Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 8 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 8 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Học tập phương pháp tư duy Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực tư duy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay" của TS. Nguyễn Duy Quỳnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Theo Gương Bác.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Hiểu rõ những nội dung cơ bản của phương pháp tư duy Hồ Chí Minh - một nội dung trong di sản của Người - để vận dụng nâng cao năng lực tư duy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY HỒ CHÍ MINH

Đề cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo

Đây là nội dung bao trùm và điển hình nhất trong phương pháp tư duy Hồ Chí Minh. Trong phương pháp tư duy của Người, độc lập đồng nghĩa với không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi bất kỳ một lý luận nào nếu không có sự đánh giá cẩn trọng, khoa học của chủ thể. Tự chủ có nghĩa là xuất phát từ vị trí, vai trò của mình, chủ thể tự thân làm chủ mọi suy nghĩ, hành vi của mình, làm chủ công việc của mình, tự thấy mình phải có trách nhiệm với tập thể, với quốc gia, với dân tộc mình. Sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, cái lạc hậu, cái không còn phù hợp đang cản trở sự phát triển; đồng thời, tìm kiếm, học hỏi, đề xuất những cái mới có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống.

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong phương pháp tư duy Hồ Chí Minh hình thành từ sớm, bộc lộ càng rõ trong quá trình Người tìm đường cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo trong mọi hoạt động thực tiễn của mình. Từ đó, Người đã từng bước xác lập cả một hệ thống tư tưởng, luận điểm sáng tạo của riêng mình.

Quyết tâm vượt lên mọi thành kiến tư tưởng

Đối với mỗi con người, để vượt qua được những thành kiến do lối mòn tư tưởng cũ chi phối là một việc không dễ. Trong khi đó, khác với tất cả những nhà yêu nước đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn biết vượt lên những thành kiến tư tưởng và thể hiện năng lực làm chủ bản thân rất cao.

Gắn lý trí với những tình cảm trong sáng, tình yêu thương con người, thực hiện công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội

Cốt lõi của tình cảm cách mạng là đạo đức cách mạng. Tình cảm cách mạng là khởi nguồn để có sáng tạo cách mạng. Khi tình cảm đã nhạt phai thì trí tuệ cũng sẽ chịu ảnh hưởng không tốt. Ngược lại, tình cảm mù quáng thì lý trí sẽ mất phương hướng. Tình cảm có những quy luật riêng của mình. Nếu là xúc cảm nhất thời, nó thường đi đôi với nhận thức cảm tính, bồng bột, thoáng qua và thiếu bền vững. Song ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tình cảm trong sáng, rất mãnh liệt bao giờ cũng chịu sự điều chỉnh, hướng dẫn chặt chẽ của lý trí. Đó là bởi, tình cảm của Người dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc về con người, điều chỉ có ở một nhân cách lớn. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về sự thống nhất giữa lý trí với những tình cảm trong sáng, thấm đẫm tình yêu thương con người.

Coi trọng, gắn kết điều kiện khách quan với phát huy nỗ lực chủ quan, kết hợp hài hòa giữa lý luận, thực tiễn và có tính tự giác cao

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới những điều kiện khách quan của cách mạng, đồng thời phát huy tính tích cực của nhân tố chủ quan để đề ra cương lĩnh chiến lược cách mạng một cách phù hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng công tác tổng kết lý luận; bởi vì, theo Người, đó là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người trên tất cả mọi lĩnh vực. Do đó, nếu kế thừa được những kinh nghiệm đã được tổng kết thành lý luận, mỗi cá nhân sẽ có điều kiện nâng cao năng lực của bản thân để phát triển tốt hơn.

Phương pháp tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc xem trọng nhân tố tự giác. Người cho rằng, nền đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở tự giác tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mỗi con người đều có hai mặt đối lập: Thiện và ác, hay và dở, tốt và xấu,... Do vậy, điều quan trọng là, mỗi người phải dám nhìn thẳng vào bản thân mình, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phát huy những cái thiện, cái hay, cái tốt, đồng thời khắc phục cái ác, cái dở, cái xấu.

Thường xuyên tổng kết kinh nghiệm và chủ động nắm lấy những tri thức mới

Quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quá trình không ngừng học tập, rèn luyện qua thực tiễn cách mạng. Trong quá trình đó, Người thường xuyên tổng kết kinh nghiệm và luôn có ý thức tìm tòi, nắm lấy những tri thức mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, kết tinh đỉnh cao của tinh thần dân tộc, của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, khi tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, đoạn tuyệt với quan điểm "cầu viện" để giải phóng dân tộc. Đối với Người, mỗi lần phê phán cái sai lầm là mỗi lần tổng kết và rút ra được kinh nghiệm quý báu cho bản thân cũng như để hướng dẫn những cộng sự của mình.

GIÁ TRỊ VẬN DỤNG TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG CƯỜNG HỌC TẬP VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực, chính trị luôn ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết về lý luận, thực tiễn của nhiều cán bộ, đảng viên hiện nay còn nhiều hạn chế. Phong cách tư duy của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn biểu hiện của lối tư duy giáo điều, bảo thủ, trì trệ, khuôn sáo, máy móc. Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là phải xây dựng phương pháp tư duy khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cụ thể như sau:

Một là, chú trọng nâng cao tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau khi thấm nhuần phương pháp tư duy Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải có khả năng dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không lệ thuộc, rập khuôn, bắt chước người khác; có năng lực và bản lĩnh bảo vệ được quan điểm, chính kiến của mình; tự mình làm chủ mọi suy nghĩ, hành động, không bị a dua theo người khác; tự giác tìm tòi để sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu cái mới, từ bỏ cái đã lỗi thời. Từ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Hai là, khắc phục những thành kiến trong tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực chất vấn đề này là, chống chủ nghĩa giáo điều - giáo điều sách vở, giáo điều trong việc học tập kinh nghiệm của người khác; qua đó, giúp họ vượt lên trên những thành kiến, không lệ thuộc vào tập quán cũ, lạc hậu, biết giữ gìn và phát triển những tư tưởng truyền thống còn phù hợp, tiếp thu một cách có chọn lọc những tư tưởng mới, chủ động đề xuất những sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ba là, nâng cao nhận thức, giáo dục, giúp cán bộ, đảng viên biết kết hợp giữa lý trí với tình cảm trong sáng, làm điều gì cũng luôn đặt lợi ích của tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Bốn là, trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phương pháp tư duy thúc đẩy tính tự giác cao, phát huy tối đa năng lực chủ quan và coi trọng điều kiện khách quan, có khả năng kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn. Khi nắm vững phương pháp tư duy Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ luôn có tính tự giác cao và biết vận dụng, thường chủ động xây dựng các kế hoạch, đề ra biện pháp cụ thể để triển khai công việc của mình một cách khoa học, hiệu quả.

Năm là, tăng cường tổng kết, đúc kết những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo; phát hiện những gương điển hình tiên tiến để giáo dục, nêu gương cho đảng viên và quần chúng noi theo; xem xét kinh nghiệm, cách làm hay của cán bộ, đảng viên và cá nhân khác để áp dụng cho phù hợp với bản thân mình.

Hiện nay, đứng trước những nhiệm vụ cách mạng mới, để giải quyết những vấn đề phong phú, sinh động, phức tạp mà cuộc sống đặt ra, không có con đường nào khác ngoài con đường nâng cao phương pháp tư duy, nhất là tư duy lý luận. Trong đó, phương pháp tư duy Hồ Chí Minh là một mẫu mực, vẫn còn giữ nguyên giá trị và lợi ích thiết thực. Do vậy, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phương pháp tư duy Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là một yêu cầu bức thiết, cần được triển khai một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh tháng 7 năm 2022

Trong tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh ước đạt 166.432 ngàn USD, tăng  1,04%  so với tháng trước; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 64.359 ngàn USD, tăng 0,70% so với tháng trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.585 tỷ đồng, tăng 0,71% so với tháng trước; Chỉ số giá tiêu dùng của Tỉnh, tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 2,61% so với tháng cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 28.534 lao động, trong đó có 1.138 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; đã tiêm 3.748.701 liều vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (tiêm mũi 1: 1.209.021 liều, đạt 99,86% dân số Tỉnh; tiêm mũi 2: 1.200.629 liều, đạt 99,17% dân số Tỉnh; tiêm mũi nhắc lại lần 1: 886.925 liều; tiêm mũi nhắc lại lần 2: 81.023 liều; tiêm mũi bổ sung là 371.103 liều). Tỉnh Đồng Tháp là một trong 08 tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong khu vực phía Nam, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh, đến (30/6) Đồng Tháp ghi nhận hơn 4.243 ca, tăng 614,93% (tương đương 3.553 ca) so với cùng kỳ năm 2021 (690 ca). Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; các cấp, ngành, địa phương trong Tỉnh cũng triển khai Chiến dịch "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết".

2. Xây dựng văn hoá học đường, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

Ngày 21/7/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 377/UBND-THVX về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường, theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Tỉnh có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương trong công tác xây dựng văn hóa học đường; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; chú trọng xây dựng nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống; tình yêu quê hương; giá trị di tích lịch sử văn hóa địa phương…

Đề nghị Trường Đại học Đồng Tháp tăng cường công tác quản lý sinh viên; phối hợp xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế theo yêu cầu phát triển của địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất đạt mức tối thiểu theo quy định; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, nhất là nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Ra mắt điểm giới thiệu nông đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội

Chiều ngày 04/7/2022 Trung tâm Xúc tiến thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp phối hợp Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai - Chi nhánh Hà Nội tổ chức Lễ công bố và đưa vào hoạt động Điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông đặc sản Đồng Tháp tại địa chỉ: 93 - Phố Trung Hòa, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là địa điểm thứ 2 được đưa vào hoạt động tại thủ đô Hà Nội (điểm đầu tiên đưa vào hoạt động vào tháng 6/2020). Điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông đặc sản Đồng Tháp với sự tham gia trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm của 24 đơn vị, gồm các sản phẩm có thế mạnh của Tỉnh như: Xoài Cao lãnh và Xoài Cát Chu Cao Lãnh; Nhãn, Cam Xoàn, Sen... và các sản phẩm OCOP, trong đó, chia làm 3 khu vực: Tạo hình nghệ thuật từ hoa và trái cây, khu trưng bày nông sản đặc trưng và khu các sản phẩm OCOP.

Điểm giới thiệu này sẽ tạo không gian để người dân thủ đô trải nghiệm, thưởng thức nông đặc sản Đồng Tháp; là điểm giới thiệu, bán trực tiếp và kết nối tiêu thụ nông đặc sản an toàn vào các kênh tiêu thụ theo các chuỗi giá trị nông sản từ khâu sản xuất tới thị trường trong nước giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời, là điểm giao lưu, học hỏi, chia sẻ thông tin trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử 

Trong những năm qua, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh. Theo Bộ Công Thương, trong thời gian 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm tới 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Các lực lượng chức năng ở Trung ương và địa phương đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn và dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động lợi dụng môi trường TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, tại Công văn số 3986/VPCP-V.I ngày 28/6/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu:

Thứ nhất, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT và các văn bản liên quan.

 Thứ hai, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa).

 Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn TMĐT.

Thứ tư, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thứ năm, công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ người dân và doanh nghiệp về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Thứ sáu, có giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT cho đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử. Xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT.

2. Việt Nam lọt top 7 điểm đến cho người nước ngoài

Theo báo cáo Expat Insider 2022 do tổ chức Internations công bố, Việt Nam nằm trong top 7 nơi tốt nhất dành cho người nước ngoài đến làm việc và sinh sống. Trong bảng xếp hạng năm nay, Mexico dẫn đầu thế giới là nơi lý tưởng nhất cho người nước ngoài đến làm việc. Các điểm đến khác tại châu Á trong top 10 bao gồm Indonesia (hạng 2), Đài Loan (hạng 3), UAE (hạng 6), Thái Lan (hạng 8) và Singapore (hạng 10). Kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam hiện đang xếp (hạng 7) toàn cầu về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài. Theo InterNations, Việt Nam được đánh giá là xuất sắc về hạng mục tài chính cá nhân, đứng hạng nhất trong danh sách các nước khảo sát. Trước đó, Tạp chí du lịch nổi tiếng Canada là The Travel vừa công bố danh sách 10 điểm đến thích hợp nhất cho thế hệ "du mục kỹ thuật số" hay còn được gọi với cụm từ "Digital Nomads," trong đó Việt Nam xếp thứ 8/10 những quốc gia được nêu tên trong danh sách này. Top 10 điểm đến được các du khách bình chọn bao gồm các nước: Serbia, Colombia, Đức, Cộng hòa Estonia, Sri lanka, Iceland, Mexico, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Việt Nam là một đất nước yên bình, con người thân thiện, thời tiết hiền hòa, dễ dàng giúp con người cân bằng giữa công việc và thư giãn.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả phiên họp lấn thứ 14 Uỷ ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (diễn ra từ ngày 12 - 13/7/2022)

Nhận lời mời của Uỷ viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thăm Trung Quốc và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 14 Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Trong thời gian qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục duy trì ổn định và có nhiều tiến triển mới. Về quan hệ chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Hợp tác kinh tế, thương mại nhìn chung phát triển ổn định. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên đã trao đổi một cách toàn diện. Về biên giới trên đất liền, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, nghiêm túc tuân thủ các quy định của 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan. Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất.

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 diễn ra từ ngày 26 - 28/6/2022 tại Đức: Các nước phương Tây khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraine và thông qua nhiều biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Trong đó, đáng chú ý là quyết định áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga và các lệnh trừng phạt mới đối với ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Đồng thời, đạt tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Các nhà lãnh đạo của G7 đã nhất trí về việc thành lập một "câu lạc bộ khí hậu" nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, các nước G7 cũng khẳng định yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) năm 2016; đồng thời kêu gọi Trung Quốc phản đối cuộc xung đột của Nga tại Ukraine.

- Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 28 - 30/6/2022 tại Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha: Lần đầu tiên, Hội nghị NATO có sự tham gia của lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố cấp cao Madrid và Khái niệm Chiến lược mới 2022. Trong đó có 03 nhiệm vụ trọng yếu gồm răn đe và phòng vệ, ngăn chặn và quản lý khủng hoảng, an ninh tập thể. Tại Hội nghị, các nước NATO cũng khẳng định Nga là mối đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp và Trung Quốc là thách thức mang tính hệ thống. NATO chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên 32 nước./.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp