Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2020

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Nội dung bài viết “Chuyện mua, chuyện bán” của tác giả Xích Lô

Có thể nói rằng, chuyện mua bán là những chuyện “xưa như trái đất”! Khi loài người qua thời săn bắt, hái lượm, tự cung tự cấp, biết tạo ra nhiều của cải thì cũng là lúc bắt đầu có chuyện bán, chuyện mua rồi. Người có bán cho người cần mà không có. Người dư thừa bán cho người thiếu thốn. Ban đầu thì hàng đổi hàng, tất nhiên có cách cân bằng giá trị. Sau đó, người ta dùng vật thay thế để thuận tiện cho việc quy đổi. Khi tiền mặt ra đời thì chuyện mua, chuyện bán dễ dàng hơn, tiện lợi hơn rất nhiều.

Nói “vòng vo tam quốc” để thấy rằng, chuyện mua bán ngày xưa đơn giản là chuyển cái hữu hình trong tay người này sang tay người khác. Theo đà phát triển tư duy của con người, chuyện mua bán dần có thêm những yếu tố vô hình. Trong nhiều trường hợp yếu tố ẩn đằng sau đó lại quan trọng hơn sản phẩm hữu hình. Người ta không chỉ mua bán một sản phẩm, dịch vụ đơn thuần, mà còn thông qua các mối quan hệ cảm xúc - cảm xúc người bán và người mua. Người ta không chỉ mua bán một sản phẩm, dịch vụ, mà còn thông qua hành vi - hành vi của người bán và người mua. Người ta không chỉ mua bán một sản phẩm, dịch vụ, mà còn trên nền tảng văn hoá - văn hoá của người bán và người mua.

Đằng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ là có bao nhiêu con người cùng lao động vất vả, bằng cả bàn tay lẫn khối óc, bằng cả mồ hôi lẫn nước mắt, tạo ra được. Nào là, người nông dân “dãi nắng, dầm sương”. Nào là, người công nhân nhọc nhằn đứng máy. Nào là, người thiết kế ý tưởng, người sáng tạo mẫu mã, người làm bao bì nhãn mác. Nào là, người bốc vác, người vận chuyển. Nào là, người đưa hàng hoá ra thị trường, người truyền thông... Như vậy, một sản phẩm, dịch vụ nào đó, là tích hợp công sức của biết bao con người, là việc làm, là thu nhập của rất nhiều người và gia đình của họ.

Đằng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ, còn là hình ảnh một địa phương, một vùng đất với những con người gọi nhau hai tiếng “bà con”, hai chữ “đồng bào”. Nhiều người thường ví von: “Bụt nhà không thiêng!” - Trong hoàn cảnh này tức là cái chung quanh đôi khi mình chưa thấy trân quý. Mỗi lần đi xa thì lại khác, nhìn thấy sản phẩm quê nhà là lòng dâng trào niềm tự hào về quê hương, càng thấy trân quý thêm mảnh đất quê nhà với những con người đang chuyển mình thay đổi nhưng vẫn còn bao gian lao, vất vả.

Đằng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ là cả dòng chảy lịch sử trầm tích dần theo năm tháng. Ngày xưa, ông bà mần như vầy nè, rồi tới thời cha mẹ mần như vầy nè, còn bây giờ mần như vầy nè... Ngày xưa có cái ngon, cái hay của ngày xưa, còn hôm nay, vừa kế thừa cái của người xưa để lại, vừa phải thích nghi với xu thế mới. Ngày xưa ông bà, cha mẹ sản xuất, làm dịch vụ thuận theo tự nhiên, còn ngày nay, phải kết hợp yếu tố thuận theo tự nhiên với phát huy công nghệ để tạo ra giá trị mới. Một câu chuyện sản phẩm được viết ra bằng lịch sử rồi còn gì!

Vậy là, “chuyện mua, chuyện bán” không còn đơn thuần là sự đổi chác vật chất hữu hình, mà nó có ý nghĩa hơn nhiều, chiều sâu hơn nhiều. Nó bao hàm cả yếu tố cảm xúc, tình cảm với quê hương, sự trân quý thành quả của người khác, sự cổ vũ những ý tưởng sáng tạo. Nói như vậy để thấy rằng, bán được một sản phẩm, dịch vụ của địa phương không chỉ tạo ra giá trị tính bằng doanh thu và lợi nhuận, mà đồng thời còn tạo ra giá trị cho nhiều người khác, giá trị của cả quê hương, xứ sở. Theo dòng tư duy đó thì mua một sản phẩm, dịch vụ của quê mình là gián tiếp giúp cho biết bao bà con mình, em cháu mình. Vậy nên, mới có chủ trương khuyến khích “Người Việt dùng hàng Việt”, ở phạm vi hẹp hơn là “Người quê mình dùng hàng quê mình”. Tất nhiên là không được cục bộ dẫn đến cực đoan! Tất nhiên là chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải không ngừng được cải thiện!

Nhưng ai là người bán sản phẩm, dịch vụ? Tất nhiên, trước hết đó là người trực tiếp bán hàng, là thương lái, là doanh nghiệp. Nhưng trong thời đại công nghệ này, ai cũng có thể gián tiếp trở thành người bán hàng nếu biết dùng giá trị của mình để tạo ra giá trị mới cho người khác. Thỉnh thoảng được người này người nọ chia sẻ những trang Facebook, mạng Viber, Zalo... đăng các mẫu tin giới thiệu sản phẩm, dịch vụ quê mình cho bạn bè, người thân; vậy là, gián tiếp bán hàng rồi còn gì?! Thỉnh thoảng bắt gặp trên các mạng truyền thông chính thức lẫn truyền thông xã hội chuyển tải những câu chuyện viết rất sâu sắc về đặc sản, cảnh đẹp, món ăn quê mình để lan toả khắp nơi; vậy là, gián tiếp bán hàng rồi còn gì?! Thỉnh thoảng thấy người mua sản phẩm quê mình để biếu tặng cho đối tác, bạn bè, người thân; vậy là, vừa mua vừa gián tiếp bán hàng rồi còn gì?!

Mỗi người đều có thể bằng cách này cách khác giúp cho quê hương mình phát triển. Ngược lại, cũng là không vô can trong sự tụt hậu của một nơi được gọi là Đất Sen hồng yêu quý này!

“Có một nơi như thế” - nơi mà mỗi người dân đều tự hào vì mình đã làm được một điều gì đó vun đắp cho mảnh đất này ngày càng thịnh vượng. Đó cũng là cách mỗi người trả một món nợ với quê hương thân thương của mình.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Nhiều điểm mới trong công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (TNTHPT) năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 9 - 10/8/2020. Học sinh lớp 12 và thí sinh tự do sẽ dự thi các môn Ngữ văn, Toán vào ngày 9/8, ngày 10/8 thí sinh dự thi bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Ngoại ngữ. So với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, kỳ thi TNTHPT năm 2020 có nhiều điểm mới trong công tác tổ chức, bảo mật, coi thi…

Tên kỳ thi năm 2020 là kỳ thi TNTHPT năm 2020, kỳ thi nhằm thực hiện mục đích: Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông  và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ra đề thi. Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Đối với thí sinh sẽ thi 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là KHTN và KHXH. Để xét công nhận TNTHPT, thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi trong số 2 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi trong số 2 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn… Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh. Học sinh, học viên đăng ký dự thi từ ngày 15/6 - 30/6; từ ngày 30/6 - 23/7, các đơn vị đăng ký dự thi nhập dữ liệu của các thí sinh vào phần mềm, kiểm tra các thông tin thí sinh; hoàn thành việc đánh số báo danh, xếp phòng thi trước ngày 1/8 các đơn vị đăng ký dự thi hoàn thành in giấy báo thi, trả giấy báo dự thi cho thí sinh.

2. Phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi tái phát và lây lan

Ngày 9/6/2020, bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã tái phát trên đàn heo của 01 hộ chăn nuôi tại ấp Mỹ Đông 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh. Trước nguy cơ dịch bệnh tái phát và có khả năng lây lan trên diện rộng, đặc biệt khi người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn, ngày 12/6/2020, UBND Tỉnh ban hành công văn số: 398/UBND-KT về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi tái phát và lây lan trên diện rộng. Theo đó, UBND Tỉnh yêu UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền cấp xã chủ động áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi theo quy định. UBND xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng, chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan..

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Việt Nam chính thức thông qua Hiệp định thương mại tư do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA)

Ngày 08/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa sớm kết thúc, tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam, việc Quốc hội thông qua EVFTA và EVIPA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: (1) Góp phần hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch; (2) Tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; (3) Trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, việc thông qua hai Hiệp định này sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Để khai thác được tối đa lợi ích của hai Hiệp định nêu trên mang lại, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về hai Hiệp định trên và thị trường của các nước EU cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ nhà nước tại các địa phương hiểu rõ và thực hiện đúng cam kết trong các FTA thế hệ mới.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, đặc biệt chú trọng đến các nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết theo chuỗi sản xuất, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh và chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền sản xuất cung ứng toàn cầu.

2. Một số kết quả của công tác chăm sóc người có công với cách mạng

- Kết quả nổi bật

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công vẫn được duy trì và đạt được kết quả nhất định.

Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công dịp Tết Nguyên đán 2020 là hơn 358 tỷ đồng, cho 1,75 triệu đối tượng. Các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và nhiều gia đình chính sách người có công tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước với tổng số kinh phí quà tặng khoảng trên 1.670 tỷ đồng.

- Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới

Một là, hoàn thiện thể chế về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật về người có công.

Hai là, tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.

Ba là, phát triển hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định gen.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả Hội nghị trực tuyến Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc

Hội nghị diễn ra vào ngày 29/5/2020, tại Hà Nội, với sự chủ trì của đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký phía Việt Nam và đồng chí La Chiếu Huy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thư ký phía Trung Quốc.

Tại Hội nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các biện pháp phòng, chống nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển bình thường sau dịch bệnh. Hai bên cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trong công tác phòng, chống Covid-19.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện và phối hợp đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền, giảm ách tắc, tồn đọng hàng hóa tại khu vực cửa khẩu với các biện pháp cụ thể, như: (1) Xem xét phê chuẩn mới các cửa khẩu được chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu hoa quả, lương thực, trước mắt là cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu; (2) Tăng số lượng tàu hàng chuyên dụng nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam, mở rộng mặt hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường, tăng thời gian thông quan tại các cặp cửa khẩu; (3) Đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho một số hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam, mở rộng danh sách doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu sữa và gạo sang Trung Quốc.

Hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán hiện nay đạt kết quả thực chất. Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng trao đổi về những lo ngại của Việt Nam trước các diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông; nêu ý kiến về những quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác và giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thỏa thuận, nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế.

2. Về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết tại Phần Lan ngày 24/3/1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002, Hiệp ước này cho phép các nước tham gia công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên. Hiện có 34 quốc gia tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở, trong đó bao gồm Nga, Mỹ và một số thành viên khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mục đích chính của Hiệp ước là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị, qua đó, hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Ngày 21/5/2020, Báo Gazeta.ru của Nga cho biết Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga, với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước". Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sau khi cân nhắc cẩn thận, Mỹ nhận thấy việc tiếp tục là thành viên của Hiệp ước Bầu trời Mở không còn phù hợp với lợi ích của nước này. Mỹ chỉ trích các hành động vi phạm của Nga không những đã cản trở mục đích xây dựng lòng tin của Hiệp ước mà còn gia tăng nghi ngờ và các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ có thể cân nhắc lại quyết định của mình nếu Nga quay lại tuân thủ các cam kết của mình đối với Hiệp ước này.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở là bước đi đáng tiếc, bởi đây là một hiệp ước có ý nghĩa then chốt để đảm bảo niềm tin lẫn nhau ở châu Âu. Sự đổ vỡ của Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và phương Tây do thiếu cơ chế minh bạch về quân sự. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các thành viên tham gia, kể cả các nước thành viên NATO. Động thái của Mỹ sẽ là đòn mạnh không chỉ giáng vào nền tảng an ninh châu Âu mà còn vào những lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh của Mỹ.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp