Asset Publisher

null Hội nghị trực tuyến tổng kết đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”

HĐND HUYỆN Tin tức

Hội nghị trực tuyến tổng kết đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”

Sáng ngày 10/12/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị được trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, thị, thành phố trong Tỉnh. Tại điểm cầu huyện Thanh Bình, tham dự có Ông Phan Văn Phụng – Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, ủy ban các xã, thị trấn.

Tại hội nghị, các đại biểu được xem Video clip Báo cáo Tổng kết Đề án giai đoạn 2011-2020. Hiện toàn tỉnh hiện có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 210.000 người tham gia học nghề, vượt 16% so với kế hoạch. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50%. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 85%; 100% lao động đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp đều được bố trí việc làm.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương, của tỉnh đã tạo điều kiện cho 24.181 lao động được vay vốn tạo việc làm với tổng kinh phí 206.977 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách Tỉnh là 66.255 triệu đồng. Nguồn vốn giải quyết việc làm đã góp phần rất lớn trong công tác giải quyết việc làm sau đào tạo, ổn định kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nhiều mô hình được phát huy hiệu quả, cụ thể như: mô hình may gia công tại một số xã của huyện Hồng Ngự; mô hình trồng cây ớt an toàn tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình; mô hình tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười,... góp phần tạo công việc ổn định, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn.

Các cơ sở dạy nghề, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tham gia, tạo điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội có việc làm phù hợp với khả năng của lao động nông thôn, lao động nông thôn đã tận dụng được thời gian nông nhàn để sản xuất, làm thêm để tăng thu nhập, một số hộ dân đã thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, làm chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

Trong giai đoạn tiếp theo 2021 – 2025, tỉnh đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 75.000 lao động, trong đó có 8.500 người được đào tạo trình độ cao đẳng; 11.500 người được đào tạo trình độ trung cấp, 60.000 người được đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng để đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó qua đào tạo nghề là 57%.

Dịp này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tặng bằng khen cho 17 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án./.

                                                                                        Kiều Trang