Xuất bản thông tin

Quy trình giải thể Hợp tác xã

Nội dung:

QUY TRÌNH, THỦ TỤC GIẢI THỂ HỢP TÁC XÃ

Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2012 số 23/2012/QH13 của Quốc hội có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

Căn cứ Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về việc đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã.

  1. Giải thể hợp tác xã tự nguyện

Tiến hành đại hội thành viên, quyết định việc giải thể tự nguyện, ra nghị quyết về việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện.

Hội đồng giải thể tự nguyện gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành, đại diện của thành viên.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đại hội thành viên ra nghị quyết giải thể tự nguyện và lập biên bản hoàn thành việc giải thể; hội đồng giải thể tự nguyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký giải thể tự nguyện hợp tác xã, hợp tác xã phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã tại cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã.

Thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã; đăng báo địa phương nơi hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể.

Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 của Luật Hợp tác xã năm 2012.

              Khi giải thể tự nguyện, hợp tác xã gửi thông báo về việc giải thể hợp tác xã đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.

Kèm theo thông báo là 01 bộ hồ sơ gồm:

- Nghị quyết của đại hội thành viên về việc giải thể hợp tác xã;

- Biên bản hoàn thành việc giải thể hợp tác xã;

- Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ thuế của hợp tác xã;

- Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu của hợp tác xã;

- Giấy xác nhận của cơ quan đăng ký hợp tác xã về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã;

- Giấy biên nhận của cơ quan thông tin đại chúng về việc nhận đăng thông báo về việc giải thể hợp tác xã hoặc bản in 03 số báo liên tiếp đã đăng thông báo về việc giải thể hợp tác xã.

  1. Giải thể hợp tác xã bắt buộc

2.1. Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục.

- Hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng ít nhất 07 thành viên trong 12 tháng liên tục.

- Hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do.

- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký.

- Theo quyết định của Tòa án.

2.2. Thủ tục giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã như sau:

- Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể. Chủ tịch hội đồng giải thể là đại diện của Ủy ban nhân dân; ủy viên thường trực là đại diện của cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký; ủy viên khác là đại diện của cơ quan nhà nước chuyên ngành cùng cấp, tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu hợp tác xã là thành viên của liên minh), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi hợp tác xã đóng trụ sở, hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thành viên.

- Hồ sơ giải thể bắt buộc gồm quyết định giải thể bắt buộc và giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể bắt buộc và lập biên bản hoàn thành việc giải thể, hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây: đăng báo địa phương nơi hợp tác xã đã đăng ký trong 03 số liên tiếp về quyết định giải thể bắt buộc; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 của Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Kinh phí giải thể được lấy từ các nguồn tài chính còn lại của hợp tác xã. Trường hợp không đủ thì sử dụng nguồn tài chính từ ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã.

Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể, hội đồng giải thể phải gửi một bộ hồ sơ về việc giải thể, con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, kèm theo biên bản hoàn thành việc giải thể tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký hợp tác xã tiến hành xem xét hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện thì xóa tên hợp tác xã trong sổ đăng ký, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, ra thông báo về việc giải thể hợp tác xã.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải thể bắt buộc, hợp tác xã có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật.