Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết Phát huy giá trị văn hóa đạo đức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” của Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Văn hóa - Xã hội.

Giá trị văn hóa đạo đức là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc. Văn hóa đạo đức trước hết là một bộ phận, thành tố của văn hóa tinh thần xã hội. Giá trị văn hóa đạo đức là những giá trị, chuẩn mực đạo đức in đậm trong nhận thức, hành động của cộng đồng, được xã hội thừa nhận và được thể hiện thông qua hành vi của con người. Đảng ta xác định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong tình hình mới, để phát huy giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, chúng ta cần chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả một số nội dung sau:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của Nhân dân.

Giống như mọi quốc gia - dân tộc, yêu nước là lý tưởng thiêng liêng, lẽ sống cao đẹp, là tình cảm chủ đạo và định hướng giá trị cho hành động và cách ứng xử của con người Việt Nam. Đây là giá trị tiêu biểu hàng đầu trong văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một sự thống nhất chặt chẽ ý thức bảo vệ chủ quyền non sông đất nước, tinh thần độc lập dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, không chịu khuất phục trước mọi thế lực xâm lược. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành giá trị, chuẩn mực cao nhất trong thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và là sức mạnh tiềm tàng, không bao giờ cạn trong Nhân dân. Như vậy, muốn phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa của con người Việt Nam, thì trước hết, chủ nghĩa yêu nước cần phải được thường xuyên khơi dậy, bồi đắp để biến thành hành động cụ thể, thành các phong trào xã hội thiết thực, nếu không “những giá trị tiềm tàng” sẽ có nguy cơ phai mờ theo thời gian. Đúng như Đảng ta đã xác định, phải “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ cần phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, niềm tin, ý chí, cần thôi thúc hành động tự giác, hướng tới mục tiêu, lý tưởng cách mạng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc tạo môi trường, điều kiện xã hội thuận lợi để khơi dậy, phát huy những phẩm chất “tiềm tàng” trong mọi tầng lớp nhân dân về hệ thống giá trị tinh thần và chủ nghĩa yêu nước.

Hai là, khơi dậy, phát huy tối đa nguồn lực con người và lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Lòng trung thành là một trong những giá trị văn hóa đạo đức, được biểu hiện ở sự giác ngộ sâu sắc và quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng đội; đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân; “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”…

Để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phải khơi dậy tối đa nguồn lực con người, coi con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Theo đó, cần khơi dậy các tiềm năng sáng tạo, quyền làm chủ của Nhân dân và phát huy tối đa dân chủ xã hội chủ nghĩa. Một mặt, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ để hai lĩnh vực này thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh - quốc phòng, phát huy bản sắc văn hóa và đối ngoại; mặt khác, không ngừng đẩy mạnh công tác tư tưởng, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, thuyết phục, định hướng - giải đáp đúng những vấn đề thực tiễn đặt ra…

Ba là, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế cao cả.

Đoàn kết dân tộc - gắn bó cộng đồng là bản chất, truyền thống của dân tộc Việt Nam, được biểu hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Đoàn kết dân tộc không chỉ là sự cố kết giữa các tộc người, tôn giáo, giai cấp trên mọi vùng, miền Tổ quốc, mà còn là sự gắn kết, sẻ chia, tương trợ lẫn nhau giữa người dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung. Bên cạnh truyền thống đoàn kết dân tộc, thì tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả cũng là một trong những giá trị và truyền thống tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trong các giai đoạn cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Nhân dân ta tiếp tục được khơi dậy và phát huy cao độ. Mặc dù phải chịu những tổn thất không hề nhỏ, nhưng với tinh thần đoàn kết, “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài đã không nao núng, sờn lòng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh bằng những “lộ trình” và chiến lược cụ thể; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, tinh thần đoàn kết quốc tế được thể hiện rõ, Việt Nam đã luôn góp phần xứng đáng vào nỗ lực chung của nhân loại, “vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng...”; đồng thời, với sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, Nhân dân Việt Nam được “tiếp thêm sức mạnh” trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19.

Bốn là, khơi dậy giá trị cần cù, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của Nhân dân và khát vọng phát triển đất nước.

Những giá trị cần cù, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo luôn tiềm ẩn trong hầu hết mỗi con dân đất Việt. Tùy vào những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà những “chất vàng mười” đó được “phát lộ” đến “mức độ” nào. Chính vì thế, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là phải luôn tạo ra được những “chất xúc tác” quan trọng để không ngừng khơi dậy, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ những giá trị đã làm nên một dân tộc anh hùng. 

Sự gương mẫu, thống nhất giữa lời nói và hành động của cán bộ, đảng viên sẽ là một trong những “chất xúc tác” quan trọng thôi thúc dân nghe, tin và làm theo. Chính vì thế, để khơi dậy và phát huy được những giá trị văn hóa đạo đức nêu trên trong mọi tầng lớp nhân dân, thì trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải luôn biết đặt mình trong tập thể, trong sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và Nhân dân; không buông lỏng kỷ luật, kỷ cương dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật” .

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là tiếp tục sự khẳng định mục tiêu cao cả nhất của Đảng, đồng thời là một bước tiến phù hợp với điều kiện “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có những vấn đề liên quan đến con người, nhất là trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, “nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”. Theo đó, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi đã được xác lập, Đảng phải kiên quyết, linh hoạt hơn nữa trong tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội  của Tỉnh tháng 01/2022

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 01/2022 đạt 9.497 tỷ  đồng, tăng 5,98%, nguyên nhân tăng doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là do sự phục hồi doanh thu khách sạn, nhà hàng sau giai đoạn giãn cách do dịch bệnh Covid-19. Hoạt động thương mại ước tính đạt 7.766 tỷ đồng, tăng 3,78%. Kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt 129.399 ngàn USD. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32.019 ngàn USD. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 502 tỷ đồng tăng 10,17%. Ngành Y tế tích cực tập trung cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt côn trùng, tuyên truyền về công tác phòng và chống sốt xuất huyết, tay chân miệng. Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị đón các em học sinh, học viên học trực tiếp tại các trường, phải đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trước khi nhập học, khi vào lớp học, về nhà.

2. Đồng Tháp: 21,6 tỷ đồng chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo

Uỷ ban nhân dân Tỉnh thống nhất mức dự toán kinh phí thăm chúc Tết, hỗ trợ Tết cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn Tỉnh, với tổng dự toán là 21,6 tỷ đồng. Cụ thể, kinh phí thăm, chúc Tết các gia đình chính sách, người hoạt động kháng chiến, các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài Tỉnh là hơn 833 triệu đồng. Kinh phí hỗ trợ thêm cho hộ gia đình chính sách có đối tượng được Chủ tịch nước tặng quà, với mức 200.000 đồng/hộ và người tham gia hoạt động kháng chiến không thuộc diện nhận quà Tết của Chủ tịch nước, với mức 300.000 đồng/người, với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ Tết cho hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, với mức 200.000 đồng/hộ, đối tượng, với tổng số tiền gần 16,4 tỷ đồng.

3. Khởi công Trung tâm thương mại và nhà ở cao nhất tại Sa Đéc

Ngày 17/01/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh và Tập đoàn T&T Group tổ chức lễ khởi công dự án Khu trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở T&T Sa Đéc tại Khóm 4, Phường 1, thành phố Sa Đéc với điểm nhấn là khách sạn 25 tầng, sẽ là tòa nhà cao nhất thành phố hoa Sa Đéc. Dự án này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Thiện Đà Nẵng - thành viên Tập đoàn T&T Group trúng thầu quyền sử dụng đất và thuê đất với quy mô hơn 10.000m2, tổng vốn đầu tư trên 1.170 tỷ đồng. Lấy cảm hứng từ dòng chảy của sông Tiền và Làng hoa Sa Đéc, Khu trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở T&T Sa Đéc với 02 phân khu chức năng: Khu nhà phố thương mại và tổ hợp dịch vụ thương mại được quy hoạch với định hướng kiến trúc để trở thành tổ hợp công trình hiện đại, đan xen đường cong tựa như dòng sông uốn lượn và đặc biệt ở khối đế công trình  tạo ra một trục đi bộ kết hợp phố hoa. Đáng chú ý, khu thương mại dịch vụ với điểm nhấn là công trình khách sạn quy mô 25 tầng với chiều cao 100 mét, sẽ là tòa nhà cao nhất, là biểu tượng mới cho sự thịnh vượng và sôi động tại Sa Đéc. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào quý 4/2023.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả chủ yếu của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV

Từ ngày 04 - 11/01/2022, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua các luật, 04 nghị quyết với sự thống nhất cao, cụ thể: (1) Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (2) Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; (4) Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV khẳng định các kết quả đạt được của Kỳ họp, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2022 - 2023); hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng trang thiết bị y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

2. Tình hình thực hiện chính sách đối với người lao động, người có công năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022

Năm 2021, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người có công nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân; bảo đảm không đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 100 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 500 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 495 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng; tặng 1.010 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 02 tỷ đồng; có 4.165 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Đời sống người có công và thân nhân người có công được cải thiện, nâng cao hơn. Chính sách trợ giúp xã hội được triển khai đồng bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách với người lao động, người có công còn một số hạn chế như: Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; chất lượng lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất cập. Các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ. Vẫn còn tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế kéo dài, số lao động rút Bảo hiểm xã hội 1 lần tăng mạnh. Vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Để phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2022, công tác chính sách với người lao động, người có công cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (2) Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và gắn với thực thi nghiêm pháp luật; (3) Phục hồi, củng cố và vận hành thị trường lao động phù hợp với tiến trình phục hồi nền kinh tế; (4) Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, tiền lương, quan hệ lao động và an toàn, vệ sinh lao động; (5) Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; (6) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; (7) Thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Việt Nam hoàn thành tốt cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021

Ngày 31/12/2021, Lễ hạ quốc kỳ kết thúc nhiệm kỳ của 5 nước Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) giai đoạn 2020 - 2021 đã diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc. Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam chính thức hoàn thành cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trong hai năm đảm nhiệm vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã tham dự 840 cuộc họp ở cấp Đại sứ trở lên, tham gia đàm phán và thông qua 254 văn kiện, riêng trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA 26 văn kiện được thông qua, đề xuất và được HĐBA thông qua 2 nghị quyết và 3 tuyên bố Chủ tịch HĐBA (lần đầu HĐBA có Tuyên bố Chủ tịch).

Trên cương vị Uỷ viên không thường trực, Việt Nam luôn đề cao thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương trong mọi hoạt động tại HĐBA; thúc đẩy và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, nhất là các nước lớn, các nước đối tác quan trọng. Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao tới các nước Uỷ viên thường trực HĐBA (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc) đều đạt được những thành công tốt đẹp, củng cố và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

2. Kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào

Từ ngày 08 - 10/01/2022, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Phankham Viphavanh đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Kỳ họp lần thứ 44, Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào. Hai bên thống nhất tổ chức tốt các hoạt động trong năm 2022 - Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam để Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị định thư, kế hoạch hợp tác về an ninh - quốc phòng, cùng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên; ủng hộ nhau giữ vững ổn định an ninh - xã hội; tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại Lào. Hai bên đã ký 09 Văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, biên giới, kinh tế, ngân hàng, giáo dục, y tế, năng lượng điện.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp