Xuất bản thông tin

null Đồng chí Chu Huy Mân - Nhà quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ quốc tế trong sáng

Trang chủ Tài liệu tuyên truyền

Đồng chí Chu Huy Mân - Nhà quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ quốc tế trong sáng

Đồng chí Chu Huy Mân là một tài năng quân sự - chính trị xuất sắc, có tầm chiến lược và cũng rất giỏi về chiến dịch, chiến thuật, xông pha khắp các chiến trường Cao - Bắc - Lạng, Khu 4, Khu 5, Tây Bắc, Tây Nguyên, chiến trường Lào,... từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị, quân sự; có lúc kiêm cả Chính ủy và Tư lệnh các đại đoàn, sư đoàn, quân khu, mặt trận. Đồng chí vừa là vị tướng có tài thao lược trên chiến trường, vừa là nhà chính trị sắc sảo, nhìn xa trông rộng, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, trình độ quân sự, lý tưởng, niềm tin và đạo đức cách mạng cho các lực lượng vũ trang của ta, được cán bộ, chiến sĩ trìu mến gọi là vị tướng "Hai Mạnh".

Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Ðiều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và đấu tranh cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính mến của nhân dân ta, do đó đồng chí Chu Văn Điều đã sớm tiếp thu truyền thống quê hương và giác ngộ cách mạng.

Năm 1929, khi mới 16 tuổi, Đồng chí tích cực tham gia các phong trào yêu nước ở quê hương, được cử làm Đội phó Đội Tự vệ Đỏ; tháng 11/1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Trong cuộc "khủng bố trắng" của thực dân Pháp tháng 6/1931, đồng chí Chu Văn Điều bị địch bắt. Sau nhiều ngày tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ý chí quyết không "quy thuận" địch buộc phải thả Đồng chí.

Năm 1933, Đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu; tháng 5/1935, Đồng chí đổi tên thành Chu Huy Mân với ý nghĩa là "ngọc sáng", tên gọi này đã theo Đồng chí đến trọn đời. Năm 1936, Đồng chí là Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Từ năm 1937 - 1940, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1943, Đồng chí vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng; tháng 9/1944, tham gia Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam; đầu tháng 8/1945, tham gia Ban Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh Quảng Nam. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; tháng 9/1945, Đồng chí vào quân đội và được phân công làm Chính trị viên Chi đội (Tỉnh đội).

Sau một thời gian ổn định tình hình, Xứ ủy Trung Kỳ điều động đồng chí Chu Huy Mân ra Huế giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C, gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam. Từ cuối năm 1946 đến tháng 5/1951, Đồng chí được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của Quân đội: Trưởng ban Kiểm tra Ðảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc; Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 72 tham gia Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, chỉ huy Trung đoàn 74 sang giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng (1948 - 1949), chỉ huy Trung đoàn 174 tham gia đánh trận then chốt Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới 1950 thắng lợi; Phó Chính ủy, Chính ủy Ðại đoàn 316, Bí thư Ðảng ủy Ðại đoàn 316 (tháng 5/1951), cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, từ Bắc Giang đến Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (ngày 13/3/1954), khai hỏa trận đánh Đồi A1 bắt sống tướng Đờ Cátxtơri trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với kinh nghiệm lãnh đạo công tác chính trị, quân sự, công tác tổ chức, đào tạo, huấn luyện cán bộ và chỉ huy chiến đấu của Chính ủy Đại đoàn 316, cuối năm 1954, đồng chí Chu Huy Mân được Bác Hồ, Trung ương Đảng và quân đội tin tưởng giao trọng trách làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn quân sự sang giúp Đảng và Bộ Quốc phòng Lào (gồm cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và các đơn vị chuyên môn kỹ thuật trực thuộc bộ và lực lượng vũ trang ba thứ quân). Trên cương là Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn quân sự, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng các đồng chí lãnh đạo nước bạn bàn bạc, thống nhất, xác định trọng tâm nhiệm vụ là giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự cả về kiến thức chuyên môn và năng lực lãnh đạo, tổ chức kháng chiến.

Nghiên cứu điều kiện đặc thù của nước bạn Lào, đa số cán bộ còn hạn chế về trình độ nhận thức, các đơn vị quân đội Lào hoạt động phân tán, không thể tổ chức huấn luyện và giáo dục tập trung, đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo cán bộ trong Đoàn cố vấn quán triệt phương châm "giúp bạn là tự giúp mình"; phải nâng cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau. Đồng chí thường căn dặn cán bộ của Đoàn cố vấn trong quan hệ công tác với cán bộ Lào phải bình tĩnh, khôn khéo và chân tình, động viên, hướng dẫn các đồng chí Lào một cách cặn kẽ, gợi ý để cán bộ của bạn suy nghĩ rồi tự đề ra chủ trương, biện pháp, thực hiện phương châm đào tạo theo cách không buông trôi, nhưng cũng không nóng vội bao biện, làm thay. Trường học tốt nhất để cán bộ Lào rèn luyện và trưởng thành trong mọi điều kiện là phải tham gia hoạt động thực tiễn. Cần phải giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức của cán bộ Lào về những vấn đề cơ bản của cách mạng, kết hợp với huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự, để cán bộ, chiến sĩ Lào có thể sử dụng thành thạo các loại vũ khí, chiến thuật chiến đấu.

Với sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam, lực lượng quân đội kháng chiến Pathét Lào đã tổ chức thi đua học tập, huấn luyện chính trị, quân sự, phát triển và nâng cao chất lượng các đơn vị chiến đấu ba thứ quân, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở khắp các địa phương trên đất nước Lào. Hầu hết cán bộ Lào được qua đào tạo đã có nhận thức chính trị vững vàng, được trang bị kỹ năng chiến đấu, đặc biệt tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội kháng chiến Pathét Lào với bộ đội tình nguyện Việt Nam ngày càng thắt chặt.

Không những thế, đồng chí Chu Huy Mân còn chỉ đạo một số cán bộ tuyên huấn và cán bộ quân sự có kinh nghiệm giúp cán bộ Lào biên soạn các tài liệu phục vụ cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện quân sự, làm tài liệu học tập. Đồng chí căn dặn, các tài liệu phải được biên soạn sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ liên hệ với hành động cụ thể, phù hợp với trình độ của cán bộ nước bạn và cùng bạn tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự sâu rộng trong các đơn vị. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giúp bạn. Sau thời gian giúp nước bạn Lào, năm 1957, đồng chí được giao giữ chức vụ Chính ủy Quân khu 4. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng, Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc. Năm 1961, đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4.

Nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân tại quê nhà xã Hưng Hoà, TP. Vinh, Nghệ An

Năm 1962, Đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Phơ-run-de (Liên Xô). Tháng 9/1963, Đồng chí vào chiến trường Khu 5 làm Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Từ năm 1967 đến năm 1975, Đồng chí làm Tư lệnh Quân khu 5 lúc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Chúng dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc để đánh phá ta. Là một cán bộ chỉ huy cấp đại đoàn, quân khu với ý chí cách mạng kiên cường và tư duy chiến tranh cách mạng sâu sắc, Đồng chí luôn lấy mục tiêu đánh thắng quân Mỹ xâm lược làm tư tưởng chỉ đạo hành động xuyên suốt trong chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, luôn tìm mọi cách buộc địch đánh theo cách đánh, thế trận bày sẵn của ta để giành thế chủ động trên chiến trường. Suốt thời gian gắn bó với mảnh đất Khu 5 - Tây Nguyên, tài thao lược của đồng chí đã góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, nổi bật như chiến thắng Ba Gia tiêu diệt chiến đoàn quân ngụy, chiến thắng Plâyme - IaĐrăng lừng lẫy, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp ngụy và lần đầu tiên tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ,...

Trí tuệ, tài năng quân sự - chính trị của đồng chí Chu Huy Mân được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Chính vì vậy mà trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông, chủ động tháo gỡ khó khăn, thách thức, tìm tòi các phương pháp công tác táo bạo, hiệu quả. Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình, đồng chí là một trong số ít được phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng vào năm 1974.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên đại thắng mùa xuân ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng chí tiếp tục giữ chức vụ Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy, Chính uỷ Quân khu 5. Tháng 3/1977, đồng chí được Bộ Chính trị giao trọng trách là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt, phẩm chất cao quý của một vị tướng, tài thao lược và tính quyết đoán đã được Đồng chí phát huy cao độ trong lãnh đạo xây dựng Tổng cục Chính trị ngày càng lớn mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 1980 Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, trong giai đoạn từ tháng 3/1977 - 12/1986, Đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Ðảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Ðảng ủy Quân sự Trung ương và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tháng 7/1981.

Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng. Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) và Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ V (năm 1982), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Ðồng chí là đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII. Tháng 12/1986, Đồng chí nghỉ công tác.

Từ những cống hiến to lớn đối với dân tộc, những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình hoạt động cách mạng, Đồng chí được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng cùng nhiều huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và nước bạn Lào.

Với chín mươi ba năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực, tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc, quân đội và giúp đỡ cách mạng Lào. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là sự tận tuỵ, không quản gian khổ, hy sinh, một lòng trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, luôn nêu cao bản lĩnh kiên cường của người cộng sản trước mọi khó khăn, thử thách, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay, mai sau học tập và noi theo.

Thanh Tài