Asset Publisher

null Nâng cao các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

HĐND HUYỆN Tin tức

Nâng cao các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" do Hội LHPN Việt Nam phát động, nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy gây ra.

Trong tháng 3/2020, Hội LHPN huyện Thanh Bình đã thành lập và ra mắt 06 tổ tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilon ở các xã An Phong, Tân Huề, Tân Long, Phú Lợi, Tân Hòa, Tân Bình với 80 thành viên là chị em hội viên phụ nữ đang kinh doanh mua bán ở các khu vực chợ.

Nội dung hoạt động của mô hình là: Vận động hội viên hạn chế sử dụng túi nylon; Vận động hội viên phụ nữ tích cực sử dụng giỏ xách nhựa đi chợ; vận động các hộ bán cá, thịt tại chợ sử dụng túi thân thiện môi trường; thay đổi thói quen của người dân trong việc thường xuyên sử dụng túi nylon để đựng đồ ăn, đồ sinh hoạt; thực hiện phân loại rác thải, vận động chị em phụ nữ tham gia giữ gìn vệ môi trường, đảm bảo đổ rác đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng.Để động viên chị em tích cực hưởng ứng, Hội phụ nữ đã  tặng 80 giỏ nhựa, 20 kg túi ni-lông thân thiện với môi trường cho các hội viên.

Mô hình hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần  được các hộ kinh doanh ở các khu vực chợ hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ ký cam kết, các hộ kinh doanh trong chợ còn bảo nhau cắt giảm sử dụng túi nilon, nhờ đó mỗi ngày lượng rác thải được thu gom trong chợ đã giảm rõ rệt so với trước kia…Trước đây khi khách mua hàng từ cọng hành cho đến mớ rau, các chị đều cho vào từng túi để khách mang về cho tiện. Tính ra mỗi ngày một chị dùng đến hơn 1kg túi nilon. Nhưng từ khi Hội phụ nữ thành lập mô hình và kêu gọi hạn chế rác thải nhựa, không những các chị tham gia mô hình mà các tiểu thương khác cũng đã hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Qua đó mỗi người đều tự nhận thấy mình cần thay đổi thói quen đưa nhiều túi nilon cho khách hàng, đồng thời khuyến khích khách hàng mang giỏ xách đi chợ.

 Bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu, Hội cũng nhận thấy, để thay đổi thói quen của tất cả những người dân, điều đó không dễ, trong khi túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn đang đem lại sự tiện lợi cho họ, các sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế hiện nay lại chưa phổ biến... nên hiệu quả thực sự của việc thực hiện phong trào chưa cao. Trong thời gian tới, để phong trào đạt được theo các yêu cầu đã đặt ra, Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung sau: phát động 100% cán bộ Hội cơ sở gương mẫu thực hiện và vận động người thân hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy và “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; nghiêm túc sử dụng phích/bình đựng nước thủy tinh/inox thay thế các chai nhựa đựng nước tinh khiết tại các cuộc họp, tiếp khách do Hội tổ chức; tổ chức tuyên truyền đến 100% Chi, tổ Hội phụ nữ; ít nhất 80%  hội viên phụ nữ  nhằm vận động cán bộ, hội viên phụ nữ không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay túi nilon và sản phẩm nhựa trong sinh hoạt đời sống; tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nhằm hưởng ứng thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” như mô hình: Phân loại rác thải tại hộ gia đình;  dùng cà men đi mua thức ăn thay túi nilong; Phụ nữ xách giỏ đi chợ - hạn chế sử dụng túi nilon; vận động các nữ doanh nghiệp/nữ tiểu thương giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;  phối hợp với các ngành, đoàn thể trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng về ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phát hiện và kịp thời biểu dương gương điển hình làm tốt phong trào để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thùy Linh