Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2021

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 10 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết “Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên”[1] của tác giả PGS.TS. Phạm Xuân Hảo, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Nghiên cứu:

Gương mẫu là trách nhiệm, danh dự, tiêu chí của người đảng viên. Hành động gương mẫu của đảng viên góp phần củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng Đảng phải đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương; thông qua công tác tư tưởng và tổ chức làm cho “nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Hành động gương mẫu của đảng viên là phương thức lãnh đạo của đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, vậy thì, theo đó, các thành viên của Đảng, những người đảng viên phải là những người “tiên phong”, những người gương mẫu đi đầu trong các lĩnh vực, các công việc, mọi lúc, mọi nơi. Gương mẫu là “thuộc tính” của người đảng viên; đã là đảng viên phải gương mẫu; ai không gương mẫu thì không xứng đáng là đảng viên của Đảng và nếu đã là đảng viên mà không gương mẫu thì nên tự xin ra khỏi Đảng.

Đảng ta thực hành lãnh đạo bằng xác định chủ trương, đường lối, bằng công tác tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Hành động gương mẫu của đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng và cũng là một bảo đảm trên thực tế việc giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ”. 

Trong các lĩnh vực, các công việc, mọi lúc, mọi nơi, đảng viên gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng thì mới lôi cuốn được Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Như vậy, hành động gương mẫu là một biểu hiện khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của đảng viên, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đảng viên nào không gương mẫu là đã tự tước đi vai trò lãnh đạo của mình; không những thế, họ còn làm suy giảm sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”.

Làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, dân noi theo 

Nội dung, yêu cầu gương mẫu của người đảng viên rất rộng, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; gương mẫu trong lời nói và việc làm; gương mẫu mọi lúc, mọi nơi;… Nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong các nhiệm kỳ đã xác định rất rõ nội dung gương mẫu của người đảng viên. Vấn đề đặt ra là, mỗi đảng viên phải luôn tự ý thức về vai trò tiên phong của người đảng viên để luôn có hành động gương mẫu. Gương mẫu là trách nhiệm và danh dự, nghĩa vụ và quyền lợi, là chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, là phẩm giá của người đảng viên.

Hiện nay, có thể thấy rất rõ rằng, cơ cấu xã hội của đảng viên rất đa dạng về giai tầng, nghề nghiệp, nơi cư trú, dân tộc, địa vị xã hội, lứa tuổi,… người đang công tác, người đã nghỉ hưu,… Vì thế, có lẽ cần cụ thể hóa hơn nữa, sát thực tiễn hơn nữa nội dung gương mẫu của các đảng viên trên các cương vị, ở các lĩnh vực, các đơn vị, ngành nghề,… để đảng viên dễ nhớ, dễ làm và để việc giám sát của tổ chức đảng, các thành tố của hệ thống chính trị và Nhân dân với hành động gương mẫu của đảng viên thực chất hơn, hiệu quả và hiệu lực hơn. Vấn đề căn cốt để mỗi đảng viên luôn có hành động gương mẫu là, mỗi người luôn phải thấm nhuần và thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, “dĩ công vi thượng”; luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Nhân dân lên trước hết, trên hết; luôn tự ý thức vị thế, vai trò, danh dự người đảng viên; luôn biết đấu tranh với hành vi tiêu cực của mình và các đồng chí của mình, chủ động phòng chống và loại trừ chủ nghĩa cá nhân để không có hành vi tiêu cực, không suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống Đảng viên gương mẫu là những người luôn cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Vấn đề quan trọng nhất, cái đích của hành động gương mẫu của đảng viên là phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, dân noi theo. Dân tin Đảng, theo Đảng sẽ tạo dựng sức mạnh to lớn bảo đảm cho thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tạo dựng môi trường để phát huy hành động gương mẫu

Để phát huy hành động gương mẫu của người đảng viên phải khơi dựng, củng cố, phát huy sự tự tu dưỡng, rèn luyện, sự tự ý thức về tính tiên phong trong mỗi người đảng viên; đồng thời, phải phát huy vai trò của các thiết chế chính trị, văn hóa, xã hội, tạo dựng sức mạnh tổng hợp, môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng, phát huy hành động gương mẫu của người đảng viên.

Định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm các tổ chức đảng (chi bộ, cấp uỷ đảng) đều tổ chức sinh hoạt. Chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng tạo dựng môi trường để phát huy vai trò tiên phong gương mẫu và ngăn chặn hành vi tiêu cực, suy thoái, không gương mẫu của đảng viên. Vấn đề đặt ra là, phải đảm bảo bầu không khí dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các tổ chức đảng. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp có chức năng giám sát. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tuyệt đại đa số cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ chủ chốt đều là đảng viên. Vì thế, về cơ bản, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp là giám sát các đảng viên giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị các cấp. Vấn đề đặt ra là phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp; khắc phục căn bệnh hành chính, thành tích trong hoạt động giám sát. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”. 

Trong tâm thức của mỗi người Việt luôn tự ý thức, tự hào về cội nguồn, về gia đình, dòng họ, làng xã,…Trong việc phát huy hành động gương mẫu của đảng viên, có lẽ cũng nên sử dụng giá trị văn hóa truyền thống này để vừa nuôi dưỡng hành động gương mẫu và ngăn chặn hành vi tiêu cực, không gương mẫu của đảng viên. Và bằng cách nào đó, cũng nên lồng ghép hành động gương mẫu của đảng viên vào trong “quy ước”, “hương ước” của dòng họ, làng xã; để người dân căn cứ vào đó mà giám sát hành động gương mẫu của đảng viên, tạo dựng phương thức đa dạng trong giám sát của người dân với đảng viên; Tuy vậy, cũng cần ngăn ngừa việc lợi dụng tính cộng đồng dòng họ, làng xã để tạo dựng các nhóm lợi ích, gây ra các tác động tiêu cực trong hành vi của đảng viên.

Tầng sâu của hành động gương mẫu là sự đấu tranh, giằng xé về lợi ích, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích nhóm,… Trong nền kinh tế thị trường, khi mà vấn đề lợi ích được đề cao trong xã hội thì cuộc đấu tranh về lợi ích ngày càng hiện rõ, căng thẳng và quyết liệt trong mỗi con người đảng viên. Toan tính về lợi ích trong mỗi đảng viên diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc, không loại trừ ai. Sự toan tính đó có thể có ý thức, cũng có thể “vô thức”, mang tính “bản năng”. Bảo đảm hài hòa các lợi ích sẽ giúp đảng viên hăng hái gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi. Trong giải bài toán lợi ích, mỗi đảng viên luôn thấm nhuần quan điểm tư tưởng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Nhân dân lên trước hết, trên hết; đồng thời, mỗi người đảng viên luôn đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân, “… thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”, thực hành gương mẫu trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I. TIN TRONG TỈNH

1. Một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh trong tháng 9 năm 2021

Trong tháng 9 năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.267 tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước (tăng 1,35%) nhưng vẫn giảm mạnh (38,59%) so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính đạt 571 ngàn tấn, tăng 9,18% so với tháng trước và bằng 99,79% so với cùng kỳ năm trước. Tổng trị giá hàng xuất khẩu ước đạt 96.352 ngàn USD bằng 96,47% so với tháng trước và bằng 110,33% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 31.220 ngàn USD giảm 2% so với tháng trước nhưng tăng 22,01% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,11% so với tháng trước, tăng 2,09% so với tháng 12/2020 và tăng 2,69% so với tháng cùng kỳ năm 2020.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 chỉ tổ chức tại một điểm ở cấp tỉnh và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp vào sáng ngày (20/9), lễ khai giảng năm học mới đã diễn ra trang trọng nhưng đảm bảo ngắn gọn và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại Trường Trung học cơ sở Kim Hồng (thành phố Cao Lãnh).

Theo số liệu thống kê, đến ngày 28/9/2021, toàn Tỉnh đã tiêm được: 422.734 liều (trong đó mũi 1: 326.577 liều (27,65%); mũi 2: 96.157 liều (8,14%) dân số của tỉnh). Tổng hợp số lượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đề nghị Trung ương hỗ trợ gạo, tổng số 22.647 người, số gạo dự kiến hỗ trợ là gần 340 tấn. Tính đến ngày 05/9/2021, các huyện, thành phố đã thực hiện hỗ trợ gạo đợt 1 được 15.836 người, số gạo hỗ trợ là 237,5 tấn.

2. Đồng Tháp có 8 doanh nghiệp đạt danh hiệu xuất khẩu uy tín năm 2020

Ngày 18/8/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1974/QĐ-BCT phê duyệt danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020. 315 doanh nghiệp cả nước được công nhận danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020”. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có 8 doanh nghiệp, gồm Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI, Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty TNHH Ricegrowers Việt Nam, Công ty cổ phần XNK Y tế Domesco, Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, Công ty cổ phần XNK Sa Giang. Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong các lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường…

3. Số lượng, mức phụ cấp đối với Công an xã, thị trấn bán chuyên trách

Ngày 17/8/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Nghị quyết số: 42/2021/NQ-HĐND  Quy định về số lượng, mức phụ cấp đối với Công an xã, thị trấn bán chuyên trách khi tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở khi Công an xã, trị trấn được chuyển sang tổ chức Công an chính quy và hỗ trợ thôi việc đối với Công an xã, thị trấn bán chuyên trách khi không tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Đối tượng áp dụng là Công an xã, thị trấn bán chuyên trách được bố trí công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở ấp, khóm thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cụ thể: Phó trưởng Công an, Công an viên thường trực, Công an viên phụ trách ấp, khóm có thời gian công tác dưới 15 năm kết thúc nhiệm vụ mà không bố trí sắp xếp được công tác khác hoặc không tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở khi tổ chức Công an xã, thị trấn được chuyển sang tổ chức Công an chính quy thì được hỗ trợ thôi việc, cứ mỗi năm công tác được hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương cơ sở. Thời gian công tác được tính hưởng hỗ trợ thôi việc bao gồm toàn bộ thời gian công tác liên tục trong công an xã, thị trấn. Công tác từ dưới 6 tháng thì tính nửa năm; công tác từ đủ 6 tháng đến 12 tháng thì tính 1 năm.

Số lượng bố trí mỗi ấp, khóm của xã, thị trấn được sử dụng không quá 2 Công an xã bán chuyên trách để tiếp tục tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở; mức phụ cấp hằng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở. Trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, hằng tháng còn được trợ cấp thêm với mức sau: Tốt nghiệp đại học trợ cấp tương đương 1,34 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp cao đẳng trợ cấp tương đương 1,10 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp trung cấp trợ cấp tương đương 0,86 lần mức lương cơ sở. Đồng thời được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng thấp nhất; được tham gia bảo hiểm y tế với mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách hỗ trợ đóng 3,0% và người lao động đóng 1,5%.

4. Phối hợp triển khai đề tài nghiên cứu xây dựng Làng thông minh

Ngày 23/8/2021, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 256/KH-UBND phối hợp triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”. Kế hoạch nhằm thực hiện đầy đủ các nội dung và đạt yêu cầu theo đặt hàng của Đề tài gồm: Xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh của thế giới, điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và địa phương. Nghiên cứu phát triển một số ứng dụng điển hình của Làng thông minh dựa trên nền tảng IoT[2], trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương. Ứng dụng thử nghiệm mô hình Làng thông minh tại địa bàn xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh.

Theo kế hoạch này, nhiều nội dung sẽ được triển khai như: Xây dựng Bộ tiêu chí và cấu trúc mô hình Làng thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước; thiết kế kiến trúc tổng thể cho mô hình Làng thông minh. Cùng với đó là nghiên cứu phát triển Hệ thống lưu trữ và phân tích dữ liệu trung tâm phục vụ hoạt động mô hình Làng thông minh; xây dựng Cây thông tin Hội quán; Cổng thông tin điện tử, các ứng dụng trên điện thoại thông minh; hệ cơ sở dữ liệu ứng dụng cho Hội quán nông dân. Ngoài ra, còn có 07 mô hình sẽ được thực hiện, đó là: Hệ thống quan trắc môi trường; hệ thống tưới tự động sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống camera giám sát an ninh xã hội; hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh; hệ thống giám sát điện, nước thông minh; hệ thống sổ tay canh tác điện tử; hạ tầng giao tiếp và tính toán.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả dạy học trực tuyến ở các cấp học năm học 2020 - 2021

Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục đã có những thay đổi, điều chỉnh trong hoạt động dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc, thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19; đồng thời thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Qua đó, các hoạt động dạy học đảm bảo đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học, cụ thể:

- Đối với giáo dục mầm non: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng bộ cẩm nang và “video hướng dẫn hỗ trợ cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục khi trẻ ở nhà”. Các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức, huy động sự tham gia của các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến (phần mềm tương tác, tài liệu trực tuyến, ngân hàng video,…) được đăng tải trên các kênh website, zalo, youtube, facebook đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non có thể sử dụng hoặc chia sẻ giữa các cơ sở với nhau trên cùng địa bàn…

- Đối với giáo dục tiểu học: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học qua truyền hình; xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng phương pháp dạy học qua truyền hình cho giáo viên tiểu học nhằm trang bị cho giáo viên các phương pháp, kỹ thuật cơ bản trong thực hiện quy trình tổ chức dạy học qua truyền hình. Bên cạnh đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Đài truyền hình địa phương xây dựng kho bài giảng phù hợp với chương trình môn học cụ thể, cơ bản đáp ứng đủ số lượng để triển khai thực hiện (đến nay đã có đủ kho bài giảng các môn: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử - Địa lý, Tự nhiên - Xã hội đối với các lớp 3, lớp 4 và lớp 5).

- Đối với giáo dục trung học (gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông): Các trường đã linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ tích cực trong các hoạt động giáo dục như: Tạo ra cho mỗi lớp một nhóm trên ứng dụng Microsoft Teams để tổ chức dạy học trực tuyến, sử dụng Google form để giao bài tập cho học sinh; xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập, ngân hàng đề đăng tải trên website của trường để học sinh theo dõi nghiên cứu bài học, ôn tập. Đặc biệt, ngành Giáo dục ở một số địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đã phô-tô bài học và chuyển về cho từng thôn đối với những học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả bước đầu, việc tổ chức triển khai thực hiện dạy học trực tuyến vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế: Thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến diễn ra trên diện rộng nên gặp nhiều khó khăn; cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn; học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ… đã tác động đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học; hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin ở các địa phương còn thiếu đồng bộ, nhiều nơi còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng; việc triển khai quản lý hồ sơ, sổ điểm điện tử còn bất cập…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân đối với công tác tổ chức hoạt động dạy và học trong năm học mới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền các giải pháp của ngành Giáo dục và chính quyền các cấp trong việc linh hoạt, chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, gắn với khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học; bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho người học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn.

Hai là, thông tin, tuyên truyền việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo một cách phù hợp, hiệu quả với từng cấp học và điều kiện cơ sở vật chất ở từng vùng, miền, địa phương. Việc thực hiện kiểm tra, đánh giá việc dạy và học trực tuyến phải theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

2. Thực hiện tốt việc lãnh đạo Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027

Ngày 20/8/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về lãnh đạo Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Trong 5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị, toàn xã hội thực hiện tốt công tác thanh niên và chăm lo xây dựng Đoàn; quan tâm, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên rèn luyện, cống hiến, phát triển toàn diện và trưởng thành. Tuổi trẻ Việt Nam luôn phát huy tinh thần tiên phong, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn kiên định bản lĩnh chính trị, trung thành và kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh thiếu nhi.

Tuy nhiên, vai trò tổ chức đoàn ở một số nơi, nhất là trên địa bàn dân cư còn chưa rõ nét. Công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong các khu công nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài chưa đạt yêu cầu. Công tác phát triển Đảng trong thanh niên có mặt còn hạn chế. Một bộ phận thanh niên có biểu hiện sa sút về lý tưởng, đạo đức, lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… Một số cấp uỷ đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác thanh thiếu nhi, chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thế mạnh của thanh niên; chưa chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ.

Để đại hội đoàn các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đạt kết quả tốt đẹp, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

(1) Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên. Chỉ đạo Ban Chấp hành Đoàn các cấp chuẩn bị tốt nội dung đại hội. Báo cáo trình Đại hội cần đánh giá đúng thực trạng thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 5 năm qua, khẳng định những kết quả đã đạt được, chỉ rõ khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ tới trên cơ sở dự báo sát, đúng tình hình, bám sát các chủ trương, chính sách về công tác thanh niên, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

(2) Lãnh đạo chuẩn bị tốt công tác nhân sự cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn; tập trung chỉ đạo tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, điều động cán bộ để chuẩn bị một bước cho nhân sự đại hội đoàn các cấp; rà soát, quan tâm bố trí công tác cán bộ đoàn chuyên trách đến tuổi trưởng thành. Ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp phối hợp với đoàn cấp trên lãnh đạo việc chuẩn bị nhân sự tham gia ban chấp hành đoàn khóa mới bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, có số lượng và cơ cấu hợp lý, đúng nguyên tắc, quy trình theo các quy định của Đảng, Nhà nước, Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

(3) Chỉ đạo công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội trong việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, phát huy vai trò của thanh niên. Chỉ đạo đoàn các cấp phát động các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực chào mừng Đại hội; đa dạng hóa hình thức, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tăng cường biểu dương, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến.

(4) Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phối hợp với ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương chỉ đạo ban chấp hành đoàn các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội, nội dung văn kiện, công tác nhân sự và các công tác bảo đảm khác. Thời gian tiến hành đại hội cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh từ đầu quý I/2022 đến đầu quý IV/2022; Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII tổ chức vào tháng 12/2022.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Thương mại dịch vụ toàn cầu

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, tối ngày 02/9/2021 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 theo hình thức ghi hình. Đây hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Hội chợ thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc năm 2021[3] do Bộ Thương mại Trung Quốc và Chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đồng tổ chức từ ngày 02 - 07/9/2021. Với chủ đề “Số hóa mở ra tương lai, Dịch vụ thúc đẩy phát triển”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã đề xuất một số giải pháp: (1) Các nước cần tận dụng chuyển đổi số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp quốc; (2) Tăng cường hơn nữa vai trò của các thỏa thuận quốc tế trong hợp tác về công nghệ số và kinh tế số để kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đúng hướng trên cơ sở tổng hòa lợi ích chung của toàn xã hội; đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo đảm quyền riêng tư cũng như chống độc quyền và xóa bỏ sự bất bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ thuế; (3) Chú trọng đến hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; góp phần hỗ trợ người lao động từng bước thích ứng với công nghệ số; (4) Đề cao vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, nhất là lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, bảo đảm cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19; (5) Tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông thủy sản có tính thời vụ.

2. Việt Nam lên tiếng trước việc Trung Quốc thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi

Ngày 01/9/2021, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển. Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[2] Hệ sinh thái thị trường của Internet vạn vật (IoT - Internet of Things).

[3] Hội chợ thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc năm 2021 là Hội chợ có quy mô lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, với sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc. Bên cạnh hoạt động chính, Hội chợ năm nay còn tổ chức 15 Hội nghị, Diễn đàn liên quan như Diễn đàn phát triển bền vững sinh thái toàn cầu, Diễn đàn trung hòa carbon... Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam tham gia theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.