null Mô hình đan ghế nhựa tạo việc làm cho lao động nông thôn

Mô hình mới cách làm hay Mô hình mới cách làm hay

Mô hình đan ghế nhựa tạo việc làm cho lao động nông thôn

Thời gian qua, các mô hình phi nông nghiệp đã và đang là giải pháp, giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Một trong những mô hình mang lại hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn phường An Bình B là mô hình đan ghế và các sản phẩm đồ gia dụng bằng dây nhựa.

Năm 1996, hai vợ chồng Anh Lê Văn Sội  và chị Nguyễn Thị Thảo, xã an Bình B, (nay là phường An Bình B), đi lên tỉnh Tây Ninh làm công nhân cho một công ty đan ghế nhựa. Làm được 02 năm, số tiền tích lũy cũng không khá lắm, nên 02 vợ chồng bàn tính nhau về quê sinh sống, thuận tiện cho việc chăm sóc các con được chu đáo hơn. Về quê nhà anh và chị cũng tiếp tục công việc đan ghế nhựa, lúc đầu anh lấy hàng từ công ty về làm tại nhà và giao lại cho công ty. Làm được một thời gian cộng thêm kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian làm tại Tây Ninh, anh mạnh dạn đứng ra nhận nguyên liệu từ công ty Lâm Hiệp Hưng và phân phối lại cho các hộ dân trong xóm cùng làm gia công. Bình quân mỗi tháng thu nhập của gia đình từ 12 – 15 triệu đồng từ việc đan ghế và việc làm đầu mối qua trung gian giữa công ty với người làm công.

Anh Lê Văn Sội, khóm I, phường An Bình B cho biết: Nói chung cũng không khó, mới lúc đầu làm đau tay sau quen cũng hết, nhàn giỏi mình làm, có công chuyện mình ngưng lại đó, bà con ở nhà giữ con, giữ cháu học nghề này sống cũng được. Khung dây công ty đưa xuống điện cho tôi hay, thì tôi giao cho bà con, có sản phẩm tôi điện công ty xuống lấy, nếu giao thứ hai thì thứ bảy, chủ nhật là có hàng, mình canh cho đầy thì cho xe xuống lấy.

Công việc đan ghế nhựa mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, cải thiện đời sống gia đình, từ đó anh quyết định tìm đối tác mở rộng liên kết với các công ty như: Công ty cổ phần sản xuất Lý Đan; công ty TNHH sản xuất thương mại nhựa Nguyễn Minh. Bên cạnh đó, anh cũng vận động những lao động nhàn rỗi chưa có việc làm tham gia nghề đan ghế, anh cũng tận tình truyền dạy lại kinh nghiệm cũng như hướng cho những người chưa thành thạo các thao tác và những người mới vào nghề, tùy vào hoàn cảnh gia đình lao động có thể nhận hàng về nhà làm hoặc làm tại nhà của anh. Hiện tại, có gần 100 lao động được anh dẫn kỹ thuật đan và làm gia công sản phẩm cho anh, trong đó có trên 30 lao động là người ngoài địa phương. Bình quân mỗi một tuần anh giao lại trên 100 sản phẩm cho công ty.

Hay như trường hợp của chị Trịnh Thị Trang, khóm 1 – phường An Bình B, chị Trang cho biết: Chị tham gia nghề đan ghế nhựa đến nay cũng trên 10 năm, nghề đan ghế này rất phù hợp với các chị em phụ nữ ở nông thôn, vì được làm tại nhà, vừa làm cũng vừa có thể trông nôm nhà cửa, ngoài những giờ lo cơm nước cho gia đình, chăm sóc cho con, thời gian còn lại tập trung vào đan ghế, nhiều khi đan đến 9, 10 giờ đêm mới nghỉ. Bình quân mỗi ngày chị đan hoàn thành 01 cái ghế, thu nhập khoảng 150 – 200 ngàn đồng. Chị Trịnh Thị Trang cho biết thêm: Mình ở nhà vừa coi nhà cửa con cái đi học, nó về cũng có cơm, nước con ăn, tối rảnh làm thêm nữa, thấy cũng phù hợp chị em nông thôn, thu nhập cũng ổn, em đang lẹ khoảng 5 – 6 triệu đồng/ tháng là khi có hàng nhiều, tháng hè thì ít hàng, tùy theo tháng 4 triệu, 3 triệu, 2 triệu mấy cũng không chừng là ít nhất, qua tháng hè là mình có hàng nhiều làm suốt.

Nghề dễ học, dễ làm, chỉ cần chịu khó và tỉ mỉ nên có thể thu hút chị em ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia, người lớn tuổi cũng như trẻ em điều có thể làm được. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Lưỡng, năm nay 70 tuổi. Năm 2018, bà Lưỡng tham gia lớp học nghề đan ghế do địa phương tổ chức. Tuổi đã lớn nên bà thường làm những công đoạn dễ của ghế, bàn hoặc sản phẩm khác, có được công việc làm gần nhà và có thêm thu nhập. Bà Nguyễn Thị Lưỡng vui mừng nói: Sáng làm đến 4 giờ chiều mới về nhà, khỏe thì đương tối ngày, không khỏe thì vô nghĩ, nghĩ một giây, một lát đương nữa, ghế đương có giá cao cho được 100 ngàn, ghế nhỏ rẻ thì 70 – 80 ngàn, có công có chuyện một chút cũng trở lại, ở không không có được.

Mô hình đan ghế nhựa được Hội liên hiệp phụ nữ xã An Bình B (nay là phường An Bình B) tổ chức thành lập năm 2010, với 30 thành viên. Công việc đan ghế nhựa mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định, nên số lượng thành viên đăng ký tham gia ngày càng tăng, hiện nay mô hình đan ghế nhựa của phường có 124 hộ, với  272 thành viên tham gia. Qua khảo sát, thu nhập bình quân của các lao động khoảng trên 2 triệu đồng /tháng đến 6 triệu đồng/tháng. Tùy theo mẫu mã của từng sản phẩm dễ hay khó và cũng tùy theo thời gian nhàn dõi của lao động mà có thu nhập khác nhau.

Phan Thị Mỹ Tâm – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường An Bình B cho biết: Hiện nay trên địa bàn phường An Bình B mô hình đan ghế nhựa phát triển rất tốt, nghề đan ghế nhựa trải đều trên địa bàn phường, hiện nay trong tổ liên kết cũng phối hợp 5 – 6 công ty để đem nguyên liệu về làm thường xuyên, để chị em duy trì nghề tốt hơn, tăng thêm thu nhập gia đình cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên còn một số hộ chưa tham gia thì Hội sẻ phối hợp với 02 khóm, tiếp tục vận động chị em nhàn giỏi, thiếu việc làm tham gia vào lớp học đan ghế nhựa để mình tạo việc làm và tay nghề cho chị em, rồi từ đó chị em tạo ra sản phẩm đẹp tạo uy tín với các công ty, để công ty phối hợp, kết nói với mình làm nhiều sản phẩm hơn, tăng thu nhập bà con.

Có thể thấy, mô hình đan ghế nhựa hiện đang giúp nhiều lao động nông thôn tại phường An Bình B, có điều kiện phát triển kinh tế và có cuộc sống ổn định hơn.

Trần Hào

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362