Xuất bản thông tin

null Tận dụng công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học

Trang chủ Tab Thông tin

Tận dụng công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có Quyết định ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp nhằm tận dụng công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, gắn kết giữa nhà trường và gia đình, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế và xã hội số; bảo đảm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn Tỉnh. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Tận dụng công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học

 Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có Quyết định ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, Mục tiêu chung của Đề án là tận dụng công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, gắn kết giữa nhà trường và gia đình, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế và xã hội số; bảo đảm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn Tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2025, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi giáo viên, người học. Trong đó, về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 50% học sinh, học viên và mỗi giáo viên có đủ điều kiện (phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy học trực tuyến; 50% trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở triển khai các khoá đào tạo kiến thức số, kỹ năng số với 30% học sinh phổ thông tham gia.

Về môi trường dạy học trực tuyến: Hình thành kho học liệu dạy học trực tuyến cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông.

Về quy mô hoạt động dạy học trực tuyến: 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện giảng dạy và học tập trên môi trường số; tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học.

Về triển khai mô hình dạy học STEM/STEAM: 40% cơ sở giáo dục phổ thông có triển khai đào tạo áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM với 30% học sinh tham gia, ưu tiên các địa bàn xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục. Cụ thể, về quản trị trường học: Tối thiểu 70% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở. Trong đó, 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ với mã định danh thống nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.

Về quản lý giáo dục: Đến năm 2023, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành giáo dục kết nối liên thông dữ liệu dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán); tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ người học, cha mẹ học sinh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%; tỷ lệ tổ chức, cá nhân hài lòng về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan quản lý giáo dục đạt trung bình 90%.

Định hướng đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số, trong đó hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và giáo viên tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình phổ thông. 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục của Tỉnh được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với cơ sở dữ liệu, Trung tâm giám sát điều hành thông minh của Tỉnh (IOC).

2. Trên 97 tỷ đồng đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài

Năm 2022, quỹ khuyến học các cấp đã vận động trên 97 tỷ đồng, trao gần 17.000 suất học bổng và trên 126.000 phần quà cho học sinh; hỗ trợ thường xuyên cho 288 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao 406 "Góc học tập"... Cùng với đó, phong trào xây dựng "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" không ngừng phát triển. Trong năm 2022, Hội Khuyến học đã phối hợp với ngành Giáo dục công nhận 143/143 cộng đồng học tập cấp xã, trên 36.700 công dân học tập, hơn 370.000 gia đình học tập... Bên cạnh đó, các cấp hội cũng phát triển thêm hơn 22.600 hội viên. Riêng Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc trong năm đã tiếp nhận trên 08 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp và đã trao hơn 2.300 suất học bổng, trong đó phối hợp trao 50 suất học bổng "Gương sáng hiếu học".

Về nhiệm vụ thời gian tới, Hội Khuyến học các cấp cần tiếp tục đồng hành, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội Khuyến học, nhất là trong công tác khuyến học - khuyến tài; tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, khơi dậy tinh thần, ý thức học tập trong mỗi công dân; nhân rộng các mô hình, tấm gương gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu...

3. Đề án Chuyển đổi số y tế giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã có Quyết định ban hành Đề án Chuyển đổi số y tế giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng và triển khai ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Tỉnh hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Cụ thể, Đề án phát triển 03 trụ cột chính bao gồm: Hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh; Xây dựng mô hình bệnh viện thông minh và ứng dụng bệnh án điện tử; Hệ thống quản trị và điều hành thông minh.

Phấn đấu đến năm 2025, 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoặc thanh toán bằng thiết bị di động; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thực hiện việc thay phim bằng việc luân chuyển các ảnh chụp qua môi trường mạng để bảo đảm thông tin được chuyển tải đầy đủ và tiết kiệm chi phí in ấn.

Cùng với đó, 100% các trạm y tế xã được triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã với đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; triển khai mô hình Bệnh viện thông minh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và Đa khoa Sa Đéc; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai ứng dụng Bệnh án điện tử; hệ thống điều hành y tế thông minh có thể kết nối dữ liệu đến 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn Tỉnh; có khả năng thiết lập Hội chẩn từ xa tới 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.

Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 60% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế triển khai ứng dụng Bệnh án điện tử; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế hoàn thành triển khai việc thay phim bằng việc luân chuyển các ảnh chụp qua môi trường mạng để bảo đảm thông tin được chuyển tải đầy đủ và tiết kiệm chi phí in ấn; 100% các trạm y tế xã có khả năng tiếp nhận, khám, chữa bệnh cho người dân địa phương với sự hỗ trợ tư vấn từ xa của chuyên gia y tế tuyến trên thông qua nền tảng số trực tuyến.

4. Hướng dẫn hỗ trợ lương cho lao động trẻ theo Nghị quyết 16/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có Hướng dẫn đối với nội dung hỗ trợ lương cho lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn Tỉnh theo Nghị quyết số: 16/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định nội dung, mức chi hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực; đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, việc tuyển dụng lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc là do tổ chức kinh tế tập thể tự xác định, đề xuất nhu cầu, phải tuân thủ pháp luật về lao động và đảm bảo nguyên tắc: Có Hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019; độ tuổi của lao động không quá 35 đối với nữ và 40 tuổi đối với nam.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách tổng hợp nhu cầu, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh, gửi về Liên minh Hợp tác xã Tỉnh để tổng hợp chung.

Liên minh Hợp tác xã Tỉnh phụ trách tổng hợp nhu cầu, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các hợp tác xã phi nông nghiệp và là cơ quan đầu mối tổng hợp chung của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi quản lý chung, gửi Sở Tài chính thẩm định kinh phí trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện theo quy định.

Việc giao cho cơ quan đầu mối thực hiện hỗ trợ lương cho lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn Tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 và Luật ngân sách Nhà nước năm 2015; về kinh phí thực hiện được Ngân sách cấp tỉnh bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện.

5. Đồng Tháp xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu

Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định ban hành Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm xác định những nhiệm vụ, giải pháp tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm họa do biến đổi khí hậu đem lại, bảo vệ cuộc sống của nhân dân trên địa bàn Tỉnh.

Kịch bản của các yếu tố biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng, nguy cơ ngập và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu cũng được nêu rõ. Đi kèm là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; giải pháp tăng cường năng lực, thể chế chính sách.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan tham mưu, kiến nghị Uỷ ban nhân dân Tỉnh các biện pháp cần thiết đảm bảo thực hiện đồng bộ và hiệu quả Kế hoạch nói riêng, thực hiện tốt công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Tỉnh nói chung.

Cùng với đó, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở các sở, ban, ngành tỉnh và uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.

6. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thường xuyên giám sát, phối hợp phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh khoáng sản trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Công văn KHẨN về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị: Công an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Cục Thuế Tỉnh, các sở ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Tỉnh tại Công văn số: 299/UBND-ĐTXD ngày 12/8/2022 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn Tỉnh.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao Công an Tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan và uỷ ban nhân dân cấp huyện khẩn trương rà soát việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn (nếu có), quy chế phối hợp liên tỉnh, liên huyện trong quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, yêu cầu đánh giá rõ các tồn tại, bất cập, đề xuất giải pháp khắc phục.

Cùng với đó, nghiên cứu, thành lập đường dây nóng (cấp tỉnh, cấp huyện) để kịp thời tiếp nhận thông tin về vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản (đặc biệt là khu vực giáp ranh tỉnh An Giang thuộc thành phố Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông, thành phố Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự), đồng thời đề xuất các phương án xử lý khẩn cấp trong trường hợp phát hiện vi phạm để xử lý hiệu quả, đúng hành vi, không bỏ sót các vi phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Công an Tỉnh, các sở, ngành liên quan và uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, khảo sát thực tế, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các khu vực mỏ khoáng sản, đặc biệt là các hoạt động gây mất an toàn lao động, tổn thất lớn khoáng sản, ô nhiễm, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, sạt lở bờ sông và các hoạt động khai thác cát sông... để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về quản lý tài nguyên khoáng sản; thành lập và duy trì hoạt động Tổ Kiểm tra cấp huyện để tiến hành kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với toàn bộ các bến bãi, vựa cát trên địa bàn theo chỉ đạo tại Công văn số: 299/UBND-ĐTXD ngày 12/8/2022 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn Tỉnh.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Uỷ ban nhân dân Tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, lập bến bãi trái phép, tiêu thụ cát, sỏi không rõ nguồn gốc, để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.

Uỷ ban nhân dân huyện Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh để tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động khai thác, vận chuyển và tập kết cát trái phép khu vực biên giới.

7. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022

Trong năm 2022, toàn Tỉnh có trên 38.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có hơn 1.700 lao động đã xuất cảnh làm việc tại nước ngoài, đạt 118,6% kế hoạch và hiện có hơn 1.400 lao động đang học giáo dục định hướng, chờ xuất cảnh... Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định số: 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ trong 11 tháng đầu năm 2022 cho gần 67.000 đối tượng; tặng quà cho gần 14.000 hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng; tặng trên 117.000 suất quà cho 68.000 đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Thực hiện tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, doanh số cho vay đạt trên 670 tỷ đồng, với gần 16.000 hộ vay; cấp trên 121.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trên 33.700 học sinh; hỗ trợ xây mới 520 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ dạy nghề cho 511 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,17% (9.710 hộ) đạt tỷ lệ giảm 0,96%, hộ cận nghèo còn 3,23% (14.442 hộ) đạt tỷ lệ giảm 1,86%.

Trong năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho 18.402/15.000 học viên. Kết quả trên góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 73,6%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 52,8%...

Trong năm 2023, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra mục tiêu phấn đấu giải quyết việc làm mới và việc làm thêm cho 30.000 lao động, trong đó, có ít nhất 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 44,5% so với tổng số lao động của Tỉnh; tuyển sinh, đào tạo nghề cho 15.000 học viên ở các cấp trình độ; phấn đấu giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp theo quy định...

8. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và tháng 2 năm 2023 sẽ chi trả cùng kỳ nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 01/2023

BHXH Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp Bưu điện xây dựng kế hoạch chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của tháng 1, tháng 2 năm 2023 trong kỳ chi trả tháng 1 năm 2023, bao gồm cả người nhận tiền mặt và nhận qua tài khoản cá nhân.

BHXH Việt Nam yêu cầu phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH dịp Tết phải đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 theo Thông báo số: 364/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hưởng; tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi đến nhận; tuyên truyền vận động, khuyến khích người hưởng nhận chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân để người hưởng được nhận chế độ nhanh chóng, thuận lợi nhất.

9. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức thành công 28/28 phiên Giao dịch việc làm trong năm 2022

Năm 2022, thực hiện kế hoạch tổ chức Sàn Giao dịch việc làm (GDVL), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức 28 phiên GDVL đạt 100% kế hoạch năm, trong đó có các phiên chuyên đề đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và phiên việc làm tổ chức tại các huyện, thành phố và tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp; hình thức tổ chức trực tiếp và online. Các phiên GDVL thu hút hơn 260 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, 107 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động qua mạng; có hơn 7.400 lượt người dự gồm học sinh THCS, THPT, người lao động có nhu cầu tìm việc làm mới, lao động đang thất nghiệp… Các phiên GDVL đã kết nối, tạo cơ hội việc làm trong, ngoài Tỉnh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho hơn 3.200 lao động trong nước và đi làm việc có thời hạn tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đài Loan…

Năm 2023, Trung tâm DVVL Đồng Tháp tiếp tục dự kiến tổ chức 16 phiên GDVL gồm phiên chuyên đề, cố định, định kỳ, trực tiếp, trực tuyến tại Trung tâm DVVL, các huyện, thành phố, các trường THPT trong Tỉnh. Các phiên GDVL sẽ kết nối, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động làm việc trong nước, nước ngoài, đăng ký học trung cấp, cao đẳng. Ghi nhận những nỗ lực của các tập thể, cá nhân đã đóng góp vào hoạt động của Sàn GDVL.

10. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số

Tháng 12 hàng năm là "Tháng hành động quốc gia về dân số" được ban hành theo Quyết định số: 2162 /QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ đề, nội dung thông điệp truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2022 là "Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững".

Nội dung chủ đề nhằm định hướng công tác dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế để thực hiện mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, chú trọng các nội dung về nâng cao chất lượng dân số, cụ thể như: Tuyên truyền, vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chăm sóc thai tốt để sinh con khỏe mạnh; truyền thông về già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền các giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

11. Ngành khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Năm 2022, ngành khoa học và công nghệ đã triển khai bám sát các chương trình, định hướng nghiên cứu của tỉnh Đồng Tháp, thông qua các đề tài, dự án mang các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống, sản xuất và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; kết nối với Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh; kết nối Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai quy trình sơ chế bảo quản xoài tươi phục vụ xuất khẩu, nghiên cứu giống nhãn cho Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành ...

Hoạt động quản lý và phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tác động tích cực đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương, cơ quan doanh nghiệp tại địa phương. Cụ thể, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục triển khai thực hiện Dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm xoài; thực hiện Dự án đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý "Đồng Tháp" cho sản phẩm sen, Dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Khô Phú Thọ".

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho tổ chức khoa học và công nghệ; bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức ngành khoa học và  công nghệ; thúc đẩy hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh; đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo...

12. Tổng kết cuộc thi sáng tạo thanh niên, nhi đồng tỉnh Đồng Tháp lần thứ 15

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng lần thứ 15 năm 2022.

Cuộc thi lần thứ 15 năm 2022 được phát động từ tháng 12 năm 2021, thu hút 133 mô hình, sản phẩm dự thi ở 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Kết quả, có 47 mô hình sản phẩm đạt giải gồm: 2 giải Nhì, 15 giải Ba và 30 giải Khuyến khích. Đặc biệt, cuộc thi năm nay có 1 mô hình sản phẩm "Robot Avata" của nhóm tác giả Hồ Huỳnh Trọng Nhân và Trần Võ Quốc Trạng, học sinh Trường THCS Tràm Chim, huyện Tam Nông đạt giải Ba Cuộc thi cấp toàn quốc.

Tại lễ tổng kết và trao giải, Ban Tổ chức đã phát động Cuộc thi sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp lần thứ 16 năm 2023. Cuộc thi sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng được tổ chức hàng năm, dành cho lứa tuổi từ 6 đến 18 tuổi, mục đích nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, giúp các em trau dồi kiến thức, tạo ra những sản phẩm cải tiến trong học tập và cuộc sống hàng ngày, qua đó góp phần rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà khoa học, nhà sáng chế trong tương lai.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Quy trình giám định bảo hiểm y tế mới

Quyết định số: 3618/QĐ-BHXH ngày 12/12/2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra những quy định mới về Quy trình giám định BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Theo đó, đối tượng áp dụng của chính sách mới về BHYT này là cơ quan BHXH các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.

Quyết định này hướng dẫn cụ thể 2 hình thức giám định BHYT được thực hiện song song là: Giám định chủ động (đây là giám định do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện) và giám định tự động (đây là hình thức giám định sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử).

Cùng với đó, quy trình giám định mới cũng đề cập chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo 3 hình thức: Giám định trên dữ liệu, giám định trên hồ sơ, tài liệu và giám định thanh toán trực tiếp.

2. Có thể đăng ký mua thẻ BHYT ngay tại nhà

Quyết định số: 3510/QĐ-BHXH ngày 21/11/2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiếm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trường hợp chỉ đăng ký tham gia BHYT (bao gồm cả đăng ký tham gia lần đầu, đóng tiếp BHYT, thay đổi đối tượng từ nhóm khác sang nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình) có thể thực hiện thủ tục đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Như vậy, theo chính sách mới về BHYT này, từ ngày 01/01/2023, người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký mua thẻ và đóng tiền BHYT thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia mà không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, quyết định nói trên cũng quy định, tính năng đăng ký BHYT online trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ áp dụng cho các nhóm đối tượng sau: Người tham gia BHYT thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT; người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; người tham gia BHYT hộ gia đình.

3. Quy định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Quyết định về việc Quy định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, giá tiêu thụ nước sạch phục vụ sinh hoạt đối với hộ dân cư: Đối với sản xuất nước sạch từ nguồn nước ngầm là 6.500 đồng/m3; đối với sản xuất nước sạch từ nguồn nước ngầm có nhiễm Asen-Sắt và đối với sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt là 7.500 đồng/m3.

Giá tiêu thụ nước sạch phục vụ sinh hoạt đối với hộ nghèo (hộ dân cư có sổ hộ nghèo): 4.500 đồng/m3, áp dụng cho định mức sử dụng không quá 08 m3/hộ/tháng; trường hợp sử dụng nước từ m3 thứ 09 trở lên thì áp dụng như giá tiêu thụ nước sạch phục vụ sinh hoạt đối với hộ dân cư.

Giá tiêu thụ nước sạch sử dụng vào mục đích khác (ngoài phục vụ cho sinh hoạt) do các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch quyết định cụ thể cho từng mục đích sử dụng theo mức giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt đã được quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng không vượt quá hệ số tính giá tối đa như sau:

- Áp dụng hệ số tính giá tối đa so với giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt là 1,2 đối với cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập; trường học, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh (công lập và tư nhân); phục vụ mục đích công cộng (phi lợi nhuận).

- Áp dụng hệ số tính giá tối đa so với giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt là 1,5 đối với tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất, kinh doanh, dịch vụ.

Giá bán buôn nước sạch khu vực nông thôn (qua đồng hồ tổng) sẽ do các đơn vị cấp nước tự thoả thuận bảo đảm không cao hơn giá bán lẻ nước sạch theo quy định.

Giá tiêu thụ nước sạch quy định đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên; chưa bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Căn cứ số lượng tiêu thụ nước sạch và điều kiện kinh doanh thực tế, đơn vị cấp nước được quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch thấp hơn mức giá quy định. Đơn vị sản xuất nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước sau khi xử lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và áp lực nước sau đồng hồ tổng theo quy định.

4. Mức chi thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình có công với cách mạng

Nghị quyết số: 25/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định nội dung và mức chi thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ và Tết Nguyên đán của tỉnh Đồng Tháp chính thức có hiệu lực từ ngày 19/12/2022.

Theo đó, mức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đang hưởng trợ cấp hằng tháng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng là 01 triệu đồng/người.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng (bao gồm trường hợp đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trước ngày 28/7 hằng năm nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng); thương binh (bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993), người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; đại diện thân nhân của thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên của Tỉnh được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công nhưng đã từ trần, mức thăm hỏi, tặng quà nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ là 01 triệu đồng/người và Tết Nguyên đán hằng năm là 01 triệu đồng/người.

Thương binh (bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993), người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thương binh đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp hằng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (gia đình người có công) thì mức thăm hỏi, tặng quà nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ là 500 nghìn đồng/người và Tết Nguyên đán hằng năm là 500 nghìn đồng/người.

Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hiện còn sống; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người có công giúp đỡ cách mạng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp một lần (là người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm và được Nhà nước khen tặng thuộc trường hợp: Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương Kháng chiến) hiện còn sống; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật đang hưởng trợ cấp hằng tháng, mức thăm hỏi, tặng quà nhân ngày Tết Nguyên đán hằng năm là 500 nghìn đồng/người.

Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên của Tỉnh đang được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, mức thăm hỏi, tặng quà nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ là 02 triệu đồng/người và Tết Nguyên đán hằng năm là 02 triệu đồng/người.

Trường hợp các đối tượng quy định tại Nghị quyết này gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là tấm gương điển hình trong công tác, học tập, lao động, vượt khó vươn lên do uỷ ban nhân dân huyện, thành phố lựa chọn được lãnh đạo Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh tới thăm hỏi, tặng quà nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ thì mức quà tặng là 02 triệu đồng/người và Tết Nguyên đán hằng năm là 03 triệu đồng/người (trong đó tiền mặt 02 triệu đồng, phần quà bằng hiện vật trị giá 01 triệu đồng).

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Sáng ngày 27/12/2022, tại Công viên thiếu nhi (Phường 1), Hội Chữ thập đỏ thành phố Cao Lãnh phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức Lễ phát động "Tết nhân ái" Xuân Quý Mão 2023. Các hoạt động "Tết nhân ái" năm 2023 không chỉ dừng lại ở việc tặng quà mà còn đa dạng, linh hoạt hơn với các hình thức như trợ giúp xây nhà mới, vui Tết cùng người bệnh, tặng thẻ BHYT, học bổng cho học sinh… Chung tay mang đến một cái Tết đầm ấm cho người nghèo. Tại Lễ phát động, các doanh nghiệp, mạnh thường quân đã ủng hộ 03 tấn gạo cùng 2.200 phần quà đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hội Chữ thập đỏ Thành phố sẽ phân bổ đến mỗi xã, phường từ 80 đến 100 phần quà để tổ chức trao cho người dân. Dịp này, Công ty xăng dầu Đồng Tháp đã tặng 100 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt.

Hội chữ thập đỏ huyện Tân Hồng vừa phối hợp với Trung tâm huyết học truyền máu Cần Thơ tổ chức hiến máu đợt 3 năm 2022. Đợt này, huyện Tân Hồng có trên 300 người tình nguyện đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo. Sau khám sàng lọc, test nhanh các mẫu bệnh... đã có hơn 234 người đủ điều kiện sức khỏe hiến máu, với số lượng thu về hơn 234 đơn vị máu. Trong số những người tham gia hiến máu lần này có tình nguyện viên tham gia hiến máu 33 lần. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên, thông qua đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ những nỗi đau với người bệnh. Đồng thời, đây cũng là nghĩa cử cao đẹp thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Buổi hiến máu tình nguyện đã tổ chức đảm bảo theo yêu cầu đề ra và tạo sự lan tỏa về ý nghĩa, mục đích của việc hiến máu cứu người. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Tân Hồng đã tổ chức 3 đợt hiến máu với 819 người đăng ký tham gia hiến máu và đã thu về 819 đơn vị máu. Số máu này không chỉ giúp cho người bệnh thoát khỏi cơn hiểm nghèo mà còn giúp cho Ngành Y tế giải quyết khó khăn về tình trạng thiếu máu trong cấp cứu người bệnh.

Vừa qua, Tổ công tác đối thoại chính sách giảm nghèo huyện Tân Hồng phối hợp với UBND các xã, thị trấn có các buổi đối thoại chính sách trực tiếp với hơn 450 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn Huyện. Tại đây, đại diện Tổ đối thoại chính sách giảm nghèo huyện và các phòng, ban, ngành liên quan đã phổ biến các chính sách về tín dụng ưu đãi, giáo dục, y tế, công tác đào tạo nghề, bảo trợ xã hội, nhà ở… Qua đó, các hộ dân tham gia phát biểu bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, cũng như nêu lên những khó khăn trong cuộc sống và mong địa phương có những giải pháp hỗ trợ để có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về kinh phí để xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, xét cấp nền nhà cho hộ nghèo, vay vốn để sản xuất, giảm lãi suất vay vốn, các chính sách hỗ trợ với người già neo đơn, giảm học phí cho con em tới trường, BHYT… Những ý kiến của người dân đã được các ngành liên quan ghi nhận và trả lời một cách thỏa đáng. Đối với một số vấn đề chưa giải quyết được trong buổi đối thoại, Đoàn ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Qua việc đối thoại trực tiếp đã giúp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nắm bắt cụ thể điều kiện hoàn cảnh, mong muốn, những khó khăn trong tiếp cận với các chính sách hỗ trợ người nghèo, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo nguồn lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Ngày 20/12/2022, Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ huyện Tam Nông tổ chức triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) năm 2023. Theo đó, năm 2023 sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐG nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG trong các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện BĐG tại cơ sở. Lồng ghép tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan đến BĐG, VSTBCPN từ huyện đến cơ sở trong các chương trình của đơn vị thành viên Ban VSTBCPN. Tiếp tục tổ chức kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, công tác BĐG, VSTBCPN tại các xã, thị trấn. Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong tháng hành động vì BĐG từ 15/11 đến 15/12/2023. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2023 và những năm tiếp theo. Dịp này, nhiều tập thể và cá nhân đã được UBND Huyện khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác vì sự tiến bộ của Phụ nữ và bình đẳng giới năm 2022.

Sáng ngày 08/12/2022, Ban vận động hiến máu tình nguyện huyện Lai Vung cùng Trung tâm Huyết học và Truyền máu Cần Thơ tổ chức hiến máu đợt 4 năm 2022 với chủ đề "Hiến giọt máu đào, trao đi sự sống". Ban vận động hiến máu tình nguyện Huyện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn Huyện tham gia. Qua khám sàng lọc, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được 233 đơn vị máu. Được biết, từ đầu năm đến nay Hội Chữ thập đỏ Huyện đã tổ chức 04 đợt hiến máu và tiếp nhận được trên 1000 đơn vị máu. Qua đó, có thể cung cấp cho các bệnh viện nhiều đơn vị máu, phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân khi cần thiết.

Ngày 25/12/2022, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Tháp Mười tổ chức Hội thi tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn Huyện. Có 14 đội tham gia Hội thi, mỗi đội 07 thành viên đến từ 13 xã, thị trấn và Công an Huyện. Với nội dung xoay quanh các vấn đề về Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các đội sẽ trải qua 03 phần thi gồm: Tự giới thiệu, Trắc nghiệm kiến thức và Hiểu ý đồng đội. Kết thúc Hội thi, Đội xã Thạnh Lợi xuất sắc đạt giải Nhất, Đội Công an Huyện đạt giải Nhì và xã Đốc Binh Kiều đạt giải Ba. Hội thi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bình đẳng giới trên địa bàn Huyện; đồng thời giới thiệu các quy định pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng tuyên truyền công tác bình đẳng giới, giúp cán bộ cơ sở có kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, các văn bản liên quan đến bình đẳng giới.

Trong 02 ngày 24 và 25/12/2022, huyện Tháp Mười tổ chức Giải thể thao truyền thống học sinh phổ thông năm 2022. Gần 700 vận động viên là học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn Huyện tham gia thi đấu. Các vận động viên tranh tài ở 4 môn thi đấu gồm: Bóng đá, bóng chuyền, bơi lội và điền kinh. Đối với môn điền kinh, vận động viên thi đấu ở các thể loại: Bật xa tại chỗ, chạy ở các cự ly, nhảy cao, nhảy xa và đẩy tạ. Đây là dịp để cho các vận động viên là học sinh trên địa bàn Huyện tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Trong năm 2022, Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười tham mưu UBND Huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số trên địa bàn. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 đạt chỉ tiêu đề ra, không để tồn đọng vắc xin tại đơn vị. Các chương trình tiêm chủng mở rộng và dân số kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính đến giữa tháng 12/2022 toàn huyện xảy ra trên 870 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 786 ca so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận trên 280 trường hợp mắc bệnh, tăng 02 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. UBND Huyện đề nghị Trung tâm Y tế Huyện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Tiếp tục theo dõi, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ trực tuyến trên lĩnh vực y tế theo tiếu chí Nông thôn mới nâng cao. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ tiêm chủng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các chương trình của ngành y tế. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, duy trì 100% Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2022, Trung tâm y tế huyện Cao Lãnh đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức; thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tổ chức trong công tác phòng chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ khống chế dịch bệnh không để lan rộng; công tác khám chữa bệnh luôn duy trì thực hiện tốt; thực hiện đúng quy trình và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng; công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 70%; tổng số lượt khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế Huyện là 115.871 lượt người, tại Trạm y tế là 145.915 lượt người. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 cơ bản hoàn thành. Để hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt hiệu quả. Trong năm 2023, Trung tâm y tế Huyện tiếp tục phòng, chống dịch bệnh, hạn chế mắc và tử vong do các dịch bệnh gây ra; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo cung ứng các dịch vụ y tế cho người dân trên địa bàn; chú trọng nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản của người dân; thực hiện hiệu quả các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, quản lý y tế trường học; truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có lợi cho người dân trong việc phòng bệnh bảo vệ sức khoẻ; đảm bảo về nhân lực và tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và các chương trình y tế… UBND Huyện đề nghị ngành y tế quan tâm đến mô hình y tế gia đình, khám sức khoẻ từ xa, tỷ lệ người dân được quản lý sức khoẻ; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo, y bác sỹ, nhân viên y tế; tham mưu tốt cho Huyện uỷ, UBND Huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người, công tác khám chữa bệnh…

Trong năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm của huyện Cao Lãnh sau học nghề từ 75 - 80%, thu nhập trung bình từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/người/ngày, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững ở địa phương. Có 262/200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 131% kế hoạch (Nhật Bản 250, Hàn Quốc 12); 209 lao động đang học định hướng; còn 08 lao động chưa về nước khi hết hợp đồng lao động. Thông qua các Tổ tư vấn việc làm xã, thị trấn đã giới thiệu việc làm cho 7.615/7.500 lao động, đạt 101,5% kế hoạch. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Kết quả đến cuối năm 2022 có 1.200 hộ nghèo, chiếm 2,26%; 2.230 hộ cận nghèo, chiếm 4,20%. Thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 205 hộ nghèo vay vốn, với số tiền 7 tỷ 781 triệu đồng. Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Tết vì người nghèo" của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Huyện; các tổ chức chính trị - xã hội Huyện tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, hội viên giúp nhau làm kinh tế, tiếp tục duy trì các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Các địa phương, các cơ quan liên quan trong Huyện cần triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động năm 2023 và những năm tiếp theo; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; bám sát địa bàn, quản lý chặt chẽ biến động về hộ nghèo, hộ cận nghèo để có sự hỗ trợ phù hợp; triển khai thực hiện tốt công tác vận động xây dựng quỹ Vì người nghèo; đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững năm 2023.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ