Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 8 năm 2021

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 8 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[1] của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đề nghị sử dụng bản tiếng Việt, đã gửi kèm theo Công văn số 348-CV/BTGTU ngày 13/7/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về gửi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) và được đăng trên Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo Đồng Tháp (btg.dongthap.gov.vn, mục Tài liệu - Tài liệu sinh hoạt chi bộ).

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Kết quả chủ yếu Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân Tỉnh khoá X

Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân Tỉnh khoá X (diễn ra ngày 02/7/2021) được tổ chức nghiêm túc, đúng luật và thành công tốt đẹp. Đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đóng góp tích cực vào các nội dung của kỳ họp và đã bầu đúng cơ cấu, đủ số lượng, với số phiếu tín nhiệm cao các chức danh của Hội đồng nhân dân Tỉnh và Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Hội thẩm Toà án nhân dân Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hội đồng nhân dân Tỉnh đã bầu các chức danh: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh; Trưởng, Phó các Ban của Hội đồng nhân dân Tỉnh, đồng thời, quyết định số lượng thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân Tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hội đồng nhân dân Tỉnh đã bầu các chức danh của Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và thành viên của Uỷ ban nhân dân Tỉnh; bầu 49 Hội thẩm Toà án nhân dân Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, tăng 17 đồng chí so với khoá IX.

2. Chế độ trợ cấp theo bằng đối với người hoạt động không chuyên trách

Ngày 12/7, Uỷ ban nhân dân Tỉnh thống nhất thực hiện chế độ trợ cấp theo bằng theo Nghị quyết số 260/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở ấp, khóm chỉ có bằng nghề hoặc bằng tốt nghiệp về lý luận chính trị, lý luận chính trị - hành chính.

Cụ thể, đối với những người hoạt động không chuyên trách chỉ có bằng nghề, được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng như sau:        

- Bằng cao đẳng nghề: trợ cấp tương đương 1,10 lần mức lương cơ sở.

- Bằng trung cấp nghề: trợ cấp tương đương 0,86 lần mức lương cơ sở.

Đối với những người hoạt động không chuyên trách chỉ có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính: Được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng tương đương 0,86 lần mức lương cơ sở. Thời gian áp dụng kể từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2025 (thời gian đủ để các đối tượng tự tham gia đào tạo và được cấp bằng chuyên môn).

3. Đồng Tháp không tổ chức thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh diễn biến phức tạp, ngày 01/8/2021, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Công văn số: 387/UBND-THVX về việc không tổ chức thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức xét công nhận đặc cách cho tất cả thí sinh đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số: 2507/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bổ sung đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các sở, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tỉnh Đồng Tháp dừng các công việc chuẩn bị tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo phân công của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Kỳ thi. Đồng thời, yêu cầu Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thường xuyên thông báo cho học sinh, học viên có đăng ký dự thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông biết việc không tổ chức thi; hướng dẫn học sinh, học viên thực hiện hồ sơ, thủ tục đề nghị đặc cách xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đúng theo quy định; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin có liên quan đến việc điều chỉnh thời gian, phương thức xét tuyển đại học năm 2021 - nhất là đối với đối tượng được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học để thông tin đến học sinh, học viên biết, đăng ký tham dự xét tuyển.

Đối với các trường trung học phổ thông nơi dự kiến đặt các điểm thi, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức niêm phong toàn bộ tài liệu, văn phòng phẩm, thiết bị… có liên quan đến việc tổ chức thi, bảo quản chờ chỉ đạo xử lý tiếp theo của Sở Giáo dục và Đào tạo.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số PCI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ đô la, tăng 28,4%.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, kinh tế - xã hội nước ta còn gặp một số khó khăn, thách thức: Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tại các địa bàn có dịch bùng phát; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao... Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền đầy đủ về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, trong đó đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Quốc hội, bộ, ngành, địa phương đề ra cho 6 tháng cuối năm 2021 để hoàn thành các mục tiêu của cả năm 2021.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao sự tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng các kịch bản đối phó với dịch bệnh Covid-19 để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

Bốn là, tuyên truyền để ổn định tư tưởng, tâm trạng cho các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021.

2. Toàn dân đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và tham gia chiến dịch tiêm phòng vắc-xin

Thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đã tiếp nhận được vắc-xin của các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Cuba, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ... Hiện nay, đã có cam kết viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trong năm 2021 cho Việt Nam khoảng hơn 105 triệu liều vắc-xin và Việt Nam đang đàm phán khoảng 45 triệu liều cũng như tiếp tục tìm kiếm, đàm phán các nguồn vắc-xin khác. Tuy nhiên, trong điều kiện khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu, từ nay đến hết quý III/2021, dự kiến Việt Nam nhận khoảng 30 triệu liều vắc-xin. Đến quý IV/2021 và năm 2022, tình hình cung cấp vắc-xin sẽ thay đổi tích cực.

Để đạt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng với khoảng 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, ngày 08/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022, quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc-xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Việt Nam”.

Để tạo được sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nói chung và việc triển khai chiến dịch tiêm chủng ở các địa phương, đơn vị nói riêng gắn với việc tuyên truyền Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 của Bộ Y tế.

Hai là, đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của vắc-xin trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Ba là, tuyên truyền về tính an toàn, hiệu quả của các loại vắc-xin mà Việt Nam đưa vào sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này để các tầng lớp nhân dân hiểu, yên tâm, đồng thuận tham gia tiêm chủng. Tiếp tục đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề vắc-xin và Chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.

3. Một số kết quả chủ yếu kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/7/2021 đến ngày 28/7/2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Các cơ quan hữu quan, bộ, ngành, địa phương vẫn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch.

Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Tại kỳ họp này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội, trong đó gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Ngày 28/7/2021, sau 09 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Một số nội dung chủ yếu, cụ thể sau đây:

- Kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Cử tri cả nước đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu được bầu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và có cơ cấu hợp lý, tỷ lệ đại diện của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội; tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp giảm, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng.

- Về công tác tổ chức, nhân sự:

+ Quyết định số lượng thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang Bộ); cơ cấu số lượng thành viên của Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ).

+ Bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Nước, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Uỷ ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 1 Phó Chủ tịch, 4 Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh).

+ Phê chuẩn 4 Thẩm phán toà án nhân dân tối cao.

- Về kinh tế - xã hội và ngân sách: Thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Thông qua các nghị quyết: Nghị quyết về điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

- Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội: Thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Nghị quyết về chương trình giám sát và thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

- Thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng thế giới

Ngày 06/7/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với chủ đề “Vì hạnh phúc của Nhân dân, trách nhiệm của chính đảng” và có sự tham dự của khoảng 10.000 đại biểu đến từ hơn 500 chính đảng và tổ chức chính trị thuộc hơn 160 quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Đảng Cộng sản Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; chúc mừng những thành tựu của Nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong 100 năm qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với Hội nghị quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân và kinh nghiệm từ thực tiễn của Việt Nam. Tổng Bí thư cho rằng, là các tổ chức chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống của các quốc gia và chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế, các chính đảng cần đồng hành cùng chính phủ của mình để đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, tích cực tham gia ứng phó với thách thức toàn cầu; cần lấy dân làm gốc để xây dựng và thực hiện mọi chủ trương, đường lối, cương lĩnh, đảm bảo sự phát triển thực sự vì con người; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường đối thoại, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, đề cao luật pháp quốc tế, nhất là trong việc giải quyết những bất đồng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chỉ khi nào các quốc gia, các dân tộc chung sống hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, vì tương lai tốt đẹp chung của nhân loại, khi đó người dân trên thế giới mới thực sự được hưởng hạnh phúc một cách đầy đủ và đích thực.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm ơn Nhân dân các nước, chính đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Trung Quốc, đã ủng hộ, giúp đỡ đối với Việt Nam qua các thời kỳ.

Từ Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền các nội dung thảo luận của lãnh đạo chính đảng các nước tại Hội nghị.

Hai là, tuyên truyền đậm nét phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. 

Ba là, thông tin, tuyên truyền quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng như quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng, các tổ chức chính trị trên thế giới trong thời gian qua.

2. Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta

Thứ nhất, tích cực, chủ động, linh hoạt và kịp thời tổ chức các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương nhằm xây dựng và tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.

Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai các hoạt động đối ngoại với các nước và đối tác. Nội dung tập trung vào các vấn đề có nhu cầu, hợp tác về tiếp cận vắc-xin, thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, đầu tư, tăng trưởng xanh, hạ tầng, kinh tế số… Ngoài ra, các kênh đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Quốc phòng đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Thứ hai, tích cực vận động tiếp cận vắc-xin, đồng thời hỗ trợ các nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt, các bộ, ban, ngành, các kênh đối ngoại đã đẩy mạnh trọng tâm “ngoại giao vắc-xin”, nhất là triển khai vận động trong các hoạt động đối ngoại cao nhất của Lãnh đạo nước ta, đạt nhiều kết quả khả quan. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực vận động ở nước sở tại cung cấp vắc-xin và chuyển giao công nghệ sản xuất.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trong tháng 04/2021 và phát huy vai trò trong ASEAN.

Các bộ, ban, ngành đã tích cực phối hợp triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Các bộ, ngành tích cực triển khai các hoạt động đa phương, hội thảo, hội nghị với tinh thần chủ động, linh hoạt với hình thức trực tuyến; tích cực ứng cử vào các tổ chức quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm.

Các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết các tranh chấp thương mại, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, bước đầu vận động thành công Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ (16/4/2021). Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp tại các diễn đàn đa phương, như: APEC, ASEM; tham gia quá trình tham vấn lựa chọn Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Các đề xuất, sáng kiến của Việt Nam được nhiều nước đánh giá cao và hưởng ứng.

Từ kết quả công tác đối ngoại của nước ta 6 tháng đầu năm 2021, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng các nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền về tình hình thế giới và những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong 6 tháng đầu năm 2021.

Hai là, tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác đối ngoại của Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại đề ra.

                                                       Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[1] Công văn số 348-CV/BTGTU ngày 13/7/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về gửi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.