Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2021

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập giới thiệu nội toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được đăng trên Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo Đồng Tháp (btg.dongthap.gov.vn), mục Tài liệu - Tài liệu sinh hoạt chi bộ.

=====> Nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11

Ước tính trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 96.899 ngàn USD, tăng 1,25% so với tháng trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 31/10/2021, ước tính đạt 5.888.267 triệu đồng, so với dự toán cả năm đạt 72,33%. Ước thực hiện chi ngân sách địa phương 10 tháng đầu năm 2021 là 9.876.808 triệu đồng, đạt 70,23% dự toán năm. Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, sau gần một tháng kết nối, vận động đã có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, các doanh nghiệp và các mạnh thường quân trong và ngoài Tỉnh đã ủng hộ thiết bị học trực tuyến cho học sinh; toàn Tỉnh đã trao 2.071 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến và 4.038 sim 4G cho học sinh khó khăn để có đủ điều kiện học tập trực tuyến. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến ngày 19/11/2021, UBND Tỉnh đã chi danh sách 737.874 đối tượng được hưởng hỗ trợ, với tổng kinh phí là 343.606 triệu đồng.

2. Phương án tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, nơi cư trú, khu cách ly tập trung

Ngày 19/11/2021, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số: 1750/QĐ-UBND-HC Phê duyệt Phương án tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, nơi cư trú, khu cách ly tập trung, theo đó, Phương án 117/PA-SYT do Sở Y tế lập nhằm mục tiêu hạn chế cách ly tập trung, giảm quá tải cho hệ thống y tế để vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo khám chữa bệnh thường qui; cung cấp các hướng dẫn, quy định về quản lý, hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng mức độ nhẹ tại nhà, nơi cư trú, khu cách ly tập trung.

Tiêu chí lâm sàng đối với người nhiễm Covid-19 quản lý tại nhà, nơi cư trú: Là người nhiễm Covid-19 (CT>30) không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào. Ngoài ra, đáp ứng thêm 02 tiêu chí sau: Đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày; có đủ 03 yếu tố sau: (1) Trẻ em trên 1 tuổi, người lớn < 50 tuổi; (2) không có bệnh nền thuộc danh mục các bệnh lý nền theo quy định; (3) Không đang mang thai.

Đối tượng mắc Covid-19 quản lý tại khu cách ly tập trung: Là người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào; không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

3. Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 16/11/2021, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 332/KH-UBND triển khai Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Kế hoạch này nhằm thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi số, kinh tế số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu đã được số hóa theo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc đầu tư ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trọng điểm ở một số lĩnh vực như: Nông nghiệp, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính; phát triển mạnh các doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng cho ít nhất 100 cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố về trí tuệ nhân tạo; có ít nhất 01 cơ sở giáo dục, đào tạo của Tỉnh có hoạt động đào tạo hoặc liên kết đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, đến năm 2025 sẽ triển khai ít nhất 05 nhiệm vụ, dự án, mô hình ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo vào một số lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong đó chú trọng các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công.

Định hướng đến năm 2030 sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho ít nhất 300 cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố về trí tuệ nhân tạo. Tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 03 cơ sở giáo dục, đào tạo của Tỉnh có hoạt động đào tạo hoặc liên kết đào tạo về trí tuệ nhân tạo; triển khai ít nhất 10 nhiệm vụ, dự án, mô hình ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo…

II. TIN TRONG NƯỚC

1. Bộ Chính trị ban hành Quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ[1], thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02/10/2009. Quy định nêu rõ nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định số 41-QĐ/TW xác định việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: (1) Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. (2) Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. (3) Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. (4) Có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. (5) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. (6) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Quy định nêu rõ 04 căn cứ để xem xét đối với cán bộ xin từ chức: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu và vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Về quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức, Trung ương quy định khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc. Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.

Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng xác định rõ: Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

2. Chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội – Hiệu quả trong quản lý và xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững

Những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử. Theo thống kê, toàn Ngành BHXH Việt Nam có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Hiện nay, BHXH Việt Nam thực hiện chuyển đổi số thông qua việc không ngừng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, mã số định danh, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ; xây dựng các lớp dịch vụ nền tảng (định danh, tương tác, chăm sóc khách hàng; quản lý rủi ro, an toàn, bảo mật) và xây dựng các phần mềm phục vụ người tham gia BHXH, BHYT. Ứng dụng thành công nhất của BHXH Việt Nam hiện nay là VssID- BHXH số trên điện thoại thông minh với 5 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Ý). Chỉ chưa đầy 01 năm sau khi công bố ứng dụng, đến nay đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt.

Để chuyển đổi số Ngành BHXH hiệu quả trong quản lý và xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, trong thời gian tới, Ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Tiếp tục nâng cao ý thức trong chuyển đổi số; (2) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm của từng đơn vị; (3) Lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung mở rộng các kênh phục vụ; (4) Xây dựng chiến lược BHXH dựa trên số liệu; tăng cường an ninh số liệu; nâng cao năng lực liên thông; phát triển quan hệ đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực phân tích số liệu cho cán bộ nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho cán bộ CNTT và cán bộ nghiệp vụ…; (5) Tăng cường kết nối thông tin giữa các cơ quan chính phủ, xây dựng hệ thống thông tin cho tất cả các Ngành; (6) Chú trọng công tác bảo mật, an ninh mạng; (7) Nhanh chóng nâng cấp hệ thống số hóa để giải quyết chính xác, nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH…

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Đóng góp của Việt Nam tại Tuần Lễ cấp cao APEC năm 2021

 Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 12/11/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 bằng hình thức trực tuyến, với chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu Covid-19 và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên, vượt qua khác biệt để “chung tư duy, cùng hành động”. APEC cần khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu; là trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, xu thế phát triển mới; chủ động mở rộng liên kết kinh tế; phát huy vai trò dẫn dắt trong định hình kinh tế thế giới sau đại dịch và góp phần củng cố quản trị kinh tế toàn cầu hiệu quả, công bằng, minh bạch.

Tất cả các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đã được các nhà Lãnh đạo APEC đánh giá cao và phản ánh vào các văn kiện của APEC. Qua đó, thể hiện sự đóng góp trách nhiệm, tích cực, chủ động của Việt Nam, là thành viên chủ động, đi đầu trong APEC trong việc xây dựng, củng cố đoàn kết trong APEC để tiếp tục tăng cường hợp tác vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định.

2. Tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

- Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 30 - 31/10/2021, tại thủ đô Rome, Italy. Hội nghị ra Tuyên bố chung, tập trung vào 03 chủ đề trọng tâm: (1) Trên lĩnh vực y tế, Tuyên bố G20 khẳng định nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận kịp thời, bình đẳng và bao trùm đối với các loại vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết phấn đấu đạt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022; (2) Về biến đổi khí hậu, Hội nghị tái cam kết duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn trên 1,5 độ C vào giữa thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp; nỗ lực huy động 100 tỷ USD/năm đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển; tích cực huy động các nguồn tài chính công và tư để hỗ trợ phát triển năng lượng xanh, bền vững và bao trùm, sớm chấm dứt tài trợ cho việc sản xuất điện từ than; (3) Về kinh tế, các nhà lãnh đạo G20 cam kết hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế. Hội nghị ghi nhận bước tiến “lịch sử” khi các nước G20 ủng hộ “rộng rãi và xuyên suốt” mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Theo ước tính của OECD, việc thống nhất mức thuế tối thiểu sẽ giúp bổ sung khoảng 125 tỷ USD vào ngân sách các nước.

Theo các chuyên gia, với những kết quả đạt được, Hội nghị G20 được đánh giá thành công khi ghi nhận những tín hiệu lạc quan về sự phục hưng của chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với những vấn đề đã và đang đặt ra đối với tương lai nhân loại.

- Mỹ chính thức mở lại biên giới sau 20 tháng đóng cửa vì Covid-19: Từ ngày 08/11/2021, Mỹ chính thức mở lại biên giới trên bộ và trên không cho các du khách nước ngoài đã tiêm ngừa đầy đủ, sau 20 tháng đóng cửa. Tuy nhiên, việc nhập cảnh vào Mỹ sẽ được giám sát chặt chẽ. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra kỹ việc tiêm ngừa Covid-19, theo đó du khách phải tiêm ngừa đầy đủ và cần có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 03 ngày trước khi du lịch. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu phải triển khai hệ thống truy vết tiếp xúc.

Biên giới trên bộ sẽ mở cửa theo 2 giai đoạn, trong đó từ ngày 08/11/2021, cho phép người đã tiêm ngừa được qua biên giới để thăm người thân, du lịch…; và từ đầu năm 2022 phải có giấy xác nhận tiêm ngừa với mọi trường hợp. Trước đó, nhằm làm chậm sự lây lan của đại dịch Covid-19, Mỹ đã đóng cửa các biên giới từ tháng 3/2020 đối với du khách từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm các nước châu Âu, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[1] Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm, do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Còn từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.