Xuất bản thông tin

null Vì sao phải chuyển đổi số?

Trang chủ Hỏi đáp Chuyển đổi số

Vì sao phải chuyển đổi số?

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thế giới. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, truyền thông đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của cả xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.

Theo Báo cáo của Hootsuite (tháng 01/2021), số người sử dụng Internet trên toàn thế giới đạt 4,66 tỷ người, tăng 316 triệu người (7,3%) so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng Internet toàn cầu là 59,5%; có 4,2 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới, chiếm hơn 53% dân số, trung bình mỗi người dành 2 giờ 25 phút trên mạng xã hội và gần 7 giờ trên mạng internet mỗi ngày. Trong số người dùng Internet từ 16 đến 64 tuổi, gần 77% nói rằng họ mua sắm trực tuyến hằng tháng. Nếu các tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện tối ưu cách quản lý, không chuyển đổi công nghệ sản xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các dây chuyền tự động, không sử dụng hệ thống mạng xã hội để chăm sóc khách hàng, không xây dựng hệ thống bán hàng tự động, không xây dựng thương hiệu trên internet, không nghiên cứu tổ chức thực hiện các phương thức maketing hiệu quả… thì chắc chắn sẽ bỏ lọt khách hàng. Từ đó, dẫn tới doanh thu giảm. Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện nay là cần có sự chuẩn bị kỹ và phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với điều kiện của mình. Chú trọng việc số hóa của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn. Mặt khác, phải nhìn nhận vai trò quan trọng của đổi mới về công nghệ đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng của doanh nghiệp.

Không nằm ngoài xu thế chung của xã hội, những năm qua tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong hoạt động cơ quan nhà nước như hệ thống phần mềm một cửa và dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, tổng đài 1022 đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng chính quyền công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, giúp cho tỉnh Đồng Tháp duy trì thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR)... Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống đã dần trở nên quen thuộc với người dân, doanh nghiệp. Nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được triển khai có hiệu quả tại tỉnh Đồng Tháp như sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy, hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh,...

Có thể nói, ngày nay chuyển đổi số là một thực tế khách quan mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp buộc phải thích nghi, là giai đoạn phát triển không thể khác của quá trình sản xuất và cuộc sống.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Xuất bản thông tin