Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 9 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 9 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Văn hóa ứng xử trong thời đại số" của TS. Lê Trọng Nin, Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Văn hóa - Xã hội.

Trong thời đại số, nhiều người coi mạng xã hội là nơi thể hiện sự tự do, là thế giới riêng, nên mặc sức thể hiện quan điểm cá nhân một cách cực đoan, thái quá; lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi thiếu văn hóa, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, thậm chí bị các thế lực xấu lợi dụng…

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã rèn đúc và kết tinh nên nhiều giá trị của văn hóa, con người Việt Nam, tạo nên bản sắc bản sắc cộng đồng, quốc gia - dân tộc. Bản sắc đó là cái gốc của nền văn hóa, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ""còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi,… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa"(1).

ỨNG XỬ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Trong cuộc sống, người Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng vấn đề giao tiếp, coi đây là thước đo nhận biết và đánh giá bản chất, tri thức và tầm văn hóa của một con người. Theo đó, lời nói có thể mang lại niềm vui, tình thân thiện, nhưng có khi cũng gây nên những tiêu cực, thậm chí là bi kịch, hận thù.

Truyền thống văn hóa ứng xử của người Việt Nam còn được biểu hiện trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, được tiền nhân tích lũy thành kiến thức, kinh nghiệm qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là lòng nhân ái: "Thương người như thể thương thân". Đó là lòng vị tha: "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Đó là tinh thần gắn bó, cố kết cộng đồng, tương thân tương ái, đoàn kết, trọng tình - trọng nghĩa - trọng đạo. Đó còn là những điều răn dạy không chỉ mang ý nghĩa đạo đức trong góc độ gia đình, mà sâu xa hơn chính là văn hóa ứng xử trong xã hội: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng",...

ỨNG XỬ TRONG THỜI ĐẠI SỐ VÀ TOÀN CẦU HÓA

Ngày nay, việc giao tiếp, ứng xử của con người Việt Nam đã ngày càng mở rộng ra ngoài phạm vi địa phương, cộng đồng, quốc gia; là sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa cái mới và cái cổ điển. Dù ở thời kỳ nào cũng vậy, văn hóa ứng xử của người Việt Nam luôn lấy chữ "Tâm", chữ "Nhẫn" làm nền tảng giao tiếp, biểu hiện ở sự cảm thông, chia sẻ, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, luôn khiêm tốn, nhẫn nại, suy nghĩ thấu đáo, chủ động nhường nhịn để mối quan hệ được hòa thuận, êm đẹp, nhưng cũng rất kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ lẽ phải, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, bảo đảm "trong ấm, ngoài êm", giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn họa xâm lăng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Trong thời đại số, nhiều người coi mạng xã hội là nơi thể hiện sự tự do, lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi thiếu văn hóa, không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, thậm chí bị các thế lực xấu lợi dụng để kích động, nhằm gây bất ổn chính trị, xã hội,… Trong khi đó, với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng thì việc không có chính kiến, thậm chí là bị ảnh hưởng tiêu cực là khó tránh khỏi. Nhiều người vô cớ bị nói xấu, lăng mạ trên không gian mạng đã rơi vào tình trạng trầm cảm, hoảng loạn; một số trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp... Đó là những mảng màu u ám đã và đang làm ảnh hưởng đến bức tranh văn hóa toàn cảnh trong sáng của đất nước; gióng lên những hồi chuông cảnh báo về cách ứng xử của con người trong đời sống xã hội hiện nay.

CHÚ TRỌNG CỦNG CỐ, XÂY DỰNG, PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ TÍCH CỰC

Để khắc phục những hiện tượng lệch chuẩn về cách ứng xử của con người trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn sẽ cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm củng cố, xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh; trong đó, cần bắt đầu từ chính môi trường gia đình - nơi đầu tiên đặt nền móng cho cách ứng xử có văn hóa của mỗi cá nhân.

Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã được chỉ ra trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, con người, trong đó tập trung vào một số giải pháp căn bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, lãnh đạo doanh nghiệp và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội, góp phần lan tỏa những hành vi, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp theo phương châm "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", để định hướng hành vi, thái độ đúng đắn cho công chúng, nhân dân.

Thứ tư, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khoá XI, XII và đặc biệt là các kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII của Đảng mới đây về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Thứ năm, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với những điều khoản, quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi cá nhân; có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa có tính giáo dục, vừa có tính răn đe, giúp mỗi cá nhân biết tự điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của mình.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh trong tháng 8 năm 2022

Trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh ước đạt 141.292 ngàn USD, bằng 101,60% so với tháng trước; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 50.306 ngàn USD, tăng 0,60% so với tháng trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.333 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước; Tính đến 31/7/2022: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.941.850 triệu đồng, đạt 72,47% dự toán năm; Chi ngân sách địa phương đạt 8.274.760 triệu đồng, đạt 59,08% dự toán năm. Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 32.120 lao động, trong đó có 1.227 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 là 14.486 học sinh, đạt tỷ lệ 99,42%. Công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao; tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Đồng Tháp phấn đấu có trên 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Ngày 22/8/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số: 434/UBND-THVX về tăng cường phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Theo đó, đến ngày 30/6/2022, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn Tỉnh chỉ đạt 53,51% kế hoạch, giảm 2.524 người so tháng 12 năm 2021; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 95,52% kế hoạch (tỷ lệ bao phủ 88,55% dân số), giảm 47.135 người so tháng 12/2021. Mục tiêu đến cuối năm 2022, Đồng Tháp đạt 3,21% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và trên 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế, toàn Tỉnh tiếp tục vận động 16.117 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 66.383 người tham gia bảo hiểm y tế. Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, người dân về các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quan tâm, phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh đã đề ra.

3. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 3%

Theo Kế hoạch số: 291/KH-UBND ngày 18/8/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 3%; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng ít nhất là 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm). Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 được thực hiện trên phạm vi toàn Tỉnh, khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo đặc thù áp dụng cho đối tượng nghèo trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương.

Các dự án thành phần của Chương trình gồm: Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (ít nhất 6.000 hộ); Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2022 - 2025 gần 520 tỷ đồng.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. 08 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 được phê duyệt theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 08 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

(2) Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon.

(3) Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh.

(4) Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

(5) Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

(6) Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

(7) Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông.

(8)  Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

2. Tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc 

Sử dụng thuốc lá gây ra gánh nặng về bệnh tật, tử vong và kinh tế không chỉ với người sử dụng mà còn với cả gia đình và toàn xã hội. Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

Do đó, Ban phòng, chống tác hại thuốc lá các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng và thực hiện nghiêm mô hình "Môi trường làm việc không khói thuốc lá" nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động cũng như xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh nơi công sở.

Lợi ích của xây dựng môi trường không khói thuốc lá 

Sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc. Sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như: Thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa… Môi trường không khói thuốc lá sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc,… Giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Môi trường không khói thuốc góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự bởi hút thuốc không phải là văn hóa và hành động đẹp trước mắt mọi người xung quanh.

Một số quy định cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá về môi trường không khói thuốc. Điều 11 và 12 của Luật quy định:

(1) Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; Cơ sở giáo dục từ trung học chuyên nghiệp trở xuống.

(2) Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.

(3) Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

(4) Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

(5) Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

(6) Khuyến khích người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

Tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá

(1) Có niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người trong cơ quan.

(2) Có treo biển báo cấm hút thuốc lá trong phòng họp, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác trong cơ quan có quy định cấm hút thuốc lá. Biển báo cấm hút thuốc cần rõ ràng, được treo hoặc đặt ở những vị trí dễ quan sát.

(3) Có kế hoạch hoạt động phòng,p chống tác hại thuốc lá hàng năm. Có quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.

(4) Có tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

(5) Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên cơ quan.

(6) Không có các vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn, bật lửa trong phòng họp, phòng làm việc…(khuyến khích).

(7) Không nhận sự hỗ trợ hoặc tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.

(8) Đưa nội dung không hút thuốc lá nơi làm việc vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (khuyến khích).

(9) Không có hiện tượng hút thuốc, đầu mẩu thuốc lá tại các khu vực cấm hút thuốc của cơ quan, đơn vị.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan, trong các khuôn khổ ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đã diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã thông qua Thông cáo chung AMM-55 phản ánh các nội dung thảo luận, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm của ASEAN, đúng như tinh thần chủ đề của năm Chủ tịch 2022 "ASEAN Hành động - Cùng ứng phó các thách thức chung". Đồng thời, ASEAN và các đối tác cũng đã thông qua nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, làm cơ sở tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ trong thời gian tới.

Trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, kêu gọi kiềm chế, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); đồng thời tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, kêu gọi xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình và ổn định, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)...

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu: Ngày 23/7/2022, WHO quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều nơi trên thế giới. Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO liên quan tới sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ hiện ở mức độ vừa phải trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu là mức cao. WHO cho biết, gần một nửa trong số những nước phát hiện bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm hiện nay đã đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin ngừa căn bệnh này.

-  Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga - Ukraine và phản ứng của cộng đồng quốc tế: Ngày 22/7/2022, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo thỏa thuận, các tàu chở ngũ cốc của Ukraine có thể ra vào 3 cảng ở thành phố Odessa trên Biển Đen.

Phát biểu sau khi chứng kiến lễ ký kết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, thỏa thuận trên là động thái tích cực chưa từng có giữa Nga và Ukraine từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng đây là một bước đi đúng hướng, đồng thời kêu gọi các bên lập tức thực thi thỏa thuận. Nhiều nước hy vọng việc thực thi thỏa thuận không chỉ giúp bình ổn thị trường lương thực thế giới mà còn giúp mở ra triển vọng hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay./.

                                                          Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp