Asset Publisher

null PS: Thanh Bình thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo

HĐND HUYỆN Tin tức

PS: Thanh Bình thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo

            Thưa quý vị và các bạn! Thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Những năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Bình đã kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác,giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện đầu tư, tái mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên, làm giàu chính đáng.

Theo chân cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Bình đến thăm gia đình Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ở ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, 1 trong những hộ vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện. Chị Tuyền chia sẻ, trước khi được vay nguồn vốn gia đình gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện để làm ăn chỉ buôn bán nhỏ. Với ý chí, nổ lực quyết tâm khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo nên năm 2016 khi được xét nguồn vốn hỗ trợ cho vay ưu đãi 50 triệu đồng, chị bắt đầu khởi nghiệp làm mắm, dưa mắm, dưa muối, khô cá lóc truyền thống…. Hiện sản phẩm khởi nghiệp của gia đình đã nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng, sản phẩm được nhiều người biết đến đặc hàng, với số lượng bán ra thị trường ngày càng nhiều, doanh thu hàng tháng gần chục triệu đồng, nhờ đó gia đình thoát được nghèo, kinh tế ngày càng phát triển có bước khởi sắc, con cái thì có điều kiện học tập tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình cho biết thêm: “ Được mấy chị phụ nữ ở xã đề nghị cho mình vay được cái nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, rồi mình về mình mới mua mắm, mua nguyên liệu rồi mình làm dần dần, rồi cái từ đó mình được chị em ở tỉnh, ở huyện biết, người ta đặt hàng. cũng cảm ơn Đảng và Nhà nước với Ngân hàng chính sách đã hỗ trợ cho chị em phụ nữ tiểu thương được vay cái nguồn vốn để buôn bán làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện  Thanh Bình đã đầu tư nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp… góp phần phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững như Chị Lê Thị Thúy ngụ ấp 3 xã Tân Mỹ cũng nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội Huyện, chị đã mạnh dạng sử dụng nguồn vốn đầu tư mua nguyên vật liệu về bó chổi. Sau gần 2 năm các sản phẩm của gia định chị làm ra ngày càng được nhiều người đặt mua, biết đến với số lượng ngày càng tăng, giúp cải thiện cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn.

Chị Lê Thị Thúy, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình chia sẽ : "Lúc trước mình chưa có vốn gì nhiều, giờ vay vốn rồi thì mình cũng có ít tiền khởi nghiệp, cũng đỡ, cũng ổn định trong gia đình"

Sau 17 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH huyện Thanh Bình, đã xét giải quyết cho trên 14.985 khách hàng vay làm ăn, sản xuất,kinh doanh, chăn nuôi, buôn bán.... với tổng dư nợ tín dụng trên 295 tỷ đồng, vượt 29 lần so mới thành lập. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay Ngân hàng CSXH huyện Thanh Bình, đã xét giải ngân gần 40 tỷ đồng cho trên 1.560 lượt khách hàng vay vốn thông qua các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, đã giúp 254 lượt hộ nghèo, 287 lượt hộ cận nghèo và 125 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền trên 15,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện còn triển khai hiệu quả chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở chỉ tính từ năm 2008 đến nay đã xét cho 2.195 hộ nghèo vay, với  số tiền 21.130 tỷ đồng, để xây dựng nhà.

Ông Lê Hữu Định, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Bình, cho biết: "Thực hiện nghị định 78 ngân hàng chính sách xã hội phối hợp với 4 hội đoàn thể huyện và Ban xoá đói giảm nghèo các xã, thị trấn và các tổ trưởng xét cho vay 14.893 khách hàng vay vốn, khi được vay vốn thì họ luôn sử dụng đúng mục đích".

Có thể thấy, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là điểm tựa vững chắc, trở thành một trong những động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đây là chính sách tín dụng không chỉ có tính nhân văn sâu sắc góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả  chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội./.

Kiều Trang