Asset Publisher

null Di chúc miệng - Thực trạng pháp luật và kiến nghị

Trang chủ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Di chúc miệng - Thực trạng pháp luật và kiến nghị

Bài viết sẽ phân tích một số vấn đề bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định về di chúc miệng...

= = =

 

Tóm tắt: Quyền để lại di sản được pháp luật tôn trọng và bảo vệ cho cá nhân, trong đó có các hình thức di chúc. Trong quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật cho thấy đối với hình thức di chúc miệng có một số nhược điểm cần khắc phục. Bài viết sẽ phân tích một số vấn đề bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định về di chúc miệng trong Bộ luật dân sự năm 2015.

Từ khóa: Di chúc, di chúc miệng, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Abstract: The right to leave an inheritance is respected and protected by the law for individuals, including various forms of bequests. During the process of researching and applying the law, it has been found that there are certain shortcomings associated with verbal wills. This article will analyze some of these drawbacks and provide recommendations for improving the regulations regarding verbal wills in the 2015 Civil Code.

ảnh minh hoạ từ internet

Đặt vấn đề:

Di chúc miệng đã từ lâu được ghi nhận trong cổ luật Việt Nam và đến thời điểm hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 cũng ghi nhận ở Điều 629 và Điều 630. Mặc dù đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nhưng  thực tế việc lập và thực hiện di chúc miệng hiện còn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn tác giả nêu sau đây cần được nghiên cứu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

1. Khái quát về quyền thừa kế và bản chất của di chúc miệng

Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quá trình dịch chuyển tài sản từ người đã chết cho các chủ thể khác[1]. Quyền thừa kế xuất hiện, tồn tại trong nhà nước có pháp luật và phát triển song cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Cho đến nay, quyền thừa kế là một quyền cơ bản của công dân được pháp luật của các quốc gia ghi nhận. Ở Việt Nam, quy định về quyền thừa kế được ghi nhận trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể và thể hiện rõ nhất là trong các Bộ luật dân sự (BLDS).

Theo quy định về quyền thừa kế, thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình...”[2]. Nghĩa là trước khi chết, một cá nhân được quyền tự do định đoạt, thể hiện ý chí về việc chuyển giao tài sản của mình cho chủ thể khác. Hình thức chứa đựng ý nguyện, mong muốn đó được khoa học pháp lý gọi là di chúc[3]. Theo BLDS năm 2015, di chúc là “sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết[4]. Di chúc có thể dưới dạng hình thức di chúc bằng văn bản hoặc di chúc miệng[5].   

Xuất phát từ tính chất của bản chất di chúc miệng thiếu cơ sở thuyết phục, rất dễ xảy ra tranh chấp, bởi di chúc miệng là di chúc thể hiện bằng lời nói[6] và nếu ý chí chỉ được thể hiện qua lời nói sẽ luôn bị rơi vào tình trạng mong manh về tính xác thực. Do người lập di chúc chỉ nói ra mà không thể kiểm tra lại việc ghi chép của người làm chứng, đồng thời văn bản ghi chép lại không có chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc. Chính vì “lời nói gió bay” và nhất là người nói ra điều đó đã chết nên dễ bị người khác bóp méo[7], khó có thể giữ đúng nguyên bản của nó, ảnh hưởng đến tính xác thực. Trong khi đây lại là lời nói có hệ quả pháp lý tác động đến chủ thể khác, nên việc quy định các vấn đề về di chúc miệng (Điều 627 BLDS 2015), điều kiện lập di chúc miệng (Điều 629 BLDS 2015) và điều kiện để di chúc hợp pháp (Khoản 5 Điều 630 BLDS 2015) thể hiện sự quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục cho tới nội dung. Tuy nhiên, trên thực tiễn việc thực hiện các quy định về hình thức của di chúc miệng trong BLDS năm 2015 còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa phù hợp.

2. Quy định về di chúc miệng ở Việt Nam

 Di chúc miệng là hình thức qua lời nói trực tiếp của người để lại di chúc truyền đạt nguyện vọng của họ sau khi chết thì số tài sản của họ có được trong lúc còn sống sẽ được phân chia cho những ai thực hiện các chức năng chiếm hữu, sử dụng, quản lý hay thực hiện một nghĩa vụ thay họ.

Hình thức về di chúc miệng (chúc ngôn) đã xuất hiện tthời kỳ phong kiến, điển hình tại Điều 388 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Nếu có lệnh của ông bà và chúc thư thì phải làm theo đúng, trái thì mất phần mình”. Điều đó cho thấy Bộ luật Hồng Đức đã ghi nhận về di chúc miệng. Trong thời kỳ Pháp thuộc (1858-1945), tại 3 miền: Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều không đề cập đến di chúc miệng. Từ năm 1954 đến năm 1975 ở miền Bắc vẫn tiếp tục sử dụng một số luật lệ ở Bắc-Trung-Nam của giai đoạn trước. Ở miền Nam, áp dụng Bộ Dân luật năm 1972 trong các luật cũng không quy định về di chúc miệng.

Từ năm 1975 đến nay di chúc miệng đã được ghi nhận, theo Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế (Thông tư 81) đã quy định về hình thức di chúc miệng “Di chúc miệng phải có người làm chứng bảo đảm”; Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 bổ sung điều kiện lập di chúc miệng “trong trường hợp tính mạng bị đe doạ nghiêm trọng mà không thể lập di chúc viết được” và “sau ba tháng kể từ ngày lập di chúc miệng, nếu người lập di chúc còn sống và minh mẫn, thì coi như di chúc miệng đó bị huỷ bỏ[8].

Khắc phục bất cập của Pháp lệnh Thừa kế không quy định thủ tục để hủy bỏ di chúc và ai có quyền tuyên bố hủy bỏ di chúc miệng, làm cho quy định này được hiểu theo nhiều nghĩa và áp dụng không thống nhất. Mặt khác, cũng như Thông tư 81, Pháp lệnh Thừa kế thừa nhận giá trị của di chúc miệng nhưng không quy định thủ tục ghi chép lại di chúc miệng. BLDS năm 1995 đã quy định: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ[9]. Theo đó, thủ tục lập nội dung di chúc miệng là những người làm chứng phải ghi chép lại bằng văn bản ngay sau đó, đồng thời sửa đổi khoản 2 Điều 654 BLDS năm 1995 về di chúc miệng từ “bị huỷ bỏ” thành “mặc nhiên bị hủy bỏ” (khoản 2 Điều 651 BLDS 2005) bảo đảm sự rõ ràng trong quy định của điều luật.

Đồng thời, BLDS năm 2005 cũng đã bổ sung thêm điều kiện ghi chép lại đối với Di chúc miệng “trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực[10] điều này có thể loại trừ trường hợp người làm chứng có thể tự ý sửa chữa, viết lại nhiều lần hay đánh tráo văn bản ghi nội dung di chúc miệng.

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã loại trừ trường hợp “do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác” quy định ở khoản 1 Điều 651 BLDS 2005 mà chỉ ghi nhận lập di chúc miệng trong trường hợp “tính mạng một người bị cái chết đe dọa”, đồng thời khắc phục việc không nêu rõ là cần công chứng hoặc chứng thực nội dung bản di chúc hay xác nhận chữ ký/điểm chỉ của người làm chứng trong BLDS 2005 nên BLDS 2015 đã bổ sung thêm quy định chỉ “xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng[11].

3. Những hạn chế, bất cập về di chúc miệng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Theo quy định tại Điều 609 BLDS 2015 “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”. Như vậy, pháp luật thừa nhận quyền định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình. Để định đoạt tài sản, cá nhân có thể thực hiện qua đi chúc bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Tuy nhiên, việc lập di chúc miệng theo pháp luật quy định chỉ trong những trường hợp đặc biệt.

Để di chúc miệng có hiệu lực phải đảm bảo về thời điểm, sự tham gia của người làm chứng và thời gian lập di chúc, công chứng/chứng thực.

3.1. Về thời điểm lập di chúc:

Theo quy định tại của Điều 629 BLDS năm 2015 thì việc lập di chúc miệng chỉ trong trường hợp người lập di chúc đang “trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa” và “không thể lập di chúc bằng văn bản”. Điều này cho thấy, pháp luật quy định việc lập di chúc miệng chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ, là biện pháp cuối cùng khi không thực hiện được việc lập di chúc bằng văn bản, tương tự như luật của một số nước trên thế giới[12].

Vấn đề đặt ra là khi lập di chúc có cần phải bắt buộc trong trường hợp đang “trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa” hay không?. Để có hiệu lực thì di ngôn đã được ghi chép lại thành văn bản và được công chứng/chứng thực nội dung qua ghi chép của người làm chứng. Nhiều ý kiến cho rằng bởi di chúc là một giao dịch trọng hình thức nhằm mục đích thể hiện tính xác thực về ý chí của người lập di chúc, cũng như nội dung của di chúc là đúng sự thật. Tránh tình trạng nội dung di chúc bị làm giả hoặc trái với ý chí của người để lại di sản. Do đó BLDS năm 2015 chỉ đặt ra trong trường hợp một người bị cái chết đe dọa và không thể lập được di chúc bằng văn bản mới đủ điều kiện để lập di chúc miệng. Tuy nhiên, đối chiếu với trường hợp di chúc của người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ, họ lập di chúc bằng văn bản thông qua người làm chứng, văn bản này cũng được công chứng hoặc chứng thực[13], nhưng việc lập di chúc của họ không thuộc trường hợp “trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa” như việc lập di chúc miệng và về thời gian thì họ có thể được thực hiện bất cứ lúc nào cũng đều có giá trị.

 Theo Điều 388 Bộ luật Hồng Đức quy định về di chúc miệng: “Nếu có lệnh của ông bà và chúc thư thì phải làm theo đúng, trái thì mất phần mình”. Quy định trên cho thấy luật không quy định mệnh lệnh này được phát ra trong tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh nào vẫn có giá trị pháp lý.

Tác giả đồng quan điểm về thời điểm để lại di chúc miệng của cá nhân là ở bất cứ thời điểm nào, và không cần thiết chỉ trong trường hợp “trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa” mới được lập di chúc miệng, điều này sẽ đảm bảo quyền lựa chọn và sự tự do ý chí của người để lại di sản thừa kế[14]. Vì thế, để đảm bảo quyền con người, Điều 629 BLDS năm 2015 cần loại trừ điều kiện để lập di chúc miệng trong trường hợp “trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa”. Việc loại trừ trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân tự lựa chọn hình thức lập di chúc.

3.2. Về sự tham gia của người chứng

Theo quy định tại khoản 5 của Điều 630 BLDS năm 2015 thì di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ nhiều điều kiện, một trong những điều kiện đó là người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Như vậy, sự có mặt của người làm chứng có vai trò quan trọng ngay từ bước đầu hình thành nên di chúc của người để lại di chúc miệng, nhưng quy định về người làm chứng trong di chúc miệng rất khắc khe.

Theo Điều 632 BLDS năm 2015 quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau: (i) người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; (ii) người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; (iii) người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015, người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; nếu xét theo khía cạnh quy mô gia đình hạt nhân thì tất cả các thành viên đều là người thừa kế theo pháp luật của nhau, vì vậy nếu có một thành viên để lại di chúc thì toàn bộ gia đình đều không thể là người làm chứng.

Quy định trên cho thấy người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người để lại di chúc miệng không thể là người làm chứng cho việc lập di chúc đó; Lúc tính mạng đang bị cái chết đe doạ, một người nhiều khả năng chỉ có người thân là người trong gia đình bên cạnh, như vợ chồng, con cái… chẳng hạn như khi bệnh trở nặng tại nhà, tại bệnh viện mà không còn đường cứu chữa, người đang trong tình trạng “hấp hối” hầu như chỉ có thể nói vài lời cuối cùng với người thân đang túc trực bên mình. Hoàn cảnh ấy đôi khi khó có thể đòi hỏi gia đình đi tìm “người ngoài” để làm chứng, hoặc thậm chí gia đình cũng không hề biết đến quy định về điều kiện của người làm chứng di chúc hay quy định về di chúc miệng phải có người làm chứng cho nên trên thực tiễn vẫn có trường hợp người thừa kế lại là người chứng kiến di chúc miệng[15]. Vì thế, có những trường hợp người đang bị cái chết đe doạ kịp trăng trối, để lại lời di chúc bằng miệng thì ngoài những người thân trong gia đình không còn ai để làm chứng nên bất đắc dĩ họ phải trở thành người làm chứng và việc này đã vô tình vi phạm Điều 632 BLDS năm 2015.

Dù rằng, vai trò của người làm chứng là để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và trung thực về nội dung của di chúc, nhất là di chúc được lập bằng miệng nên quy định của pháp luật hiện nay không cho một số người được làm chứng để đảm bảo tính xác thực của di chúc miệng. Tuy nhiên, với phân tích trên, tác giả thấy rằng cần nên có quy định bỗ trợ trong một số trường hợp người làm chứng thuộc trường hợp vi phạm điều 632 BLDS năm 2015 để đảm bảo ý chí của người để lại di chúc được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trong một số trường hợp. Ví dụ như: nếu có một nhân chứng hay có file ghi âm, hay ghi hình có âm thanh (phản ánh đúng sự thật, phù hợp với các chứng cứ khác chứng minh bản di chúc thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc là có thật, khách quan) thì có thể xem xét công nhận bản di chúc.

3.3. Về việc ghi lại di chúc của người chứng

Theo quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS năm 2015, một trong những điều kiện di chúc miệng được coi là hợp pháp là ngay lập tức ghi chép lại nội dung di ngôn và cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Việc BLDS năm 2015 quy định như vậy nhằm mục đích đảm bảo tính xác thực của di chúc miệng. Sau khi nghe người di chúc miệng thể hiện nội dung của di chúc thì người làm chứng phải ghi chép lại ngay mới có thể nhớ được chính xác, đầy đủ nội dung của di chúc. Có như vậy mới thể hiện được đúng ý chí của người lập di chúc miệng. Nếu người làm chứng không ghi chép lại ngay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chính xác hoặc bỏ sót nội dung di chúc. Tuy nhiên, không phải lúc nào người làm chứng cũng có điều kiện ghi chép lại ngay lúc đó, bởi trên thực tiễn có nhiều trường hợp khách quan như người làm chứng đang trong rừng sâu, trên biển đảo (không có điều kiện ghi chép lại thành văn bản). Nếu theo quy định hiện hành khi không ghi chép ngay thành văn bản, di chúc sẽ không có hiệu lực, điều này không đảm bảo được quyền tự định đoạt của người đã mất. Nhiều trường hợp ông bà, cha mẹ ốm đau/bị tai nạn sắp mất dặn dò con cháu bằng lời nói rất phổ biến, nhưng việc lập di chúc miệng không đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian, nên khi xảy ra tranh chấp, các bên đưa nhau ra Tòa án thì di chúc miệng rất bất lợi, có hội đồng xét xử chấp nhận, có hội đồng xét xử không chấp nhận dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự[16] và cũng có trường hợp vì việc chép lại di chúc sau 01 ngày, di chúc đã không được công nhận[17].

Vì thế, tác giả thấy rằng: để đảm bảo di chúc có hiệu lực trong những điều kiện khách quan mà người làm chứng không ghi chép lại nội dung di chúc kịp thời hay không đem di chúc công chứng/chứng thực trong thời gian luật định. Điều 629 BLDS năm 2015 cần sửa đổi theo hướng bổ sung quy định thời điểm bắt đầu tính thời hạn, hoặc kéo dài thời hạn mà những người làm chứng có thể ghi chép lại, ký tên hoặc điểm chỉ và công chứng hoặc chứng thực di chúc trong những trường hợp đặc biệt, không đủ điều kiện để thực hiện theo đúng thời hạn thông thường. Trường hợp này, những người làm chứng phải chứng minh được họ rơi vào tình trạng không có đủ điều kiện thực hiện theo thời hạn quy định thông thường.

3.4. Di chúc được ghi lại qua ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

 Bên cạnh việc ghi chép lại thành văn bản, hiện nay trong thời kỳ chuyển đổi số, công nghệ phát triển, một số di ngôn đã được ghi nhận lại qua hình thức ghi âm hay ghi hình có âm thanh. Tuy luật chưa quy định, nhưng thực tiễn nhiều Tòa án đã chấp nhận mặc dù không đủ thủ tục như luật định[18]. Tác giả thấy rằng việc phán quyết trên của Tòa án phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, đoạn ghi âm, hình ảnh là “tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử” và là nguồn của chứng cứ nếu đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 95 BLTTDS năm 2015: “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”.

Tìm hiểu pháp luật Dân sự của Trung Quốc, tác giả được biết, Điều 17 Luật thừa kế năm 1985 của Trung Quốc ngoài ghi nhận di chúc miệng, pháp luật thừa kế của Trung Quốc còn ghi nhận di chúc được ghi lại trong băng âm thanh hay video với ít nhất hai người làm chứng[19].

Theo quy định tại Điều 1137 BLDS năm 2020 của Trung Quốc cũng quy định “Nếu lập di chúc bằng hình thức ghi âm, ghi hình, phải có 2 người trở lên có mặt chứng kiến. Người lập di chúc và người chứng kiến phải ghi lại danh tính hoặc hình ảnh của mình cùng ngày, tháng, năm trong bản ghi âm, ghi hình”.

Có thể thấy Di chúc nếu được ghi âm, hay ghi hình có âm thanh sẽ có giá trị thực tế cao hơn so với hình thức di chúc miệng. Tại Điều 1138 BLDS năm 2020 của Trung Quốc: “Trong tình huống khẩn cấp, người lập di chúc có thể lập di chúc miệng. Di chúc miệng phải có 2 người trở lên có mặt làm chứng. Khi tình huống nguy hiểm đã không còn và nếu người lập di chúc có khả năng dùng hình thức văn bản hoặc ghi âm, ghi hình để lập di chúc thì di chúc miệng đã lập vô hiệu”.

Tìm hiểu luật thừa kế của bang New South Wales (Úc) không có quy định về di chúc miệng, tuy nhiên Đạo luật Thừa kế 2006 có ghi nhận di chúc bằng ghi âm, ghi hình. Theo Điều 6[20], một di chúc sẽ có hiệu lực nếu như: được lập thành văn bản và có chữ ký của người lập di chúc hoặc bởi một số người khác trước sự chứng kiến ​​và chỉ đạo của người lập di chúc; và chữ ký do người lập di chúc lập hoặc thừa nhận với sự có mặt của 2 người làm chứng trở lên có mặt đồng thời; và ít nhất 2 người trong số những người làm chứng chứng thực và ký tên vào di chúc trước sự có mặt của người lập di chúc.

Tuy nhiên, Điều 8 của đạo luật này cho phép Toà án loại trừ những điều kiện như trên ở Điều 6, theo đó Tòa án có thể chấp nhận một “tài liệu” (document) “có mục đích nêu rõ ý định lập di chúc của người quá cố”, với điều kiện Tòa án thấy rằng người quá cố dự định “tài liệu” đó để tạo thành một phần di chúc của họ (hoặc thay đổi hoặc thu hồi Di chúc của họ). Và định nghĩa về cụm từ “tài liệu” được đạo luật giải thích 1987 tại Điều 21 định nghĩa theo đó “tài liệu” này không cần phải thể hiện dưới hình thức văn bản. Chúng bao gồm bất kỳ thứ gì có chứa “dấu hiệu, hình, biểu tượng” có ý nghĩa, bất kỳ thứ gì như  “âm thanh, hình ảnh hoặc chữ viết” hoặc “bản đồ, kế hoạch, bản vẽ hoặc ảnh chụp”[21].

Theo quan điểm của tác giả, đây là những quy định pháp luật rất tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của kinh tế, đời sống, khoa học công nghệ của xã hội đương thời, bởi di chúc qua hình thức ghi âm, ghi hình có âm thanh có thể được lưu giữ và tính rõ ràng hơn qua việc ghi chép của nhân chứng. Việc công nhận hình thức ghi âm, ghi hình đối với di chúc nên là một giải pháp cần được cân nhắc áp dụng trong pháp luật nước ta để vừa đa dạng hình thức lập di chúc, tạo sự thuận tiện cho người lập di chúc, đặc biệt trong những tình huống cấp thiết; vừa giúp cho các quy định của pháp luật “xích lại gần hơn”. Có như vậy thì pháp luật mới thật sự đi vào đời sống con người và đảm bảo được hiệu quả thực thi trên thực tiễn.

Do đó, trong thời gian tới cần bổ sung quy định về hình thức lập di chúc qua hình thức ghi âm, ghi hình có âm thanh trong BLDS năm 2015 để vừa đa dạng hình thức lập di chúc, vừa tạo sự thuận tiện cho người lập di chúc.

3.5. Về thời gian và nghĩa vụ công chứng/chứng thực di chúc

Theo quy định tại khoản 5 của Điều 630 BLDS năm 2015 di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện về hình thức, trong đó có việc đối với nội dung ghi chép lại của người làm chứng phải được công chứng/chứng thực trong thời hạn 05 ngày làm việc. Vấn đề này nếu phát sinh trong trường hợp tương tự như trường hợp ghi lại di chúc của người chứng [mục 3.3], nó cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian công chứng di chúc. 

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể nghĩa vụ thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực di chúc miệng là do ai thực hiện (người thừa kế được hưởng di sản hay những người làm chứng). Điều này gây ra cách hiểu khác nhau: có ý kiến cho rằng, người hưởng di sản phải thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc[22]; ý kiến khác lại cho rằng, việc tiến hành công chứng hoặc chứng thực này chỉ có thể do người làm chứng thực hiện[23]. Do pháp luật quy định chưa rõ nghĩa vụ dẫn đến tình trạng, người hưởng di sản và người làm chứng trông chờ nhau, dẫn đến quá thời hạn “05 ngày làm việc”. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể đổ lỗi cho nhau, gây khó khăn cho việc giải quyết của Tòa án. Bên cạnh đó, nếu cho rằng, người làm chứng bắt buộc phải thực hiện việc công chứng, chứng thực, nhưng họ không thực hiện khiến di chúc bị vô hiệu thì quyền và lợi ích của những người thừa kế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong trường hợp này, sẽ phát sinh trách nhiệm của người làm chứng và phải giải quyết thế nào? Còn nếu giao cho người hưởng di sản phải thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc, trong khi không có mặt người làm chứng thì người có trách nhiệm công chứng, chứng thực sẽ không thể thực hiện được.

Vì thế, để đảm bảo thực hiện ý chí của người để lại di chúc nên việc quy định trách nhiệm đảm bảo hiệu lực của di chúc là cần thiết. Do đó, cần sửa đổi khoản 5 Điều 630 BLDS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định rõ trách nhiệm công chứng, chứng thực di chúc miệng là của người làm chứng.

3.6. Về hiệu lực của di chúc

Theo quy định tại khoản 2 Điều 629 BLDS năm 2015 thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ sau 03 tháng nếu người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt. Quy định trên cũng giống như quy định tại Điều 1138 BLDS năm 2020 của Trung Quốc: “Khi tình huống nguy hiểm đã không còn và nếu người lập di chúc có khả năng dùng hình thức văn bản hoặc ghi âm, ghi hình để lập di chúc thì di chúc miệng đã lập vô hiệu”.

Tác giả thấy rằng quyền tự định đoạt của con người được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, khi họ định đoạt di chúc miệng, việc ghi chép được ghi nhận bằng văn bản, có người làm chứng, được công chứng/ chứng thực. Đây cũng được xem như di chúc bằng văn bản, cũng ý kiến: “Một văn bản thì bản thân nói là di chúc, một văn bản thì chỉ với tư cách là ghi lại một di chúc miệng, nếu so sánh hai loại di chúc này sẽ có một câu hỏi đặt ra là tại sao cũng do người khác ghi lại thành văn bản ý nguyện của người lập di chúc mà một trường hợp được coi là di chúc bằng văn bản, trường hợp kia lại được coi là di chúc miệng?[24]. Nếu là di chúc bằng văn bản thì không mặc nhiên bị hủy bỏ mà chỉ bị hủy bỏ trong những điều kiện nhất định[25]. Tác giả thấy rằng, để có một di chúc miệng hợp pháp thì phải được nhân chứng ghi lại và được công chức/ chứng thực. Sau khi được công chứng/ chứng thực thì di chúc miệng được xem như là một di chúc bằng văn bản. Vì thế, sau khi lập di chúc, người có tài sản họ không có ý định thay đổi di chúc thì cần chấp nhận sự định đoạt của họ, nếu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 629 BLDS 2015, họ lại phải lập lại di chúc, lại phải nhờ người chứng kiến, rồi công chứng/ chức thực, lặp lại sự việc, gây mất thời gian, tài chính của họ nói riêng mà còn làm cồng kênh thêm thủ tục hành chính.

Vì thế, theo tác giả để đảm bảo quyền tự định đoạt của con người được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, không gây mất thời gian, tài chính của người lập di chúc, thủ tục hành chính ngày càng cồng kềnh, cần ghi nhận di chúc miệng được lập trong mọi thời điểm, từ đó loại bỏ khoản 2 Điều 629 BLDS năm 2015.

Kết luận:

Thừa kế là một chế định rất quan trọng trong BLDS,  trong đó việc quy định di chúc miệng là điều hợp lý, phù hợp với truyền thống pháp lý từ xa xưa cho đến nay. Tuy nhiên, những quy định về di chúc miệng trong BLDS đặt ra những điều kiện chặt chẽ nhằm bảo đảm ý chí của người quá cố là hợp lý và cần thiết, nhưng nếu xét cụ thể điều kiện để bảo đảm di chúc miệng có hiệu lực pháp luật thì vẫn còn nhiều điều kiện quá khắt khe và thực tiễn áp dụng cũng không thống nhất. Do đó, trong tương lai hy vọng sẽ có sự sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng cởi mở hơn nhưng vẫn bảo đảm tính xác thực ý chí của người quá cố, đảm bảo quyền con người trong việc định đoạt tài sản ./.

Tài liệu tham khảo

  1. Pháp lệnh thừa kế 1990;
  2. Bộ luật dân sự 1995;
  3. Bộ luật dân sự 2005
  4. Bộ luật dân sự 2015;
  5. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luận dân sự 2015, NXB Hồng Đức- Hội Luật gia Việt Nam;
  6. Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia 2013 (xuất bản lần thứ hai), Bản án số 48-50;
  7. Đỗ Văn Đại (2019), Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (xuất bản lần thứ tư), Nxb. Hồng Đức-Hội Luật gia Việt Nam;
  8. Nguyễn Thanh Thư, Nguyễn Thị Ngọc Tuyền; Hình thức của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (438), tháng 07/2021;
  9. Phạm Thị Thi, “Một số vấn đề về chế định thừa kế theo di chúc trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6, 2017;
  10. Phạm Văn Tuyết (2007), Thừa kế- Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  11. Phạm Văn Tuyết; Lê Kim Giang (2017), “Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp”, NXB Tư Pháp- Hà Nội;
  12. Đoàn Phú, Còn bất cập trong quy định về di chúc, thừa kế, http://baodongnai.com.vn/phapluat/202105/con-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-di-chuc-thua-ke-3057415/, [Truy cập 06/7/2023];
  13. Lưu Thị Phấn, Hình thức di chúc trong pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210952, [Truy cập 06/7/2023];
  14. https://colnuovo.unipv.it/matdida/LawSuccessionPRC.pdf, 07/7/2023;
  15. https://legislation.nsw.gov.au/view/whole/html/inforce/current/act-2006-080#statusinformation;
  16. https://legislation.nsw.gov.au/view/html/inforce/current/act-1987-015#sec.21;
 

* Thạc sĩ-Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp

[1] Phạm Văn Tuyết; Lê Kim Giang (2017) “Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp”, NXB Tư Pháp- Hà Nội, Tr.9;

[2] Điều 609 Bộ luật dân sự 2015;

[3] Phạm Thị Thi, “Một số vấn đề về chế định thừa kế theo di chúc trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6, 2017, tr. 33;

[4] Điều 624 Bộ luật dân sự 2015;

[5] Điều 628 và 629 Bộ luật dân sự 2015;

[6] Đỗ Văn Đại ( 2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luận dân sự 2015, NXB Hồng Đức- Hội Luật gia Việt Nam, tr. 548;

[7] Phạm Văn Tuyết (2007), Thừa kế- Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.166;

[8] Điều 18 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990;

[9] khoản 1 Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 1995;

[10] khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005;

[11] khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015;

[12] Theo Điều 1138 BLDS năm 2020 của Trung Quốc: “Trong tình huống khẩn cấp, người lập di chúc có thể lập di chúc miệng...”;

[13] khoản 3 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015;

[14] Nguyễn Thanh Thư, Nguyễn Thị Ngọc Tuyền; Hình thức của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (438), tháng 07/2021;

[15] Xem thêm Đỗ Văn Đại (2019), Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (xuất bản lần thứ tư), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 589, 590, 597;

[16] Theo quyết định giám đốc thẩm số 05/2021/GĐT-DS ngày 04-02-2021về vụ án” Tranh chấp về thừa kế tài sản” của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, giữa nguyên đơn: Anh Trương Phúc H, sinh năm 1973; địa chỉ: X, thành phố Q, tỉnh Bình Định; Bị đơn: Ông Trương Bá Kh, sinh năm 1959; địa chỉ: X, thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định và 5 bị đơn khác. Nhận định: “…tờ Di ngôn bà H2 không được chép lại ngay mà sau 02 năm mới chép lại (năm 1984), đến năm 1991 mới được chứng thực của chính quyền địa phương…”. Đối với di chúc miệng này có Tòa thì chấp nhận, Tòa thì không chấp nhận. Nên từ khi thụ lý đầu tiên và xét xử sơ thẩm số 17/1994/DSST ngày 15/9/1994 đến năm 2021 qua 10 lần xét xử, vụ án lại trở về gia đoạn xét xử phúc thẩm;

[17] Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia 2013 (xuất bản lần thứ hai), Bản án số 48-50;

[18] Ví dụ: Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2007/ DSST ngày 5/9/2007 của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Nam Định: Ông K lập di chúc miệng khi còn minh mẫn và tự nguyện, ông con trai là T có thu băng ghi âm lại, có lời khai của 2 người làm chứng là bà L và ông D (hàng xóm). Vì vậy, Tòa án công nhận hiệu lực của di chúc miệng dù di chúc không được người làm chứng ghi chép lại và không đi công chứng theo thủ tục luật định;

Hay Bản án số 14/2006/DSPT ngày 15/2/2006 của Tòa phúc thẩm, TAND tối cao thành phố Hồ Chí Minh công nhận hiệu lực di chúc miệng khi chỉ đáp ứng điều kiện có 2 người làm chứng và cùng ký vào văn bản ghi chép lại ý nguyện của người để lại di chúc;

[19] Article 17: “A will made in the form of a sound-recording shall be witnessed by two or more witnesses” (Tạm dịch: Một di chúc được xác lập dưới hình thức của một băng ghi âm thanh phải được làm chứng bởi hai hoặc nhiều người làm chứng), https://colnuovo.unipv.it/matdida/LawSuccessionPRC.pdf, [Tuy cập 07/7/2023];

[22] Lưu Thị Phấn, Hình thức di chúc trong pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210952; [Truy cập 06/7/2023];

[23] Đoàn Phú, Còn bất cập trong qauy định về di chúc, thừa kế, 

http://baodongnai.com.vn/phapluat/202105/con-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-di-chuc-thua-ke-3057415/; [Truy cập 06/7/2023];

[24] Phạm Văn Tuyết, Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb Tư Pháp, Hà Nội, tr.197;

[25] Xem Điều 640 Bộ luật dân sự  năm 2015;

 Ngô Văn Lượng - Thanh Tra Khiếu tố Viện KSND tỉnh Đồng Tháp