Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết "Noi gương Bác, tự soi, tự sửa" của PGS.TS. Bùi Đình Phong,  đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Theo gương Bác.

Vì sao cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tu dưỡng, tự điều chỉnh, tu thân, tự vượt lên chính mình? Vì đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ý nghĩa "tự mình"       

Năm 1927, trong sách Đường cách mệnh, khi bàn về tư cách một người cách mệnh, Hồ Chí Minh đề cập 3 mối quan hệ: Tự mình phải, đối người phải, làm việc phải. Tháng 02/1947, trong Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Người đề cập cán bộ phải có 5 mối quan hệ: Mình đối với mình, mình đối với đồng chí mình, mình đối với công việc, đối với nhân dân, đối với đoàn thể. Năm 1948, khi viết về Tư cách người Công an cách mệnh, Người đề cập 6 mối quan hệ: Đối với tự mình, đối với đồng sự, đối với Chính phủ, đối với nhân dân, đối với công việc, đối với địch.

Đúc kết lại, mỗi người phải xử sự, xử thế các mối quan hệ: Tự mình, đối với người, đối với việc. Đáng lưu ý là trong tất cả các mối quan hệ trên dù bất cứ ở thời kỳ nào, Hồ Chí Minh đều đặt "đối với tự mình" lên trên hết. Vì sao như vậy?

Có nhiều cách cắt nghĩa, lý giải khác nhau, nhưng chắc chắn có mấy lý do cơ bản: Một là, tự mình là rất khó. Tự "mổ xẻ" mình đâu có dễ. Kẻ thù ở trong mình không thể dùng lựu đạn, gươm giáo để tiêu diệt. Hai là, con người - nhất là cán bộ, đảng viên - thường mắc các chứng bệnh như tự cao tự đại, ưa người ta nịnh mình, do lòng yêu ghét của mình mà đối với người, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Ba là, "đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta thì trước phải biết đúng sự phải trái ở mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu".

Đảng chân chính cách mạng phải tự soi, tự sửa

Trong di sản của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm cả cá nhân và tổ chức trong việc tự rèn, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh, tự vượt lên chính mình. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Vấn đề là Đảng dám tự phê bình, không dám tự phê bình như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là "quan liêu hóa", tức là tự mãn, tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi".

Cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa

Vì sao cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tu dưỡng, tự điều chỉnh, tu thân, tự vượt lên chính mình? Vì đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được rằng người đời không phải thánh thần, ai cũng có phần thiện, ác ở trong lòng. Vấn đề là ở chỗ phải tự soi, tự sửa, kiên quyết chống lại cái ác, những gì cũ kỹ, hư hỏng. Bác dạy: Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi.

Đảng viên, cán bộ phải tự giác, thường xuyên, hằng ngày, suốt đời tự soi, tự sửa như chuyện rửa mặt hằng ngày. Là đảng viên, cán bộ có "hai con người" trong một con người. Làm đảng viên cộng sản tức làm người có trình độ cao, nhưng vẫn trên cái nền "làm người". Trước khi trở thành đảng viên, họ là con người bình thường. Khi là đảng viên, họ vừa phải có chất đảng viên vừa có "chất người", "trình độ người". Đảng viên phải có cái chất của người đảng viên trên cái nền "làm người". Khi chưa phải là đảng viên mà đổ vỡ tư cách làm người, thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả. Thiếu một đức thì không thành người như Bác đã dạy. Nhưng khi là đảng viên, cán bộ và lãnh tụ thì phải thấy "khác với những người thường. Họ là những người chiến sĩ tiên phong của giai cấp, của dân tộc. Vì vậy, họ hoàn toàn không được đại biểu cho lợi ích cá nhân, mà phải đại biểu cho lợi ích của dân tộc, của giai cấp".

Đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn, tự điều chỉnh, tự giáo dục, tự vạch ra khuyết điểm, tự vượt lên chính mình, tu thân chính tâm một cách tự giác, thành thực không nên chỉ vì "tấm chắn" của những điều đảng viên không được làm, mà còn phải vì đạo lý, lương tâm. Tấm gương của Bác và nhiều cán bộ, đảng viên thời Bác qua phong cách, tác phong, việc làm, hành động, cử chỉ có sức mạnh lan tỏa, truyền cảm hứng tới cả dân tộc. Vô cùng thiêng liêng, sâu xa và cao quý!.

Đảng viên phải ghi tạc rằng, cùng với những điều đảng viên không được làm theo Quy định, Điều lệ Đảng, còn có nhiều điều đảng viên không được làm do lương tâm, đạo đức cắn rứt không cho phép làm; đạo lý dân tộc không cho phép làm. Đó mới là thiêng liêng, sâu xa, bền vững, tạo niềm tin vững chắc. Đảng viên trung thành với Đảng còn phải trung thành với đất nước, dân tộc, có trách nhiệm với chính bản thân mình.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh trong tháng 5/2022

Trong tháng 5/2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng đạt 9.676 tỷ đồng. Ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 199.658 ngàn USD, tăng 0,64% so với tháng trước, kim ngạch nhập khẩu đạt 59.295 ngàn USD, tăng 0,73% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,35% so với tháng trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến 30/4/2022 ước đạt 3.221.560 triệu đồng, đạt 47,25% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương tính đến 30/4/2022 đạt 5.296.493 triệu đồng, đạt 37,82% dự toán năm... Nhằm chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 được tổ chức vào ngày 07 - 08 tháng 7/2022 Tỉnh dự kiến bố trí 30 điểm thi với 645 phòng thi, đặt tại 12/12 huyện, thành phố. Tỉnh Đồng Tháp có hơn 15.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 13.623 thí sinh lớp 12 hệ trung học phổ thông, 988 thí sinh lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên, còn lại là thí sinh tự do. Điểm mới của kỳ thi năm nay là thí sinh đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (trừ thí sinh tự do), hiện 100% thí sinh của tỉnh đã hoàn thành việc đăng ký. Từ đầu năm đến nay toàn Tỉnh đã có 23.549 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 554 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh 1.676 người; quyết định cho 7.177 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền trên 126.885 triệu đồng và 08 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, với số tiền chi hỗ trợ là 35 triệu đồng.

2. Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 10/5/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 166/KH-UBND về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu phấn đấu có từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, toàn tỉnh có trên 800 điểm thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với dịch vụ công, có từ 90% trở lên các cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90% trở lên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 60% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

3. Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Ngày 10/5/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 263/UBND-THVX về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Trong đó, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng bơi đến từng trường học, lớp học, từng học sinh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè,… để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

4. Phấn đấu có 16 xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022

Ngày 05/5/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 155/KH-UBND về thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Theo đó, yêu cầu các địa phương (huyện, xã) chủ động cân đối ngân sách địa phương; lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án được hỗ trợ trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo tự quản của nhân dân; vận động nguồn lực xã hội phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường thực hiện tốt các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", xây dựng dự án liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản; hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác...

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022

Tăng trưởng kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực. GDP quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 67,37 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới trong năm 2022 chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc, đặc biệt, diễn biến cuộc xung đột Nga - Ucraina tác động đến kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam... Trước tình hình đó, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 5,3% trong năm 2022 ở kịch bản cơ sở. Trong khi Ngân hàng phát triển châu Á dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2022. Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam là 6,2%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 kèm theo các giả định, cụ thể như sau: Kịch bản trung bình: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay, với giả thiết tình hình kinh tế thế giới và việc kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện. Kịch bản cao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,2%. Kịch bản này có thể xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh khi dịch bệnh trên thế giới hoàn toàn được khống chế. Kịch bản thấp: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,2%. Đây là kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

2. Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắt giao thông giai đoạn 2022 - 2025

Để tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, đồng thời quán triệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không. (2) Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường. (3) Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn. (4) Cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp quốc

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ và dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 - 17/5/2022. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cũng như có các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ với Lãnh đạo Chính quyền, Quốc hội, bạn bè, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả Hoa Kỳ. Đặc biệt, phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ với tựa đề "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi thông điệp quan trọng về chủ trương, lập trường, quan điểm của Việt Nam về một thế giới tốt đẹp hơn được xây dựng trên nền tảng của "sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm"; nhấn mạnh "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng" trong quan hệ với các nước. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc này cũng là quan điểm, lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng đánh giá cao thành tựu hai nước đạt được gần 30 năm qua; xác định ba lĩnh vực phát triển song phương cần tăng cường trong tương lai gồm tăng trưởng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số và đa dạng hóa nguồn cung. Đồng thời, bày tỏ "tin tưởng rằng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới".

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh công bố nghiên cứu (ngày 09/5/2022): Dựa trên cơ sở phân tích khoảng 120 dự báo khí hậu khác nhau để tính toán khả năng mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C và dự báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng trong giai đoạn từ 2022 - 2026. Các chuyên gia cảnh báo, năm 2026, có 48% khả năng nhiệt độ hằng năm của trái đất sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C. Nguyên nhân là do lượng khí thải toàn cầu đang gia tăng cùng với các hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Lượng khí thải carbon năm 2021 đạt mức cao nhất từng được ghi nhận…

- Trung Quốc thông báo đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon (ngày 19/4/2022: Trung Quốc tuyên bố, mục đích của hợp tác an ninh là thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của quần đảo và khu vực Nam Thái Bình Dương và Hiệp ước an ninh Trung Quốc - Solomon không hướng vào bất kỳ bên thứ ba nào. Với vị trí chiến lược quan trọng, quần đảo Solomon nằm án ngữ giữa tuyến đường thủy từ Australia sang châu Mỹ và gần một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại đảo Guam ở Thái Bình Dương. Nhiều quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Australia, New Zealand bày tỏ lo ngại hiệp ước trên sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương.

- Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp: Đương kim Tổng thống Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 với 58,6% số phiếu. Trong khi, đối thủ của ông, bà Marine le Pen (Đảng Tập hợp Quốc gia) chỉ giành được 41,4% số phiếu bầu. Ông Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong gần 2 thập kỷ qua.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp