Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 7 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh "Đảng là đạo đức, là văn minh" trong xây dựng đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên", của Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển, Học viện Chính trị, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, Mục Theo gương Bác.

Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Tầm vóc vĩ đại của Đảng được Người khái quát đã trở thành nét đẹp văn hóa - văn hóa Đảng. Xây dựng văn hóa Đảng nhằm giáo dục, bồi dưỡng, khích lệ tinh thần phấn đấu cao của mọi đảng viên; đồng thời, nhằm đập tan mọi âm mưu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC "ĐẢNG LÀ ĐẠO ĐỨC, LÀ VĂN MINH"

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Mục tiêu hiện nay của Đảng là đấu tranh thống nhất nước nhà, để thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; làm cho cả nước không còn ai bị bóc lột, xây dựng một xã hội mới, trong đó mọi người được sung sướng, ấm no". Mục tiêu đó là đạo đức, là văn minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo nhân dân ta chống lại ách thống trị của thực dân và ách áp bức của phong kiến, đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nghèo, làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện quyền tự quyết, quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, đó là quyền bình đẳng tối thiểu của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới. Đó là một trong những lý do để Người trở thành chiến sĩ cộng sản đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đó là đạo đức, là văn minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Lý do tồn tại của Đảng là ở đó, đạo đức và văn minh của Đảng cũng là ở đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Chính phủ chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân, với tinh thần nhân dân chỉ cảm nhận được quyền của mình trong một nước độc lập khi ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, mọi người được học hành. Việc kết hợp các giá trị đạo đức dân tộc với các giá trị đạo đức của thời đại đã tạo ra là nền tảng quan trọng của sự tiến bộ xã hội ở Việt Nam. Đó là đạo đức, là văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng đạo đức của đội ngũ cán bộ. Người rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ và nhất là phải có đạo đức cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư, tận tâm, tận lực, trung với nước, hiếu với dân suốt đời phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dânChính vì lẽ đó, Người rất quan tâm đến việc tu dưỡng đạo đức người cách mạng và cảnh báo tình trạng cán bộ "dùng của công làm việc tư... Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình", quên cả thanh liêm đạo đức cần phải phê phán mạnh mẽ và loại bỏ - những công việc đó là đạo đức, là văn minh của Đảng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu thương con người. Đồng thời, Người luôn coi trọng tình nhân ái, khoan dung. Lòng yêu thương mênh mông, sâu sắc đối với con người không chỉ ở phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, mà còn ở những con người nhất thời họ có lầm lạc, còn nhỏ nhen, thấp kém. Chính điều đó đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hoá được nhiều nhân sĩ, trí thức, kể cả các quan lại cao cấp của chế độ cũ, một lòng một dạ đi theo cách mạng không quản ngại gian khổ, hy sinh. Đó là đạo đức, là văn minh của Đảng ta.

Như vậy, đạo đức cách mạng của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát đã trở thành chuẩn mực đạo đức chung, nền tảng của Đảng và Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh.

XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Một là, nâng cao chuẩn mực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Đây là một trong những nội dung cơ bản, xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để mỗi tổ chức đảng thực sự là đạo đức, là văn minh.

Hai là, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Do đội ngũ cán bộ, đảng viên là người trực tiếp thực hiện nghị quyết của Đảng, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần phải thường xuyên coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tập trung lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ và chính sách cán bộ. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo đúng quy định; tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên toàn diện, nhất là bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị và khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ không chỉ ở nhà trường mà còn ở ngay từng cơ quan, đơn vị. Có như vậy mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới…

Ba là, cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Đổi mới phong cách làm việc, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm túc quy định về những điều đảng viên không được làm. Động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để mỗi tổ chức đảng thực sự là đạo đức, là văn minh.

Bốn là, cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi. 

Cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động, rèn luyện về lập trường, tư tưởng. Muốn xây dựng chi bộ tốt nhất thiết phải bồi dưỡng lập trường vô sản cho đảng viên, phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng. Cho nên, cần phải chỉnh đốn Đảng, trong đó, coi trọng khâu kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ quy định về quản lý cán bộ, đảng viên.

Cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật của tổ chức nơi công tác. Cấp ủy, tổ chức đảng phải kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên và kiểm tra, giám sát định kỳ. Chủ động phát hiện kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng tham gia công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Xem xét, xử lý công minh, chính xác, kịp thời và kiên quyết những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh 6 tháng đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022: Ước tính tốc độ tăng trưởng GRDP của Tỉnh đạt 3,83%; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 985.532 ngàn USD tăng 107,96% so với cùng kỳ năm trước; Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 471.059 ngàn USD bằng 268,55% so với cùng kỳ năm trước; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đến 30/06/2022 đạt 4.197.741 triệu đồng; Tổng chi ngân sách địa phương đạt 5.628.906 triệu đồng, đạt 44,01% dự toán năm. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thương mại dịch vụ gần như được phục hồi hoàn toàn, các chương trình khuyến mãi, lễ hội, kích cầu du lịch đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Tỉnh với mức tăng trưởng 9,35% trong 6 tháng đầu năm 2022. Từ đầu năm đến nay toàn Tỉnh đã tổ chức được 17 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 12/16 phiên theo kế hoạch của Tỉnh; 02 phiên kết nối trực tuyến với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 03 phiên tại doanh nghiệp), có 243 đơn vị trực tiếp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh (trong đó có 189 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và 54 doanh nghiệp tham gia trực tuyến), tuyển sinh và có 5.734 lao động đến tham dự. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, kỳ thi diễn ra trong ngày 07 - 08 tháng 7, toàn Tỉnh có trên 15.000 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó: 13.623 thí sinh đang học lớp 12 hệ trung học phổ thông, 988 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, còn lại thí sinh tự do). Dự kiến tổ chức 30 điểm thi với 645 phòng thi. Các điểm thi đặt tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên ở 12 huyện, thành phố.

2. Đồng Tháp chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần I - năm 2022

Với chủ đề "Nông nghiệp sinh thái", mục tiêu của Diễn đàn là kết nối nguồn lực, hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ (đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp) của tỉnh Đồng Tháp và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng khuyến khích phát triển ý tưởng, dự án, sản phẩm, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp và đổi mới sáng tạo; cung cấp các giải pháp, kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo dự kiến, Diễn đàn sẽ được diễn ra với các hoạt động như: Hội thảo chuyên đề; không gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, giới thiệu các mô hình, giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp và đổi mới sáng tạo; các buổi Work-shop về các chủ đề xoay quanh khởi nghiệp…

3. Hai địa phương trồng xoài lớn nhất Tỉnh sẽ tổ chức Lễ hội Xoài

Thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh là hai địa phương của tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn và nổi tiếng với câu "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh". Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Phạm Thiện Nghĩa thống nhất cho hai địa phương này tổ chức Lễ hội Xoài và không tổ chức Lễ hội Xoài quy mô cấp Tỉnh như dự kiến trước đó. Lễ hội sẽ tổ chức từ ngày 05/7/2022 đến ngày 08/7/2022, trùng với Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 202 (thành phố Cao Lãnh), do Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh đồng tổ chức.

Việc tổ chức lễ hội nhằm hướng đến phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài, quảng bá nhãn hiệu "Xoài Cao Lãnh" đến với người tiêu dùng, cũng như thông tin về chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Xoài Cao Lãnh; giới thiệu các món ăn được chế biến từ trái xoài, gắn với phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch. Để Lễ hội Xoài có tính chuyên nghiệp, khác biệt và có trọng tâm, thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh đang rà soát các hoạt động trong Lễ hội, khu vực triển lãm về xoài, các mô hình hiệu quả về cây xoài, gắn với chuyển đổi số. Song song đó, quan tâm đến hoạt động kết nối tiêu thụ xoài cho nhà vườn, bằng hình thức trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử ...

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giảm nghèo bền vững; ghi nhận, cổ vũ, động viên, khích lệ sự quan tâm vào cuộc và phát huy trách nhiệm của người dân cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo và vì người nghèo, Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ nội dung phong trào thi đua như sau:

Các bộ, ban, ngành, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua. Uỷ ban ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thi đua đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn nghèo nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững.

Giải pháp thực hiện Phong trào thi đua là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua, sơ kết, tổng kết và khen thưởng cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua. Các bộ, ban, ngành, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cụm, khối thi đua căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức thực hiện Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; triển khai sâu rộng Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, tránh hình thức, lãng phí; sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025…

Tiến độ thực hiện: Năm 2021 - 2022, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Giai đoạn 2022 - 2025, các bộ, ban, ngành, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; căn cứ vào tình hình thực tiễn để chủ động tiến hành khen thưởng hằng năm theo thẩm quyền. Năm 2023, các bộ, ban, ngành, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn để chủ động tiến hành sơ kết giữa kỳ và khen thưởng theo thẩm quyền. Năm 2025, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết Phong trào thi đua vào dịp tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo.

2. Xây dựng mô hình công dân học tập suốt đời

Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình "xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030" nêu rõ mục tiêu chung là: Thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả... trên cơ sở hình thành mô hình "Công dân học tập" nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập. Mục tiêu cụ thể là: Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam được học tập quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình "Công dân học tập". Phấn đấu đến năm 2030, tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam để hiểu rõ và triển khai hiệu quả các tiêu chí xây dựng mô hình "Công dân học tập".

Để đạt các mục tiêu đó, cần tiến hành các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chí khung để áp dụng cho các đối tượng khác nhau. Tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống báo chí, bản tin, nội san, các trang tin điện tử của Hội Khuyến học các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương. Nghiên cứu, xây dựng phần mềm nhằm số hóa việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp, báo cáo... việc thực hiện các tiêu chí xây dựng mô hình "Công dân học tập" theo các mục tiêu của Chương trình. Tổ chức các hội nghị, tập huấn quán triệt Chương trình, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản chỉ đạo khác của Đảng và Chính phủ liên quan đến đổi mới giáo dục, đào tạo, thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tập huấn triển khai xây dựng mô hình "Công dân học tập" cho những đối tượng trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, phù hợp với trình độ học vấn và đặc điểm nghề nghiệp của họ…

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2021"

Ngày 18/5/2022, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố báo cáo "Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021", cảnh báo bốn chỉ số biến đổi khí hậu chính đều lập các mức kỷ lục mới. Theo đó, báo cáo của WMO xác nhận 04 chỉ số gồm: Nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt độ đại dương và axit hóa đại dương đều ở mức cao kỷ lục. Nguyên nhân của những hiện tượng trên là do các hoạt động của con người đã gây ra những thay đổi, tác động có hại và lâu dài đối với sự phát triển bền vững, các hệ sinh thái trên quy mô toàn cầu. Đại diện của WMO cho rằng, quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng. Mực nước biển dâng, sức nóng của đại dương và quá trình axit hóa sẽ tiếp diễn.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi các hệ thống năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh. Tình trạng thời tiết cực đoan và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang thúc đẩy những nỗ lực chuyển đổi hệ thống năng lượng trên toàn cầu. Trong Tuyên bố kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về bảo vệ khí hậu, năng lượng và môi trường vừa qua (diễn ra từ ngày 26 - 27/5/2022), nhóm các nước G7 nhất trí tới năm 2025 sẽ tăng gấp đôi nguồn lực tài chính cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ các nước này khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Một điểm quan trọng được các bộ trưởng G7 thông qua là lần đầu tiên cam kết mục tiêu tạo ra nguồn điện không carbon tới năm 2035, hướng tới chấm dứt sử dụng điện than. Ngoài ra, G7 cũng sẽ chấm dứt tài trợ cho hoạt động sản xuất nhiên liệu hoá thạch tới cuối năm 2022.

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Bầu cử hội đồng xã, phường tại Campuchia năm 2022: Bầu cử hội đồng xã, phường khóa V, tại Campuchia diễn ra ngày 05/6/2022 là sự kiện chính trị quan trọng của Campuchia, tác động không nhỏ đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Campuchia cũng như quan hệ Việt Nam - Capuchia. Tham gia tranh cử có 17 chính đảng, giới thiệu 82.786 ứng cử viên chính thức trong đó có 25.963 ứng cử viên nữ tham gia tranh cử, với 23.602 điểm bầu cử trên cả nước và đã có 7.172.444 cử tri đi bầu trên tổng số 9.205.681 cử tri đăng ký, đạt tỷ lệ 77,91% để bầu ra 11.622 ghế uỷ viên hội đồng của 1.652 xã, phường trên cả nước. Kết quả, trong số 17 chính đảng tranh cử có 02 Đảng có số phiếu cao giành ghế Chủ tịch Hội đồng xã, phường, cụ thể: Đảng CPP, được 5.370.843 phiếu, tương đương 74,51% giữ chức Chủ tịch tại 1.648/1.652 xã, phường; Đảng Ngọn Nến, được 1.595.814 phiếu, tương đương 22,14%, xếp thứ hai và giữ chức Chủ tịch tại 04/1.652 xã, phường.

- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022 - 2023: Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 01 năm kể từ ngày 13/9/2022. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng có vai trò quan trọng, quyết định trong việc tổ chức và điều hành các sự kiện lớn cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc, dẫn dắt xây dựng các văn kiện, tiến trình lớn của Liên hợp quốc. Đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, nhất là trong bối cảnh Kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc ./.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp