Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 01 năm 2023

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 01 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Cán bộ, đảng viên thực hiện việc nghiêm khắc với chính mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh" của TS. Trần Thị Hợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Theo Gương Bác.

Với quan niệm "Cán bộ là tướng của đoàn thể", "là gốc của mọi công việc"; "là nhịp cầu nối liền giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân", "là sợi dây chuyền của bộ máy", "là tiền vốn của đoàn thể", Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách toàn diện về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và phong cách công tác. Chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên về ý thức tự giác tu dưỡng rèn luyện bản thân, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người phải thực hiện nghiêm khắc với chính mình.

HIỂU ĐÚNG VỀ THỰC HIỆN NGHIÊM KHẮC VỚI CHÍNH MÌNH

Thực hiện nghiêm khắc với chính mình đòi hỏi người cán bộ, đảng viên "luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình". Đó là quá trình tự quan sát, theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiểm điểm về lời nói và hoạt động của người đảng viên trong mối quan hệ với công việc, với người khác và với chính mình. Nghiêm khắc với chính mình thể hiện ý thức giác ngộ cao của người cán bộ, đảng viên khi đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nghiêm khắc với chính mình là yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên bởi "mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng", nghiêm khắc với chính mình sẽ góp phần giúp cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm khắc với chính mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm để phát triển điều tốt, khắc phục điều dở của bản thân; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc "dĩ công vi thượng", đặt việc công lên trên, lên trước việc tư… Đây là yêu cầu thường xuyên, liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng hoàn thiện mình hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của mỗi thời kỳ.

Nghiêm khắc để kiểm soát chính mình không phải là điều dễ dàng, một phần do thói quen tùy tiện, do áp lực cuộc sống, do tác động từ môi trường và quan trong hơn nữa, điều khiến người ta khó kiểm soát được bản thân đó là những khó khăn, gian khổ trên con đường làm cách mạng, là sức hấp dẫn của địa vị, tiền tài, danh vọng.

Tuy nhiên, trong một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn trình trạng cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn, bè cánh, thiếu liêm, chính, chí công, vô tư, lợi dụng vị trí, chức vụ để tham ô, đục khoét, tham nhũng, ăn cắp của công; hạch sách, nhũng nhiễu cấp dưới và nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ; hoặc một số thì đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải "trả ơn" (đòi quyền lợi, chế độ, chính sách…). Một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ngày càng có xu hướng xa rời quần chúng; ít gắn bó với nhân dân; khoảng cách giữa họ với nhân dân có những biểu hiện gia tăng. Xa rời quần chúng, nằm ngoài sự giám sát của quần chúng là môi trường thuận lợi để chủ nghĩa cá nhân phát triển…

Thực hiện nghiêm khắc với chính mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Nâng cao ý thức nghiên cứu và học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ lý luận chính trị. Lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ cung cấp cho chúng ta tri thức khoa học về xã hội, tự nhiên và con người mà còn giúp chúng ta nhận thức đúng đắn thế giới quan, phương pháp luận khoa học về mọi mặt đời sống, về con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân đang phấn đấu thực hiện.  Khi có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong mọi tình huống khó khăn, phức tạp, trước những bước ngoặt của cách mạng, người cán bộ, đảng viên của Đảng luôn giữ được bản lĩnh của người cộng sản, không vì những cám dỗ đời thường mà vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước.

Thường xuyên, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức: Đạo đức làm cho tư tưởng của người cách mạng trong sáng, khách quan, nhất quán, không có sự mờ ám, khuất tất. Thường xuyên, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức có vai trò quan trọng, chi phối đến hành vi của mỗi người. Đó là cơ sở để hoàn thiện nhân cách làm người, vươn tới các giá trị phổ biến: Chân, thiện, mỹ, đạt đến các chuẩn mực và giá trị văn hoá.

Tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Trong thời gian qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có giá trị và sức lan tỏa to lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện mọi mặt của cán bộ, đảng viên; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội. Thấm nhuần để từ đó thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả sự tự tu dưỡng của bản thân theo tấm gương hy sinh vĩ đại của Người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Nhận thức đầy đủ và sâu sắc về nguy cơ và những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là khi những biểu hiện suy thoái ngày càng tinh vi, được che đậy, tô vẽ dưới nhiều hình thức khác nhau như hiện nay. Bởi nếu không thực sự tỉnh táo, sáng suốt, hoặc nhận thức mơ hồ rất có thể sẽ bị rơi vào bẫy tự suy thoái bất cứ lúc nào. Đồng thời, cán bộ đảng viên còn cần nhận thức rõ ràng về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch khi chúng đang đẩy mạnh tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu đầu tiên của chúng là làm suy yếu Đảng, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng không ngừng tìm cách mua chuộc, lôi kéo cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ nội bộ tổ chức đảng, làm cho một bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hoá về đạo đức và lối sống. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có đời sống khá, thậm chí giàu có tôn sùng chủ nghĩa vật chất, đồng tiền, coi thường đạo lý, kỷ cương, bị cuốn theo lối sống xa hoa, hưởng thụ... không còn giữ được tư cách đạo đức của người cán bộ cách mạng. Một bộ phận có đời sống khó khăn, thấp kém, dễ bi quan, dao động, dễ bị lôi kéo, mua chuộc, kích động, lợi dụng… từ đó sinh ra tiêu cực, suy thoái.

Có thể nói, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện nghiêm khắc với chính mình thực sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng giai đoạn hiện nay.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 ngày càng khởi sắc, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt. Các ngành, các cấp đã thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội" với 19/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Năm 2022: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) dự kiến vượt kế hoạch, ước tính trưởng 9,11%, quy mô kinh tế ước đạt 100.172 tỷ đồng (theo giá thực tế); GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (tương đương 2.675 USD); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 2.258 triệu USD, tăng 45,73% so với năm 2021, đặc biệt xuất khẩu 02 mặt hàng thủy sản và gạo có sự tăng trưởng ấn tượng (lần lượt 37,98%, 34,08%). Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 7.540 tỷ đồng, bằng 111% dự toán năm (bằng 105% so với cùng kỳ năm 2021); chi cân đối ngân sách địa phương đạt 13.772 tỷ đồng, bằng 108% dự toán năm (bằng 73% so với cùng kỳ năm 2021). Giải quyết việc làm cho 36.500 lao động, đạt 121,7% kế hoạch, trong đó, có 1.878 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 125,2% kế hoạch([1]). Các chỉ tiêu ngành y tế đều đạt kế hoạch, bình quân trên một vạn dân số Tỉnh có 29,17 giường bệnh (4.674 giường bệnh), 9,88 bác sĩ và 5,3 dược sĩ. Tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,03%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục được chỉ đạo tăng tốc thực hiện, ước tính đến cuối năm 2022, công nhận thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 107/115 xã đạt chuẩn (tỷ lệ 93,04%, vượt mục tiêu 5 năm đạt 90%); các điểm du lịch đã thu hút 3,4 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 128,56% so với năm 2021, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 165,78% so với năm 2021. Tình hình an ninh biên giới và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội toàn Tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định.

2. Quy định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn

Ngày 16/12/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số: 28/2022-QĐ-UBND về việc quy định giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, theo đó, giá tiêu thụ nước sạch phục vụ sinh hoạt đối với hộ dân cư: Đối với sản xuất nước sạch từ nguồn nước ngầm là 6.500 đồng/m3; đối với sản xuất nước sạch từ nguồn nước ngầm có nhiễm Asen-Sắt và đối với sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt là 7.500 đồng/m3. Giá tiêu thụ nước sạch phục vụ sinh hoạt đối với hộ nghèo (hộ dân cư có sổ hộ nghèo): 4.500 đồng/m3, áp dụng cho định mức sử dụng không quá 08 m3/hộ/tháng; trường hợp sử dụng nước từ m3 thứ 09 trở lên thì áp dụng như giá tiêu thụ nước sạch phục vụ sinh hoạt đối với hộ dân cư.

Giá tiêu thụ nước sạch sử dụng vào mục đích khác (ngoài phục vụ cho sinh hoạt) do các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch quyết định cụ thể cho từng mục đích sử dụng theo mức giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt đã được quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng không vượt quá hệ số tính giá tối đa như sau: (1) Áp dụng hệ số tính giá tối đa so với giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt là 1,2 đối với cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập; trường học, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh (công lập và tư nhân); phục vụ mục đích công cộng (phi lợi nhuận). (2) Áp dụng hệ số tính giá tối đa so với giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt là 1,5 đối với tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất, kinh doanh, dịch vụ.

Giá bán nước sạch khu vực nông thôn (qua đồng hồ tổng) sẽ do các đơn vị cấp nước tự thoả thuận bảo đảm không cao hơn giá bán lẻ nước sạch theo quy định. Giá tiêu thụ nước sạch quy định đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên; chưa bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Căn cứ số lượng tiêu thụ nước sạch và điều kiện kinh doanh thực tế, đơn vị cấp nước được quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch thấp hơn mức giá quy định. Đơn vị sản xuất nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước sau khi xử lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và áp lực nước sau đồng hồ tổng theo quy định.

3. Đề án Chuyển đổi số y tế giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030

Ngày 20/12/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Quyết định số: 1398/QĐ-UBND-HC ban hành Đề án Chuyển đổi số y tế giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng và triển khai ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Tỉnh hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Cụ thể, Đề án phát triển 03 trụ cột chính bao gồm: Hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh; Xây dựng mô hình bệnh viện thông minh và ứng dụng bệnh án điện tử; Hệ thống quản trị và điều hành thông minh.

Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoặc thanh toán bằng thiết bị di động; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thực hiện việc thay phim bằng việc luân chuyển các ảnh chụp qua môi trường mạng để bảo đảm thông tin được chuyển tải đầy đủ và tiết kiệm chi phí in ấn.

Cùng với đó, 100% các trạm y tế xã được triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã với đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; triển khai mô hình Bệnh viện thông minh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và Đa khoa Sa Đéc; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai ứng dụng Bệnh án điện tử; hệ thống điều hành y tế thông minh có thể kết nối dữ liệu đến 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh; có khả năng thiết lập Hội chẩn từ xa tới 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.

Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 60% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế triển khai ứng dụng Bệnh án điện tử; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế hoàn thành triển khai việc thay phim bằng việc luân chuyển các ảnh chụp qua môi trường mạng để bảo đảm thông tin được chuyển tải đầy đủ và tiết kiệm chi phí in ấn; 100% các trạm y tế xã có khả năng tiếp nhận, khám, chữa bệnh cho người dân địa phương với sự hỗ trợ tư vấn từ xa của chuyên gia y tế tuyến trên thông qua nền tảng số trực tuyến.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Quy định những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định

Theo Luật 10/2022/QH15, ngày 10/11/2022 của Quốc hội, 09 nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định gồm: (1) Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã. (2) Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý. (3) Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án. (4) Dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, ghép cụm dân cư. (5) Dự thảo quyết định hành chính của uỷ ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng. (6) Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. (7) Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có). (8) Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã. (9) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật, quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần lấy ý kiến.

Tùy theo nội dung, tính chất, yêu cầu của việc lấy ý kiến nhân dân, khả năng, điều kiện đáp ứng thực tế của địa phương và phù hợp với quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định lựa chọn một hoặc một số hình thức quy định nêu trên để tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong tình hình mới

Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào (với khoảng trên 50 triệu người) và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Hiện nay, dưới tác động kép của đại dịch và kỷ nguyên số, nhiều công việc truyền thống sẽ dần biến mất hoặc bị thay thế, trong khi một số vị trí mới sẽ ra đời. Với những xu hướng đó, Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam vẫn quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, thì đến năm 2045 Việt Nam sẽ bị mất đi khoảng 2 triệu việc làm.

Giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn phát triển mới mang tính bứt phá của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh, phát triển nền kinh tế số, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Bối cảnh này cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước những tác động của chuyển đổi số, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

Sáng ngày 08/12/2022, Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 chính thức diễn ra tại khu vực sân bay Gia Lâm (Hà Nội) với sự tham gia của 30 quốc gia trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện này. Triển lãm có sự tham gia của hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp đến từ khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ tham gia trưng bày các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân, lục quân, phòng không - không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, duy trì, thúc đẩy và phát triển với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng, tăng cường lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đồng thời, khẳng định đây là biểu tượng cho lòng tin, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển, là tình cảm đầy ý nghĩa của bạn bè quốc tế dành cho đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cùng với đó, Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, trách nhiệm với bạn bè quốc tế. Hợp tác công nghiệp quốc phòng và Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2022 mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu, nghiên cứu xu hướng phát triển trang bị, kỹ thuật công nghiệp quốc phòng, an ninh trên thế giới; đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của nước ngoài vào sản xuất, trang bị khí tài, hậu cần đáp ứng cho lực lượng vũ trang các nước để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ người dân trước những thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Kết quả bầu cử tại Malaysia: Sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 của Malaysia tổ chức ngày 19/11/2022, nội các gồm 28 thành viên của tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã có buổi họp đầu tiên vào ngày 05/12/2022, đánh dấu trang sử mới trên chính trường Malaysia với việc lần đầu tiên có một chính phủ thống nhất và bao trùm, đa chủng tộc, đa tôn giáo và gồm đại diện của tất cả các đảng trong liên minh cầm quyền. Trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 24/11/2022, Thủ tướng Anwar Ibrahim cam kết hàn gắn đất nước chia rẽ sắc tộc, chống tham nhũng và hồi phục một nền kinh tế đang vật lộn với tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang. Đồng thời, khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính phủ là tăng cường quan hệ song phương, thương mại, đầu tư và văn hóa với Trung Quốc, nước láng giềng quan trọng của Malaysia, cũng như đánh giá cao vai trò của "người bạn láng giềng" Indonesia, Thái Lan và Singapore. 

- Trung Quốc công bố kế hoạch 10 điểm tối ưu hóa phản ứng chống dịch Covid-19: Trung Quốc vừa tiếp tục điều chỉnh và tối ưu hóa phản ứng chống dịch Covid-19 qua việc ban hành 10 biện pháp mới, bao gồm việc cho phép người mang mầm bệnh không triệu chứng và bệnh nhân có triệu chứng nhẹ cùng những người đáp ứng các yêu cầu nhất định được cách ly tại nhà. Giới chức y tế cấp cao Trung Quốc nhấn mạnh, động thái này không báo hiệu việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp chống dịch, mà đó là sự cân nhắc toàn diện dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy được để đối phó với các đặc điểm mới của virus SARS-COV-2. 10 biện pháp mới trên là những bước đi quan trọng để hướng tới các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 một cách chính xác và khoa học hơn, vì sự phổ biến của biến thể Omicron và các biến thể phụ của nó khiến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trước đây trở nên quá tốn kém và cuối cùng không mang lại hiệu quả.

                                      Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

([1]) Tính đến nay, có khoảng 36.498 lao động được hỗ trợ tìm việc làm (đạt 121,7% kế hoạch), trong đó có 1.779 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 118,6% kế hoạch năm).