Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2021

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: Tự giác nêu gương - điểm nổi bật trong xây dựng Đảng về đạo đức[1] của Đại tá, PGS.TS. Dương Quang Hiển, Trung tá, ThS. Nguyễn Văn Hùng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “nêu gương” luôn là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên “tự giác nêu gương” là điểm nổi bật.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 500 lần viết và luận giải về vấn đề “gương mẫu” ở những khía cạnh khác nhau. Người luôn “đòi hỏi mỗi cán bộ phải làm gương mẫu” và chỉ ra những nội hàm của “gương mẫu”. Người chỉ rõ: “Người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: Đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng. Phải giữ vững đạo đức cách mệnh, là chí công vô tư”.

Đảng viên tự giác nêu gương chính là làm gương thấm nhuần và thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay chính là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự hy sinh quên mình và những tấm gương mẫu mực, trong sáng về tinh thần tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn “một bộ phận cán bộ, đảng viên công chức, viên chức chưa gương mẫu”, chưa thể hiện vai trò tiên phong trước quần chúng nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt, có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước. Điều đó đã gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân, tổn hại đến mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, hạ thấp sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tăng cường phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua “tự giác nêu gương” của cán bộ, đảng viên tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phong trào cách mạng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cần thực hiện nghiêm túc, thực chất một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về việc “tự giác nêu gương” của cán bộ, đảng viên.

Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, mà phải do quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã thể hiện rõ phương thức lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở các quy định của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quán triệt, cụ thể hóa, xây dựng thành những quy định cụ thể về “tự giác nêu gương” sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chức trách của cán bộ, đảng viên. Từ đó, cán bộ, đảng viên phải dựa vào các quy định ấy mà cam kết, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của bản thân về mọi mặt; đồng thời, “tự soi, tự sửa” bản thân mình trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên cương vị, được giao.

Hai là, “tự giác nêu gương” tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng tiến lên.

Đảng viên tự giác nêu gương không chỉ là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn được đặt ra như là một chuẩn mực đạo đức của người đảng viên - “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tự giác nêu gương không chỉ ở lời nói mà còn ở chính việc làm của cán bộ, đảng viên. Bởi vì, cán bộ, đảng viên là người dẫn dắt quần chúng, muốn quần chúng làm theo thì bản thân phải là tấm gương, phải “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”. Nếu cán bộ, đảng viên không có uy tín với xóm làng, khu phố, khu dân cư thì không thể nói họ gương mẫu được; cũng không thể nói là nêu gương, nếu cán bộ, đảng viên chỉ “thuyết giáo” - yêu cầu mọi người chấp hành pháp luật, còn mình thì “đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật”.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa thúc đẩy các phong trào cách mạng”. Theo đó, cán bộ, đảng viên “tự giác nêu gương” không chỉ nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, mà còn thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu tạo sự lan tỏa trong xã hội, thúc đẩy các hoạt động thực tiễn, phong trào cách mạng liến lên.

Ba là“tự giác nêu gương” học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tự học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên cũng phải tuân theo các vấn đề có tính nguyên tắc như: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn liền với phát triển, củng cố bản lĩnh chính trị vững vàng. Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên không chỉ tự rèn luyện về trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác mà còn tự rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần “tự giác gương mẫu” nhất.

Để việc tự giác gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng, đầy đủ những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hóa việc học tập và làm theo bằng những việc làm cụ thể hằng ngày, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Qua đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong hệ thống chính trị, tự giác nêu gương về mọi mặt, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ mọi mặt; quan tâm giúp đỡ, động viên cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, xây dựng kế hoạch phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bốn là, “tự giác nêu gương” đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Cán bộ, đảng viên phải “tự giác nêu gương” trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch một cách gương mẫu nhất. Phải nhận thức rõ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên. Với phương châm “mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên của Đảng”, bằng kiến thức của mình, cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong tuyên truyền, giải thích cho quần chúng ở địa phương, đơn vị hiểu rõ bản chất sai trái, không nghe, không tin theo các thông tin xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch.

Đảng ta khẳng định: “Kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thường xuyên cung cấp thông tin chính thống, vạch rõ tính chất sai trái, xuyên tạc; cung cấp luận cứ khoa học, chứng cứ thực tiễn để cán bộ, đảng viên có cơ sở đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị.

Năm là, “tự giác nêu gương” ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cán bộ, đảng viên “tự giác nêu gương” chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, luật pháp Nhà nước; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Kiên quyết đấu tranh với “lợi ích nhóm” và những tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm về phẩm chất đạo đức, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, uốn nắn và “xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”. Cần xây dựng quy chế, quy định cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ nơi công tác, nơi cư trú; ngăn chặn việc tự đặt bản thân lên trên tổ chức, lên trên tập thể; kiên quyết khắc phục tình trạng e dè, nể nang, bao che, lảng tránh trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát. Dựa vào Nhân dân và đề cao trách nhiệm của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát, đánh giá, nhận xét năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021

Tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4,44%([2]), tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 đạt 2,27%), trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,73%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,69%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 5,73%.

Điển hình là các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá cơ bản được đảm bảo. Ước tính trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 50.728 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2020, đạt 46,93%. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 606 triệu USD, tăng 27,13% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 50,08% so với kế hoạch. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 162 triệu USD, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là xăng dầu và một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất như: nguyên liệu may, da giày, nguyên, phụ liệu sản xuất tân dược.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát trên địa bàn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ bên ngoài, hiện nay nhiều điểm du lịch tạm dừng tổ chức các hoạt động tụ tập đông người, làm cho lượng khách đến giảm mạnh so với cùng thời điểm những năm trước, ước trong 6 tháng đầu năm 2021 đón 1 triệu lượt khách, giảm 6,47% so với cùng kỳ 2020; tổng doanh thu dịch vụ du lịch 300 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ 2020. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện chu đáo. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm được chú trọng, giới thiệu việc làm cho 15.132 lao động người tham gia. Chương trình học và thực hành tại doanh nghiệp ở nước ngoài do Uỷ ban nhân dân Tỉnh ký kết giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, đã hỗ trợ cho 236 lao động xuất cảnh, lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng, chờ xuất cảnh 1.333 người.

2. Đồng Tháp chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 với 30.000 liều[3]

Theo Sở Y tế Đồng Tháp, dự kiến có khoảng 30.000 người thuộc đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trong đó 27.000 liều mũi 1 và 3.000 liều mũi 2, bao gồm: Đối tượng vắng mặt, hoãn tiêm trong đợt 2; lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Thời gian triển khai dự kiến tại các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố từ ngày 05 - 12/7; Trạm Y tế xã, phường, thị trấn từ ngày 12 - 17/7. Trước đó, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận và sử dụng 19.350 liều vắc xin Astra Zeneca phòng bệnh COVID-19, triển khai tiêm 02 đợt: Đợt 01 từ ngày 24 - 26/3 cho 393 người; đợt 02 từ ngày 26/4 - 10/5 cho 22.027 người. Tổng số đối tượng được tiêm 22.420 người.

3. Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học

Để tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2025[4]. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các khu bảo tồn thiên nhiên và cảnh quan; phát triển các loài động vật, thực vật quý, hiếm, nguy cấp có nguy cơ bị tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ hiệu quả. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước được thực hiện với các nhiệm vụ chính như: Điều tra, đánh giá, xác lập chế độ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; xác lập và quản lý các hoạt động trong phân khu chức năng của khu bảo tồn đất ngập nước; quản lý vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước; xây dựng kế hoạch bảo tồn một số giống loài cây đặc trưng như: Sen, súng, tràm, tre và cây bản địa khác vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng và Khu di tích lịch sử Xẻo Quít v.v.

4. Chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2021

Nhằm chủ động ứng phó với lũ lớn có thể xảy ra trong năm 2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Công văn số: 196/UBND-ĐTXD ngày 08/6/2021 về việc triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, kè chống sạc lỡ. Theo đó, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều, kè chống sạt lở đã xảy ra; thực hiện duy tu, sửa chữa định kỳ theo quy định. Đài Khí tượng và Thuỷ văn Đồng Tháp theo dõi chặt chẽ diễn  biến thời tiết, tình hình lũ, bão để kịp thời thông tin đến địa phương chủ động triển khai hiệu quả công tác hộ đê, bảo vệ kè chống sạt lở. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố kiểm tra, rà soát phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là việc chuẩn bị trên thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị theo phương án được duyệt, phân công trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân; trong đó lưu ý rà soát có phương án phù hợp với diễn biến, yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn quản lý; xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp đối với tình huống xuất hiện lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế; có phương án sơ tán, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ở bãi sông khi xảy ra lũ lớn; xác định phương án di dân khẩn cấp trong trường hợp xảy ra lũ lớn vượt tần suất thiết kế công trình v.v..

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Theo kết quả Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố ngày 10/6/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét theo quy định của pháp luật, tại Phiên họp thứ 6, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của một người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, do không bảo đảm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Bình Dương. Do vậy, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đạt 99,8% số đại biểu cần bầu. Lần đầu tiên tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ khóa VI đến nay.

Về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố (cập nhật đến ngày 09/6/2021), hơn 266 nghìn người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: cấp tỉnh: 3.721 đại biểu; cấp huyện: 22.549 đại biểu; cấp xã: 239.752 đại biểu.

Để góp phần lan tỏa ý nghĩa của cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền về kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử, trong đó nhấn mạnh: Mặc dù cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh ở nhiều địa phương nhưng toàn dân và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, tổ chức cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, tuyệt đối an toàn.

Hai là, tập trung thông tin, tuyên truyền về người trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, qua đó khẳng định những người trúng cử là những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân.

Ba là, công tác thông tin, tuyên truyền nhấn mạnh các nguyên nhân thành công của cuộc bầu cử; đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc về cuộc bầu cử của các đối tượng thù địch, phản động nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.

2. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng

Thực hiện chính sách đối với người có công chính là thực hiện đạo lý, truyền thống cao quý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”… Tính đến tháng 7/2020, cả nước có 4.952/138.337 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ trên 500 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm đảm bảo khang trang. Đến cuối năm 2020, có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách người có công với cách mạng, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công; những cống hiến to lớn, ý nghĩa của người có công đối với cách mạng của dân tộc và địa phương, trong đó chú trọng quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nắm vững nội dung, yêu cầu, thực hiện hướng dẫn cụ thể, kịp thời về các chính sách đối với người có công cho thân nhân người có công .

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về mục đích, giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện tốt chính sách đối với người có công  với cách mạng ở nước ta.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tri ân tình nghĩa, thiết thực; tăng cường hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ về vật chất, động viên về tinh thần đối với các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn, các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng để ổn định đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh.  

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Thế giới nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm 2020, nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2, methane và NO2 tiếp tục tăng dù lượng khí thải đã giảm. Trước thực trạng trên, nhằm tiếp thêm động lực để cộng đồng quốc tế nỗ lực chung tay hành động nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và phục hồi xanh. Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) năm 2021 với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon” do Hàn Quốc chủ trì là một trong những nỗ lực đó. Hội nghị đã diễn ra từ ngày 30 - 31/5/2021 theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Các nước dự Hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tái khẳng định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C, hướng tới mục tiêu tăng trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Từ kết quả của Hội nghị P4G, công tác thông tin, tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau: Một là, thông tin, tuyên truyền kết quả của Hội nghị P4G, trong đó nhấn mạnh những nội dung chính trong Tuyên bố Seoul. Hai là, tuyên truyền bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội nghị và những đóng góp tích cực của Việt Nam trong thời gian qua những cam kết trong thời gian tới. Ba là, phổ biến, giáo dục ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; vận động Nhân dân xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, giữ gìn vệ sinh chung, tiến tới xây dựng xã hội hài hòa, thân thiện với môi trường.

2. Một số kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác MeKong - Lan Thương lần thứ 6

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 6 được tổ chức ngày 08/6/2021 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Hội nghị lần này đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của Mekong - Lan Thương, đồng thời đề ra các định hướng cho giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả hợp tác đã đạt được trong 5 năm qua, đồng thời khẳng định trong thời gian tới sẽ thúc đẩy Hợp tác Mekong - Lan Thương theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Theo đó Hợp tác Mekong - Lan Thương sẽ chú trọng các nội dung: (1) Đẩy mạnh phối hợp trong giải quyết các vấn đề nguồn nước chung của khu vực như: bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; (2) Giảm thiểu tác động của lũ lụt và hạn hán, bảo đảm dịch vụ vệ sinh và nước sạch; giám sát và chia sẻ thông tin nguồn nước; nâng cao năng lực quản lý và phát triển bền vững nguồn nước, phát triển các cơ sở hạ tầng về nước; (3) Triển khai nghiên cứu chung giữa Mekong - Lan Thương và Trung tâm nguồn nước Hợp tác Mekong - Lan Thương về diễn biến thuỷ văn của lưu vực sông Mekong và chiến lược thích ứng. Các Bộ trưởng nhất trí đẩy nhanh hợp tác về môi trường, đặc biệt là trong bảo tồn đa dạng sinh học, nước sạch và chất lượng không khí, cơ sở hạ tầng bền vững; xây dựng trung tâm tri thức Hợp tác Mekong - Lan Thương về hạ tầng xanh, phát thải thấp và bền vững; quản lý tài nguyên rừng…

                                                       Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[1] http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tu-duy-moi-ve-an-ninh-quoc-gia-trong-tinh-hinh-moi-133806

[2] Theo công bố của Tổng cục Thống kê tại Công văn số 746/TCTK-TKQG ngày 30/5/2021.

[3] Kế hoạc số: 78/KH-SYT ngày 04/6/2021 của Sở Y tế về việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin Astra Zeneca phòng bệnh COVID-19 đợt 3 tỉnh Đồng Tháp năm 2021.

[4] Kế hoạch số: 185/KH-UBND ngày 14/6/2021 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.