Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2023

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Tăng cường công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay" của Thiếu tá Hà Văn Nguyện, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, mục Đảng viên.

Cán bộ, đảng viên là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Tăng cường công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Để xây dựng được đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, Đảng phải tiến hành nhiều mặt công tác, trong đó, công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là vấn đề cơ bản của công tác xây dựng Đảng, một trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Làm tốt công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay sẽ trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường, quan điểm, bồi dưỡng và phát triển phẩm chất tốt đẹp của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng; chủ động ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Qua thời gian tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã "có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực", góp phần "nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ta chỉ rõ công tác tư tưởng thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong quá trình quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp vừa có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, vừa góp phần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cấp uỷ, tổ chức đảng cần căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, đặc điểm tâm lý, phẩm chất, nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác tư tưởng, quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp uỷ đảng cần có chương trình, kế hoạch, đề án nhằm triển khai hiệu quả nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XIII, mà trọng tâm là công tác giáo dục chính trị tư tưởng của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị phải đạt được mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, tăng cường sự thống nhất, đồng thuận về tư tưởng, chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng năng lực, ý thức trách nhiệm, phương pháp tác phong công tác cho đội ngũ cấp ủy viên trực tiếp quản lý, theo dõi tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, cấp uỷ viên được phân công trực tiếp làm công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người có tính đảng cao, có uy tín ở địa phương, đơn vị; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có phương pháp tốt trong vận động, giáo dục, thuyết phục đảng viên. Vì vậy, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cấp uỷ viên trực tiếp làm công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức, cần chú trọng công tác tự bồi dưỡng, tự đào tạo.

Bốn là, tăng cường hiệu quản công tác kiểm tra, giám sát với xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Để việc quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên được tốt, cần kiểm tra, giám sát đảng viên về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; những điều đảng viên không được làm; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc; chế độ công tác; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên... Tích cực quán triệt và thực hiện nghiêm những nội dung trong Quy định số 109-QĐ/TW ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cần kiểm tra việc nghiên cứu quán triệt những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và đấu tranh với những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên...

Năm là, phát huy vai trò tự quản lý, tự giác giáo dục, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, biểu hiện thái độ tự giác, biến động cơ tự quản lý, tự giáo dục đúng đắn thành kết quả hành động trên thực tiễn. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống là giá trị riêng của từng người, là kết quả của quá trình phấn đấu rèn luyện lâu dài, bền bỉ, gian khổ của mỗi cán bộ, đảng viên mới tạo nên. Phát huy vai trò tự quản lý, tự giác giáo dục, rèn luyện về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ là phương thức quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống tích cực mà còn là một trong những phương thức tổ chức phong trào cách mạng.

Hiện nay, những biến động phức tạp của tình hình, sự phát triển của nhiệm vụ cách mạng, trước âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt và thâm độc của các thế lực thù địch và sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, vì vậy, tăng cường công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới là nội dung quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 năm 2023

So với tháng 01/2023, trong tháng 02/2023: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 9.510 tỷ đồng, bằng 97,63%; kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 101.760 ngàn USD, tăng 2,04%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 65.426 ngàn USD, tăng 0,23%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,64%. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, các cơ sở y tế đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để theo dõi tình hình khách nhập cảnh vào Tỉnh từ vùng có dịch bệnh như: Đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính mới, cúm A (H5N1) hoặc dịch mới nổi khác nhập cảnh qua biên giới để có biện pháp xử lý theo quy định và phát hiện các nguy cơ lây lan bệnh dịch. Đến nay, toàn Tỉnh có 2.888 lao động được giải quyết việc làm, trong đó 201 lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lao động đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng là 1.535 người. Trong tháng, đã ban hành quyết định cho 485 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền 6.959,29 triệu đồng.

2. Phát triển du lịch Đồng Tháp trong năm 2023

Ngày 24/02/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 70/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2023. Theo đó, Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có khoảng 50.000 khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Để đạt được chỉ tiêu trên, Tỉnh sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách; hình thành các tour, tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên tỉnh; du lịch văn hóa - lịch sử (Đình làng - Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch sự kiện/hội nghị - thưởng thức ẩm thực Sen kết hợp mua sắm đặc sản, sản phẩm OCOP; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch đường thủy…

Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, để tạo sản phẩm du lịch vùng Mekong, thu hút khách quốc tế, có tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa phía Bắc; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch...

3. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới

Ngày 22/02/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 59/UBND-ĐTXD về triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, trong đó, trọng tâm là tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền; nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ và sự cố, tai nạn của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả; tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2022; dự báo năm 2023

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD; giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, số vốn giải ngân đạt mức hơn 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.

Năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD... Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, tập trung vào chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD; ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam được dự báo có thể đạt 38 tỷ USD. Báo chí và truyền thông quốc tế đánh giá với lợi thế về chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chính sách đầu tư cởi mở, số lượng nhà máy lớn đang tăng dần lên, Việt Nam được các công ty nước ngoài chú ý như một điểm đến cạnh tranh FDI.

2. Một số điểm sáng về ngành du lịch Việt Nam năm 2022

Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt (bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm). Lượng khách du lịch nội địa đạt 101 triệu lượt, tăng hơn 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra. Tổng thu từ du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á"…

Tuy nhiên, năm 2022 ngành Du lịch Việt Nam chỉ đón 3,5 triệu khách, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu khách. Một số thị trường truyền thống của Việt Nam tại Đông Bắc Á chưa mở cửa lại và khá dè dặt, dòng khách từ châu Âu bị hạn chế. Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được thành lập đã lâu nhưng vốn điều lệ cho quỹ này hoạt động chậm. Chính sách thị thực của Việt Nam còn nhiều rào cản…

Năm 2023, ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia, ngành du lịch cần thực hiện chính sách visa với thủ tục nhanh chóng, tăng thời gian lưu trú cho du khách; mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, nhất là với thị trường tiềm năng, như: Châu Âu, Australia, New Zealand, Canada; xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu khách quốc tế, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà Singapore và Brunei Darussalam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam (08 - 11/02/2023).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với hai nước đang phát triển tích cực và mạnh mẽ; Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2023; Việt Nam và Brunei vừa kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao năm 2022.

Chuyến thăm đã đạt được một số kết quả quan trọng sau: 

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Singapore và Brunei đều nhất trí không ngừng gia tăng tin cậy chính trị chiến lược với Việt Nam thông qua tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và các thỏa thuận hợp tác quan trọng. Nhiều văn kiện hợp tác đã được ký kết giữa Việt Nam với hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác hàng hải, thanh niên, lãnh sự, nghiên cứu và đào tạo.

Thứ hai, kết quả chuyến thăm đã tiếp thêm động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Singapore và Brunei, góp phần tích cực hỗ trợ công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng và được lãnh đạo các nước ủng hộ, trong đó có việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Brunei nhằm hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Thứ ba, các kết quả thực chất đạt được trong chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Việt Nam với hai nước trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, giáo dục đào tạo, dầu khí, du lịch, giao lưu nhân dân…

Thứ tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Singapore và Việt Nam; tọa đàm với 32 quỹ đầu tư lớn của Singapore và quốc tế có trụ sở tại Singapore để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng - hóa chất hàng đầu Brunei; tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của hai nước.

Thứ năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao đổi thẳng thắn, tin cậy với lãnh đạo của Singapore và Brunei về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông; thống nhất những phương hướng lớn nhằm tăng cường phối hợp giữa Việt Nam với hai nước tại các các thể chế hợp tác đa phương.

2. Một số vấn đề cần quan tâm về ứng dụng ChatGPT

ChatGPT - ứng dụng chatbot của Công ty OpenAI (Mỹ) đang là một trong những từ khóa "hot" được quan tâm nhất trong thời gian gần đây bởi đây đang là một trong những ứng dụng Internet có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất trong lịch sử, cán mốc 100 triệu người sử dụng chỉ sau 2 tháng ra mắt. Đây là một sản phẩm công nghệ cho phép tổng hợp nội dung từ nhiều văn bản để trả lời câu hỏi của người dùng. Nhưng cùng với việc ứng dụng chatbot này đang thu hút sự chú ý của hàng triệu người, thì cũng đã xuất hiện những lo ngại, cảnh báo về tính rủi ro mà nó có thể mang lại.

GPT (Generative Pre-training Transformer) là một mạng lưới thần kinh AI (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người. Do đó, nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ…

Theo các chuyên gia, sở dĩ ChatGPT "làm mưa làm gió" ngay khi xuất hiện bởi ChatGPT có khả năng thực hiện đối thoại với người lạ, trả lời câu hỏi, viết thơ, văn, kịch bản, bài luận... Bên cạnh đó, chatbot còn có thể giải thích nhiều câu hỏi phức tạp như người thật, hay giúp các lập trình viên tìm lỗi trong mã họ viết. Đặc biệt, ChatGPT có khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh như con người qua việc tham gia vào các cuộc trò chuyện dài và khiến người dùng có cảm giác như đang thực sự nói chuyện với một người, chứ không phải với một cỗ máy…

Các chuyên gia cũng cảnh báo, ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Việc sử dụng ChatGPT sẽ dẫn đến một số công việc bị ảnh hưởng như nghề viết quảng cáo, nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng... Sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Vì vậy, một số trường học ở một số nước đã chặn sử dụng ChatGPT trên các thiết bị và mạng của trường. Một số hội thảo khoa học cũng đã yêu cầu không sử dụng các nội dung do ChatGPT tạo ra…

                                      Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp