Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết “Dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng” của PGS. TS. Lê Văn Lợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng[1].

Chủ trương dựa vào dân để xây dựng chỉnh đốn Đảng là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta ngay từ khi mới thành lập, được nhấn mạnh và cụ thể hóa hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. 

Yêu cầu khách quan, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đúc kết được nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Một trong những bài học hàng đầu chính là phải lấy dân làm gốc, không được xa rời quần chúng nhân dân. Việc phát huy thực chất quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tích cực, chủ động tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan, thể hiện và đảm bảo rõ nét bản chất giai cấp công nhân, bản chất Nhân dân của Đảng Cộng sản cầm quyền. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta luôn quán triệt, nhấn mạnh chủ trương dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nhân dân trực tiếp và gián tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trong các nhiệm vụ, giải pháp được trình bày trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng (tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) cũng khẳng định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”. Theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, chủ trương này được thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản, đó là: Nhân dân trực tiếp và gián tiếp tham gia xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thứ nhất, Đảng dựa vào Nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, Nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ, các chủ trương, đường lối lớn của Đảng. Nhân dân có quyền góp ý kiến, kiến nghị đối với tổ chức Đảng và chính quyền, phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là phát hiện những tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” hoặc Nhân dân tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động đối thoại, tiếp công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, ngoài việc tham gia trực tiếp, Nhân dân cũng gián tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu do dân bầu; thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhân dân là người lựa chọn, bầu ra các đại biểu tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan dân cử. Thông qua hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đã đến nghị trường Quốc hội; những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc, những nội dung cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, pháp luật… đã được bàn bạc, thảo luận công khai, xử lý phù hợp.

Thực hiện tốt và hiệu quả chủ trương dựa vào dân để xây dựng Đảng

Trong những năm qua, mặc dù nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tế vẫn còn có nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy, để thực hiện tốt và hiệu quả hơn chủ trương dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn đảng, cần thực hiện một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, thực hiện dân chủ rộng rãi, trước hết là dân chủ trong Đảng. Phát huy dân chủ được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Nhân dân có thể tham gia hiệu quả trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cũng là cơ sở quan trọng để Đảng có thể dựa vào dân thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần tuyên truyền, vận động mỗi người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị.

Hai là, xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cần phát huy hơn nữa vai trò của Nhân dân trong việc đánh giá, giám sát đội ngũ cán bộ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ, các vấn đề liên quan đến phẩm chất, đạo đức, lối sống…

Ba là, tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Muốn phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì trước hết Đảng, Nhà nước phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt những chủ trương, chính sách đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay.

Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phải thực sự gần dân, sát dân, là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo, bảo vệ lợi ích của Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng phát triển đất nước.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, phẩm chất, thực sự hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng cần phải kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi những biểu hiện thoái hóa, biến chất trong tổ chức, đơn vị mình, cùng Nhân dân xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong tháng 3 năm 2022

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.197 tỷ đồng, tăng 1,43% so với tháng trước. So với tháng trước: Doanh thu hoạt động thương mại ước tính đạt 7.235 tỷ đồng, tăng 1,19%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 26.048 ngàn USD, tăng 1,05%; Ước tính doanh thu hoạt động khách sạn nhà hàng đạt 1.366 tỷ đồng, tăng 2,26%; Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 594.440 triệu đồng tăng 2,45%. Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 9.234 lao động được giải quyết việc làm đạt 30,78% so với kế hoạch năm, trong đó có 160 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trước tốc độ lây lan nhanh của biến chủng mới Omiron hiện nay, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền, cập nhật tình hình, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19; tầm quan trọng, lợi ích của tiêm vắc-xin mũi 3 để người dân hiểu và chủ động tiêm vắc-xin đúng thời gian, đảm bảo không bỏ sót đối tượng.

2. Đẩy mạnh các hoạt động tăng tốc phục hồi du lịch

Hiện nay, 100% điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh đã mở cửa đón khách. Trong quý I, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch đạt 900.000 lượt người, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 300 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý II/2022, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để phục hồi du lịch, với mục tiêu đón hơn 1,2 triệu lượt khách; tổng thu du lịch ước thực hiện 450 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với quý I/2022 và cao gần 2 lần so với cùng kỳ quý II/2019. Với các hoạt động nổi bật là Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất năm 2022, kỷ niệm 30 năm Di tích Xẻo Quít được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia và Họp mặt Nhân chứng lịch sử (từ 29/4 - 01/5); tổ chức Diễn đàn Kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2 tại tỉnh Đồng Tháp…

3. Thi đua cải thiện năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

Ngày 18/3/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số: 236/QĐ-UBND-HC về ban hành Quy định thi đua, khen thưởng trong Phong trào thi đua cải thiện năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nội dung gồm: Thi đua thực hiện hiệu quả các chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số DDCI thuộc tỉnh Đồng Tháp; thi đua đề xuất các giải pháp, sáng kiến thiết thực, hiệu quả trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và địa phương. Mục tiêu thi đua nhằm tạo động lực để các sở, ban, ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao công tác chỉ đạo điều hành kinh tế, tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; nghiên cứu, đề ra giải pháp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của Tỉnh.

4. Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Sen lần thứ nhất vào dịp sinh nhật Bác

Với chủ đề “Sen ngày mới”, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần 1 - năm 2022 dự kiến sẽ diễn ra từ 19 - 21/5, đúng vào dịp sinh nhật Bác (19/5). Lễ hội Sen nhằm tôn vinh hoa Sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế cho các sản  phẩm chế biến từ cây Sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng Sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch; quảng bá thương hiệu Sen Đồng Tháp đến du khách trong và ngoài nước; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều hoạt động sẽ diễn ra tại Lễ hội như: Trưng bày sản phẩm, tổ chức không gian ẩm thực Sen - quà lưu niệm - đặc sản từ Sen; xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ Sen; cuộc thi “Người đẹp Đất Sen hồng”, cuộc thi chụp ảnh đẹp, sáng tác ca khúc về Đồng Tháp; khu trải nghiệm Sen đa sắc và trưng bày Sen ngày mới; tổ chức Famtrip “Một thoáng Đồng Tháp”.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Kết quả thực hiện chính sách lao động, việc làm trên phạm vi cả nước

Thị trường lao động, nguồn cung lao động đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Lực lượng lao động sụt giảm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; hàng triệu lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Tính đến ngày 24/02/2022, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 77.799 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 742.469 lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.034 tỷ đồng); trên 48,3 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác (với kinh phí 64.765 tỷ đồng).

Để thực hiện có hiệu quả chính sách về lao động, việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

(1) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số: 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số: 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

(2) Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương kinh tế trọng điểm.

(3) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động. Mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, nhất là Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

(4) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cho học sinh, sinh viên trở lại học tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động.

2. Một số giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2021 - 2022

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2021 - 2022 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 1m. Mực nước trên sông Tiền, sông Hậu cũng được dự báo sẽ biến đổi chậm, cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,55m; tại Châu Đốc 1,70m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,2 - 0,3m. Xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như các năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, nhưng vẫn có thể cao hơn trung bình nhiều năm.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021 - 2022, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

(1) Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn; xây dựng các kịch bản ứng phó, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2021 - 2022 trước tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

(2) Khoanh vùng các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để xây dựng, thực hiện giải pháp ứng phó phù hợp. Ưu tiên nguồn nước để cấp nước phục vụ sinh hoạt, đời sống của người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng.

(3) Bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp, đẩy nhanh tiến độ xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2021 - 2022 ở các vùng ven biển, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

(4) Tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

(5) Quan trắc, theo dõi, giám sát kịp thời tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân; sử dụng các trang thiết bị để cấp và trữ nước trong các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số dự báo về thị trường dầu mỏ thế giới năm 2022

Sau hơn hai năm đối phó với đại dịch Covid-19, năm 2021, nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Hoa Kỳ và một số quốc gia không ngừng tăng sau khi nền kinh tế hoạt động trở lại là nguyên nhân đẩy giá dầu tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2021, giá dầu thô đạt mức 76,56 USD/thùng. Bước sang năm 2022, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến nhu cầu dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng Nga - Ukraine được cho là nguyên nhân mạnh mẽ nhất khiến giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I năm 2022. Cùng với việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga như một biện pháp trừng phạt, ngày 08/3/2022, giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ ngày 24/2/2022.

Trước tình hình giá xăng, dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử, các chuyên gia dự báo, giá xăng dầu trong nước trước đợt điều chỉnh giá sắp tới cũng sẽ tăng cao. Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp ảnh hưởng mà bản thân các nhà phân phối xăng dầu cũng chịu tác động lớn. Để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu, áp dụng từ ngày 01/4 đến hết năm 2022…

2. Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

2.1. Tình hình Bán đảo Triều Tiên

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 06/3/2022 đưa tin, nước này đã tiến hành “cuộc thử nghiệm quan trọng” để phát triển vệ tinh do thám, một ngày sau khi có tin Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo thứ hai chỉ trong một tuần. Đây là vụ thử nghiệm vũ khí thứ 9 kể từ đầu năm đến nay của Triều Tiên. Tên lửa được phóng từ khu vực Sunan, bay khoảng 270 km ở độ cao 560 km. Ngay sau đó, ngày 07/3/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã triệu tập cuộc họp kín về động thái mới nhất của Triều Tiên. Đây là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Bảo an trong khoảng một tuần về vụ phóng này. Tại cuộc họp, Tuyên bố chung của 11 quốc gia, bao gồm cả những nước không thuộc Hội đồng Bảo an cho rằng, Triều Tiên đã “phóng tên lửa đạn đạo” và đây là hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ngày 08/3/2022, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã đạt được với cộng đồng quốc tế và Hàn Quốc.

2.2. Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc

Ngày 02/3/2022, trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có thông điệp trực tuyến quan trọng tại Phiên họp. Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, thế giới hiện đang trong thời điểm quan trọng, tương lai của nhân loại đang được định hình bởi những vấn đề toàn cầu có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống. Đó là đại dịch Covid-19, tình trạng bạo lực và xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Bộ trưởng nhấn mạnh, tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp nhân loại tăng cường kết nối với nhau, tăng cường hiểu biết, đối thoại và hợp tác để giải quyết các vấn đề chung. Tại sự kiện quan trọng và ở cấp cao nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định mong muốn đóng góp của Việt Nam thông qua việc ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2023 - 2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và Hợp tác. Bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người”.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[1] https://www.tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/dua-vao-dan-de-xay-dung-chinh-don-dang-138025