Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2020

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Thông tin bài viết “Câu chuyện về một chuyến trở về” của tác giả Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Ông bà mình có câu nhắc nhở rất sâu sắc: "Lá rụng về cội"! Vậy là, đi đâu, ở đâu, cũng cần phải nhớ về nguồn cội và nếu có cơ duyên quay về nguồn cội! Hành trình ra đi bốn phương trời cũng là hành trình trở về nguồn cội, nơi nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn, như một tác giả đã viết. Và, Nhạc sư Vĩnh Bảo đã trở về cái làng Cao Lãnh thân thương thấm đậm hồn xưa, tích cũ cũng là “Hành trình trở về nguồn cội”!

Trong bộn bề của cuộc sống, để sinh tồn, con người thường hướng về cái hữu hình có thể "đong, đo, đếm" được: Giàu - nghèo, sang - hèn, danh - lợi, cao - thấp... Rồi đôi khi tĩnh lại, mỗi người cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó, mất mát một điều gì đó, nhầm lẫn một điều gì đó... mà không cảm nhận được. Đó là cảm xúc, đó là hồn người, đó là chiều sâu của những giá trị văn hoá vô hình. Có những người có thể bù đắp, có thể giúp cho ta như "tĩnh người lại", sống chậm hơn một chút, sống tốt hơn một chút, sống thanh thản hơn một chút. Một trong những con người ấy là Nhạc sư Vĩnh Bảo, một người biến tài hoa thành giá trị. Giá trị không chỉ từ những thang âm truyền thống được "búng gảy" từ đôi tay gầy guộc, mà từ những thang âm cuộc đời được "bung bật" lên từ trái tim nhân hậu, khoan dung, nghĩa tình, thuỷ chung, sâu sắc.

Trên con đường đi tìm kiếm sự thịnh vượng cho quê hương xứ sở, chắc hẳn, ai cũng đã từng phải lo cái ăn cái mặc, cái nhà cái cửa, cái nơi mình sống, cái chỗ mình làm. Muốn vậy, phải thu hút nhà đầu tư, phải kết nối nguồn lực. Phải rồi, "Có thực mới vực được đạo" mà!. Lĩnh vực phát triển kinh tế ở đâu, lúc nào cũng luôn được xem là "hơi thở" không thể thiếu được nếu muốn làm cho quê hương trở nên trù phú, thịnh vượng, người dân giàu có, hạnh phúc. Và như vậy, có những lúc không tránh khỏi đâu đó xem văn hoá trong thời buổi "cơm áo, gạo tiền" là những gì "tận đâu đâu", những gì hơi xa xỉ. Và có những lúc đâu đó hạ thấp vai trò của văn hoá trong dòng chảy của sự phát triển. Và như vậy, kiểm đếm cái hữu hình kinh tế với những con số định lượng cho sự tăng trưởng đôi khi lấn át vai trò văn hoá vô hình như là một động lực làm khơi thông dòng chảy trong trái tim, khối óc của mỗi người.

Nhưng, như ai đó tổng kết rằng, mọi cái hữu hình có thể mất đi chỉ có văn hoá vô hình vẫn còn mãi. Có người còn nhấn mạnh: "Mất văn hoá là mất tất cả" kia mà! Và đó chính là cơ duyên để quê hương Đồng Tháp kết nối với người Nhạc sư xa xứ và đón Cụ trở về nơi nguồn cội, nơi "tiếng gà Cao Lãnh vẫn thánh thót trưa hè", nơi những đoá Sen hồng vẫn vươn mình ngát hương buổi sáng. Nhạc sư trở về nhẹ nhàng trong ngôi nhà bình dị bên con rạch Cái Sâu bình dị mỗi ngày hai con nước lớn ròng. Nhạc sư trở về có thể những cảnh cũ, người xưa không còn nữa nhưng mảnh đất này vẫn đậm đà hồn quê, chân chất hồn người. Nhạc sư trở về đâu chỉ đánh thức sự cảm thụ những thang âm tài tử Nam Bộ, mà còn đánh thức niềm tự hào với quê hương xứ sở của biết bao con người đất Sen hồng hôm nay và mai sau. Quê hương đó có người con được nhìn nhận như là “Quốc bảo”, người đã góp phần làm rạng danh người Việt.

Lại nói về nguồn vốn cho sự phát triển, niềm tự hào có phải là nguồn vốn không? Chắc hẳn là có! Một khi con người không còn biết tự hào về nơi mình sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc thì có lẽ cũng sẽ thiếu đi niềm tin vào một ngày mai tươi sáng của quê hương mình. Một khi niềm tin bị đánh mất thì sẽ không còn động lực, không còn khát vọng vì quê hương mình. Một biểu tượng sống, như người Nhạc sư đáng kính với đầy ấp triết lý nhân sinh để lại cho bao người, sẽ là thỏi nam châm hút mọi người gần nhau hơn, hợp tác với nhau hơn, sống tử tế với nhau hơn. Niềm tin được tạo ra từ người Nhạc sư ấy, văn hoá trong mỗi con người cũng sẽ được vun đắp từ người Nhạc sư ấy.

Căn nhà nhỏ bên con rạch nhỏ nhưng chứa đựng trong đó một trái tim lớn, một tấm lòng nhân hậu bao la, một nhân cách mà làm cho mỗi người khi tiếp xúc tự nhìn lại mình, tự nhủ lòng mình, tự răn mình trước bao điều chập chờn trong cuộc sống muôn màu. Tiếng đàn bổng trầm, thánh thót, nhặt khoan ấy đã gieo vào lòng biết bao con người suốt hành trình trăm năm, nay lại gieo tiếp vào những người đất Sen hồng những khát vọng lớn lao, đốt cháy những trái tim nguội lạnh, thờ ơ với nhịp đập của cuộc sống, đứng bên lề của dòng chảy phát triển. Căn nhà nhỏ ấy sẽ giữ tiếng đờn ngân mãi và truyền thụ lại cho con cho cháu, cho thế hệ mai sau biết yêu làng quê của mình, biết trân quý những gì chung quanh mình trước khi nghĩ đến điều cao xa hơn. Căn nhà nhỏ ấy, một địa chỉ văn hoá của đất Sen hồng, sẽ là nơi hội tụ của những người mà dòng chảy văn hoá, tinh hoa tri thức trong huyết quản đâu đó trên mảnh đất này và còn lan toả xa hơn nữa.

"Tình người thấm đậm hồn Sen" trong căn nhà nhỏ bên con rạch nhỏ ấy! Mỗi người hãy đến để suy ngẫm về cuộc đời, về mình qua những lời tự sự, những tư liệu, hiện vật của “Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu cuộc đời”.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tổ chức Tuần hàng cá tra và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội

Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn của Đồng Tháp với người tiêu dùng thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức “Tuần hàng cá tra và đặc sản Đồng Tháp tại thành phố Hà Nội năm 2020” tại Siêu thị Big C Thăng Long (số 222, đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)  từ ngày 09 - 11/10/2020, với các hoạt động: trình diễn các món ăn từ cá tra, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Đồng Tháp gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, đặc trưng, đặc sản của địa phương được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu, OCOP, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như: nông, thủy sản tươi sống (cá, xoài, cam, chanh, ổi...), sản phẩm chế biếu từ gạo (bột các loại, bún, phở, hủ tiếu, miến; bánh phồng tôm; các sản phẩm chề biếu từ rau, củ quả như trái cây sấy, sen, mãng cầu... sản phẩm thủ công mỹ nghệ để trang trí, làm quà tặng như hương tinh dầu, hoa cỏ khô... Trong khuôn khổ tuần hàng sẽ diễn ra các hoạt động ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị với tỉnh Đồng Tháp.

2. Sa Đéc vào mạng lưới “thành phố học tập” toàn cầu của UNESCO

Trong thông cáo đưa ra ngày 23/9/2020, Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho hay, Việt Nam có 02 thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu (GNLC), cùng với 53 thành phố khác từ 27 quốc gia. Theo đó, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) được công nhận là điển hình trong việc áp dụng học tập suốt đời ở cấp độ địa phương. Trong đó, thành phố Sa Đéc được xem là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa với bề dày lịch sử hàng trăm năm thành lập và tinh thần hiếu học. Trở thành thành phố học tập, Sa Đéc gia tăng cơ hội học tập cho người dân, chia sẻ và học hỏi kiến thức từ các thành phố khác trong mạng lưới.

3. Thay đổi trụ sở làm việc Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp.

Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Thông báo số: 47/TB-UBND ngày 21/9/2020 về việc thay đổi địa chỉ trụ sở Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, trụ sở làm việc mới dời về địa chỉ: Tòa nhà Bưu điện tỉnh Đồng Tháp, số 85 đường Nguyễn Huệ, Phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (phía mặt đường Lý Thường Kiệt). Thời gian thay đổi: từ ngày 05 tháng 10 năm 2020. Thông tin liên hệ số điện thoại: 02773.898989; Website:tthcc.dongthap.gov.vn; Tổng đài hỗ trợ: 0277 1022.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới

Ngày 31/8/2020, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có bài viết quan trọng "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Để tạo sự thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong bài viết, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

Thứ nhất, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) cần được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Thứ hai, trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cần có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Khắc phục sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ; đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động.

Thứ ba, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, cần hết sức chú trọng tính đồng bộ, toàn diện để vừa đáp ứng những mục tiêu cấp bách, trước mắt, giải quyết dứt điểm những yếu kém, ách tắc, tồn đọng; vừa xây dựng đồng bộ thể chế phát triển để thực hiện các mục tiêu lâu dài, cơ bản và bền vững của đất nước theo hướng bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy vai trò của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong điều kiện mới.

Thứ tư, trong vấn đề quốc phòng, an ninh và đối ngoại, cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, chủ động có những phương án đối phó, không để bị động, bất ngờ; xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước bạn bè truyền thống và các nước láng giềng; vừa quan tâm đến việc nâng cao uy tín, hình ảnh của đất nước, vừa hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Thứ năm, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, cần kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

2. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước

Thực hiện lời Bác Hồ dạy về thi đua yêu nước, những năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực tinh thần, khí thế cách mạng mạnh mẽ, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân lập được những chiến công, thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học, học tập, công tác và chiến đấu… Tuy nhiên, nhận thức về công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ; một số cá nhân, tập thể bị sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân và cám dỗ của vật chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật...

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần coi trọng việc xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến theo một số giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát hiện và bồi dưỡng điển hình tiên tiến. Trong phát hiện, xây dựng điển hình tiên tiến cần xem xét khách quan, toàn diện. Tập trung khai thác những mặt thành công, ưu điểm của điển hình, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót giúp các điển hình hoàn thiện, giữ vững thành tích, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. 

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Làm cho gương “người tốt, việc tốt” được lan tỏa, tạo hiệu ứng sâu rộng. Cần đổi mới mạnh mẽ, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng.

Ba là, có chính sách tôn vinh, khen thưởng và đãi ngộ xứng đáng đối với điển hình tiên tiến. Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định; Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.

Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, sơ tổng kết công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm kịp thời phát hiện, điều chỉnh những hạn chế, yếu kém và phát huy những ưu điểm, kết quả trong quá trình thực hiện để kịp thời lan tỏa sâu rộng các gương điển hình tiên tiến trong xã hội.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Một số kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến G20

Ngày 03/9/2020, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, với chủ đề “Tăng cường hợp tác qua biên giới” được tổ chức trực tuyến. Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt của G20 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ. Tại Hội nghị, các bộ trưởng và lãnh đạo các tổ chức quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó dịch Covid-19, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội và thúc đẩy phục hồi sau dịch; thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp quản lý biên giới; tăng cường phối hợp trong việc đưa công dân trở về nước và điều trị cho công dân nước ngoài; thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác chung nhằm nâng cao năng lực chuẩn bị và ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là cần thiết hơn bao giờ hết để thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19; Đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của G20 trong chống dịch Covid-19, nghiên cứu vắc-xin và thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu; Cảm ơn các nước G20 đã hỗ trợ Việt Nam ứng phó dịch hiệu quả, nhất là phối hợp đưa công dân Việt Nam trở về nước an toàn. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã phát huy tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, phối hợp chặt chẽ với các đối tác duy trì các hoạt động hợp tác, đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy hành động chung trong phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, phục hồi kinh tế.

2. Kết quả kỳ họp Đại Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41)

Từ ngày 08 - 10/9/2020, Đại hội đồng AIPA-41 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thông qua 26 Nghị quyết và Thông cáo chung. Dưới đây là một số kết quả chính của kỳ họp Đại hội đồng AIPA-41:

Một là, mặc dù Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng thành phần tham dự có 30 nghị viện thành viên và các tổ chức quốc tế trong đó có gần 400 đại biểu với 230 đại biểu là đại biểu Quốc hội. Tham dự ở đầu cầu Việt Nam trong buổi khai mạc có các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đại hội đồng đã nhận được thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng theo hình thức trực tuyến. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc.

Hai là, sau phiên khai mạc, phiên toàn thể được diễn ra với các phát biểu sâu sắc và toàn diện với chủ đề “Ngoại giao nghị viện ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Các bài phát biểu của 10 Chủ tịch Quốc hội các nước ASEAN, các nước quan sát viên, Chủ tịch Quốc hội của ba nước khách mời.

Ba là, sau phiên toàn thể, các hội nghị của cấp ủy ban đã diễn ra như Ủy ban Kinh tế AIPA, Ủy ban Xã hội AIPA và Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA… Ủy ban Tổ chức đã thông qua 15 nghị quyết về tài chính của AIPA, về kết nạp Nghị viện quan sát viên mới và nhiều nghị quyết quan trọng khác. Đặc biệt, để nâng cao vai trò của nghị sĩ trẻ nói riêng, vai trò của thanh niên nói chung, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA để bàn về “Sự tham gia của các Nghị sỹ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.

Bốn là, sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA được các đại biểu đồng thuận cao và được đánh giá là dấu ấn lịch sử quan trọng trong việc hình thành cơ chế hội nghị dành cho các nghị sĩ trẻ AIPA.

Năm là, cùng với Đại hội đồng này còn có nhiều hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 đã được Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp: Cuộc gặp Lãnh đạo cấp cao AIPA - ASEAN, Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 3 (AIPA CODD), Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA ECC), đặc biệt là trong khuôn khổ AIPA, Hội nghị các nhà tư vấn AIPA (AIPA Caucus) được tổ chức thành công bên ngoài Việt Nam, tại Phi-líp-pin.

Sáu là, Đại hội đồng quyết định kết nạp Norway, Morocco là Nghị viện quan sát viên mới của AIPA. Đại hội đồng đã nhất trí cao thông qua Bản thông cáo chung ghi nhận và đánh giá toàn diện kết quả AIPA-41.

Bảy là, Đại hội đồng đã quyết định trao giải Vì sự cống hiến xuất sắc AIPA cho Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng.

Tám là, Đại hội đồng AIPA-41 đã áp dụng phương thức mới gộp các sáng kiến tại mỗi ủy ban trong cùng một nghị quyết - đây là 1 sáng kiến mang tính thích ứng với tình hình thực tế của Quốc hội Việt Nam.

Chín là, kết thúc Đại hội đồng AIPA-41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bàn giao vị trí Chủ tịch AIPA-42 cho Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bru-nây Darussalam.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp