Xuất bản thông tin

Đồng Tháp sẽ có mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Đồng Tháp sẽ có mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Ngày 19/4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đến khảo sát Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Tiếp đoàn có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Phước Thiện, lãnh đạo sở, ngành tỉnh và lãnh đạo huyện Tam Nông.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
tại cánh đồng đang làm đất, chuẩn bị xuống giống lúa của hợp tác xã

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ là một trong những hợp tác xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để khảo sát, rà soát các điều kiện để triển khai thực hiện mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đây là mô hình thuộc Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác trực tiếp khảo sát các điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, hệ thống bơm tưới và thoát nước trên cánh đồng sản xuất lúa của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ; cùng với đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân khi tham gia mô hình.

Qua đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi) triển khai quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho nông dân; hướng dẫn liên quan đến hệ thống bơm tưới, tiêu; vận động doanh nghiệp triển khai cơ giới hóa đồng ruộng cùng nông dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đây là mô hình mẫu, thí điểm nên cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương liên quan, đặc biệt là phải tạo được sự đồng thuận cao của nông dân trong việc áp dụng quy trình canh tác lúa (giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thu gom rơm v.v.), giúp nông dân canh tác lúa bền vững, tăng thu nhập, nhất là có thêm nguồn thu từ tín chỉ carbon.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ có diện tích canh tác là 352 ha, với 430 thành viên, đang quản lý 06 trạm bơm điện. Đất canh tác của hợp tác xã nằm trong cánh đồng lớn của xã An Long nên được trang bị hệ thống đê bao hoàn chỉnh, kiên cố và hệ thống thủy lợi thông suốt, đảm bảo thuận tiện cho việc tưới tiêu. Giao thông đường thủy, bộ thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và máy móc thiết bị.

Hiện nay hợp tác xã đang áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ đã giảm được 50% lượng nước tưới, gieo sạ bằng hai hình thức sạ hàng và dùng drone, lượng giống gieo sạ 80kg/ha. Vụ lúa Hè Thu 2024 sẽ xuống giống vào cuối tháng 4.

Vịt được thả vào ruộng lúa đã thu hoạch để tiêu diệt sâu, rầy
trước khi bắt đầu vụ lúa mới

Khó khăn hiện nay của hợp tác xã là chưa tìm được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản với số lượng lớn (hiện liên kết với Tập đoàn Quế Lâm) và chưa có nhiều đầu mối tiêu thụ rơm sau thu hoạch cho thành viên.

Nguyệt Ánh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Xuất bản thông tin