Xuất bản thông tin

null Tấm gương học tập suốt đời xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh

Trang chủ Học tập và làm theo lời Bác (Tư tưởng HCM)

Tấm gương học tập suốt đời xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh

Cũng như bao sinh viên khác khi đến giờ vào lớp, ổn định vị trí để bắt đầu cho tiết học mới, tình cờ gặp lại học trò cũ cách đây mấy mươi năm khi cô dạy môn Ngữ văn tại trường cấp 2 Phường 6 (nay là Trường Trung học cơ sở Phạm Hữu Lầu) Thành phố Cao Lãnh. Trong giây phút ngỡ ngàng, mừng mừng tủi tủi, cô trò ôm chầm lấy nhau thật cảm xúc. Giờ em là giảng viên tiếng Trung của Trường Đại học Đồng Tháp, lớp học toàn là bạn trẻ năng động, chỉ mỗi cô là “cụ” sinh viên, bởi bắt đầu học năm thứ nhất cô đã hơn 66 tuổi.

Cô Huỳnh Thị Thu sử dụng kính lúp để đọc Tiếng Trung

Tuy có chút ái ngại nhưng sự say mê học tập đã nung đúc trong suy nghĩ nên cô bỏ qua mặc cảm, lấy lại tự tin theo để học cùng “các bạn” trong lớp. Tháng 8 năm 2022, cô hoàn thành chương trình học và vinh dự nhận bằng cử nhân thứ ba Tiếng Trung chính quy, sau hai bằng cử nhân Ngữ văn và Tiếng Anh. Câu chuyện hy hữu của cô Huỳnh Thị Thu, ở ấp Tân Tịch, xã Tịnh Thới, Thành phố Cao Lãnh nhận bằng đại học thứ ba khi đã 71 tuổi quả thật hiếm có ở thủ phủ Đất Sen hồng, khiến ai nghe qua cũng phải nể phục. Một hình ảnh đẹp thật sự truyền cảm hứng cho nhiều người về tinh thần học tập suốt đời.

Thương các em nhỏ hàng xóm sống trong gia đình ba mẹ là nông dân, lao động nghèo, không học hành đến nơi đến chốn hoặc cha mẹ chỉ học biết chữ không thể nào dạy con học với kiến thức, chương trình mới như hiện nay. Có hôm đến giờ đi học nhưng vẫn chưa làm xong bài tập, các em cuống cuồng làm cha mẹ càng thêm lo lắng sợ con mình mất căn bản dẫn đến chán nản bỏ học. Biết cô là giáo viên nghỉ hưu sống có tâm, yêu quý học trò nên phụ huynh gần nhà đến nhờ cô giúp đỡ. Chỉ trong tíc tắc, các bài tập Tiếng Việt và Tiếng Anh đã hoàn thành, các bạn nhỏ mừng quýnh lên, làm cho ba mẹ cũng vui lây theo con mình. Những lời ngây ngô của trẻ con “Bà cố Bảy giỏi quá” thật dễ thương như tiếp thêm sức mạnh, để cô Thu đồng hành cùng các em mà không biết mệt mỏi. Dần dần bà cháu mến nhau lúc nào không biết, cứ sau giờ tan lớp, cơm nước xong nghỉ ngơi giây lát, tụi nhỏ lại mang tập vở đến nhờ bà Bảy dạy giải bài tập cho ngày hôm sau.

Kết quả học tập của các em ngày càng tiến bộ hơn, ba mẹ yên tâm lo làm kiếm tiền nuôi con ăn học mà không còn bối rối về bài vở của chúng như trước đây nữa. Vậy là cái nghiệp của nghề giáo tiếp tục gắn bó cùng cô giáo già với tụi học trò trong xóm gần 10 năm nay, tại xã vùng ven của Thành phố Cao Lãnh. Vừa học, các em còn được nghe những câu chuyện thời niên thiếu đầy khó khăn, về những năm tháng chiến tranh nhưng bà Bảy vẫn luôn cố gắng để trở thành cô giáo giúp ích cho xã hội. Bây giờ, các em may mắn hơn thế hệ cha ông đi trước từ cái ăn cái mặc, phương tiện đi lại… đó còn là lời động viên giúp các em tiến bộ trong học tập.

Được dạy các cháu là niềm vui, bên cạnh còn là điều kiện để cô tìm hiểu chương trình học hiện nay có gì đổi mới so với trước đây. Thật sự nếu không văn ôn võ luyện thì cho dù có học đến bằng cấp gì đi chăng nữa cũng hoài công. Thời gian học chỉ vài giờ nhưng những câu chuyện vui từ các bạn nhỏ như giúp tâm hồn cô trẻ ra hơn. Biết sống lạc quan, có ích, không chút ưu tư, đó cũng là liều thuốc tinh thần giúp cho cô Thu sống vui, sống khỏe. Một thói quen cần được rèn luyện cho người già, nhưng không phải ai cũng quan tâm đến điều này.

Bao giờ cô Thu cũng ước ao phải chi được quay lại thời gian mình mới 30, 40 tuổi sẽ tiếp tục học các chương trình khác và chắc chắn sẽ học giỏi hơn thời xa xưa gấp nhiều lần. Năm 1993, tình cờ nộp hồ sơ cho đứa cháu chuyên ngành Cử nhân Anh văn tại Trường Đại học Đồng Tháp, thấy hay nên cô liền đăng ký học cùng cháu. Vừa làm quản lý vừa dạy bộ môn, tuy nhiều bận rộn nhưng cô vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia và ít vắng mặt trong các buổi học. Trãi qua đại dịch Covid-19 vừa qua tất cả sinh viên học và thi Tiếng Anh trực tuyến qua oline, cô tìm vào đường link để học và làm bài tập thử sức cùng các cháu đang học. Dù thời gian học Tiếng Anh lúc trước của cô Thu đã gần 30 năm, nhưng bài tập nào giáo viên cho cô cũng được đánh giá kết quả tốt không thua các sinh viên hiện tại.

Việc học đối với cô bao giờ cũng rất quan trọng, xã hội ngày càng phát triển, nếu như cập nhật kiến thức chậm một giây phút là xem như mình lạc hậu tình hình so với thế giới bên ngoài. Giờ đây cô không mong muốn gì ngoài việc học, ngấp nghé 70 tuổi đâu còn trẻ khỏe nhưng cô lại ham học Tiếng Trung. Tuổi cao mắt nhìn cũng kém nhưng cô rất siêng năng, chăm chỉ. Mỗi lần học bài cô mang tập sách ra hàng ba trước nhà, dùng kính lúp soi từng con chữ luyện đọc mỗi ngày, để theo kịp đàn em cháu trong lớp. Học bao nhiêu cho mỗi chúng ta cũng không bao giờ được coi là đủ, cũng không phân biệt độ tuổi, hay học hàm học vị nên cô rất cố gắng. Chỉ có học mới giải phóng khỏi những tư duy hẹp hòi, đố kỵ, học để có cái nhìn mới hơn mọi vấn đề luôn diễn ra xung quanh cuộc sống chúng ta.

 Từ khi Việt Nam hội nhập thế giới, khách du lịch các nước đến nước ta ngày càng nhiều và ngược lại chúng ta đến thăm đất nước bạn, gặp nhau cũng chỉ nhìn nhau gật đầu cười xã giao chứ không hiểu gì về ngôn ngữ, văn hóa và ứng xử trong giao tiếp. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cô phải học ngoại ngữ, để xóa đi khoảng cách về bất đồng ngôn ngữ, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Cô Thu mong muốn xây dựng nên một hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế nói chung, hình ảnh, đất nước con người Đồng Tháp nói riêng, nơi một vùng quê được xem là khuất nẻo đang vươn mình ra thế giới, từ các dịch vụ du lịch mà địa phương đang hướng tới.

Giờ đây được nhận lương hưu dù không nhiều, chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày; nhưng đó là kết quả của bao nhiêu năm cống hiến cho ngành giáo dục; là công sức, tình cảm gia đình luôn dành trọn cho để cô có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Thỉnh thoảng thưởng thức những món ăn của một thời khắc khổ nhất do mẹ nấu ngày xưa, bỗng dưng cô rưng rưng hai hàng nước mắt. Những kỷ niệm đẹp của gia đình luôn tái hiện trong cô không thể nào quên được.

Sống trong thời khắc chiến tranh, Mỹ ngụy bắn phá xóm làng, bắt bớ người vô tội, lo giữ mạng sống là chính. Sáng thấy mặt nhau, trưa chiều đôi khi gia đình mất liên lạc, viễn cảnh ai còn ai mất không thể nào biết trước được. Nhà nào suy nghĩ thoáng lắm chỉ cho con học biết chữ ở trường làng là quý lắm rồi, cứ lo chạy giặc nay ở chỗ này mai chỗ kia, cơm không có ăn chứ nói gì nghĩ xa vời cho con học để làm ông này bà nọ như người ta.

Là con thứ bảy trong gia đình, thấy cô siêng năng chăm chỉ, tám anh chị em nghỉ học sớm ở nhà làm ruộng rẫy phụ cha mẹ để nuôi cô ăn học đến nơi, đến chốn. Cách đây gần 60 năm khi ấy cô đậu đệ thất (nay là lớp 6), trường Trung học Kiến Phong, một chặng đường đầy thử thách phía trước cô phải cố gắng vượt qua. Khi ấy, cả Quận Cao Lãnh tỉnh Kiến Phong (nay là Thành phố Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp) chỉ có một trường cấp 2, nhà xa trường mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số. Thương con vất vả, ba má bán vài vụ hoa màu bấm bụng mua cho cô chiếc xe đạp cũng rẻ tiền, nhưng là phương tiện quý giá không phải ai cũng có được. Đường xá thì ghồ ghề lởm chởm, nắng bụi mưa bùn, sơ ý té xể đầu gối là chuyện đương nhiên. Sợ nhưng cũng không tránh khỏi, có một lần do bài vở nhiều, sáng không kịp hấp cơm ăn lót dạ, trên đường chạy xe đạp cọc cạch đến trường, phần ốm yếu do ăn uống thất thường; xe chạy qua khỏi Tỉnh đội bỗng nhiên cơn gió mạnh thổi qua, cuốn theo tà áo dài quấn vào bánh sau xe đạp bị đứt ngang thân eo làm cho cô một phen hú vía. Vào lớp nhờ các bạn lấy kim chỉ khâu dính đỡ, về nhà nhờ chị gái vá lại để mặc tiếp. Chỉ có một bộ duy nhất, sáng đi học trưa về phải giặt liền cho kịp, bữa nào trời âm u không nắng coi như áo quần nặng mùi ẩm mốc, chạy ra gió một lát sau mới khô được. Biết hoàn cảnh khó khăn, Tết năm đó nhà trường trao quà “Cây mùa xuân” cho học trò nghèo, thầy chủ nhiệm ưu tiên cho cô nhận áo dài mới để có cái thay, cái đổi phòng khi mưa gió. Cô nhận lời cho thầy vui, nhưng xin nhường lại cho chị bạn cùng lớp cũng khó khăn không khác gì mình. Vì chị to lớn hơn so với các bạn nữ cùng trang lứa, áo dài chật ních, ngồi gần nghe chị cứ thở ì ạch thấy mà thương. Ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng cô biết hy sinh vì người khác, một tấm lòng nhân ái đã hình thành trong cô ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Khó khăn là vậy nhưng cô không nản chí, đêm đêm vẫn miệt mài bên ngọn đèn dầu, chạng vạng là lấy xơ dừa chùi cho sạch ống khói để tối đến học bài được nhìn tỏ rõ hơn. Có hôm muỗi cắn quá cô đốt lửa ung khói xua chúng đi, sáng ra tay chân đều phết màu vàng, đầu tóc quần áo cũng mùi nồng nặc vì khói của cây củi. Cô còn nhớ như in vào một buổi chiều, đi học vừa về tới đầu đường, cả nhà khăn gói xuống ghe sẵn chỉ chờ mỗi mình cô. Thấy bóng dáng em mình, chị gái đứng tại chợ Tân Tịch chạy đến kéo cô quay lại không cho về nhà vì trực thăng bắn phá, đạn nổ tung tóe, cả khu vực đó không còn bóng người. Cô khóc sướt mướt không chịu đi vì sợ mất hết tập sách không còn bài vở để học. Biết em gái ham học người chị chạy vào hốt lia lịa đống tập vở trên bàn đem xuống ghe trước cho yên tâm. Thế là gia đình bồng dắt nhau qua cồn tá túc cho qua giai đoạn ác liệt này. Đợi vài ngày yên ổn cả nhà mới dám quay về tiếp tục tăng gia sản xuất.

Cứ học một buổi về nhà cô phụ cha mẹ ra đồng làm đủ thứ việc, xổ lá mía, hái thuốc lá, làm cỏ bắp… các anh chị lớn hơn thì đi làm vần công cho bà con xung quanh. Thời đó không ai thuê mướn như bây giờ, nhà nào tới đợt hái thuốc, xắt thuốc, cắt lúa… cả xóm kéo tới cùng làm cho nhau rất ấm cúng. Sau đó nhà nọ đi trả công lại nhà kia, cứ thế cứ xoay vòng đến hết vụ mùa. Ai cũng hết mực yêu thương, giúp nhau tạo thành tính cố kết cộng đồng, nương tựa nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống. Nét văn hóa này hiện nay vẫn còn lưu giữ, để con cháu mai sau hiểu được giá trị của tinh thần đoàn kết, tạo thành sức mạnh để vươn lên trong cuộc sống.

Đôi lúc hoàn cảnh gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, cô rất lo sợ mình sẽ bỏ học giữa chừng. Ngày nào cũng vậy, hình ảnh cô giáo trường làng dạy tiểu học cứ mỗi ngày qua lại trong tà áo dài thướt tha bay bay trong gió. Đôi guốc dông mộc mạc, đơn sơ uyển chuyển duyên dáng tạo nên điểm nhấn của người phụ nữ Việt Nam. Cô giáo thật sự là hình mẫu ấn tượng, là động lực để cô phấn đấu từ những ngày đầu chân ướt chân ráo bước vào giảng đường Đại học khi đất nước còn bóng giặc thù.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Ngữ văn, Trường Đại học Cần Thơ, cô Thu được phân công về dạy trường Trung học Thủ Khoa Huân (Vĩnh Long). Thương cô giáo dạy học xa nhà, gặp khó khăn trong sinh hoạt cứ vài ba ngày là phụ huynh mang đến mớ cá, tép, cua bắt được trong mương rạch để cô cải thiện bữa ăn, đủ sức khỏe dạy các trò vùng sâu đang khát khao kiến thức. Có khi phụ huynh còn mang cho hàng chục kí gạo để cô đỡ phải tốn kém; nhờ vậy mà cô cũng tạm ổn, bớt lo lắng hơn về cuộc sống nơi xứ lạ, quê người và yên tâm giảng dạy.

Có một kỷ niệm cô nhớ mãi trong quãng đời dạy học, từ Vĩnh Long về quê mỗi ngày chỉ một chuyến xe đò. Giờ nghĩ lại cô vẫn còn giật mình, so với hiện nay xe chỉ chở ba mươi hành khách, không ai nghĩ đến sự nguy hiểm là gì, cứ nhồi nhét khách có lúc trên sáu mươi người. Ai tới trễ coi như người sau ôm eo người trước để không té ngã. Biết cô sắp về quê, phụ huynh học sinh kêu con chạy lên xe, chở hành lý cô ra ngồi dành chỗ trước sợ cô có mệnh hệ gì ai dạy con họ học. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng cô thật xúc động, muốn gắn bó mãi nơi đây để giúp các em.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cô được luân chuyển nhiều điểm trường khác cũng ở Vĩnh Long, ba năm sau cô và một giáo viên trường Cao Lãnh 1 (nay là Trường Trung học cơ sở Kim Hồng, Thành phố Cao Lãnh) cùng hoàn cảnh, hoán đổi nhau về quê vừa dạy học vừa chăm sóc cha mẹ già yếu. Về nơi sinh ra và lớn lên cô dốc hết tâm huyết vì học sinh tỉnh nhà; những học sinh khó khăn hiếu học cô không nệ công, bồi dưỡng bằng cái tâm của nhà giáo mà không chút suy tính cho riêng mình. Nhiều năm liền học sinh của cô đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp thị xã và tỉnh. Cô Thu luôn mơ ước học sinh thế hệ sau luôn giỏi hơn mình, để tương lai các em tươi sáng hơn, cùng chung tay xây dựng quê hương Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp.

Sự hiểu biết của con người là có hạn, tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú, nó như biển cả mênh mông. Chỉ cần một ngày còn sống là con người cần phải học tập bởi vì “Học tập là cuốn vở không có trang cuối”. Học tập là học hỏi và luyện tập kỹ năng sống, kỹ năng làm người, “Học để có cái nhìn mới hơn” cũng là tâm huyết mà cô Huỳnh Thị Thu muốn truyền lại cho thế hệ mai sau; đây là thông điệp bổ ích cần trau dồi, làm mới mỗi ngày và không thể thiếu đối với mỗi người chúng ta.

Kim Chi