng, nhờ trên hỗ trợ vốn thêm cho nên tổ viên bây giờ làm ăn rất phấn khởi”.

Đến xã Bình Thạnh những ngày này, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được diện mạo mới của vùng cù lao. Những ngôi nhà khang trang, hệ thống cây xanh, hoa ven đường đua nhau khoe sắc, đường làng ngõ xóm được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, sạch đẹp. Cơ sở vật chất văn hóa, thể thao của xã được đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cải thiện rõ rệt.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao được chú trọng, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho người dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt và đời sống Nhân dân. Hệ thống chính trị cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân nâng cao hơn trước. Từ đó, người dân càng có thêm niềm tin với Cấp ủy và Chính quyền địa phương.

Thành Sơn