Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 5 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết “Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của TS. Trần Việt Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Theo gương Bác[1].

Hệ thống lý luận và phương châm hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều lấy thực tiễn làm điểm xuất phát, lấy độc lập dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu hành động. Và, với Người “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo tư tưởng và phương châm ứng xử trong hành động.

Tư tưởng, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến ứng vạn biến”

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” - đó là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm tháng 5 năm 1946 trước khi Người sang Pháp để “tìm kiếm một giải pháp hòa bình” để xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và đưa đất nước vượt qua hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Đối với Người, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Nước ta là một, dân tộc ta là một”; “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” là cái bất biến. Để thực hiện được cái bất biến ấy, trong những tình thế hiểm nghèo, gian nan thử thách, người cách mạng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, sáng suốt và mưu lược để áp dụng muôn vàn cái “vạn biến” trong đường đi nước bước mà hoàn cảnh đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết.

Vận dụng trong tình hình mới

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Với sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu, làm cho mọi người thấm nhuần ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần cần kiệm xây dựng Tổ quốc, thì chúng ta nhất định thắng lợi”. Đồng thời, trong các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể chúng ta luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo trong đối sách nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích Nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong đó, cần kiên định những nguyên tắc, mục tiêu “bất biến” và mềm dẻo, sáng tạo “vạn biến” những phương pháp, cách thức xử lý phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là:

Một là, tiếp tục kiên định mục tiêu, nguyên tắc “bất biến” của cách mạng Việt Nam

Trước hết, tiếp tục kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Các tổ chức của Đảng và đảng viên, phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nắm vững, kiên định và chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Cán bộ, đảng viên luôn để cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, kiên định quan điểm lấy dân làm gốc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của Nhân dân. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hoá; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, ngoại giao Nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân.

Thứ tư, kiên định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, với quyết tâm chính trị cao hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, đồng bộ các biện pháp cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hai là, “vạn biến”, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện

Trước hết, “vạn biến”, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Thứ hai, quán triệt và thực hiện quan điểm. Tập trung sửa đổi những quy định không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế xã hội. Thứ ba, tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thứ tư, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

 Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải có cách nhìn nhận, ứng xử khoa học, khôn khéo, mềm dẻo để “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn “dĩ bất biến”, “ứng vạn biến” trong lãnh đạo chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Điều đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của Đảng, thể hiện ý Đảng thuận lòng dân trước sự phát triển toàn diện của đất nước.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh trong tháng 4/2022

Trong tháng 4/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 9.361 tỷ đồng, tăng 2,28% so với tháng trước; Doanh thu hoạt động thương mại ước tính đạt 7.193 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng trước; Ước tính kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 167.246 ngàn USD, tăng 0,21% so với tháng trước; Kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 63.961 ngàn USD, tăng 0,77% so với tháng trước; Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,89% so với tháng cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tăng 0,76% so với tháng trước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 3 tháng đầu năm 2022 (tính đến 31/3/2022) ước đạt 2.185.319 triệu đồng, đạt 32,05% dự toán năm, bằng 95,21% cùng kỳ năm trước; Tổng chi ngân sách địa phương 3 tháng đầu năm 2022 đạt 4.368.512 triệu đồng, đạt 31,19% dự toán năm và bằng 77,76% cùng kỳ năm trước… Tính từ đầu năm đến nay toàn Tỉnh có 20.951 lao động được giải quyết việc làm; trong đó có 301 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trước tốc  độ lây lan nhanh của biến chủng mới Omiron hiện nay. Các địa phương trong Tỉnh tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền, cập nhật tình hình, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19; tầm quan trọng, lợi ích của tiêm vắc- xin cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để người dân hiểu và chủ động tiêm vắc-xin đúng thời gian, đảm bảo không bỏ sót đối tượng.

2. Khai trương Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp

Sáng 18/4/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh khai trương Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp đặt tại Tòa nhà Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp (số 10, đường Lê Thị Riêng, Phường 1, thành phố Cao Lãnh) do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông quản lý và vận hành. Về hạ tầng, Trung tâm được lắp đặt 03 máy chủ ứng dụng, 02 máy chủ trí tuệ nhân tạo, cùng với hệ thống đường truyền sẵn sàng cho việc triển khai các ứng dụng. Về công nghệ, hệ thống sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), dữ liệu không gian địa lý (GIS), điện toán đám mây; kết hợp với các phần mềm của Microsoft để tăng tính trực quan, sinh động của hệ thống màn hình giám sát.

Trong giai đoạn đầu, Trung tâm hoạt động theo hình thức Trung tâm điều hành thông minh, gồm 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ thực hiện nhiệm vụ phát triển, vận hành các nền tảng chuyển đổi số, đô thị thông minh của Tỉnh; đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi số cho các ngành, địa phương trên địa bàn Tỉnh; tăng cường tính năng, tiện ích, phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

3. Triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Theo Kế hoạch số: 128/KH-UBND ngày 15/4/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, thực hiện từ tháng 4/2022 và hoàn thành trong quý II/2022. Loại vắc-xin sử dụng: Vắc-xin được sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối tượng tiêm là tất cả trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn Tỉnh. Dự kiến 95% trẻ từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi (178.061 người) được tiêm là 169.158 người, số lượng vắc-xin tiêm đủ 02 mũi: 338.316 liều. Về hình thức triển khai: Tổ chức tiêm theo chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Cụ thể, đối với trẻ đi học: Tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch; triển khai trước cho nhóm tuổi học sinh trung học cơ sở và nhóm học sinh tiểu học, lần lượt từ khối lớp 6 đến khối tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), sau đó sẽ triển khai đến học sinh trường mầm non (khối lớp lá). Đối với trẻ không đi học: Tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố lựa chọn. Đối với trẻ có bệnh nền, trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện và các trường hợp vượt khả năng khác: Trung tâm Y tế huyện, thành phố lập danh sách trẻ từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi để tiêm tại điểm tiêm bệnh viện đa khoa tuyến Tỉnh.

4. Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa

Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 125/KH-UBND ngày 13/4/2022 về triển khai Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và Số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Các nhiệm vụ quan trọng như: Triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các Đề án, Chương trình của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Triển khai đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại; từng bước khôi phục các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của Tỉnh về di sản văn hóa đồng bộ với quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa.

5. Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022

Lễ hội được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21/5/2022 tại thành phố Cao Lãnh. Lễ Khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp vào lúc 19 giờ, ngày 19/5/2022. Lễ hội nhằm tôn vinh hoa Sen, phát huy giá trị văn hoá - kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây Sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trông Sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tại Lễ hội, nhiều chương trình, hoạt động mang đậm màu sắc Sen sẽ được tổ chức như: Triển lãm sản phẩm OCOP, văn hóa - du lịch, trải nghiệm Sen đa sắc và chương trình giao lưu Đờn ca tài tử - Hò Đồng Tháp; xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ Sen; trưng bày tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và thư pháp từ Sen; diễu hành, thi xe hoa Sen; thi chụp ảnh đẹp “Đồng Tháp Quê ta” và Trại sáng tác ca khúc về Đồng Tháp; giao lưu và tôn vinh những người trồng Sen giỏi, sản xuất, chế biến sản phẩm từ Sen; Famtrip “Một thoáng Đồng Tháp”; đấu giá sản phẩm từ Sen...

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc

Sau khi thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) lớn và quan trọng nhất của Việt Nam.

Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh và ổn định, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu từ 2010 - 2020 đạt bình quân 18,82%/năm. Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, hàng hóa qua biên giới gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Về nhập khẩu: Việt Nam nhập khẩu hàng nông sản từ Trung Quốc chủ yếu là hàng rau quả. Kim ngạch nhập khẩu tăng đều qua các năm, trung bình khoảng 29,7%/năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, Trung Quốc đẩy mạnh công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch và quản lý chất lượng hàng nông sản, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu và hoạt động trao đổi cư dân biên giới; ban hành nhiều chính sách mới; siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động thương mại biên giới, đặc biệt là nhập khẩu theo hình thức trao đổi hàng hóa - cư dân biên giới.

Trong bối cảnh thương mại, đầu tư quốc tế và khu vực có nhiều biến động, diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc, cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau: (1) Tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động thu mua nông sản, nguyên liệu đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. (2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý theo hướng xuất khẩu chính ngạch. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khác như Canada, Asean, Trung Đông, châu Phi để tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường, hạn chế rủi ro khi có biến động lớn. (3) Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả tại thị trường Trung Quốc. (4) Hỗ trợ thông tin kết hợp với bồi dưỡng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ thay đổi thói quen giao dịch, hướng tới sử dụng các hình thức giao dịch theo thông lệ thương mại quốc tế.

2. Chương trình phòng, chống COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023

Mục tiêu Chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19: Đến hết quý I năm 2022 hoàn thành việc tiêm mũi 02 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vắc-xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022. Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á. Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Nhà nước bảo đảm nguồn tài chính chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực Nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác); các địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo Nghị quyết số: 18/2008/NQ-QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội. Tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự tự nguyện chi trả của người mắc COVID-19 khi khám, điều trị theo yêu cầu.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc liên quan đến tình hình Ukraine và chủ trương, quan điểm của Việt Nam

Sau hơn 01 tháng Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tình hình xung đột vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước tình hình đó, Mỹ cùng nhiều nước phương Tây đã đề trình lên Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua 03 Nghị quyết liên quan tới tình hình tại Ukraine.

Ngày 02/3/2022, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua “Nghị quyết về hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine” do Mỹ và nhiều nước phương Tây đề xuất, với 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 05 phiếu chống. Việt Nam đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết này. Ngày 24/3/2022, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua “Nghị quyết về hậu quả nhân đạo do hành động xâm lược Ukraine” do EU, Pháp, Mexico giới thiệu và được 88 nước đồng bảo trợ, với 140 phiếu thuận, 05 phiếu chống, 38 phiếu trắng và 10 nước không tham gia bỏ phiếu. Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết này. Ngày 07/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp quốc tiếp tục thông qua Nghị quyết thứ 3 về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc do Mỹ và 18 quốc gia giới thiệu, 58 quốc gia đồng bảo trợ, với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống, 58 phiếu trắng và 18 nước không tham gia bỏ phiếu. Việt Nam đã bỏ phiếu chống đối với Nghị quyết này.

Tại các phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Việt Nam nhiều lần khẳng định lập trường, quan điểm về vấn đề Ukraine. Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, mong muốn các bên thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, có tính đến lợi ích của các bên liên quan.

2. Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

- Việt Nam đạt thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 19 quốc gia. Tính đến ngày 07/4/2022, các nước công nhận hộ chiếu vắc-xin Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia. Ngoài ra, Việt Nam hiện đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc-xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp “hộ chiếu vắc-xin “ của Việt Nam và dự kiến từ ngày 15/4/2022 sẽ tiến hành cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Nhiều quốc gia đã và đang áp dụng hộ chiếu vắc-xin như một trong những biện pháp nhằm mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.

- Giới chức Philippines tiếp tục đưa ra các tuyên bố và hành động khẳng định bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Trong diễn biến mới về cuộc bầu cử tại Philippines, các ứng viên Tổng thống đã có các tuyên bố mạnh mẽ về cam kết bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, sử dụng phán quyết PCA (năm 2016) làm “đòn bẩy” đấu tranh với Trung Quốc. Các ứng viên cam kết nếu đắc cử sẽ không khoan nhượng với những hành động của nước ngoài “xâm phạm” vùng biển của Philippines và đoàn kết với các nước láng giềng, ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, nỗ lực xây dựng COC có tính ràng buộc. Một số nhà phân tích, chuyên gia quốc tế cho rằng, khoảng thời gian từ nay đến ngày 09/5/2022 ở Philippines được dự báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng liên quan đến Biển Đông cũng như quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[1] https://www.tuyengiao.vn/theo-guong-bac/van-dung-tu-tuong-di-bat-bien-ung-van-bien-cua-ho-chi-minh-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-138449